Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 23)

PGS TS Cao Văn Liên

31/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.        

ch20160624163848-9b1-1659183337.jpg
Căn cứ kháng chiến của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Nguồn: baobacgiang.com.vn

 

 Kỳ 23.

-Thứ hai, chiến dịch này vừa bao vây vừa tấn công, tấn công tiêu diệt kết hợp với nhích dần từng bước để bao vây. Muốn vậy phải đào chiến hào mà tiến, tránh bớt thương vong, cho đến khi chiến hào vào tận Phồn Xương, Hố Chuối, Hố  Hom như chiếc dây thòng lọng thắt chặt quân Yên Thế.

-Bao vây như vậy sẽ cắt đứt mối liên hệ giữa quân khởi nghĩa với dân chúng, lâu dần sẽ thiếu thốn lương thực, đạn dược, nhân lực, cuối cùng kiệt sức mà bị tiêu diệt.

-Thứ nữa, Nghĩa quân Yên Thế còn có căn cứ ở Thái Nguyên, Tam Đảo, Vĩnh Yên, Phúc Yên. Các lần trước khi quân Yên Thế nguy nan thì lại về các căn cứ đó, thoát khỏi sự truy kích của quân ta. Lần này ta yêu cầu cho 1 vạn quân tấn công các căn cứ trên, trên thực tế là bao vây Yên Thế trên diện rộng, làm cho Quân Yên Thế không có nơi tẩu thoát.

-Về Tổng chỉ huy các lực lượng tấn công Yên Thế, ta chỉ định Đại tá Ba tai lơ, chỉ huy 2 vạn quân, 200 khẩu pháo 65 ly và 81 ly, chỉ huy pháo binh phối hợp ta chỉ định Thiếu tướng Pơ nay lan, là người có kịnh nghiệm bắn phá đồn lũy nơi rừng núi. Ta chỉ định tướng Đu sơ chỉ huy 1 vạn quân đánh phá Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tam Đảo, Đa Phúc. Về vận tải vũ khí, lương thực, quân y, nước uống ta chỉ định Đại tá Rô be, ngài phải cung cấp mọi thứ đầy đủ cho chiến trường theo yêu cầu của Đại tá Ba tai lơ. Các ngài Công sứ, Tổng đốc Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ cho quân đội trên mặt trận. Ta nhắc lại, tất cả những tướng lĩnh đã chỉ định phải tuân thủ đúng kỷ luật nhà binh, ai vi phạm sẽ đưa ra Toàn án quân sự.

Pi en dứt lời ngồi xuống bê cốc rượu uống. Thống sứ Bắc Kỳ hỏi:

-Các ngài khác có cao kiến gì nữa không?

Im lặng nặng nề, Thống sứ L. Mô ren nói tiếp:

-Kế hoạch của ngài Trung tướng Pi en thật là hoàn hảo. Ta chỉ nhắc lại là các tướng lĩnh được phân công phải hoàn thành nhiệm vụ được phân. Ta không muốn thấy ai ra Tòa án quân sự. Nào, xin mời các ngài nâng cốc, chúc Đại tá Ba tai lơ và tướng Bu sơ thắng lợi.

Tất cả bọn người nâng cốc dốc rượu vang vào miệng. Cuộc chiến tranh với Yên Thế dữ dội và khốc liệt bắt đầu

                                          *     *

                                             *     

                                               

Trong hành dinh của nghĩa quân Yên Thế ở đồn Phồn Xương, Đề Thám đang ngồi uống trà thì thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, giặc Pháp dùng 2 vạn quân, 200 đại bác do Đại tá Ba tai lơ đã bao vây 4 mặt và sẽ tấn công Phồn Xương, đồn Hố Chuối, đồn Hom ạ.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, 1 vạn quân Pháp do đại tá Đu sơ chỉ huy đã bắt đầu tấn công càn quét căn cứ của ta ở Thái Nguyên, Tam Đảo, Đa Phúc, Phúc Yên, Vĩnh Phúc ạ.

Hoàng Hoa Thám nói với cận vệ Lý Bảo:

-Tướng quân đi gọi các thủ lĩnh về đây họp gấp.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Một lát sau, các thủ lĩnh tề tựu đông đủ. Sau khi mỗi người dùng một lượt trà, Đề Thám nói:

-Theo tin tức chính xác, quân Pháp đã mở một cuộc càn quét tấn công lớn, dùng tới 2 vạn quận và 200 pháo bao vây 4 mặt Phồn Xương, đồn Hố Chuối và đồn Hom. Tại Thái Nguyên, Tam Đảo, Đa Phúc, Phúc Yên, Pháp cũng dùng 1 vạn quân càn quét, tấn công bao vây. Như vậy, đây là cuộc tấn công quy mô lớn nhằm tiêu diệt bằng được chúng ta. Cái bất lợi của chúng ta là vùng Yên Thế Thượng không còn hiểm trở như 10 năm trước đây. Đường sá được mở rộng tạo điều kiện cho Pháp hành quân dễ dàng, xe cộ có thể tiếp viện lương thực, vũ khí cho quân lính của chúng. Cho nên nhìn chiến thuật thì quân Pháp sẽ bao vây chúng ta lâu dài cho đến khi chúng ta hết lương thực vũ khí và kiệt quệ. Chúng ta chỉ có 2.000 tay súng, chúng bao vây thì khó mà bổ sung nhân lực.

Hoàng Hoa Thám ngừng lại, uống tiếp chén trà và hỏi:

-Phu nhân Đặng Thị Nhu, lương thực, lúa gạo, vũ khí đạn được còn dùng được bao lâu nữa?

-Dạ, bẩm tướng công, lương thực lúa gạo chúng ta đủ dùng trong 8 tháng cho binh sĩ và cả gia đình của họ.

-Con đạn dược vũ khí?

-Dạ thưa tướng công, đạn và thuốc nổ cũng dùng được bằng ấy thời gian.

-Lương thực, đạn dược như vậy là được, nhưng cái yếu của ta là không có đại bác, lại phải chờ giặc vào gần mới tiêu diệt được, trong khi đó cái mạnh của Pháp là đại bác. Ta cho rằng lần này chúng sẽ bắn rất dữ dội, nhiều đợt trong ngày. Cho nên vẫn phải xuống hầm hào tránh đạn, chờ chúng ngừng bắn thì lên chiến đấu. Điều nữa, muốn cuộc tấn công của chúng không kéo dài thì phải đánh vào xe vận tải lương thực, vũ khí của chúng. Các tướng sau đây nghe lệnh.

-Đề đốc Tạ Văn Nguyên.

-Có thuộc tướng.

Đề đốc đem theo 20 tay súng, giả dân thường chặn đánh các đoàn xe vận tải từ Hà Nội lên Yên Thế.

-Thuộc tướng tuận lệnh.

-Đề đốc Tạ Văn Cần.

-Có thuộc tướng.

-Đề đốc cũng đem 20 tay súng phối hợp với Đề đốc Tạ Văn Nguyên tấn công các đoàn xe tải.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Cả Trọng.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân chỉ huy quân phòng thủ đồn Hố Chuối.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Bang Kinh.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân chỉ huy phòng thủ Đồn Hom.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Ba Điều.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân chỉ huy phòng thủ cửa chính phía nam của đồn Phồn Xương.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Đề Công.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân chỉ huy phòng thủ cửa đông đồn Phồn Xương.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Còn lại các đồn bảo vệ  chung quanh đồn Phồn Xương, tướng nào đã chỉ huy ở đó thì nay tiếp tục chỉ huy phòng thủ ở đó.

-Tướng quân Hoàng Điển Ân, Lý Bảo ở lại hành dinh Phồn Xương cùng ta chỉ huy chiến đấu

-Đề đốc phu nhân Đặng Thị Nhu, Quản Khôi, cùng tướng Cả Dinh do Đặng phu nhân chỉ huy, bảo đảm hậu cần cho nghĩa quân trong chiến đấu.

-Thần thiếp tuân lệnh tướng công.

Tất cả đồng thanh đáp:

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh Đề đốc tướng quân.

Vừa khi đó trống, tù và, chuông ở chùa Lèo nơi tiền tiêu của Phồn Xương vang lên dồn dập báo hiệu quân Pháp đã tấn công. Các tướng vội về các vị trí chiến đấu đã được phân công. Ở tất cả các vị trí, các thủ lĩnh ra lệnh cho binh lính, gia đình các thủ lĩnh xuống hầm trú ẩn. Vừa xong thì hàng loạt đại bác Pháp đã gầm lên, tiếng nổ vang rền khắp Yên Thế, đạn bay khắp nơi, lửa khói dày đặc khắp khu vực Phồn Xương, Hố Chuối, Hố Hom, phá hủy cây cối, nhà cửa suốt hai giờ đồng hồ. Từng ấy thời gian, Pháp đã bắn tới khoảng 2.000 quả đạn. Khi đại bác ngừng thì tiếng kèn xung trận của quân Pháp vang lên, xen lẫn tiếng hô xung phong bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Trong đồn Phồn Xương, tiếng trống ngũ liên cũng thúc liên hồi, dồn dập. Tiếng trống báo hiệu cho nghĩa quân lên khỏi hầm trú ẩn, về các vị trí chiến đấu là các lỗ châu mai, chĩa súng ra ngoài, chờ quân Pháp tấn công tới. Từ các lỗ châu mai và các khe trống, nghĩa quân thấy quân Pháp và quân Việt đông như kiến cỏ đang xông lên. Nghĩa quân cứ nhằm mà bóp cò súng, đạn lửa bay ra như mưa, Hàng trăm quân Pháp trúng đạn gục xuống. Quân giặc nằm xuống nhưng sau đó lại xông lên, lại gục xuống do đạn ở đồn Phồn Xương và các đồn khác, xác lính chồng chất. Thốt nhiên tiếng kèn lại vang lên, nhìn ra thì thấy quân Pháp đang chạy ra xa các đồn khoảng 300 m, thì ra đó là tiếng kèn ngừng tấn công của chỉ huy Pháp.

Sáng hôm sau, Đề Thám đang ngồi uống trà thì có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, sau khi quân Pháp tấn công càn quét thì rút về, lần này lùi cách xa 200m, quân Pháp đóng trại, đào chiến hào để ở lại, bao vây Phồn Xương và các đồn khác lâu dài ạ.

Hoàng Hoa Thám lên đỉnh đồn Phồn Xương nhìn xuống. Chung quanh đồn, cách bán kính khoảng 200m, doanh trại màu vải xanh san sát vây quanh, trước doanh trại là chiến hào, sau lưng là hàng trăm khẩu đại bác chĩa vào các đồn Phồn Xương, Hố Chuối, Đồn Hom. Sau đại bác, dưới những con đường lớn là hàng trăm xe tải chở đạn dược, cuốc xẻng, lương thực...Từ chiến hào chính vòng quanh Phồn Xương, nhiều chiến hào chạy thẳng vào các đồn đang được đào. Đúng như dự đoán của Hoàng Hoa Thám, quân Pháp lần này sẽ càn quét tấn công và bao vây lâu dài chứ không hết đợt tấn công sẽ rút về như những lần trước. Vào thời kỳ này, các đường lớn đã được mở mang quanh Yên Thế, cho nên Pháp có thể vận tải lương thực và đạn dược để phục vụ cho cuộc tấn công lâu dài.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 23)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn