Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 20)

28/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.    

Kỳ 20.

Hai người bước ra bãi rộng, cúi chào Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu, một người dùng cây sáo 1m, một người dùng cây sáo 2m. Hai người lùi xa nhau, tay cầm ngang ống sáo, xuống tấn, bất ngờ họ cùng thét lên và lao vào nhau giao đấu. Bụi cuốn tung mù, trời đất như tối tăm, mù mịt. Hai người xoay tròn nhanh như chong chóng đến mức không trông thấy rõ hình thù của họ, chỉ thấy gió cuốn ào ào, cát dưới mặt đất bị cuốn tung lên như bão cát. Hai cây sáo chạm nhau tóe lửa, kêu lên như tiếng sét. Cả hai đã dùng 15 chiêu thức của võ sáo là “Thượng bộ hợp địch” cho đến “Hợp địch quy quyền” biến ảo khôn lường trong công và thủ. Công thì mạnh như bão gió, thủ thì kín như tường thành, trong đó đã sử dụng “Thập tam kiếm pháp”, 13 phép dùng đoản côn như dùng kiếm. Hai người đã dùng phép “Tiễn”, cả người và côn bay lên trời và lao xuống tấn công nhanh như chớp, lại dùng phép “Trừu”, dùng côn bổ xuống, đâm chém vào mạnh như núi đổ đá lao, lại biến hóa thành phép “Đồi”, đưa côn lên cắt cổ đối phương, khi đó ngọn côn nằm ngang chém vào mạnh như tên đạn.

ch1images-1658929760.jpg
Hoàng Hoa Thám thủ lĩnh kiệt xuất của khởi nghĩa Yên Thế. Nguồn: Internet.

 

Kết thúc cuộc đấu, hai võ sĩ trên không trung nhảy ra xa đối thủ và vẫn ở thế xuống tấn phòng thủ đề phòng đối phương tấn công bất ngờ. Sau đó hai người thu côn, tiến lại chào Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu. Phan Bội Châu nói:

-Thật là kỳ diệu, kỳ diệu.

Hai người lính đáp:

-Đa tạ, đa tạ Phan đại nhân.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Võ giỏi lắm. Đúng là “Thiết địch thần phong”. Nay phong hai người lên chức Đội.

-Đa tạ chủ tướng.

-Đa tạ chủ tướng.

Trên đường dẫn hai người ra tham quan đồn điền Phồn Xương, Hoàng Hoa Thám nói với Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu:

-Ngoài võ sáo “Thiết địch thần phong”, người Yên Thế của lão phu còn giỏi nhiều môn võ nghệ khác như "Ngọc nữ xuyên thoa", "Hồ  điệp song phi” mà vũ khí là cây trâm cài đầu của phụ nữ, món võ này dùng cho nữ giới kỳ bí, hữu dụng, hiệu quả chiến đấu cao. Vũ khí còn có “Thiết phiễn” là dùng cây quạt sắt che mưa, quạt mát nhưng khi cần có thể đâm, chém như gươm, rất thích hợp cho giới võ lâm chu du thiên hạ mang theo bên mình thuận tiện. Xưa vợ ba Cai Vàng còn có môn võ dùng hai cây đũa cả nấu và xới cơm lợi hại như hai thanh gươm, sau truyền cho nhà sư ở chùa Lèo, Yên Thế, nhà sư đã truyền dạy cho bà Ba Cẩn nhà tôi. Bà ấy rất tinh thông món võ này, từng dùng đũa cả đánh cho bọn lính Âu-Phi, cũng là những võ sĩ chạy dài khi chúng dám trêu ghẹo chị em Yên Thế.

 Phan Bội Châu nói:

-Bái phục, bái phục, thật là độc nhất vô nhị ở Yên Thế.

-Ta đi tham quan bên ngoài đồn Phồn Xương, xin mời Phan tiên sinh và công tử.

 Ba người rời thành nội, đi vào con đường giữa thành nội và thành ngoại. Hai thành là những tường đất chình, dầy cao lừng lững. Khoảng đất trống giữa hai thành là hào giao thông chằng chịt. Vòng thành ngoài uốn vòng cung ôm lấy thành nội đầy lỗ châu mai cao thấp. Hai người đi ra cổng chính của thành ngoài nhưng vẫn không nhìn thấy bên ngoài vì bị bức tường bên ngoài dầy và cao chắn. Muốn ra ngoài phải rẽ trái hoặc rẽ phải. Hai bên cổng có lính gác. Hai người lính bồng súng chào Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu. Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu chắp tay đáp lễ. Ra khỏi cổng, trước mắt Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu, trời đất không gian như được mở rộng, bạt ngàn bao la một miền trung du trù phú xanh tươi với những đồi chè Bản Ven, với làng xóm quanh co ẩn dưới những vườn cam, vườn bưởi, na, đặc biệt là vườn vải. Ở Yên Thế, cam Bố Hạ nổi tiếng khắp nơi. Phong cảnh còn nên thơ hơn khi giữa huyện là dòng sông Sỏi lững lờ trôi, hai bên là những ruộng lúa bạt ngàn đang mùa thu hoạch. Hoàng Hoa Thám nói với Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu:

-Kia là những nghĩa quân đang gặt lúa do họ gieo trồng làm lương thực, còn nhưng người dân cũng đang thu hoạch cho gia đình của họ. Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế không chỉ vì tự do độc lập mà còn để bảo vệ ruộng đất khỏi vào tay bọn địa chủ Pháp, bảo vệ nông dân Yên Thế khỏi sưu cao thuế nặng do thực dân Pháp đặt ra. Cho nên, người nông dân thuộc vùng kiểm soát của nghĩa quân có cuộc sống tương đối no đủ, bình đẳng, nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp phát triển. Vì thế, họ ra sức bảo vệ, giúp đỡ và gia nhập nghĩa quân, không quản hy sinh, tốn kém.

Ngừng một lát, Hoàng Hoa Thám nói tiếp:

-Trước đây, khu vực Yên Thế là hoang hóa, dân cư các nơi do nghèo đói, do chiến tranh, do trốn tránh sự áp bức bóc lột của chính quyền mà lưu lạc lên đây sinh cơ lập nghiệp, cũng là nơi hội tụ của các anh hùng hảo hán, cho nên người dân ở đây coi trọng tín nghĩa, trọng nghĩa kinh tài. Ngoài người Kinh, Yên Thế có đến bảy, tám dân tộc thiểu số nhưng coi nhau như anh em một nhà.

Phan Bội Châu nói:

-Đúng là “Tứ hải giao huynh đệ”.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Đúng như Phan tiên sinh nói. Về địa lý, Yên Thế đông giáp Hữu Lũng của Lạng Sơn, đông-nam giáp Lạng Giang mà ranh giới giữa hai huyện là con sông Thương, phía nam và tây nam giáp Tân Yên, tây-tây bắc và phía bắc giáp Thái Nguyên.     Theo tay chỉ của Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu nhìn xa xa. Xa mờ là núi Cai Kinh, rồi núi Bái Sơn vươn lên bầu trời mùa hạ chan hòa ánh nắng, phảng phất màn sương. Sông Sỏi, một nhánh nhỏ từ đầu nguồn sông Thương chia đôi Yên Thế, lững lờ đưa nước về xuôi. Miền trung du Yên Thế thật là một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ như xứ Nghệ Nam Đàn của ông. Con người ở đây suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp vẫn kiên cường bất khuất, sẵn sàng đương đầu với những tai họa mà quân xâm lăng ngoại quốc đang rình rập trút xuống bất cứ lúc nào.

Chiều xuống dần, mặt trời đang ngả về tây, cả vùng Yên Thế vàng rực và tím dần trong hoàng hôn. Thôn dã thanh bình, nhộn nhịp, tiếng xe bò lăn lóc cóc chở lúa về thôn, người đi phiên chợ chiều nhộn nhịp bước chân với những tà áo tứ thân bay trước gió. Xa xa có tiếng chó sủa, tiêng gà kêu, tiếng chim hót tạo ra khúc nhạc làng quê yên vui. Vài con diều bay lơ lững trên không trung, tiếng sáo vi vút tỏa khắp không gian như tiếng “Địch thần phong” với bài “Ánh trăng Phồn Xương” du dương, huyền ảo, đa tình. Chợt thấy một ngôi đền. Phan Bội Châu hỏi:

-Thưa tướng quân, kia là đền thờ ai đấy ạ.

Hoàng Hoa Thám đáp:

-Đó là đền Thề, nơi thờ các anh hùng nghĩa sĩ Yên Thế hy sinh trong những trận đánh giặc Pháp, cũng là nơi mỗi lần ra trận, lão phu và nghĩa quân làm lễ tế cờ ở đây.

-Tại hạ muốn vào thắp nén hương dâng lên các anh hùng nghĩa sĩ, được không, thưa tướng quân?

-Được mà, chúng ta cùng vào.

Cũng như bao ngôi đền khác của Đại Nam, đền Thề xây gạch, lợp ngói, bốn góc mái của chái có những đầu đao hình rồng nhô lên trời. Trên đỉnh nóc đền có hai con rồng dài chầu mặt nguyệt ở chính giữa. Đền có ba gian tiền ngang thông với gian hậu nằm dọc phía sau, bài vị câu đối sơn son thếp vàng lóng lánh, lư hương đồng vàng, những bát hương sứ trắng có rồng cuộn màu xanh. Ông từ giữ đền vội ra hành lễ:

-Chào Đề đốc tướng quân, chào hai đại nhân.

Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Nhu đáp lễ. Hoàng Hoa Thám nói:

-Đây là Phan Sào Nam tiên sinh từ Nghệ An ra, tiên sinh muốn thắp hương dâng lên nghĩa sĩ Yên Thế chúng ta.

-Đa tạ, đa tạ ngài, đa tạ tướng quân.

Người thủ từ đốt hương đưa cho Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu. Phan Bội Châu đặt lên bàn thờ 5 lạng bạc, cùng Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Khắc Nhu cầm hương cúi đầu hành lễ, khấn vái rồi cắm hương vào các bát hương. Xong, ba người cúi đầu chào cụ thủ từ rồi đi về Phồn Xương. Ngày mai, Phan Bội Châu đã cáo biệt nên tối hôm đó Hoàng Hoa Thám với  toàn thể gia đình và các tướng lĩnh Yên Thế đến dự tiệc. Phan Bội Châu trông thấy Đề đốc Phu nhân đem theo một bé gái mới khoảng 4 tuổi. Đứa bé bụ bẫm xinh đẹp chạy lon ton quanh phòng. Phan Bội Châu hỏi:

-Thưa Đề đốc phu nhân, đây là cháu thứ mấy của Đề đốc phu nhân với tướng quân ạ.

-Dạ, thưa Phan tiên sinh, nếu chưa tính con của chị cả, chị hai thì đây là đứa thứ nhất ạ. Cháu sinh năm 1901, tức nay đã 3 tuổi. Cháu tên là Hoàng Thị Thế ạ.

-Cháu ngoan quá. Chúc cháu hay ăn chóng nhớn, lớn lên giỏi giang như Đề đốc phu nhân.

-Đa tạ Phan tiên sinh. Tiên sinh ở lại Yên Thế chơi vài ngày nữa.

-Đa tạ Đề đốc phu nhân, công việc chuẩn bị lập Hội Duy Tân bận quá, rất tiếc là tại hạ chưa được xem Đề đốc Phu nhân biểu diễn bài võ “Ngọc nữ xuyên thoa”, “Hồ điệp song phi". Tiếc quá, thôi đành để dịp khác vậy.

-Đa tạ Phan tiên sinh, Yên Thế mong lại có dịp được đón Phan tiên sinh.

Đêm đó, mãi canh 2 tiệc tùng mới tàn. Khi còn lại Đề Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu ngồi uống trà đàm đạo, Đề Thám hỏi:

-Công việc lập Hội Duy Tân có thuận lợi không, thưa Phan tiên sinh?

-Thưa tướng quân, lần này tại hạ về chuẩn bị tiếp, sang năm sẽ lập Hội, sau đó tại hạ sẽ sang Nhật Bản một chuyến, vì phong trào Đông Du do chúng tôi phát động, đến nay đã vận động được 200 thanh niên yêu nước qua Nhật học tập để về cứu nước rồi.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 20)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn