Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 36)

29/06/2022 17:11

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 36.

Trần Xuân Soạn chỉ vào một thanh niên trẻ tuổi ngồi ở cuối ghế bên ngoài:

Đây là em trai ta Trần Xuân Huân, còn trẻ nhưng rất nhiệt tình với phong trào Cần Vương chống Pháp.

  Người thanh niên hơi giống quan Đề đốc vội đứng dạy khoanh tay:

-Tại hạ xin kính chào các bác, các chú.

  Mọi người đáp lễ:

-Xin chào, xin chào, quý hóa quá, còn trẻ đã có lòng vì dân, vì nước.

Trần Xuân Huân đáp lễ:

-Đa tạ, đa tạ.

bao-th-1656497402.jpg
Vị trí xây dựng chiến lũy của Khởi nghĩa Ba Đình vào những năm 1886 - 1887. Nguồn: baothanhhoa.vn

 

Trần Xuân Soạn nói tiếp:

-Thưa các ngài, các ngài đã làm quen với nhau. Bây giờ chúng ta bàn về việc phát triển phong trào Cần Vương chống Pháp. Hiện nay chúng ta đã có một số căn cứ, căn cứ của ngài Cầm Bá Thước ở Thung Voi, Thung Khoai ở miền Tây Thanh Hóa, Căn cứ Mã Cao ở Thiệu Yên của ngài Hà Văn Mao, căn cứ Phô Hai ở Hà Trung của ngài Tống Duy Tân và ngài Cao Điển, căn cứ Vĩnh Lộc, thượng nguồn sông Mã của ngài Tống Duy Tân. Các ngài thấy đó, các căn cứ của chúng ta hầu hết ở trung du và miền núi. Chúng ta phải có căn cứ ở đồng bằng để chi viện, hỗ trợ cho các căn cứ miền núi, tránh bị giặc bao vây chia cắt giữa đồng bằng với miền núi. Chúng ta phải làm cho các căn cứ miền núi gắn với căn cứ đồng bằng thì phong trào Cần vương mới phát triển vững chắc.

  Ngừng một lát, Trần Xuân Soạn nói tiếp:

-Căn cứ ở miền đồng bằng nhưng vẫn phải bảo đảm địa thế hiểm trở, giặc pháp khó tấn công để ta đánh chúng. Các ngài quê ở đồng bằng như Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa xem ở nơi nào có thể đạt được cả hai tiêu chuẩn không. Đồng bằng nhưng hiểm trở, gắn liền với các căn cứ ở trung du, miền núi không?

  Đinh Công Tráng nói:

-Quê tại hạ ở Hậu Lộc, giáp với Nga Sơn nên biết ở Bắc Nga Sơn có một vị trí rất hiểm yếu. Nằm giữa sông Hoạt và sông Chính Đại chảy qua Nga Sơn có một cánh đồng rất trũng, nước ngập tạo nên đầm mênh mông. Trên đầm, nổi lên giữa một vùng ngập nước là ba đảo tạo nên ba làng, làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ và Mỹ Khê. Ba làng này cách biệt với nhau. Ta xây dựng căn cứ ở đây sẽ có một vị trí rất hiểm yếu. Đầm và các dòng sông chính là các hào lũy thiên nhiên bảo vệ. Vị trí này Tây-Bắc giáp huyện Hà Trung, án ngữ trên tuyến giao thông quan trọng Bắc-Nam, ta sẽ kiểm soát, chặn con đường từ miền Bắc vào miền Trung, kiểm soát các tuyến giao thông quan trọng trong vùng. Ở phía Tây, căn cứ ba làng này có thể liên hệ dễ dàng với căn cứ Mã Cao, với Hà Trung, với các căn cứ khác ở miền núi.

  Phạm Bành nói:

-Đại nhân Đinh Công Tráng nói đúng. Ba làng giữa đầm lầy đó còn gọi là Ba Đình vì mỗi làng có một cái đình, địa thế hiểm trở, lại ở đồng bằng nối liền trung du và miền núi thì không nơi nào có được như Ba Đình.

  Trần Xuân Soạn nói:

-Vậy ta thay mặt  hoàng thượng Hàm Nghi, quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết giao cho các đại nhân, đứng đầu là Ngài Phạm Bành, ngài Đinh Công Tráng, ngài Hoàng Bật Đạt đứng ra tổ chức chỉ huy xây dựng căn cứ Ba Đình. Xây xong căn cứ, các ngài đứng ra chiêu mộ, xây dựng lực lượng nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa. Các ngài Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt sẽ là thủ lĩnh của phong trào Cần Vương tại Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa.

  Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bạt Đạt và mọi người đều nói:

-Chúng tôi tuân lệnh quan Đề đốc.

-Đa tạ, đa tạ.

  Dường như cuộc hội ngộ sắp kết thúc, Nguyễn Đôn Tiết chủ nhà đứng lên nói:

-Kính mời quan Đề đốc và các đại nhân chạm với nhau chén rượu, mừng cuộc hội ngộ của các anh hùng Cần Vương Thanh Hóa.

  Mọi người chắp tay nói:

-Đa tạ, xin đa tạ.

Vào bữa cơm, Trần Xuân Soạn nâng chén nói:

-Thay mặt hoàng thượng Hàm Nghi, quan phụ chính Tôn Thất Thuyết, ta cảm tạ các đại nhân đã về dưới ngọn cờ Cần Vương giúp vua cứu nước.

-Đa tạ, đa tạ ngài Đề đốc.

Mọi ngươi vui vẻ cạn chén đến quá chiều.

                                              *       *

                                                   *

Mùa hạ năm 1886, buổi sáng trời trong veo, một vài áng mây bay lượn trên thinh không, theo gió mây xiêu dạt đi lang thang và biến thành muôn hình thù kỳ quái. Nắng rải xuống khắp vùng Nga Sơn, Thanh Hóa, cây lá xóm làng xanh mượt, đung đưa theo gió. Những ruộng lúa nặng trĩu bông đang ngả màu vàng báo hiệu một vụ chiêm đang tới gần. Dòng sông Hoạt và sông Chính Đại lững lờ đưa nước về Đông.

  Suốt một tháng nay, vùng ba làng Thượng Thọ, Mỹ Khê, Mậu Thịnh, gọi chung là Ba Đình ngày nào cũng ồn ào, bận rộn, tấp nập. Sau mùa gặt tháng năm khô ráo, nước đầm vơi đi, các thủ lĩnh Cần Vương Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Nguyễn Khế đã về vận động nhân dân ba làng xây dựng căn cứ chống Pháp, giúp hoàng thượng Hàm Nghi cứu nước. Các thủ lĩnh đã cấp tiền cho nhân dân và khuyên người già, phụ nữ, trẻ em tản cư sang các làng bên cạnh như Xã Liễn, Nghi Vinh, Tuân Đạo, Ngọc Lâu, Phúc Thọ, Nga Bàng… cư ngụ, còn trai tráng ở lại xây dựng căn cứ và gia nhập nghĩa quân chống giặc. Mỗi làng hai huyện Tống Sơn và Nga Sơn phải nộp 30 cái rọ lợn to, 100 cây tre, 10 gánh rơm, còn huy động nhân lực của hai huyện Nga Sơn và Tống Sơn xây dựng căn cứ. Trước tiên là đào hào chung quanh ba làng, hào rộng 4m, sâu 3m, đất hào đào lên, ở mỗi làng đắp lên ba cái thành, tường thành cao 3m, chân thành rộng 8m. Trên mặt thành đặt hàng nghìn cái rọ lợn bằng tre trong đựng bùn đất. Chân thành có nhiều lỗ châu mai chĩa nhiều súng từ bên trong ra để bắn vào kẻ tấn công. Phía ngoài sát tường thành trồng những lũy tre gai dày đặc. Ngoài lũy tre là hào bao quanh rộng 4m, cách mặt hào 5m cắm chông dày đặc trên một diện rộng tới 50m. Trong thành có hệ thống giao thống hào chữ chi chiến đấu để hạn chế thương vong. Toàn bộ thành lũy dài 1.200m, rộng 400m.

  Mùa mưa, căn cứ trở thành ba cái đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông tách biệt với các làng. Ba Đình nằm giữa hai con sông Hoạt và sông Chính Đại. Hai sông trở thành hai hào nước thiên nhiên bao bọc ba làng, cách xa những thôn xóm khác.

  Các làng phía Bắc như làng Tuân Đạo, Nghi Vinh, Ngọc Lâu, Phúc Thọ cũng cách Ba Đình 3 km. Phía nam Ba Đình có con đường nhỏ chạy đến làng Nga Bàng. Mùa hè nếu không đóng cống Hói ngăn nước, cứ cho nước sông tràn vào thì khu đầm Ba Đình thành một biển nước mênh mông. Ba Đình thành một pháo đài muốn đi lại phải dùng thuyền.

  Trong mỗi làng còn cho xây dựng nhiều đồn binh, mỗi đồn khoảng 300 tay súng. Các đồn trong mỗi làng có chiến hào nối với nhau để vận động chiến đấu.

  Ngoài khu vực đầm nước, Ba Đình có đặt các trạm quan sát chung quanh như trạm Tuần Đạo phía bắc, trạm Xa Loan, Thổ Hoàng phía đông, trạm Trí Ca, Làng Gụ phía nam, trạm Nga Thôn, Nga Bàng phía tây-nam. Ba Đình còn đặt một số trạm có tín hiệu thông tin, nếu có giặc đến thì dùng mõ hoặc đốt lửa báo hiệu.

  Căn cứ ba Đình do Đinh Công Tráng chỉ huy xây dựng, nhưng thiết kế xây dựng là tướng Nguyễn Khế. Ông là tổng công trình sư của công trình.

  Sang tháng 7, Ba Đình lại thêm nhộn nhịp tuyển quân, chọn trai tráng vào hàng ngũ nghĩa quân. Số quân Ba Đình sau tuyển quân lên gần 3.000, gồm thanh niên các dân tộc Kinh, Mường Thái. Tuyển quân xong, các thủ lĩnh Cần Vương Thanh Hóa đứng đầu là Đề đốc Trần Xuân Soạn về thị sát Ba Đình. Đó là các thủ lĩnh Nguyễn Quý Yên, Nguyễn Phương, Lê Ngọc Toản, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Tôn Thất Hàm, Nguyễn Đôn Tiết, Nguyễn Hiệu Tri, Trần Xuân Huân, Ôn Lam, Kỳ Thượng, Nguyễn Khế...Nắng mùa hè ban mai rực rỡ, cây cối xanh tươi. Trần Xuân Soạn và các thủ lĩnh Cần vương bắt đầu khảo sát từ thành Hạ ở làng Mậu Thịnh rồi theo con đường  độc đạo nối ba làng về thành Trung ở làng Mỹ Khê ở phía đông-nam, gần như đối diện đông-tây với thành Hạ, từ con đường đó dẫn lên phía bắc thì tới thành Thượng ở làng Thượng Thọ. Cả ba thành đều kiên cố, hỗ trợ cho nhau, có thể đánh Pháp từ mọi phía. Cả ba căn cứ tạo thành hệ thống cứ điểm. Cả ba chìm trong màu xanh  của tre gai, tre gai bao phủ một màu xanh kín mít và thanh bình nếu như  không có chiến tranh, không có sự xâm lăng của Pháp. Từ căn cứ Thượng Thọ, Trần Xuân Soạn và các thủ lĩnh lên mặt thành Thượng, phóng tầm mắt nhìn ra bốn hướng. Ba Đình như cô đảo giữa biển nước mênh mông, có nơi sâu tới 10m. Gió nồm nam thổi mạnh, những làn nước theo gió phập phồng nổi sóng bạc long lanh. Bao quanh “Biển Hồ” là đê của con sông đào: Sông Chính Đại, sông Hoạt, có cửa cống Hói để xả nước ra, dẫn nước vào. Đê và những con sông là những hào của thiên nhiên bảo vệ cho Ba Đình. Không xa ở phía nam và phía bắc là những làng thôn của Nga Sơn xanh mướt, quanh co uốn lượn dưới trời nắng gió. Xa hơn nữa là núi Thúc, núi Nga Chân có đặt trạm thông tin báo tín hiệu cho Ba Đình mỗi khi có giặc. Tín hiệu thông tin là gõ mõ và đốt lửa. Những ngọn cờ vàng bay phấp phới trên thành Thượng, trên những nóc đồn như vẫy chào. Trên trời, một vài đám mây trôi lang thang, biến ảo muôn hình thù quái dị. Vài đàn chim cò vạc bay trên trời cao. Vài đàn chim ri bé như quả cau bay sà xuống các lũy tre. Ba Đình thật thanh bình nhưng Trần Xuân Soạn nghĩ rằng không lâu sẽ thành chiến trường khốc liệt. Ông càng thêm căm thù giặc dữ mang tai họa cho đất nước, cho quê hương thanh bình, yêu dấu của ông. Sự giận dữ của ông sau đó biến thành sự đau xót cho tình cảnh đất nước, cho hoàn cảnh hiện tại của hoàng thượng Hàm Nghi đang ngày đêm gian khổ ở rừng núi hoang vu vì dân, vì nước. Suy nghĩ của Trần Xuân Soạn bị ngắt quảng bởi tiếng nói của Phạm Bành:

-Trưa rồi, xin kính mời Đề đốc cùng các vị xuống sảnh đường dùng rượu. Chiều Đề đốc còn chủ trì cuộc họp bố trí lực lượng phòng thủ Ba Đình, đánh giặc.

  Trần Xuân Soạn đáp:

-Đa tạ Tán lý quân vụ.

  Rồi ông theo Phạm Bành đi xuống. Các thủ lĩnh Cần Vương cũng lục tục theo sau đi xuống rồi vào sảnh đường của thành Thượng.

                                 

*       *

                                                     *

            

  Sau bữa cơm trưa, các thủ lĩnh Cần Vương họp ngay do tình hình khẩn cấp, quân Pháp có thể tấn công Ba Đình bất cứ lúc nào. Trần Xuân Soạn ngồi ghế chủ tọa, hướng ra cửa sảnh đường. Kê vuông góc ở giữa với bàn của Trần Xuân Soạn là hai chiếc bàn lớn, hai bên 4 chiếc ghế tràng kỹ gỗ lim lớn khảm trai màu nâu bóng. Ngồi hai bên bàn là những gương mặt quen thuộc trong cuộc họp ở Đồng Biên Vĩnh Lộc tháng 8 năm 1886. Ngoài ra còn có thêm Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Nguyễn Khế, một số thủ lĩnh ở Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hà Trung, Nông Cống. Sau một tuần trà, Trần Xuân Soạn nói:

-Ta và các đại nhân đã thị sát căn cứ Ba Đình. Chỉ trong một tháng mà quân và dân hai huyện Tống Sơn, Nga Sơn đã hoàn thành một khối lượng công trình lớn lao: Đào hào, xây thành đắp lũy, xây ba thành chính kiên cố, ngoài ra còn hàng chục đồn lũy, cắm chông, trồng hàng nghìn mét lũy tre, đào hàng nghìn mét hầm chữ chi trong thành… Ba Đình là một chiến lũy kiên cố nhất của phong trào Cần Vương Thanh Hóa. Bách tính ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh đã tự nguyện dời đi, nhường làng cho xây dựng căn cứ, lại còn đóng góp nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm, cho con em đóng góp nhân lực lao động ngày đêm xây dựng, Xây xong căn cứ, lại cho con em gia nhập nghĩa quân cầm súng giết giặc. Nghĩa quân có trai tráng người Kinh, người Mường, người Thái. Điều này nói lên lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết cứu nước của bách tính Thanh Hóa. Thay mặt hoàng thượng Hàm Nghi, quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết, ta xin cảm tạ trước tấm lòng cao cả, hy sinh vì vua, vì nước của bách tính Thanh Hóa, bách tính hai huyện Nga Sơn, Tống Sơn, bách tính ba làng Mậu Thịnh, Mỹ Khê, Thượng Thọ. Cũng xin cảm tạ các ngài văn thân, sĩ phu, chí sĩ và các ngài thủ lĩnh Cần Vương Thanh Hóa đã về tụ nghĩa, đứng dưới lá cờ đại nghĩa, cứu nước.

  Trần Xuân Soạn ngừng lại uống ly trà và nói tiếp:

-Nay thay mặt hoàng thượng Hàm Nghi và quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, ta ra lệnh:

-Tán lý quân vụ Phạm Bành.

-Có hạ quan.

-Tán lý quân vụ là người lĩnh trách nhiệm nặng nề, là lãnh đạo tối cao tại căn cứ Ba Đình.

-Hạ quan tuân lệnh.

  Ngài Đinh Công Tráng nghe lệnh.

-Có thuộc tướng.

-Nay ta phong ngài là chỉ huy quân sự trực tiếp tại căn cứ Ba Đình, đồng thời trực tiếp chỉ huy tác chiến tại Đại Đồn, tức thành Thượng ở làng Thượng Thọ.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Ngài Tán lý quân vụ Hoàng Bật Đạt nghe lệnh.

-Có thuộc tướng.

-Nay ta phong ngài là Phó Đề đốc, trực tiếp chỉ huy tác chiến tại thành Hạ (đồn Hạ) ở làng Mậu Thịnh.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Ngài Nguyễn Khế nghe lệnh:

-Có thuộc tướng.

-Nay phong ngài là Phó Đề đốc, trực tiếp chỉ huy tác chiến ở thành Trung (đồn Trung) thuộc làng Mỹ Khê.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Ngài Nguyễn Đôn Tiết nghe lệnh.

-Có thuộc tướng.

-Nay phong ngài làm phó Đề đốc, trực tiếp chỉ huy việc tiếp tế lương thực, lo súng đạn, vũ khí cho Ba Đình.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Đề đốc Định Công Tráng nghe lệnh:

-Hiện nay, ba đình có tới hàng nghìn nghĩa quân, ta nghĩ ngài chọn lấy 1.000 nghĩa quân khỏe mạnh, tinh nhuệ trang bị cho họ súng hỏa mai, súng kíp, tạc đạn. 1.000 nghĩa quân chia thành 10 cơ, mỗi cơ 100 lính do một Hiệp quản chỉ huy. Chọn 10 Hiệp quản giỏi dang là thuộc quyền của Đề đốc. Ngay ngày mai, giặc chưa đến thì phải cho rèn luyện. Ngoài ra ngài phải chú ý tổ chức mạng lưới thám mã để nắm tình hình quân giặc, vọng gác từ xa phát tín hiệu khi giặc tấn công như trạm ở núi Thúc, núi Giá, tín hiệu có thể là gõ mõ, đốt lửa...

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Ngài Nguyễn Đôn Tiết nghe lệnh:

-Có thuộc tướng.

-Số nghĩa quân còn lại 2.000 do ngài chỉ huy, trong đó 1000 chuyển vận tiếp tế lương thực, 500 binh lính ngài sử dụng vào rèn, đúc vũ khí, 200 binh lính là nuôi quân và cứu thương. Mỗi một bộ phận ngài cử lãnh binh và Hiệp quản chỉ huy.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

  Trần Xuân Soạn nói tiếp:

-Ba Đình là một cứ điểm mạnh, hơn nữa Ba Đình không chiến đấu đơn độc. Phong trào Cần Vương của Thanh Hóa rất phát triển. Hiện nay dương cờ Cần Vương chiến đấu với Pháp có nghĩa quân của Tổng đốc Thanh Hóa Lê Nhu Rạng, Bố chính Ngô Xuân, của ông tuần Bất Ngộ ở Tĩnh Gia, của tri huyện Quỳnh, Tôn Thất Hàm ở nông cống. Còn có nghĩa quân ở Cổ Định và Nông Cống của Tán tương Lê Ngọc Toàn, nghĩa quân của Tán tương Nguyễn Văn Thoa ở Đông Sơn, nghĩa quân của Hà Văn Mao ở Mã Cao, Thiệu Yên, của Cầm Bá Thước ở Quan Hóa. Còn có nghĩa quân của Trần Xuân Soạn ở Quảng Hòa, Hoằng Hóa, nghĩa quân Cao Điển ở Phi Lai, Hà Trung, nghĩa quân của ngài Tống Duy Tân ở Vĩnh Lộc. Rất nhiều thủ lĩnh đã đem quân về với Ba Đình, còn các thủ lĩnh trên còn tác chiến ở các địa phương nhưng phải phối hợp chiến đấu với Ba Đình và Ba Đình cũng phải phối hợp chiến đấu với các địa phương thì mới có sức mạnh mà chiến thắng.

  Ngừng một lát, Trần Xuân Soạn nói tiếp:

-Trước mắt tạm thời như vậy. Chúc các ngài thu được nhiều thắng lợi. Đất nước, hoàng thượng Hàm Nghi, quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết đang mong đợi chiến thắng của chúng ta.

  Tất cả các thủ lĩnh đứng dậy chắp tay và đồng thanh nói:

-Chúng thuộc tướng xin tuân lệnh của Đề đốc.

-Đa tạ, đa tạ, hẹn ngày gặp lại.

-Đa tạ Đề đốc, đa tạ. Đề đốc thượng lộ bình an.

*     *

   *

Huế tháng 12 năm 1886, trời đang tiết mùa đông nên khi hậu lạnh lẽo, nắng rải nhạt nhẽo xuống khắp phố phường. Núi Ngự Bình xa mờ trong sương khói. Sông Hương vẫn vô tình lững lờ đưa nước ra cửa Thuận An. Những chiếc thuyền trên sông vẫn tháng ngày trôi vô định. Phía Nam sông Hương có con đường rợp mát bởi hàng chục cây cổ thụ lá xanh tươi, bóng lá bao trùm che lấp khung trời. Dân chúng Huế gọi đây là con đường Thủy Sư. Nổi bật dưới vòm tán lá là tòa nhà 5 tầng kiến trúc kiểu Pháp quét vôi trắng sang trọng, khác xa với kiến trúc kiểu Việt thời phong kiến. Đó là tòa Khâm sứ Pháp, cơ quan quyền lực nhất Trung Kỳ cai quản từ Thanh Hóa đến Bình Thuận theo sự phân chia của hiệp ước Pa tơ nốt năm 1884. Cơ quan này đặt trên cả triều đình Huế, quyền quyết định tất cả mọi công việc thay cho vương triều Nguyễn. Hoàng đế Đại Nam cũng chỉ là công chức ăn lương của tòa Khâm sứ. Một sáng tháng 12 năm 1886, Khâm sứ A Lếch xan đơ rơ đang ngồi trong căn phòng sang trọng, uống đã hết một cốc rượu săm pa nhơ, vừa đặt cốc xuống bàn thì có sĩ quan thùy thuộc vào báo;

-Dạ bẩm ngài Khâm sứ, theo tin ở phòng tình báo cho biết, phong trào Cần Vương không chỉ mạnh mẽ ở Hà Tĩnh, Nghệ An với khởi nghĩa Phan Đình Phùng mà đã lan ra bùng nổ khắp Thanh Hóa, mạnh nhất là cuộc nổi dậy ở Ba Đình, Nga Sơn do Phạm Bành và Đinh Công Tráng cầm đầu.

  Khâm sứ A Lếch xan đơ rơ hỏi:

-Bọn Phạm bành và Đinh Công Tráng lực lượng thế nào? Đánh phá những đâu rồi?

-Dạ, bẩm, Phạm Bành và Đinh Công Tráng đã xây dựng căn cứ Ba Đình cực kỳ kiên cố và hiểm trở ngay giữa đồng bằng nhưng liền với các địa bàn trung du, miền núi. Họ làm chủ con đường giao thông huyết mạch từ miền Bắc vào miền Trung. Tháng 10 năm 1886, nhiều đoàn xe của ta từ Thanh Hóa ra Bắc và ngược lại đã bị chặn đánh làm giao thông trên tuyến đường bộ Bắc -Nam bị tê liệt. Họ còn tập kích vào những toán lính của ta khi hành quân, giết nhiều binh lính và sĩ quan, gây cho ta nhiều thiệt hại.

  A Lếch xan đơ rơ than thở:

-Cả xứ Trung Kỳ nổi loạn chống lại chúng ta thật rồi. Cuộc nổi dậy lớn Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh chưa dập tắt thì lại bùng lên Ba Đình Thanh Hóa.

  Suy nghĩ một lát rồi A lếch xan  đơ rơ gọi:

-Lính đâu.

-Dạ.

-Đem giấy mực ra đây.

  Có giấy mực, A Lếch xan đơ rơ viết, xong bảo viên sĩ quan tùy tùng:

-Đưa cho phòng thông tin, bảo chuyển bức thư này cho đại tá Mét ni giơ, người cai quản quân sự ở Thanh Hóa.

-Dạ, tuân lệnh Khâm sứ.

-Còn nữa, hãy làm hai bản, bức thư này còn giao cho đại tá Đốt, người chỉ huy thủy binh và cai quản quân sự tỉnh Nam Định.

-Dạ, xin tuân lệnh.

  Trong hành dinh của mình ở trấn trị Thanh Hóa, đại tá Mét ni giơ nhận được thư của Khâm sứ Trung Kỳ A Lếch xan đơ rơ, Mét ni giơ mở thư đọc, thư viết: “Bản khâm sứ nhận được tin hiện nay Phạm Bành và Đinh Công Tráng ở Ba Đình Nga Sơn là một thế lực Cần Vương nguy hiểm nhất ở Thanh Hóa. Ngài hãy đem bộ binh của ngài kết hợp với thủy binh của đại tá Đốt ở Nam Định nhanh chóng xóa sổ căn cứ này để giữ yên nền bảo hộ ở Bắc Trung Kỳ”.(Huế 15-12-1886)

  Cùng thời gian trên, đại tá Đốt ở Nam Định cũng nhận được thư của Khâm sứ Trung Kỳ. Thư ra lệnh cho Đốt đem thủy binh phối hợp với bộ binh của Mét ni giơ ở Thanh Hóa tấn công tiêu diệt căn cứ Ba Đình.

(Cònnữa)
CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 36)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn