Thanh Hóa: Nghè làng Mỹ Lộc thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục  

Vũ Xuân Bân

28/05/2021 10:20

Theo dõi trên

 Đối với các làng xã nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - cái nôi của văn hóa người Việt - Thành hoàng là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Thờ cúng Thành hoàng cũng giống như thờ cúng tổ tiên, nó mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện quan niệm “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Đất nước ta đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập, tưởng như đạo Hiếu trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng không còn cơ sở tồn tại, vì làng xã ở nông thôn có những biến đổi sâu sắc. Song, điều đó đã không xảy ra và thậm chí có chiều ngược lại, nó vẫn được bảo tồn và phát huy. Phải chăng đó là giá trị vĩnh hằng trong đời sống tinh thần của người Việt !

nghe-my-loc-1622170493.jpg

Tác giả bài viết (bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng ông từ Nguyễn Văn Viện trông coi nghè làng Mỹ Lộc dựng tạm trên nền nghẽ cũ, mái thấm dột có nguy cơ đổ sụp.

Thành hoàng (chữ Hán: 城隍) là vị thần được tôn thờ chính trong đình, nghè làng Việt Nam. Vị thần này dù có hay không có họ tên & lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó.

Theo Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá bằng chữ nho, lập ngày 24 tháng 2 năm Thiệu Trị 7, tức năm 1847 (dưới triều Nguyễn), cách nay 174 năm,  thì Nghè làng Mỹ Lộc thờ Đông Hải Linh ứng Huệ trạch Hoằng Hiệp Quảng nhuận (tức Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục).

Bên cạnh thờ Đông Hải Linh ứng Huệ trạch Hoằng Hiệp Quảng nhuận, cũng theo Hương ước cổ nói trên còn ghi: Nghè làng Mỹ Lộc còn phối thờ cùng Kim Đồng Ngọc Nữ trinh tĩnh thuần nhất hiển Tú Bà.

Hiện nay, dân làng hầu như không còn ai nhớ tường tận, nghè làng Mỹ Lộc xây dựng vào năm nào, thờ cúng Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục là người như thế nào? Vì không có ghi chép lại, dân làng chỉ truyền nhau bằng miệng, tam sao thất bản, những thế hệ về sau càng hiểu lơ mơ, dẫn đến ứng xử không đúng đối với di tích, di sản văn hoá.

wp-20190603-07-45-12-pro-1622170601.jpg

Ông từ Nguyễn Văn Viện đứng cạnh tường nghè làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định khắc chữ được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định 098/08 VHTTDL ngày 23/3/1999 của Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Thanh Hoá.

Sau khi có bản dịch Hương ước cổ từ chữ Nho sang tiếng Việt năm 1997, thì nghè làng Mỹ Lộc có vào thời Vua Thiệu Trị 7 (1847), cách nay 174 năm. Vậy hai nhân vật mà nghè làng Mỹ Lộc thờ là như thế nào?

Nhân vật được thờ ghi trong Hương ước cổ làng Mỹ Lộc là Đông Hải Linh ứng Huệ trạch Hoằng Hiệp Quảng nhuận (tức Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục). Dân làng Mỹ Lộc đã rước chân hương từ nhà thờ Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương (nay thuộc thị xã Sầm Sơn – Thanh Hóa) về lập nghè thờ Thần Hoàng làng.

Theo Bách khoa toàn thư  (vi.wikipedia.org): Đông Hải Đại Vương (chữ Hán: 東海大王) hay Nguyễn Phục (阮復) hay còn gọi Phục Công (復公) hiệu là Tùng Giang tiên sinh (松江先生) là một vị quan thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông quê Thôn Đông, xã Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).

Đời vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hòa 11 (năm 1453), ông thi đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Quý Dậu, năm 20 tuổi, được vua phong chức quan Hàn lâm kiêm Vương phó (thầy dạy học cho các vương tử). Vốn thông minh, tài đối đáp, ông được vua Lê Thánh Tông giao cho ba lần đi sứ nhà Minh. 

wp-20190603-07-20-44-pro-1622170749.jpg

Ông từ Nguyên Văn Viện đang thỉnh chuông để dân làng chắp tay khấn vái Thần Hoàng làng Mỹ Lộc.

Khi làm quan ông dốc lòng vì công việc, dù ở cương vị Đô lý tự khanh tra xét các vụ kiện, Vương phó, tham nghị binh chính hay Quan ty cẩm y vệ, cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các quan trong triều kính trọng, nể phục.

Ông có công tu sửa chùa cổ thờ Đại Thánh Pháp Vũ Đại Quang Vương Phật ở huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân. Đích thân ông đã dựng nhà ở làng Đặng Xá (nay thuộc huyện Kim Bảng, Tỉnh Hà Nam) để lo việc tu sửa chùa, thờ cúng các linh tích và giúp đỡ dân nghèo.

Khi vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh dẹp Chiêm Thành, Nguyễn Phục giữ chức Đô Chỉ Huy Sứ đốc vận chuyển quân nhu. Khi xuất phát đi tiếp tế quân lương gặp bão lớn ở cửa Lạch Trào (cửa Hới) Thanh Hóa, ông quyết định chờ tan bão mới đi, thuyền quân lương bị chậm vài ngày. Quân luật khép ông vào tội “Bất tuân quân lệnh”, xử tội chém vào ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần (1470). Ông được mai táng tại Nam Đường, nay là xã Quảng Trường, Sầm Sơn, Thanh Hóa. 

wp-20190603-08-00-32-pro-1622170962.jpg

Nền móng cũ của nghè làng Mỹ Lộc

Sách “Thần tích Việt Nam” ghi: “Sau khi chiến thắng giặc Chiêm Thành trở về ngang cửa Thần Phù, gặp sóng to, gió lớn, biển động dữ dội khiến cho đoàn thuyền của nhà vua không thể qua được. Đêm đó, nhà vua thao thức, tai nghe gió gào, sóng dậy, trằn trọc không sao ngủ được. Vua sực nhớ đoàn thuyền lương trễ hạn cũng là do sóng lớn gây ra. Trong lòng hối hận thương quan đốc lương bị thác oan... Trong lúc mơ màng, vua thấy ông nhung trang chỉnh tề đứng trước giường ngự tâu rằng:

"Kẻ hạ thần cảm ơn tri ngộ của bệ hạ nên dẫu thác linh hồn vẫn theo ra chiến trận, nay nhờ hồng phúc quốc gia, bệ hạ dẹp xong Chiêm hầu, hạ thần lại xin hộ giá khải hoàn".

Vua Lê chợt tỉnh, vừng đông đã hửng sáng, trông ra biển lặng sóng êm. Đại quân vượt biển trở về yên ổn. Vua Lê Thánh Tông truy phong Đốc lương quan Nguyễn Phục tước "Đại vương biển Đông Hải", lại hạ chiếu truyền cho thiên hạ, địa phương nơi nào ngày trước có nhà cửa của Phụ Công tại các làng xóm, thì cho dân rước sắc về lập đình thờ”. Vâng lệnh vua, đồng thời để tưởng nhớ công lao đức trạch của ông, nhân dân các vùng ven biển từ Quảng Bình đến Đình Định và một số nơi khác đã xin rước sắc, lập đình thờ tôn ông làm Thành hoàng, đời đời phụng sự.

wp-20190603-07-59-30-pro-1622171049.jpg

Dấu tích bậc đá tam cấp nghè cổ làng Mỹ Lộc .

Các triều đại sau đều sắc phong ông Nguyễn Phục hàng Thượng Đẳng Phúc Thần. Đời Lê Hiến Tông truy tặng “Văn Trung Chính Nghị”, triều Mạc phong thêm bốn chữ “Minh Đạo Hiển Ứng”. Vua Lê Dụ Tông ban sắc phong cho ông là phúc thần, tước Uy Linh Hiển Ứng Dực- Thánh Hộ Quốc Phù Tộ Bảo An Thượng Đẳng Thần (các vua triều Nguyễn về sau đều sắc phong gia tặng mỹ hiệu). 

wp-20190603-07-57-35-pro-1622171152.jpg

Những người lấy đá kê cột, hộc đá, tảng đá trang trí tại nghè làng Mỹ Lộc bị nhiều tai ương đem trả lại nghè.

Phi Vận Tướng quân Nguyễn Phục đã được các làng xã vùng ven biển, đầm phá trong cả nước thờ cúng. Theo tác giả bài viết “Thần tích vị tướng tải lương nơi cửa biển Tư Hiền, Thừa Thiên-Huế” đăng trên tạp chí Sông Hương số 295 (tháng 9-2013) thì chỉ tính riêng từ Đà Nẵng trở ra đã thống kê được 72 đền thờ ông Nguyễn Phục. “Riêng đối với miền Trung (từ vùng Quảng Trị) trở vào Nam, không những các làng ven biển mà cả các vùng đồng bằng, bán sơn địa... đều thờ cúng ông. Vì tất cả đều xem ông là vị phúc thần đã từng phù hộ cho người đi biển và những lưu dân theo đường biển vào Nam lập nghiệp”. Trong đó có các làng như: Làng Phú Xá; Xuân Phương (Quảng Xương - Thanh Hóa); Làng Vệ Yên (Quảng Thắng, Thanh Hóa); Làng Cổ Đà (Yên Phú - Yên Mô - Ninh Bình); Làng Đặng Xá (Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam); Làng Phương Bằng (Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương); Làng Đông ( Thanh Tùng, Thanh Miện, Hải Dương); Làng Thọ Am (Liên Ninh, Thanh Trì - Hà Nội),...

Tương truyền, Nguyễn Phục còn là thủy tổ của nghề chăn tằm. Nhiều làng quê ven các con sông lớn: sông Đáy, sông Nhuệ của tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) có nghề tằm tơ, canh cửi phát triển, cũng tôn vinh ông làm Thành hoàng của làng. 

wp-20190603-07-58-01-pro-1622171333.jpg

Ông từ Nguyễn Văn Viện chỉ vào hòn đá tảng do một vị người làng Mỹ Lộc, nguyên là cán bộ xã Định Tiến đem về nhà làm bệ rửa chân, bị nhiều tai ương, trước khi chuyển đi ở nơi khác, đã đem trả lại nghè.

Đến nay, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam còn lưu lại một di cảo chữ Hán "Đông Hải Đại vương sự tích" kể về sự tích của ông, không rõ tác giả và năm phát hành. Năm 2004, Ngô Đức Thọ, và Nguyễn Thuý Nga, Vũ Lan Anh, Nguyễn Đức Toàn đã khôi phục và kỹ thuật hóa bản in.

Tóm lại, Nguyễn Phục - một nhà khoa bảng, một công thần tiết nghĩa thời Lê (thế kỷ XV). Ông là người đức độ, dám chịu tội trước hành động của mình. Là người thương dân, thương quân, nhận những thiệt thòi về mình; làm bề tôi trung quân với vua, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lợi ích đất nước trước họa xâm lăng. Những di tích thờ ông  tại nhiều địa phương là địa chỉ giáo dục truyền thống tốt nhất cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Còn Kim Đồng Ngọc Nữ trinh tĩnh thuần nhất hiển Tú Bà là nhân vật mang tính truyền thuyết mà Hồng Kông (Trung Quốc) đã dựng thành bộ phim 5 tập đang lưu hành trên kênh Youtube.com. Phim Kim Đồng Ngọc Nữ là bộ phim dựa vào câu chuyện truyền thuyết về vị tiên Hắc Thạch Linh Đồng. Phim Kim Đồng Ngọc Nữ hài hước nhưng đầy hàm ý sâu sắc. Phim Kim Đồng Ngọc Nữ là câu chuyện xảy ra ở làng tỉnh Hà, vì bị tà ma thâm nhập do vị tiên Vạn Tiên Lão Tổ cai quản lười biếng, và sợ mất chức nên ông làm tà pháp để những người dân mê tín trong làng đốt nhiều hương khói. Khi phát hiện sự việc Linh Đồng đã ban bảo thạch xuống trần gian trấn áp tà ma. Vì sợ Linh Đồng làm bại lộ việc làm tà tâm của mình nên Lão Tổ đã giáng Linh Đồng làm người phàm tục....

dhyl15kdby-00-1622171414.jpg

Bộ tượng Kim Đồng Ngoc Nữ đứng bắng sứ. Nguồn: Internet

Hiện nay, người ta làm tượng Kim Đồng Ngọc Nữ đứng bằng sứ, đúc bằng đồng, chạm khắc bằng gỗ để bán, quảng cáo trên mạng internet.

Do thiếu hiểu biết của lãnh đạo địa phương những năm trước đây không coi nghè, đình, đền, phủ, chùa là di tích, di sản văn hoá, là công sức đóng góp của dân làng xây dựng nên mà coi đó là nơi cúng bái, phát sinh mê tín, dị đoan. Các nghè, đình, đền, phủ, chùa ở làng Mỹ Lộc và xã Định Tiến đã lần lượt bị phá từ những năm 60, 70 và 80 của thế kỷ trước. Hiện nay, nghè làng Mỹ Lộc chỉ còn trơ nền móng cũ.  

huong-uoc-1-1622171483.jpg

Trang 1 và trang 2 bằng chữ nho Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá được PGS TS Cung Khắc Lược (Viện Hán Nôm) dịch ra tiếng Việt từ năm 1997.

Trong dịp về nghỉ ở quê làng Mỹ Lộc, tôi được nghe dân làng kể rất nhiều chuyện, trong đó đáng chú ý nhất là họ thống kê những người ở nhà quả thực từ thời kỳ cải cách ruộng đất khi hoà bình lập lại trên miền Bắc sau năm 1954 đều chung số phận như những người phá nghè, đình, đền, chùa luôn gặp những tai ương, ốm đau, què quặt quanh năm, không ít trường hợp chết “bất đắc kỳ tử, “ vong gia bại sản”, con cháu không phát lên được mà đến nay vẫn cứ lụn bại.

Tôi sinh năm 1950, nay hơn 70 tuổi, lớn lên đã thấy nghè làng Mỹ Lộc sừng sững, uy nghi trên khuôn viên nghe nói rộng gần 3 ha, từng là nơi tôi đã học cấp 1 (từ lớp 1 đến lớp 4 – cuối những năm 50 của thế kỷ trước) nên rất nhiều kỷ niệm. Nghè làng Mỹ Lộc không chỉ là trường học mà còn từng có thời gian là trụ sở Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã Định Tiến. Rất tiếc những năm đó không có máy ảnh để chụp lưu giữ hình ảnh nghè này.

Tôi chỉ nhớ, nghè làng Mỹ Lộc có tiền bái và hậu cung với kiến trúc kiểu chữ công truyền thống (móng nền nghè hiện vẫn còn). Các bậc lên xuống nghè đều xếp bằng đá xanh nguyên khối. Trước là cổng tam quan hình cuốn rất đẹp. Trước cổng nghè là ao tụ thuỷ, phía bên phải ao là giếng nước ăn cùng một cây quéo và cây mít rất to. Xung quanh nghè là những cây duối (địa phương gọi là dưới) cao to cùng những cây dứa dại làm hàng rào bao quanh nghè. Trong khuôn viên của nghè, ngoài cây hoa đại, cây vạn tuế  ở trước nhà tiền bái còn có vài ba cây thông to cao vút. Những chiều hè về gió thổi thoảng qua, nhiều khi lá thông trên cao phát ra tiếng kêu vi vu nhè nhẹ thật là phong thuỷ hữu tình.

Tất cả những di tích, di sản đó đã bị phá sạch, chỉ còn trơ lại nền móng. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, chính tôi chứng kiến họ phá cổng tam quan lấy gạch xây chuồng lợn tập thể Hợp tác xã nông nghiệp. Tiếp theo sau đó, người đứng đầu xã ra lệnh phá nghè không phải người làng Mỹ Lộc mà người làng trên. Thấy dân làng Mỹ Lộc chần chừ, coi là linh thiêng, ông ta còn trèo lên mái nghè vạch quần đái xuống để mọi người không sợ, cứ thế mà phá sạch. Sau khi ra lệnh phá nghè, ông ta và gia đình lãnh đủ hậu quả tai ương cứ bỗng dưng ấp đến. Không lâu sau, ông ta bị bệnh tật đau đớn như bị giờ hành, chết trong khiểp đảm.

Từ thực tế đó, nhiều người khi phá nghè đã lấy vật liệu mang về nhà, sau đó bị tai ương ập đến, sợ quá đã đem ra nghè trả lại, thắp hương khấn vái cầu xin Thần Hoàng làng tha thứ.

Nhớ tới nghè xưa linh thiêng, linh nghiệm, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, dân làng Mỹ Lộc đã tự nguyện đóng góp dựng lên một gian nhà lợp ngói ngay trên nền móng gần hậu cung của nghè để ngày đầu tháng mồng Một và ngày Rằm giữa tháng đến thắp hương cầu may nhưng đến nay bắt đầu dột nát.

Do thiếu hiểu biết về lịch sử, dân làng Mỹ Lộc ra nghè thắp hương cứ khấn vái A di đà Phật liếng thoắng, mỗi người tụng niệm một phách. Trong bài viết “Những điều rút ra từ  Hương ước cổ làng Mỹ Lộc” phát trên Vanhoavaphattrien.vn ngày 26/5/2021 nêu rõ: “Nghè không phải là chùa. Nghè thờ Thần Hoàng làng. Còn chùa là thờ Phật. Khi thắp hương cúng ở chùa thì mở đầu bằng Adi đà phật. Còn khi cúng ở Nghè mở đầu bằng A di đà Phật là không chuẩn. Trong bản Hương ước cổ hướng dẫn cụ thể nội dung cúng bái tại Nghè làng Mỹ Lộc không có ghi A di đà phật, vì thế không thể tuỳ tiện, thiếu hiểu biết, hiểu biết không tường tận, đến nơi đến chốn, truyền nhau cúng bái sai nội dung dẫn đến mê tín dị đoan, sẽ bị Thần Hoàng làng quở trách”.

Mấy năm nay, dân làng Mỹ Lộc lại đóng góp quyết tâm khôi phục nghè như ngày xưa nghe nói đã huy động được gần một tỷ đồng. Theo tính toán muốn xây dựng lại nghè trên nền móng cũ như năm xưa phải cần ít nhất 3 tỷ đồng. Trong khi đó, làng chưa có những “đại gia” đóng góp lớn, chưa kêu gọi được mạnh thường quân hỗ trợ. Nghè làng Mỹ Lộc là di tích được xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định 098/08 VHTTDL ngày 23/3/1999 của Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Thanh Hoá. Làng xã chưa biết cách lập luận chứng, quan hệ với cơ quan chức năng như Phòng Văn hoá thông tin huyện Yên Định, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Thanh Hoá để hỗ trợ đầu tư cùng với đóng góp của dân làng để khôi phục lại nghè làng Mỹ Lộc, vì nghè dựng tạm đứng trước nguy cơ đổ sụp. Dân làng Mỹ Lộc nghèo chờ đợi đóng góp đến khi được 3 tỷ đồng phải  mất nhiều năm nữa.

Bạn đang đọc bài viết "Thanh Hóa: Nghè làng Mỹ Lộc thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục  " tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Chu linh ngoạid

Chu linh ngoạid

11:10 28/05/2021

Thêm hiểu biết về nhân vật lịch sử Nguyễn Phục. Phường Quảng Thắng TP Thanh Hoá có đường Nguyễn Phục khá đẹp đang tiếp tục được mở rộng.