Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 38)

PGS TS Cao Văn Liên

16/10/2022 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 38.

Một đặc điểm nổi bật trong trận thủy chiến lần này là thủy quân Tây Sơn phải đọ sức với các chiến hạm Pháp và các chiến hạm Bồ Đào Nha. Ăngghen đã nhiều lần chỉ ra rằng phương thức sản xuất của xã hội như thế nào thì đẻ ra phương thức tác chiến và vũ khí tác chiến như thế ấy. Vào thế kỷ thứ 18, chủ nghĩa tư bản đã được xác lập ở châu Âu trên cơ sở sản xuất công nghiệp tiên tiến thì ở phương Đông còn trì trệ trong chế độ phong kiến lạc hậu với nền sản xuất tự nhiên. Điều đó dẫn đến vũ khí tác chiến chiến hạm của phương Tây tiên tiến hơn vũ khí chiến thuyền của các nước phương Đông. Trong khi tàu của một số nước phương Tây chạy bằng máy hơi nước thì ở phương Đông chiến thuyền vẫn chèo bằng sức lực của chiến sĩ.

dvh4q1a-1665824628.jpg

"Đại Nam thực lục tiền biên" ghi: Năm 1782 đem vài trăm chiến thuyền vào cửa Cần Giờ, tham dự trận thủy chiến ở sông Thất Kỳ giang. Dù thủy quân Nguyễn Ánh đã có 2 tàu Tây và người Tây chiến đấu dũng cảm như Emmanuel, song cũng không địch nổi thủy quân Tây Sơn. Tranh minh họa: Nguồn: Internet.

 

Để quyết đánh bại cách mạng Tây Sơn, thiết lập lại chế độ phong kiến phản động, Nguyễn Ánh đã không từ một thủ đoạn nào. Nguyễn Ánh đã ra sức mua vũ khí tối tân, tàu bè của bọn tư bản phương Tây và thuê cả chuyên viên quân sự người Âu Châu giúp đỡ về phương diện kỹ thuật. Những chiến hạm Tây Âu với các sĩ quan Pháp, Bồ Đào Nha có mặt trong hàng ngũ thủy quân Nguyễn Ánh là những cố gắng trong lĩnh vực đó. Nhưng tất cả đều không cứu Nguyễn Ánh khỏi thất bại trước sức mạnh của quân đội cách mạng Tây Sơn. Bất chấp những chiến hạm bằng đồng có tốc độ nhanh, có gắn nhiều đại bác cỡ lớn, thủy quân Tây Sơn lợi dụng sức gió và sức nước tấn công ào ạt, dũng cảm tiếp cận bám sát chiến thuyền Nguyễn Ánh và chiến hạm của các sĩ quan Âu Châu. Tinh thần tấn công dũng mãnh với lối đánh dũng cảm tiếp cận của thủy quân Tây Sơn đã làm cho đại bác và tàu chiến của Âu Châu mất hết tác dụng chiến đấu, không phát huy được ưu thế hỏa lực. Ngược lại với lối đánh dũng cảm tiếp cận thủy quân Tây Sơn đã phát huy hết tính năng chiến đấu của vũ khí đánh hỏa công vốn rất lợi hại của thủy quân Tây Sơn lúc đó. Loại hỏa hổ thủy chiến này của thủy quân Tây Sơn vốn đã làm cho quân Nguyễn khiếp sợ và đã từng làm cho các sĩ quan ngoại quốc kinh hoàng, giờ càng phát huy tác dụng trước lối đánh dũng cảm táo bạo đó. Kết quả là thủy quân của Nguyễn Ánh tan vỡ, các tàu đồng tối tân Âu Châu cũng phải hoảng sợ tháo chạy, thậm chí chiến hạm gắn 10 đại bác do tướng Pháp Ma-nuy-en chỉ huy là một chiến hạm lớn cũng bị thủy quân Tây Sơn đốt cháy và Ma-nuy-en phải bỏ mạng. Trong trận thủy chiến Cần Giờ năm 1782 này, thủy quân Tây Sơn với tinh thần dũng cảm tuyệt vời nên đã phát huy cao độ vũ khí sẵn có của mình và đã đánh bại tàu chiến vũ khí kỹ thuật tối tân tiên tiến nhất của chủ nghĩa tư bản Tây Âu. Thủy quân Tây Sơn đã nêu cao chân lý con người là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh chứ không phải là vũ khí.

*

*        *

Thất bại năm 1872 thật thảm hại nhưng tàn quân phản động của chúa Nguyễn chưa hết. Giai cấp phong kiến Chúa Nguyễn mặc dù đã bị lật đổ, bị đập nát tơi bời nhưng không bao giờ từ bỏ âm mưu phản công lại cách mạng, mong khôi phục lại địa vị thống trị đã mất. Sau khi đại quân Tây Sơn vừa rút khỏi Gia Định được một tháng thì Chu Văn Tiếp  là tướng của Nguyễn Ánh trốn ở vùng núi Lương Sơn lại ra hoạt động, tập hợp tướng sĩ đang tan tác khắp nơi và phản công chiếm lại Gia Định. Tướng Tây Sơn Đỗ Nhân Trập phải mở đường máu chạy về Quy Nhơn. Chu Văn Tiếp cho người đón Nguyễn Ánh trốn ở đảo Phú Quốc về. Nhóm cố đạo Bá Đa Lộc cũng lục tục về theo. Để đối phó với cuộc tiến công sắp tới của quân đội Tây Sơn, Nguyễn Ánh ra sức tăng cường lực lượng phòng thủ Gia Định, sai đóng chiến thuyền gấp rút khôi phục lại thủy quân. Tuy vậy do thất bại của hai lần trước, lần này lực lượng của Nguyễn Ánh yếu đi nhiều và so với quân đội Tây Sơn Nguyễn Ánh đã mất ưu thế. Vì vậy, Ánh phải tập trung toàn bộ thủy quân, lục quân về phòng thủ Gia Định. ở phía Nam sông Gia Định, Ánh bố trí đồn Thảo Câu do tướng Dương Công Trừng đóng giữ. Phía Bắc sông có đồn Giác Ngư do tướng Tôn Thất Mẫn chỉ huy. Giữa hai đồn được nối với nhau bằng một chiếc cầu phao qua sông. Trong lòng sông, Ánh sai cắm đầy cọc vót nhọn. Trên sông lúc nào cũng dàn sẵn hơn 100 chiến thuyền làm lực lượng cơ động tác chiến do tướng Chu Văn Tiếp chỉ huy. Đặc biệt ở phía ngoài, Nguyễn Ánh bố trí một con rồng cỏ và nhiều bè hỏa công để đốt cháy thủy quân Nguyễn Huệ. Như vậy so với những năm trước, lần này Nguyễn Ánh mất tính tích cực tương đối, chuyển sang phòng ngự đơn thuần. Dù vậy, Nguyễn Ánh đã cố gắng tìm ra cách phòng thủ mới để đối phó với cuộc tấn công của Tây Sơn. Địa thế phòng ngự có lợi cho quân Nguyễn, khu vực phòng ngự rất hẹp, lại tăng binh lực chiến thuyền, công sự, kết hợp giữa bộ binh và thủy binh để tác chiến phòng thủ. Nguyễn Ánh tổ chức phòng thủ ở đoạn sông hẹp nhằm hạn chế sự cơ động của thủy quân Tây Sơn, khiến Tây Sơn không sử dụng được nhiều chiến thuyền đột kích, được Nguyễn Ánh đặt hy vọng rất nhiều ở kỹ thuật đánh hỏa công có thể phá tan được thủy quân Nguyễn Huệ.

Sự cố gắng tuyệt vọng không cứu cho Nguyễn Ánh khỏi thất bại lần thứ hai. Tháng hai năm Quý Mão (1783), thủy quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ tiến vào cửa biển Cần Giờ rồi ngược dòng tiến vào Gia Định. Sau khi nắm chắc được kế hoạch phòng thủ và kế hoạch đánh hỏa công của quân Nguyễn. Ngày 20 tháng 3 năm 1873 vào lúc nước thủy triều dâng lên, gió thuận chiều từ biển thổi vào rất mạnh, Nguyễn Huệ cho hai đội chiến thuyền tấn công vào phòng tuyến Gia Định. Đội chiến thuyền thứ nhất do tướng Nguyễn Văn Kim chỉ huy đánh đồn Giác Ngư ở phía Bắc sông Gia Định, đội chiến thuyền thứ hai do đô đốc Lê Văn Kế chỉ huy đánh vào đồn Thảo Câu ở bờ Nam. Nguyễn Huệ chỉ huy đại đội chiến thuyền tiến vào sau. Thủy quân Tây Sơn rầm rộ tiến đánh, cờ đỏ rợp trời, chiến thuyền như bay trên mặt nước. Một đội chiến thuyền của quân Nguyễn do tướng Lưu Thú Thăng chỉ huy ra nghênh chiến rồi bỏ chạy đã nhử thủy quân Tây Sơn vào khu vực đánh hỏa công để tiêu diệt theo kế hoạch của Nguyễn Ánh. Âm mưu của Nguyễn Ánh và các tướng lĩnh chúa Nguyễn không thể thắng được tài dùng binh của Nguyễn Huệ, một nhà quân sự thiên tài biết lợi dụng triệt để yếu tố thiên thời địa lợi để diệt địch. Chiến thuyền Tây Sơn xuất phát vào lúc nước triều lên, gió thuận chiều và càng tiến gió càng thổi mạnh, sóng dâng càng cao. Được chiều gió, chiến thuyền Tây Sơn ào ạt đánh thẳng vào khu vực hỏa công của địch rất mãnh liệt. Giám quan Tô, tướng điều khiển hỏa công của quân Nguyễn hốt hoảng theo kế hoạch đã định vội vàng hạ lệnh phóng hỏa công hòng đốt phá chiến thuyền Tây Sơn để ngăn chặn bước tiến. Nhưng ngược chiều gió, các bè hỏa công cháy rừng rực lại trôi về đốt phá chiến thuyền quân Nguyễn rất dữ dội, không tài nào dập tắt được.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 38)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn