Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 10)

PGS TS Cao văn Liên

18/09/2022 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 10

Yết Kiêu bị kéo lên mặt boong một chiến thuyền. Quân Nguyên vây dày đặc. Tiếng Tàu, tiếng Mông nghe chát chúa, Yết Kiêu không hiểu chúng nói gì. Phàn Tiếp nói với bọn lính:

-Thằng này rất khỏe mạnh, chúng mày hai thằng giữ khóa tay nó lại, cắt lưới ra và tước vũ khí của nó đi để bản tướng quân hỏi xem vì sao nó giỏi lặn như vậy!

Hai thằng lính khỏe mạnh khóa chặt tay Yết Kiêu, một thằng cầm dao rạch lưới và lột nó ra khỏi người chàng, một thằng khác cắt đứt dây thừng, tước đi con dao ngắn, đục, dùi đục và giẻ rách. Chung quanh bọn lính Nguyên-Mông vây chật chĩa giáo mác  vào chàng.

ch1-thuy-hai-1663417021.jpg

Tranh minh họa: Quân Trần dùng liên hoàn kế, truy kích Thoát Hoan. Nguồn: Internet

 

Phàn Tiếp bảo hai thằng lính:

-Thả nó ra không cần khóa tay nữa, nó không còn vũ khí, lại đang đứng giữa vòng gươm giáo sao mà thoát được.

Phàn Tiếp hỏi Yết Kiêu:

-Mày có phải là Yết Kiêu không?

 Yết Kiêu lắc đầu tỏ ý không hiểu nó nói gì và lấy ngón tay viết  vào lòng bàn tay.

Phàn Tiếp nói với Ô mã Nhi:

-Thằng này không nói được tiếng Hán nhưng nó biết chữ, nó muốn bút đàm.

Ô Mã Nhi bảo lính:

-Đem giấy mực ra cho nó!

Một tên lính chạy vào buồng thủy thủ, đem bút và giấy ra đưa cho Phàn Tiếp:

-Phàn Tiếp viết lại câu hỏi rồi đưa bút mực cho Yết Kiêu. Yết Kiêu viết và đưa cho Phàn Tiếp:

-Tao chính là Yết kiêu.

Phàn Tiếp viết câu hỏi tiếp:

-Mày có bí quyết gì mà lặn giỏi thế?

Yết Kiêu viết đáp lại:

-Mày hãy nhìn xuống sông, tao chỉ bí quyết lặn giỏi của tao cho mày xem.

Phàn Tiếp nói với Ô Mã Nhi. Sốt ruột muốn trông thấy bí quyết của Yết Kiêu, Ô Mã Nhi quát bọn lính ở mạn thuyền lui ra. Chỉ chờ có vậy Ýết Kiêu bằng một tốc độ phi thường lao như tên bắn ra khỏi chiến thuyền xuống sông lặn mất. Quân Nguyên bắn tên xuống nước như mưa theo hướng Yết Kiêu lặn mà không thấy xác chàng nổi lên.

Yết Kiêu đã thoát, chiến thuyền quân Nguyên -Mông lại có thể chìm. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp lo lắng mất ăn mất ngủ. Cuối cùng theo lệnh của Thoát Hoan, hai thủy sư đô đốc của quân Nguyên phải cho thuyền tản ra trên các dòng sông để tránh bị đánh chìm và để gây tội ác, phối hợp tác chiến với bộ binh, kỵ binh trên vùng sông nước đồng bằng sông Hồng.

3. Thấm thóat một mùa đông chiến tranh khốc liệt đã qua, mùa hè đã lại đến. Mùa hè thật sự là một sự khủng khiếp đối vối quân xâm lược. Cái nắng chói chang của xứ Đại Việt như đổ lửa xuống đầu quân Nguyên- Mông. Quân Nguyên-Mông  như phát điên bởi không khí nóng hầm hập thiêu đốt chúng. Đã thế lại còn bị đói khát hoành hành, lại bị chiến tranh du kích của Đại Việt tiêu hao chết dần chết mòn. Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đi tìm đoàn thuyền chở 70 vạn thạch lương của Trương Văn Hổ mà không thấy tăm hơi. Ô Mã Nhi hoàn toàn không biết 70 vạn thạch lương đã chìm xuống đáy Bái Tử Long nuôi cá, còn Trương Văn Hổ đã trốn về sào huyệt cướp biển của hắn là đảo Hải Nam. Tại Thăng Long Thoát Hoan đã nhìn thấy kết cục bi thảm đang chờ đợi hắn giống như cuộc chiến năm 1285. Thoát Hoan cho rằng ba mươi sáu chước chước chuồn là hơn. Y ra lệnh cho đoàn thủy binh của Ô Mã Nhi rút về Trung Quốc theo đường biển. Còn Thoát Hoan dẫn bộ binh rút về Vạn Kiếp, từ Vạn Kiếp y tháo chạy theo đường Lạng Giang theo hướng Ải Nam Quan.

 Quốc công Tiết Chế Hưng Đạo Vương đã sớm biết được đạo thủy quân Nguyên-Mông không có con đường nào khác để tháo chạy ngoài con đường qua sông Bạch Đằng để ra biển. Quốc Công huy động quân đội chuẩn bị trận địa tại dòng sông nổi tiếng này. Do địa thế quan trọng của mình, Bạch Đằng Giang luôn là tử địa, mồ chôn quân xâm lược phương Bắc. Năm 938, tại đây Ngô Vương đã tiêu diệt toàn bộ thủy binh của nhà Nam Hán, giết chết thái Tử Hoằng Thao, tổng chỉ huy quân xâm lược, kết thúc 1000 thống trị của phong kiến Trung Quốc đối với Đại Việt, giành độc lập dân tộc. Năm 981, thủy quân của vua Lê Đại Hành trên dòng sông này đã anh dũng chiến đấu, ngăn chặn thủy binh nhà Tống sang xâm lược, tạo điều kiện cho vua Lê Đại Hành tiêu diệt bộ binh địch, đập tan cuộc xâm lăng của nhà Tống vào Đại Cồ Việt.

Mùa hè năm 1288, quân đội Đại Việt từ tướng lĩnh cho đến quân sĩ đều bận rộn chạy đua với thời gian trong cuộc phản công tiêu diệt quân Nguyên -Mông đang tháo chạy về nước để khỏi bị đòn tiêu diệt thảm hại như trong cuộc xâm lược lần thứ 2 năm 1285. Tổng hành dinh của Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo như không có ngày và đêm. Các tướng lĩnh nhận nhiệm vụ cụ thể đều vội vã lên đường. Đạo nhận lệnh mai phục tiêu diệt 40 vạn  bộ binh địch rút chạy theo đường Thăng Long -Ải Nam Quan. Đạo nhận lệnh tập kích kỵ binh đi  từ Vạn Kiếp đến Bạch Đằng hộ tống đạo thuỷ binh. Đạo nhận lệnh mai phục bịt đường không cho thủy binh địch rút theo đường sông Gía ra biển mà buộc chúng phải rút theo sông Bạch Đằng để lọt vào trận địa bãi cọc của quân ta. Đạo nhận lệnh chuẩn bị trận địa bãi cọc, các bè hỏa công và mai phục ở các dãy núi đá vôi chung quanh cửa biển Bạch Đằng.

Yết Kiêu ở Tổng hành dinh của Hưng Đạo Vương nên công việc càng dồn dập đến chóng mặt. Chàng và Dã Tượng đã hộ tống Quốc Công Tiết Chế đi thị sát sông Bạch Đằng, các cù lao hai bên bờ sông như bãi núi đá vôi Tràng Kênh... để bố trí trận địa mai phục. Do tài bơi lặn, Yết Kiêu được đặc trách nghiên cứu địa hình, trực tiếp chỉ huy 3000 thủy quân đóng 3000 cọc nhọn ở cửa sông Bạch Đằng. Đây là một nhiệm vụ gian khổ nhất và gấp rút nhất mà chàng được tin cậy đảm nhận. Việc chế tác hàng nghìn cộc gỗ lim đầu bịt sắt nhọn đã được công trường quân đội đảm nhiệm hoàn thành và chuyển xuống cửa sông, mỗi cọc dài khoảng 2,5 trượng. Trong suốt hai tuần cuối tháng 3, Yết Kiêu và đội thủy binh do chàng chỉ huy đã lao động không quản ngày đêm, ngâm mình dưới nước, người lặn giữ thân cọc, người bơi trên sóng biển dùng vồ đóng cọc. Công sức của hàng nghìn thủy binh đã tạo nên một bãi cọc đóng nghiêng vào phía trong cửa sông, khi thủy triều lên thì ngập, khi nước triều rút thì cọc nhô lên vừa đủ xuyên thủng chiến thuyền địch. Chính bà hàng nước bến đò Rừng đã chỉ cho Quốc Công Tiết Chế rành rọt qui luật thời gian lên xuống của thủy triều để Người ra lệnh bố trí bãi cọc ngầm hoàn thiện. Đây sẽ là cạm bẫy và mồ chôn khổng lồ đối với đạo thủy binh hùng mạnh của kẻ thù xâm lược.

Tại Tổng hành dinh của Quốc Công Tiết chế ở Trúc Động, vào một buổi sáng, quân do thám phi ngựa về cấp báo:

-Dạ bẩm Quốc Công tiết chế, đạo quân thủy của Ô Mã Nhi đã từ  Lục Đầu Giang tiến theo sồng Kinh Thầy theo hướng đông, trên bộ có quân kỵ binh của Trình Bằng Phi hộ tống.

Quốc Công Tiết chế hỏi:

-Bộ binh của Thoát Hoan rút chưa?

Dạ, Bẩm Quốc Công, 40 vạn bộ binh của Thoát Hoan cũng đã bỏ chạy khỏi Vạn Kiếp theo đường Lạng Giang tới Ải Nam Quan.

Trần Hưng Đạo nói với các tướng:

-Tất cả đã nằm trong tầm tính toán và bố trí của ta rồi. Quân Thát lần này thua to hơn hai lần trước. Lệnh cho các tướng kiên quyết tiêu diệt địch nhưng khi chúng đã đầu hàng thành tù binh thì không được giết hại chúng.

-Dạ.

Tại Tổng hành dinh, Quốc Công Tiết chế theo dõi chặt chẽ tình hình chiến sự khắp Bắc kinh thành cho đến miền Đông Bắc để chỉ đạo. Ba hôm sau quân thám mã lại về báo:

-Dạ Bẩm Quốc Công, Thủy binh địch đến ngã ba Đụn đã bị thủy binh của Thái Thượng Hoàng (Trần Thánh Tông) và Thiên tử (Trần Nhân Tông) đánh cho một đòn chí mạng đang tháo chạy về Trúc Động. Kỵ binh bị quân ta phá cầu không ra được Đông Triều đã phải quay lại Vạn Kiếp rút chạy theo đường bộ với Thoát Hoan.

Quốc Công Tiết chế có vẻ trầm ngâm:

-Lệnh cho thủy binh ta kiên quyết nghi binh và đánh chặn, không cho thủy binh địch rút theo đường sông Giá ra biển, bằng mọi giá phải lừa cho địch rút theo sông Bạch Đằng để vào trận địa cọc của ta.

-Dạ, rõ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 10)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn