Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)

PGS TS Cao Văn Liên

01/08/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 24.

Về hành dinh, Hoàng Hoa Thám vừa uống trà vừa suy nghĩ cách đối phó với quân Pháp. Cách tốt nhất là cắt đứt đường tiếp tế của chúng. Đã cử hai toán quân đi đánh chặn các đoàn xe vận tải, nhưng quân số ít, không có bom mìn, chắc không hoàn thành được công việc. Không biết tình hình của Đề đốc Nguyên, Đề đốc Cần thế nào? Đồn Phồn Xương đã bị bao vây, tin tức của các thám mã đưa về thật khó khăn. Đề Thám thấy tiếc rằng Yên Thế chưa chế tạo được đại bác, bom mìn.

dsvhpvtqg-le-hoi-yen-the-1659270611.jpg
Lễ hội Yên Thế là một lễ hội lớn, gắn liền với Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế - di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 27 tháng 12 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Yên Thế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống. Nguồn: dsvh.gov.vn

 

Tiếng đại bác của quân Pháp đã cắt đứt dòng suy nghĩ của Hoàng Hoa Thám. Kể từ đó, quân Pháp bắn đại bác vào các đồn không theo một thời gian nhất định nào. Những năm trước, mỗi lần bắt đầu tấn công mới bắn. Nhưng lần này có ngày chúng bắn vào buổi sáng, có ngày chúng bắn vào buổi trưa, có ngày chúng bắn vào buổi chiều, có ngày chúng bắn vào buổi tối, có ngày chúng bắn nhiều lần. Chiến thuật này làm cho quân Yên Thế vô cùng căng thẳng, sinh hoạt đảo lộn, không biết chúng bắn khi nào để xuống hầm trú ẩn, gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, nhân lực. Quân Yên Thế có 2.000 tay súng, qua mấy tháng bắn phá của giặc, chỉ còn lại 1.500 tay súng, thương binh chồng chất, không đủ phương tiện y tế để chạy chữa. Các chướng ngại che chở cho các đồn đã bị hủy, các rừng cây đã bị đại bác đốt cháy, các chiến lũy che chắn cho các đồn đã bị phá hủy. Các đồn bây giờ lộ thiên, đại bác của Pháp bắn phá càng chính xác, đến lượt nhà cửa cũng bị đạn đại bác phá hủy và thiêu cháy. Có lần Đề Thám cho nghĩa quân ban đêm theo chiến hào tập kích doanh trại của quân Pháp, chưa đến nơi đã bị đại bác Pháp hạ nòng bắn, nghĩa quân hy sinh nhiều phải rút về.

Tháng 9 năm 1909, một thiệt hại lớn với nghĩa quân Yên Thế là tướng quân Cả Trọng, con cả của Hoàng Hoa Thám với bà vợ cả là phu nhân Tảo đã hy sinh. Cả Trọng là một tướng lĩnh tài năng, dũng cảm, bắn giỏi, giỏi tổ chức chiến đấu. Rồi đến Cả Tuyển, Cả Huỳnh, Tướng Ba Điều, Ba Cần đều bị bắt trong trận quyết chiến ở Hố Hom, Hố Chuối, lại thêm hai nhân vật quan trọng của nghĩa quân là Cả Dinh, Cai Sơn đã ra hàng quân Pháp.

Đến tháng 11 năm 1909, Hoàng Hoa Thám hỏi Đặng phu nhân:

-Phu nhân xem lương thực còn không?

-Dạ thưa tướng công, bị bao vây, nông dân Yên Thế không tiếp viện được nên gạo và lương thực chỉ còn 10 ngày nữa là hết ạ.

-Còn đạn dược?

-Dạ, đạn dược thường mua và chuyển theo con đường Trung Quốc và con đường của Kỳ Đồng, Kỳ Đồng đã bị Pháp bắt đi đày, còn con đường từ Trung Quốc cũng bị bao vây nên không thể vào được, cũng chỉ còn dùng trong 10 ngày nữa ạ.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Đồn Phồn Xương mất trong nay mai. Tối mai phu nhân đem con của chúng ta là Hoàng Thị Thế, Hoàng Văn Vi cùng vợ con các tướng lĩnh đi theo con đường mật đạo, qua vòng vây và về Lạng Sơn hay Thái Nguyên, Bắc Cạn, ta sẽ tìm phu nhân và các con sau. Ta sẽ cử 20 tay súng đi hộ vệ cho phu nhân.

Phu nhân Đặng Thị Nhu buồn rầu nói:

-Thiếp không đi, thiếp ở lại sống chết với tướng công

Hoàng Hoa Thám cảm động nói:

-Đa tạ phu nhân, cả đời xông pha chiến trận vì độc lập của dân tộc, vì tự do và ruộng đất của nông dân, gặp được phu nhân ta thực là hạnh phúc và mãn nguyện. Ta đâu muốn rời xa nàng. Nhưng vì con cái của chúng ta, vì trẻ thơ và gia đình các tướng lĩnh, ta mong phu nhân gác lại nỗi buồn mà dẫn con đi.

Phu nhân Đặng Thị Nhu gần như ứa lệ trong đôi mắt đẹp nói:

-Đa tạ tướng công, thiếp cũng may mắn, hạnh phúc vì gặp được tướng công, nhưng thôi vì các con, vì gia đình các tướng lĩnh, thiếp đành xa tướng công vậy. Thiếp mong tướng công bảo trọng, sớm gặp lại hai con và thiếp.

Tối hôm sau, khi cơm chiều xong, phu nhân Đặng Thị Nhu, bên hông mang súng ngắn, lưng mang địu cõng con trai Hoàng Văn Vi hai tuổi, bên vai mang túi hành lý, tay dắt con gái Hoàng Thị Thế mới tám tuổi cùng các phu nhân và những đứa trẻ của các tướng lĩnh từ biệt Hoang Hoa Thám và các thủ lĩnh rời đồn Phồn Xương. Hoàng Hoa Thám nói:

-Phu nhân bảo trọng.

Rồi Đề Thám ôm con gái Hoàng thị Thế vào lòng và nói:

-Con gái ngoan bảo trọng.

Hoàng Thị Thế đáp trong tiếng khóc:

-Con nhớ cha lắm. Cha bảo trọng.

Phu nhân Đặng Thị Nhu chưa bao giờ khóc, nhưng buổi chia biệt hôm nay bà rỏ nước mắt mà nói ngẹn ngào:

-Tướng công nhớ bảo trọng.

Nói xong phu nhân không dám nhìn Hoàng Hoa Thám, vội dắt tay bé Thế đi, các phu nhân địu con cũng đi theo. Hoàng Hoa Thám đứng nhìn phu nhân và 2 con, các phu nhân và các con của các tướng lĩnh cùng 20 người lính đi xa dần trong bóng đêm.

Sáng hôm sau một người lính đi theo bảo vệ đoàn của Đặng phu nhân chạy về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng.

Hoàng Hoa Thám hỏi:

-Có việc gì mà ngươi hốt hoảng vậy?

-Dạ không may rồi, đoàn của phu nhân và chúng tôi đi đến Chợ Gồ thì bị quân Pháp mai phục, phu nhân ra lệnh cho các phu nhân khác bế con chạy, còn mình thì ở lại cùng 20 lính chúng tôi chiến đấu để họ chạy thoát. Phu nhân bảo bé Thế nằm xuống cạnh gốc cây, còn phu nhân thì dùng khẩu súng ngắn cùng chúng tôi bắn nhau với quân giặc. Trong quân Pháp có lính Việt từng là nghĩa quân Yên Thế nói cho quân Pháp biết phu nhân là ai nên chúng ra lệnh không được bắn chết phu nhân mà phải bắt sống để buộc chủ tướng ra hàng. Qua một giờ chiến đấu, tất cả 19 người lính của ta hy sinh, tại hạ bị thương đánh phải nằm im. Phu nhân lấy súng của tại hạ tiếp tục bắn gục nhiều tên pháp, nhưng súng hết đạn, phu nhân đã dùng võ công “Ngọc nữ xuyên thoa” phóng ra 5 mũi trâm cài đầu giết chết 5 tên pháp. Sau đó hết trâm, bọn pháp xông vào định bắt thì phu nhân dùng đôi đũa cả dắt bên mình đánh chết ba tên Pháp nữa. Bọn pháp phải bắn vào cánh tay cho phu nhân bị thương mới bắt được, bé Hoàng Thị Thế và bé Hoàng Văn Vi cũng bị bắt.

Hoàng Hoa Thám hỏi:

-Bây giờ chúng đang giam phu nhân ở đâu?

-Dạ, bẩm chủ tướng, gần Chợ Gồ ạ.

Hoang Hoa Thám gọi:

-Người đâu.

-Dạ, chủ tướng.

-Đi gọi ngài Thống Luận và Hoàng Điển Ân vào đây. Đem người lính xuống trạm cứu thương chữa vết thương cho anh ta.

-Dạ, đa tạ chủ tướng.

Thống Luận và Hoàng Điển Ân vào, Hoàng Hoa Thám nói:

-Quân sư và tướng quân hãy chỉ huy chiến đấu bảo vệ đồn Phồn Xương. Phu nhân bị mai phục và đã bị bắt tối qua. Ta phải đi cứu phu nhân và hai con nhỏ đang bị giam giữ ở Chợ Gồ.

Hoàng Điển Ân nói:

-Chủ tướng nên cử một thủ lĩnh đem quân đi cứu phu nhân là được.

Hoàng Hoa Thám  nhất quyết đòi đi. Cuối cùng Thống Luận nói:

-Ta hiểu tình nghĩa của chủ tướng với Đặng phu nhân. Thôi chủ tướng đi đi cho trọn tình nghĩa.

Đề Thám dẫn theo 20 tay súng theo đường độc đạo ra Chợ Gồ. Vừa lên khỏi mặt đất đi được một đoạn thì hai bên đường súng nổ, 5 nghĩa quân gục xuống chết ngay tại trận. Đề Thám và nghĩa quân còn lại nằm xuống bắn nhau với Pháp. Tiếng súng nổ ran, khói lửa mịt mùng, hai bên bắn nhau kịch liệt. Phía Pháp, 50 tên đã gục xuống. Một giờ sau, quân Pháp không còn nghe tiếng súng bên nghĩa quân. Chúng bò ra xem thì nghĩa quân đã gục xuống hy sinh hết. Chúng đổ xô ra và lật mặt từng người lên xem nhưng không thấy thi hài Đề Thám. Chúng cho rằng Đề Thám không đi cứu Đặng phu nhân mà chỉ cử một thủ lĩnh đi. Vậy là Đề Thám còn ở Phồn Xương.

Cùng ngày hôm đó, Ba tai lơ ra lệnh tổng tấn công đồn Phồn Xương. Đại bác bốn phía nổ rầm trời, sau đó tiếng kèn thúc bộ binh xông lên. Quân Yên Thế chống cự kịch liệt, tiêu diệt hàng trăm tên Pháp nhưng cuối cung hy sinh gần hết. Chiều hôm đó quân Pháp chiếm được Phồn Xương, đồn làm quân Pháp khiếp sợ nhất trong bao nhiêu năm đã thất thủ. Quân Pháp cố lật thi hài các nghĩa quân đã hy sinh lên xem đề tìm Đề Thám. Chúng tìm đi tìm lại mọi ngõ ngách mà tuyệt nhiên không thấy Đề Thám đâu. Đề Thám đã biến mất kỳ lạ trong vòng vây của chúng.

Với một lực lượng so sánh chênh lệch quá lớn giữa quân Pháp và Yên Thế, quân Pháp có nguồn lực toàn bộ Đông Dương, còn quân Yên Thế chỉ có vùng Thượng Yên Thế mà đã anh dũng chiến đấu trong 31 năm làm chấn động nước pháp, chấn động Đông Dương. Khởi nghĩa Yên Thế lên đỉnh cao nhất của phong trào nông dân chống pháp xâm lược do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo cơ bản đã kết thúc vào ngày 11 tháng 11 năm 1909 khi đồn Phồn Xương thất thủ.

  X.                                                   

                                                 

   Vào một buổi sáng năm 1913, trong quán nước gần đồn Phồn Xương có hai cụ già ngồi uống rượu với lạc rang. Một cụ râu, tóc bạc phơ, đầu đội khăn đen, mình mặc áo đen, quần dài trắng. Một cụ râu tóc chỉ mới muối tiêu, đầu buộc khăn nâu, áo dài nâu, quần nâu. Hai cụ khi đã có hơi men vào thì không biết sợ là gì. Cụ buộc khăn nâu hỏi cụ buộc khăn đen:

-Xin hỏi thực cụ, cái đầu người thằng Pháp treo ở cổng đồn Phồn Xương, chúng rêu rao là đầu của ngài Đề Thám, cụ nghĩ có đúng không?

(Còn  nữa)

CVL.

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn