Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)

PGS TS Cao Văn Liên

11/12/2021 08:41

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chuy-q-1b-1639186568.jpg
Thái úy Lý Thường Kiệt có tài dùng binh đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 6.

Khi binh thuyền Tống đã lọt hết vào sông Đông Kênh, thốt nhiên bị hàng trăm chiến thuyền Việt chặn đánh phía trước. Tên có lửa bay như sao sa bắn vào chiến thuyền quân Tống. Ở phía Đông, trên các đảo quân Việt dùng máy bắn đá, tên có lửa, tên không lửa dội như mưa vào chiến thuyền quân Tống. Thuyền Tống bốc cháy ngùn ngụt, hàng nghìn thủy binh chết gục trên thuyền hoặc xác lăn xuống biển. Trên bờ phía Tây, 2 vạn lính thủy đi bộ cũng bị phục binh Việt bắn tên, sau đó xông ra chém giết. Phút chốc, 2 vạn quân Tống chết quá nửa, số còn lại vội tháo chạy xuống thuyền. Trong khi đó, máy bắn đá của quân Việt trên bờ nã như mưa xuống thuyền quân Tống. Không cần chờ lệnh của Dương Tùng Tiên, số chiến thuyền đi sau do Hòa Mân chỉ huy vội quay đầu và chạy ngược lại hướng Bắc thoát thân. Dương Tùng Tiên cũng vội bỏ đoàn thuyền lương và hàng vạn quân sĩ mở đường máu chạy ra biển chạy thoát. Đạo thủy binh Tống hầu hết bị tiêu diệt với 4 vạn quân, còn khoảng 100 chiến thuyền mấy ngày sau Dương Tùng Tiên mới tập trung lại được rồi về biển Khâm Châu cố thủ. Dương Tùng Tiên hỏi một tùy tướng:

-Tướng thủy sư Đại Việt nào vừa đánh bại ta vậy?

Viên tùy tướng đáp:

-Dạ, đó là tướng Lý Kế Nguyên, dòng dõi hoàng tộc nhà Lý.

Dương Tùng Tiên thở dài:

-Có Lý Thường Kiệt, lại có Lý Kế Nguyên, chủ soái Quách Quỳ phen này lại bại trận rồi. Chúng ta đã quên bài học của Hầu Nhân Bảo năm 981 rồi. Than ôi!!!

Rồi Dương Tùng Tiên cùng các tùy tướng nằm chờ vua Tống xử theo quân luật trong nổi buồn trên bờ biển Khâm Châu…

*    *

   *

Cùng ngày 18-1-1077, trong khi đạo thủy binh Tống do Dương Tùng Tiên chỉ huy đang rời cảng Khâm Châu thì trên bộ 10 vạn quân chiến đấu, 20 vạn phu phen vác lương thực do Quảng Nam Tuyển Phủ Sứ Quách Quỳ làm chủ soái, Ngoại lang bộ lại Triệu Tiết làm phó soái đã tiến đến gần biên cương Đại Việt. Quách Quỳ và Triệu Tiết đi trung quân, Yên Đạt, Trương Thế Cự đi tiên phong, Vương Mân, Lý Tường, Tư Kỷ đi hậu quân, Miêu Lý, Vương Tiến đi tả hữu trung quân. Khắp không gian biên cương hai nước núi non trùng điệp cao thấp đủ hình thù, chỉ giống nhau là cùng một màu xanh xám màu cây lá và trắng xóa màn sương mong manh. Vài đàn chim chao cánh trên nền trời xám. Quân đi rùng rùng, gươm giáo sáng lòa, cờ vàng rợp trời đất, hàng vạn con ngựa khua móng vang động trên đường, cất tiếng hí vang lừng, cát bụi chinh yên bay mù mịt.

Quách Quỳ đang suy nghĩ mông lung trước mùa chiến tranh u ám, bỗng có thám mã của đạo tiên phong về báo:

-Bẩm chủ soái, bắt đầu vào đất của Đại Việt, vào quan ải đầu tiên là ải Quyết Lý. Quân Đại Việt bắt đầu chiến đấu chống lại. Đại tướng Tư Kỷ đang giao chiến với địch.

Quách Quỳ hỏi:

-Cờ của chủ soái quân Việt mang tên gì?

-Dạ, bẩm chủ soái, cờ mang chữ “Phò mã áo chàm Thân Cảnh Phúc”.

Quách Quỳ nói:

-Đó không phải là quân chủ lực của Lý Thường Kiệt, đó là dân binh người Tày do Thân Cảnh Phúc chỉ huy.

Quách Quỳ hỏi Triệu Tiết:

-Sao Thân Cảnh Phúc là người Tày lại được phong phò mã?

Triệu Tiết đáp:

-Nhà Lý của Đại Việt thường gả công chúa cho các tù trưởng người dân tộc để họ trung thành và giữ biên cương cho triều đình. Thân Cảnh Phúc nay là Tri Lạng Châu. Họ Thân đã ba đời là phò mã nhà Lý, rất trung thành với triều đình Đại Việt.

Quách Quỳ bảo tên thám mã:

-Bảo tướng Tư Kỷ đánh mạnh vào, quân ta đông phải áp đảo để tiêu diệt Thân Cảnh Phúc.

-Dạ, tuân lệnh chủ soái.

Quân Viêt đã diệt hàng nghìn tên địch do dùng cung nỏ bắn từ xa nhưng thế giặc rất mạnh, Thân cảnh Phúc phải lui về giữ ải Chi Lăng. Quân Tống do Tư Kỷ chỉ huy tấn công vào ải. Một cánh quân khác do Yên Đạt, Thế Cự đi vòng phía Tây núi Cai Kinh đánh phía sau. Quân Việt trên sườn núi dùng cung nỏ và máy bắn đá tiêu diệt quân Tống, dùng 100 thớt voi xung trận. Quân Tống bị thiệt hại khoảng 5000 quân. Nhưng địch quá đông. Thám mã về báo cho Thân Cảnh Phúc:

-Dạ bẩm Tri châu, quân Tống đang vòng sau núi Cai Kinh chuẩn bị bao vây chúng ta.

Thân Cảnh Phúc ra lệnh:

-Tất cả rút về động Giáp để đánh du kích tiêu hao sau lưng quân địch, hỗ trợ cho Phụ quốc Thái úy ở mặt trận sông Cầu.

Thân Cảnh Phúc rút khỏi ải Chi Lăng nhưng với khoảng 1, 5 vạn dân binh tiến hành đánh phá sau lưng địch là một nỗi kinh hoàng cho Quách Quỳ sau này.

Quách Quỳ và Triệu Tiết tiến xuống Vũ Ninh, trên đường đi lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, cánh quân của đại tướng Nhâm Khởi đã từ Châu Yên Bang đánh lên Tô Mậu, thủ lĩnh Vi Thủ An đã đầu hàng quân ta. Nhâm Khởi đã tiến xuống hữu ngạn sông Lục Nam và đến núi Nham Biền, bảo vệ cánh hữu của quân ta.

Quách Quỳ nói;

-Tốt lắm.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ soái, cánh quân của đại tướng Khúc Trân đã vào châu Quảng Nguyên, đánh xuống Môn Châu, thủ lĩnh Hoàng Kim Mãn, Lưu Kỷ, Sầm Khánh Tân đã đầu hàng quân ta. Tướng Khúc Trân đang tiến xuống bảo vệ sườn cánh tả cho chủ soái.   

Quách Quỳ nói:

-Tốt lắm, các phòng tuyến 1 và 2 của Lý Thường Kiệt đã sụp đổ. Chờ thủy binh tới ta sẽ vượt sông Cầu, đập nát phòng tuyến cuối cùng của Đại Việt, tiến thẳng vào Thăng Long. Ha!ha!ha!...

Quân Tống tràn xuống bờ Bắc sông Cầu, nhằm vào đoạn dễ vượt sông nhất là đoạn sông Như Nguyệt và hồ Vạn Xuân ở phía Đông. Trong khi chờ thủy binh tới, Quách Quỳ cho đóng quân thành hai doanh trại tạo thế ỷ dốc để hỗ trợ cho nhau. Hành doanh thứ nhất ở về phía Tây khoảng 5 vạn quân và 5000 ngựa, đóng trên đất Hiệp Hòa do phó soái Triệu Tiết chỉ huy. Doanh trại phía Đông gồm 4 vạn quân, 5000 ngựa, cách trại Triệu Tiết 60 dặm. Khoảng cách giữa hai doanh trại có hai cứ điểm trên đồi cao là đồi Phượng Hoàng và núi Tiên, mỗi cứ điểm 2000 quân, hỗ trợ và thông báo tình hình cho hai bản doanh.

Sau khi ổn định quân doanh, Quách Quỳ cùng các tùy tướng đi đến bờ Bắc sông Cầu thị sát phòng tuyến bờ Nam của quân Đại Việt. Quách Quỳ và các tùy tướng thấy đó là một bức thành đắp bằng đất sét nén chặt như một con đê cao sừng sững, chạy dài từ Chân núi Tam Đảo đến bến Vạn Xuân ở phía Đông, gần sát với sông Lục Đầu. Phòng tuyến này dài 200 dặm, che chắn toàn bộ phía Bắc Thăng Long và toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng của Đại Việt. Trên thành, Lý Thường Kiệt còn cho đóng tre thành nhiều tầng, dưới bãi sông bùn lầy là những chông tre và sắt nhọn nhô lên tua tủa, không cho quân Tống bơi sông mà lội vào được. Trên mặt chiến lũy, Quách Quỳ và các tùy tướng còn thấy 10 doanh trại quân Việt, cờ bay phấp phới, vũ khí tua tủa, có cả máy bắn đá sẵn sàng nhả đạn. Giữa các trại lính là một doanh trại lớn màu xanh, trên nóc có lá cờ đề chữ “Soái” đang bay phấp phới. Quách Quỳ biết đó là Tổng hành doanh của Lý Thường Kiệt, một con người đã làm chấn động Trung Hoa và triều đình nhà Tống bởi cuộc hành quân “Tiên phát chế nhân” cuối năm 1075, cho đến nay, triều đình nhà Tống vẫn còn kinh hoàng khiếp đảm. Quách Quỳ nhìn xa xa. Hồ Vạn Xuân và sông Lục Đầu Giang tận chân trời phía Đông Nam, thấp thoáng bóng cờ và thuyền chiến của thủy binh Đại Việt, nghe nói do hai hoàng tử nhà Lý là Hoằng Chân và Chiêu Văn, con của Lý Thái Tông chỉ huy. Quách Quỳ quan sát kỹ chiến lũy và chiến thuyền của quân Việt, thốt nhiên một nỗi lo sợ nung nấu làm toàn thân Quách Quỳ muốn khịu xuống, trái tim bỗng đau thắt khó thở. Quách Quỳ biết ông được Tống Thần Tông tín nhiệm cử đến chiến trường Đại Việt là một điều không may rồi, trách nhiệm quá nặng nề, khó có thể hoàn thành, thậm chí còn bỏ mạng như Hầu Nhân Bảo ngày xưa.

Quá nóng lòng chờ thủy binh đến để vượt sông, chợt thám mã từ miền Đông Bắc về báo cho Quách Quỳ:

-Bẩm chủ soái, không hay rồi, Đạo thủy binh của tướng Dương Tùng Tiên đã bị tướng Lý Kế Nguyên của Đại Việt đánh bại, còn vài chục chiến thuyền, 1 vạn quân rút về Khâm Châu cố thủ rồi ạ.

Quách Quỳ kinh hoảng:

-Hả, có đúng không, thế còn đoàn thuyền lương ở đâu?

-Dạ, tin chính xác ạ. Đoàn thuyền lương đã bị quân Việt đánh lấy hết rồi ạ.

-Bị phục binh ở đâu?

-Dạ, ở đảo Vân Đồn, người Việt gọi là sông Đông Kênh ạ.

Quách Quỳ nổi giận:

-Thằng Tiên sao ngu vậy, sao không vòng ra biển xa tránh con sông đó rồi vòng vào sông Bạch Đằng mà đi, lại còn chui vào “Quỷ Môn Quan” đó làm gì?

-Dạ, mạt tướng không rõ ạ.

-Cút.

-Dạ.

Quách Quỳ biết không có thuyền vượt sông nữa, 10 vạn hộc lương cũng mất, bèn suy nghĩ cách vượt sông tiến đánh bờ Nam phòng tuyến quân Việt để nhanh chóng tiến về Thăng Long. Nếu chiến tranh kéo dài, quân Tống sẽ chết đói và sẽ thất bại. Thấy chủ soái lao tâm suy nghĩ, Vương Tiến nói:

-Bẩm chủ soái, mạt tướng sẽ đem quân đánh phía Như Nguyệt, thu hút sự chú ý của quân Việt để tướng quân Miêu Lý vượt phòng tuyến ở gần Tam Đảo, nơi quân Việt có thể sơ hở.

Quách Quỳ nói:

-Thôi cũng đành thử xem.

Vương Tiến đóng bè bằng tre, dùng 5000 quân đánh vào đoạn sông Như Nguyệt trong đêm. Quả nhiên đã thu hút quân Việt hai trại gần đó về hướng quân Tống tấn công. Tên đạn, máy bắn đá của quân Việt bắn trả quyết liệt. 5000 quân Vương Tiến chết quá nửa dưới sông. Dựa thời cơ đó, 2000 quân Tống đi bè sang, dùng thang có mấu sắt quăng thang lên phòng tuyến mà trèo lên. 2000 quân tràn sang bờ Nam. Miêu Lý ra lệnh:

-Tiến về Thăng Long thì sẽ lập công lớn.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Nhưng quân Miêu Lý đã bị quân Việt phát hiện và bị truy kích. 2000 quân Tống lạc đường đến Yên Phụ thì bị dân binh đổ ra đánh tiêu diệt hết. Một mình Miêu Lý mở đướng máu thoát, bơi qua sông Cầu trở về được doanh trại. Tổng cộng cuộc tập kích này quân Tống thiệt hại 7000 quân.

(Còn nữa)

CVL

                                           

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn