Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)

PGS TS Cao Văn Liên

04/08/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.    

ch1khoi-nghia-yen-bai-a-1659528775.jpg
Chân dung 2 thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Bái: Nguyễn Thái Học (SN 1902) - lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, nhà yêu nước kiên trung, bất khuất khởi xướng và lãnh đạo. Còn phó tướng là Phó Đức Chính, SN 1907. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 27.

Phan Bội Châu hỏi:

-Sao không có Ủy Ban binh vụ?

  Đặng Đình Điền đáp:

-Dạ thưa tiên sinh, Ủy ban này chưa có vì chưa tìm được ai giỏi quân sự.

  Phan Bội Châu nói:

-Đảng muốn dùng vũ lực lật đổ thực dân Pháp thì phải có Ban Binh vụ để chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị vũ khí, súng ống, đạn dược. Ban này là vô cùng cần thiết.

-Dạ, Phan tiên sinh dạy phải lắm, học trò sẽ về nói với Nguyễn Thái Học chọn người lập ngay. Đại hội còn bàn về Cương lĩnh tổng quát của Đảng, đại lược cũng giống như chủ nghĩa Tam dân của ngài Tôn Trung Sơn.

  Đặng Đình Điền dừng lại uống nước. Phan Bội Châu hỏi:

-Còn người trong Tổng Bộ, anh còn biết ai nữa không, như Nguyễn Thế Nghiệp, Phó Đức Chính?

 Đặng Đình Điền đáp:

-Dạ, thưa Phan tiên sinh, Phó Đức Chính là một trong những người sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Anh sinh năm 1907 trong một gia đình Nho học. Quê anh ở làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bố là Phó Duy Chấn. Cụ Chấn có tới bốn người con: Phó Đức Chỉ là con cả, tiếp là Phó Đức Ước, Phó Thị Quy và út là Phó Đức chính. Tháng 12 năm 1927, Phó Đức Chính tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, Trưởng Ban Tổ chức của Đảng. Sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Công Chánh, anh Chính được bổ nhiệm sang Lào làm việc. Ngày 9 tháng 12 năm 1928, Phó Đức Chính là Phó Chủ tịch Đảng.

  Phan Bội Châu lại hỏi:

-Ạnh có biết nhiều về ngài Phạm Tuấn Tài không?

Đặng Đình Điền đáp:

-Dạ thưa tiên sinh, anh Phạm Tuấn Tài sinh năm 1905, quê quán ở Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1926, Phạm Tuấn Tài cùng anh là Phạm Tuấn Lâm thành lập Nam Đồng Thư Xã, chuyên xuất bản các sách tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước như “Gương thiếu niên”, “Gương phục quốc”, “Gương thành bại”, “Trưng Nữ Vươg diễn nghĩa”, “Trung Quốc cách mạng”, sách dịch của Tôn Trung Sơn. Cho nên Nam Đồng Thư Xã là nơi hội tụ những sinh viên yêu nước. Phạm Tuấn Tài là một trong những yếu nhân sáng lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng. Như vậy, Nam Đồng Thư Xã là tiền thân của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

  Ngừng một lát Phan Bội Châu hỏi:

-Anh từ Hà Nội xa xôi vào đây, Chủ tịch Nguyễn Thái Học có nhắn nhủ gì lão phu không?

  Đặng Đình Điền nghe hỏi mừng rỡ trình bày vào việc chính:

-Dạ, Phan tiên sinh là một nhà cách mạng tiền bối tăm tiếng lừng lẫy, thế hệ hậu sinh như học trò vô cùng kính phục, quý mến. Anh Nguyễn Thái Học có nhờ học trò gửi lời thăm sức khỏe đến Phan tiên sinh và nhờ Phan tiên sinh ba việc...

Phan Bội Châu nói:

-Đa tạ, đa tạ. Anh  về nói với Nguyễn Thái Học lão phu gửi lời cảm tạ. Lão phu cả đời bôn ba vì nước nhưng trăm việc thì thất bại cả trăm, có gì giúp được cho hậu thế các anh, lão phu sẽ hết sức. Anh nói có ba việc gì vậy?

-Dạ thứ nhất, kính mời Phan tiên sinh làm Chủ tịch danh dự của Đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thứ hai, hiện nay ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ có nhiều tổ chức yêu nước, nhiều đảng phái nhưng có chung một mục đích cuối cùng là giành độc lập tự do cho đất nước. Nhờ Phan tiên sinh đem uy tín của mình tác động để Việt Nam Quốc Dân Đảng có thể thống nhất với các tổ chức, các đảng phái đó thì sức mạnh sẽ tăng lên hơn là hoạt động riêng rẽ. Thứ ba, cũng nhờ Phan tiên sinh dùng uy tín của mình mở ra mối liên lạc giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng với các chính khách, các đảng phái nước ngoài, như các ngài Khuyển Dưỡng Nghị, Cung Kỳ Di Tàng ở Nhật Bản, đặc biệt là với Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ ở Trung Hoa thì Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ tăng thêm uy tín và sức mạnh.

  Phan Bội Châu uống thêm một chén nước rồi gật gù:

-Đa tạ, đa tạ đã tin tưởng lão phu. Cả ba việc mà Chủ tịch Nguyễn Thái Học đề đạt lão phu xin nhận. Lão phu sẽ là chủ tịch danh dự của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Về việc đối ngoại, lão phu sẽ viết thư cho các vị ấy nhưng kết quả xa vời quá, không chắc chắn có hiệu quả gì. Còn việc hợp nhất giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng với các tổ chức yêu nước, tuy cùng một mục đích giành độc lập dân tộc nhưng hệ tư tưởng, cương lĩnh khác nhau đã là khó rồi. Chỉ có một tổ chức có thể hợp nhất với Việt Nam Quốc Dân Đảng được.

  Đặng Đình Điền sốt ruột hỏi:

-Da thưa Phan tiên sinh, tổ chức nào ạ, ai là Chủ tịch ạ?

-Đó là Hội Việt Nam Dân Quốc do Nguyễn Khắc Nhu sáng lập và lãnh đạo. Hội này cũng có tư tưởng dùng vũ lực võ trang để lật đổ chế độ bảo hộ của Pháp, thành lập nền cộng hòa dân chủ.

-Xin tiên sinh nói rõ hơn ạ.

-Nguyễn Khắc Nhu sinh năm 1882, quê quán ở làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình Nho học. Năm 13 tuổi, Nguyễn Khắc Nhu mồ côi cha nhưng vẫn vượt mọi khó khăn theo con đường khoa cử. Năm 1913, lúc anh 31 tuổi thi khảo hạch để thi hương, được xếp thứ nhất cả trấn Kinh Bắc nên người ta gọi là Đầu Xứ Nhu hay Xứ Nhu. Năm 1903, khi lão phu lên Yên Thế thăm Hoàng Hoa Thám, chính Nguyễn Khắc Nhu đã dẫn đường cùng lên hội kiến với "Hùm thiêng Yên Thế”. Sau đó Xứ Nhu dạy học ở quê nhà. Năm 1904, khi lão phu khởi xướng phong trào Đông Du, Nguyễn Khắc Nhu đã cùng 17 thanh niên yêu nước tham gia. Sau khi phong trào Đông Du thất bại, Nguyễn Khắc Nhu có sang Trung Quốc tìm lão phu nhưng rất tiếc không gặp nên lại trở về Việt Nam. Từ năm 1908 đến năm 1922 làm Tổng sứ ở Thịnh Liệt, sau lại sang Lạc Gián Hà Nội, rất quan tâm tìm người cùng chí hướng để làm cách mạng. Sau năm 1922, Xứ Nhu về làm thầy thuốc ở quê nhà, có hô hào thực hiện một số cải cách ở  thôn quê như loại bỏ các hủ tục, viết bài cho các báo. Năm 1926, khi biết lão phu về Bến Ngự, Nguyễn Khắc Nhu có liên hệ và đã thành lập Hội Quốc Dân dục tài ở Hà Nội, mô hình như kiểu Đông Kinh Nghĩa Thục nhưng không được phép hoạt động. Đầu năm 1927, Nguyễn Khắc Nhu thành lập Hội Việt Nam Quốc Dân, cương lĩnh và mục đích gần giống với Việt Nam Quốc Dân Đảng của các anh, cũng dùng vũ trang để lật đổ nền bảo hộ của Pháp, giành độc lập, dân chủ, tự do cho Việt Nam. Cho nên Việt Nam Quốc Dân Đảng có thể hợp nhất với hội này để thêm sức mạnh.

 Đặng Đình Điền nói:

-Vậy thì tốt quá, mong tiên sinh làm trung gian cho hai tổ chức hợp nhất.

Phan Bội Châu nói:

-Để tôi viết thư cho Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, nhờ anh chuyển hai bức thư cho hai người.

-Dạ, đa tạ, đa tạ tiên sinh đã giúp đỡ.

Ăn cơm xong, trong khi Đặng Đình Điền ngồi uống trà và xem những đầu sách mà Phan Bội Châu là tác giả  chồng chất trên bàn thì Phan Bội Châu ngồi viết thư dưới ngọn đèn dầu vàng khè leo lét. Canh giờ sau, Phan Bội Châu đưa cho Đặng Đình Điền hai phong thư và nói:

-Bức thư này lão phu gửi cho Chủ tịch Đảng Nguyễn Thái Học, còn lá thư này gửi cho Nguyễn Khắc Nhu để hai bên làm quen với nhau mà hợp nhất. Đây là hai lá thư tối mật không thể làm mất hay làm rơi, không thể để lọt vào tay Pháp.

-Đa tạ tiên sinh, tiên sinh yên tâm.

  Rồi Đặng Đình Điền  cho hai lá thư vào chiếc áo sẽ mặc bên trong, có hai lần vải và khâu vào:                                                    -Sớm mai học trò sẽ mặc cái áo này vào trong. Cũng may nay là mùa đông có thể mặc nhiều áo.

  Sớm hôm sau, ăn sáng xong, 7 giờ Đặng Đình Điền từ biệt Phan Bội Châu. Đặng Đình Điền vòng tay cúi chào và nói:

-Đa tạ Phan tiên sinh, xin cáo biệt, kính chúc ngài khỏe mạnh, hẹn ngày hội ngộ.

Phan Bội Châu bỗng trở nên buồn bã và nói:

-Xin cáo biệt, chúc thượng lộ bình an.

-Dạ, đa tạ, đa tạ Phan tiên sinh.

Đặng Đình Điền bước xuống con đò, đò rời khỏi Bến Ngự. Trên dốc Bến Ngự, Phan Bội Châu đứng nhìn theo. Gió lạnh se sắt, sương trắng rải miên man trên sông An Cựu và trên sông Hương. Xa xa núi Ngự Bình mờ nhạt màu xanh. Đặng Đình Điền ngó lại thấy bóng Phan Bội Châu mờ dần trên Bến Ngự cô liêu xa vắng, lòng anh thấy nao nao một nỗi buồn không rõ nguồn cơn.

                                           II

 Hà Nội, mùa đông gió lạnh thổi rét như cắt, gió lung lay cành lá những cây cổ thụ xà cừ, sấu và những cây bàng, cây phượng. Gió làm lá vàng trút xuống khỏi cành rơi lả tả trên đường phố. Phố phường nhà cao, nhà thấp chìm trong gió. Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây vắng người, vài con thuyền đánh cá trôi như những mái lều nhỏ nhoi nghèo nàn trên mặt nước. Trên đường phố, những chiếc xe hai bánh chở khách do phu xe kéo chạy nặng nề, những chiếc ô tô của Pháp đưa các quan chức đến công sở làm lá khô, cát bụi cuốn theo xe tung mù mịt.

  Ngôi nhà hai tầng trên phố Trúc Bạch, trụ sở của Nam Đồng Thư Xã, cũng là trụ sở bí mật của Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng chìm trong cây lá. Đặng Đình Điền từ Huế về và đến trụ sở sớm để chuyển hai lá thư của Phan Bội Châu cho Nguyễn Thái Học. Canh giờ sau, khi Đặng Đình Điền đang uống trà thì cửa mở, Nguyễn Thái Học bước vào, đó là một thanh niên hơi cao, khỏe mạnh, dáng mạnh mẽ, uy nghi và đẹp với khuôn mặt vuông, đôi mắt sáng. Đặng Đình Điền vội đứng dậy:

-Xin chào Chủ tịch.

  Nguyễn Thái Học bắt tay Đặng Đình Điền và hỏi:

-Anh về khi nào, có gặp được Phan tiên sinh không? Cụ có khỏe không?

Đặng Đình Điền rút hai bức thư trong áo và đáp:

-Phan tiên sinh khỏe, cụ gửi lời thăm sức khỏe anh và các anh trong Đảng. Đây là hai lá thư Phan tiên sinh gửi cho anh và cho Nguyễn Khắc Nhu, Chủ tịch Hội Quốc Dân Việt Nam.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn