Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 29)

PGS TS Cao Văn Liên

06/08/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.   

Kỳ 29.

Hồ Văn Mịch nói đôi nét về Nguyễn Thái Học cho Nguyễn Khắc Nhu nghe. Nghe xong Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Trong thư Phan tiên sinh có đề nghị tôi sáp nhập Hội Quốc Dân Việt Nam với Việt Nam Quốc Dân Đảng, không biết ý của Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng thế nào, nhất là ý của ngài Chủ tịch Nguyễn Thái Học?

Hồ Văn Mịch đáp:

-Thưa ngài Nguyễn Khắc Nhu, tôi và anh Nguyễn Ngọc Sơn đây phụ trách Ủy Ban đối ngoại của Đảng, anh Nguyễn Thái Học có ủy quyền cho chúng tôi nói với ngài rằng Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng và bản thân Chủ tịch Nguyễn Thái Học rất tán thành hợp nhất nên cử chúng tôi sang đây gặp ngài để thu xếp.

ch172453-khac-nhu-1659702619.jpg
Một trong những người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Bái là Nguyễn Khắc Nhu (1882 - 1930). Tên tuổi ông cùng với nhà yêu nước Nguyễn Thái Học đã gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. Nguồn: baoyenbai.com.vn

 

Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Tư tưởng và phương pháp cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng hoàn toàn phù hợp với Hội Quốc Dân Việt Nam. Cho nên tôi hoàn toàn tán thành việc sáp nhập hội vào Việt Nam Quốc Dân Đảng để cùng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 Hồ Văn Mịch nói:

-Đa tạ ngài Nguyễn Khắc Nhu đã vì mục đích lớn là giải phóng dân tộc. Bước tiếp theo là phải có một cuộc họp giữa hai Tổng Bộ hoặc là một cuộc Đại hội Đại biểu toàn quốc của hai Tổ chức để sáp nhập.

Nguyễn Khắc Nhu hỏi:

-Việt Nam Quốc Dân Đảng hiện nay có bao nhiêu chi bộ và đảng viên?

Hồ Văn Mịch đáp:

-Dạ thưa ngài Nguyễn Khắc Nhu, Việt Nam Quốc Dân Đảng hiện có 120 chi bộ và hơn 1.000 đảng viên ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và  Nam Kỳ.

Nguyễn Khắc Nhu trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói:

-Chúng ta hoạt động bí mật, mật thám của Pháp nhiều như kiến, cho nên nếu không cần thiết thì không nên triệu tập Đại hội toàn quốc. Theo tôi thì chỉ cần gặp nhau giữa hai Tổng Bộ là được. Chỉ còn địa điểm sao cho xa Hà Nội, bảo đảm bí mật an toàn.

Đặng Đình Điền nói:

-Nay cũng đã là cuối năm rồi, chờ sang năm mới nhiều người du xuân ở Đền Hùng, các anh đóng vai những người đi du xuân thì tiện nhất, bọn mật thám ít để ý, nghi ngờ.

Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Ý kiến hay lắm. Vậy thì mùng 5 tết âm lịch, 10 giờ tập trung ở Đền Thượng, sau đó vào một nơi vắng vẻ mà tiến hành hội nghị.

Nguyễn Ngọc Sơn nói:

-Thời gian như vậy cũng hay lắm.

Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Vậy ba ngài nhớ thời gian, địa điểm và nói lại cho ngài Nguyễn Thái Học và Tổng Bộ của Đảng, nếu có gì thay đổi phải báo ngay cho chúng tôi. Không báo lại thì chúng tôi cứ thế mà thực hiện.

-Chúng tôi nhớ rồi. Đa tạ, đa tạ, cáo biệt.

-Cáo biệt, hẹn ngày gặp lại.

          *      *

         *

Chưa đến ngày lễ hội Đền Hùng là ngày 10 tháng 3 âm lịch nhưng theo thông lệ của người Việt từ nghìn xưa, cứ mùng 4, mùng 5 tết trở đi là dập dìu tài tử giai nhân khắp nơi đổ về Đền Hùng thắp hương cầu lộc, cầu phúc và đi hái lộc đầu xuân mong một năm mới may mắn. Du khách diện những trang phục mới mà mỗi người sắm được. Đàn ông thì đầu buộc khắn thếp lụa đen, áo lụa dài đen, quần lụa trắng, đi giầy tây. Lại có người diện trang phục tây, com lê màu xám, màu ka ki vàng, màu dạ đen, áo trong là sơ vin đủ màu thắt ca la vát, đi giầy da đen. Những cô gái xinh tươi sặc sỡ như những cánh bướm đủ màu sắc, áo tứ thân nâu, xanh, hồng để lộ ra màu yếm đào, yếm nâu, yếm đen khoe bộ ngực nở nang đầy mùa xuân phơi phới, váy dài, lưng thắt khăn màu xanh càng lộ rõ tấm thân lưng ong thắt đáy. Những mái tóc dài óng ả được cuốn tròn trong những chiếc khăn lụa đen và quấn duyên dáng trên đầu, lộ ra bộ mặt bầu bầu, má hồng, môi thắm. Trên nẻo đường từ cổng đi vào đền Hạ và đường đi lên Đền Trung, cao nữa và khuất nẻo vòng vèo là Đền Thượng, người đi suốt ngày không ngớt. Trên đường núi quanh co đó không chỉ có tài tử giai nhân mà còn những cụ già chống gậy cố đi gặp Tổ Tiên, những em nhỏ nhảy nhót tung tăng đi chơi tết. Toàn bộ những khu đồi núi rừng linh thiêng phủ đầy cây lá xanh tươi của những cây cổ thụ: Cây chò, cây mỡ, cây xà cừ, cây bồ đề và trăm nghìn cây nhiệt đới không tên tạo nên rừng xanh đầy huyền bí linh thiêng. Sương trắng rải khắp vùng Nghĩa Lĩnh, núi Hy Cương, Núi Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn, núi Cả thuộc phủ Lâm Thao, nắng xuân vàng vọt, không khí trong mát với những làn gió xuân nhè nhẹ.

 Chiếc xe ngựa dừng lại ở đoạn đường giáp với con đường có cổng leo lên núi để lên Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng. Từ trên xe bước xuống là Đặng Đình Điền, Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học và Sư Trạch, người bảo vệ của Nguyễn Thái Học. Sau khi trả tiền xe, Đặng Đình Điền nhìn quanh tìm kiếm. Chợt Đặng Đình Điền nói:

-Kia rồi, anh Học, ngài Nguyễn Khắc Nhu kia rồi.

Vừa nói, Đặng Đình Điền vừa đi trước, bốn người theo sau tiến lại gần góc đường, nơi Nguyễn Khắc Nhu đang đứng đợi. Nguyễn Thái Học trông thấy một người đàn ông khoảng 45 tuổi, dáng nhà Nho, đầu đội khăn thếp đen, mặc áo dài đen, quần trắng, đi giầy đen. Người đó có đôi mắt thông minh sáng quắc. Nguyễn Thái Học còn trông thấy đứng cạnh Nguyễn Khắc Nhu là hai cô gái xinh đẹp hơi giống nhau. Cả hai đều quấn tóc cài trâm, áo tứ thân màu gụ, váy màu lụa đen, yếm đào, thắt dây lưng màu xanh lộ rõ thân hình lưng ong thắt đáy. Thốt nhiên, đôi mắt của cô gái có dáng cao hơn vô tình chạm vào đôi mắt của Nguyễn Thái Học làm anh như bị choáng váng thôi miên. Hồ Văn Mịch quay lại nói với Nguyễn Thái Học:

-Giới thiệu với anh Học, đây là ngài Nguyễn Khắc Nhu, Chủ tịch Hội Quốc Dân Việt Nam.

Nguyễn Thái Học bắt tay Nguyễn Khắc Nhu:

-Xin chào ngài Nguyễn Khắc Nhu, tôi là Nguyễn Thái Học, còn đây là anh Phó Đức Chính, đây là anh Đặng Đình Điền, đây là anh Hồ Văn Mịch, hai người này ngài đã biết rồi, đây là anh Sư Trạch.

Bắt tay xong mọi người, Nguyễn Khắc Nhu quay lại phía hai cô gái:

-Giới thiệu với các ngài, đây là cô Nguyễn Thị Giang, cô chị và đây là cô Nguyễn Thị Bắc, cô em, là hai chị em ruột, quê ở thị xã Phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Hai người ở trong Tổng Bộ của Hội Quốc Dân Việt Nam.

Nguyễn Thái Học đưa tay bắt tay cô Giang và nói:

-Xin chào tiểu thư.

Cô Giang đáp:

-Xin chào ngài Nguyễn Thái Học.

Bốn mắt chạm nhau, hai bàn tay nắm chặt lấy nhau. Cô Giang bỗng nhiên thấy như có luồng điện chạy khắp cơ thể làm cô bàng hoàng, má bỗng ửng hồng, mắt long lanh. Nguyễn Thái Học vội rút tay ra và bắt tay cô Bắc:

-Xin chào tiểu thư.

Cô Bắc e lệ đáp:

-Xin chào ngài Nguyễn Thái Học.

Sau khi Nguyễn Thái Học bắt tay cô Bắc xong, Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Xin mời ngài Nguyễn Thái Học và các ngài, chúng ta lên núi thắp hương dâng các vua Hùng nhân ngày năm mới.

Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu đi trước, năm người đi sau, Sư Trạch, cận vệ của Nguyễn Thái Học đi sau bảo vệ. Mọi người đi qua cổng gạch, có xà ngang bắc qua và có mái sơn son, trên xà ngang có ghi chữ vàng “Cao Sơn Cảnh hành”, sau đó leo lên đường núi giữa rừng đến Đền Hạ, mái ngói rêu phong, lá xuân khua xào xạc. Cạnh Đền Hạ là chùa Thiên Quang. Thắp hương xong, khi ra ngoài, cô Giang hỏi:

-Thưa ngài Nguyễn Thái Học, Đền Hạ thờ vua nào đấy ạ?

 Nguyễn Thái Học mĩm cười, nhẹ nhàng đáp:

-Thưa tiểu thư, theo huyền thoại, Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra cái bọc 100 trứng, sau đó nở ra 100 người con. 50 người theo cha là Lạc Long Quân xuống biển, 50 người ở lại cùng mẹ Âu Cơ khai sơn mở rừng dựng nước, đó là các vua Hùng của nhà nước Văn Lang. Đền Hạ do đó là nơi ghi lại công đức của cha mẹ khai sinh ra giống Lạc Hồng. Mọi người dân đất Việt đều chung từ một bọc mà ra nên gọi là Đồng bào.

-Thế còn Đền Trung và Đền Thượng mà chúng ta sắp tới?

-Đền Trung là nơi các vua Hùng họp với các quan Đại thần, gọi là các Lạc Hầu, họp với các quan trấn trị các địa phương gọi là Lạc tướng để bàn việc nước. Lạc tướng đứng đầu các bộ, bộ là đơn vị hành chính lớn nhất của Văn Lang. Dưới Bộ là các công xã nông thôn đứng đầu là Bồ chính, dưới công xã nông thôn là thôn bản đứng đầu là già làng trưởng bản. Còn đền Thượng chính thức là nơi thờ tổ của Bách Việt, cụ thể là Hùng Vương thứ VI.

Cô Bắc nói:

-Ngài Nguyễn Thái Học đúng là “Đại Giáo sư”, quá uyên bác.

Phó Đức Chính nói:

-Trong Đảng, mọi người đều gọi anh Học là "Đại Giáo sư". Sao cô Bắc cũng biết?

-Em cứ nói mò vậy mà đúng hả?

Mọi người cười ran.

Đến Đền Thượng là mọi người đã ở đỉnh cao nhất của núi Nghĩa Lĩnh nên lúc này tầm mắt đã bao quát tất cả các ngọn núi linh thiêng. Đó là các dãy núi Cả, núi Hy Cương, núi Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn ngút ngàn màu xanh hùng vĩ. Sau khi mọi người đã thắp hương dâng các vua Hùng xong, Nguyễn Thái Học nói:

-Bây giờ chúng ta đi về hướng tây nam, nơi đó có giếng Ngọc, xưa dùng làm gương cho các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa soi, chải tóc làm đẹp.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 29)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn