Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 33)

PGS TS Cao Văn Liên

27/07/2021 08:17

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1627348559.jpg
Chú thích ảnh

Kỳ 33

Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Pháp diễn ra tại lâu đài Phôngtennơblô (cách Pa ri 60 km). Trong thời gian này, ở Đông Dương, thế lực hiếu chiến Pháp đã phá vỡ “Hiệp định sơ bộ”, mở rộng cuộc xung đột ở Đông Dương .Vì thế cuộc đàm phán Việt-Pháp tại Phông tennơblô không đạt kết quả. Ngày 14-9-1946, trước khi lên đường về nước, để cứu vãn tình thế, Hồ Chủ tịch ký với Pháp bản tạm ước, theo đó hai bên Pháp -Việt ngừng cuộc xung đột, phía Pháp phải thi hành tự do dân chủ ở Nam Bộ và thả những người bị Pháp bắt. Pháp được một số quyền lợi kinh tế, văn hoá  ở Việt Nam . “Với Hiệp định sơ bộ” và bản “Tạm ước 14-9”, ta đã loại trừ được quân Tưởng mà đàng sau là Mỹ để tập trung lực lượng vào kẻ thù chính là Pháp, tranh thủ được thời gian để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến, cho một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi vì Pháp quyết tâm dùng vũ lực xâm lược nước ta một lần nữa .

Tóm lại từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ Tịch, ta đã giữ vững được chính quyền cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở miền Nam, có thời gian để chuẩn bị lực lượng cho cuôc kháng chiến chống thực dân Pháp sắp bùng nổ. Nguyên nhân thắng lợi là Đảng ta đã có đường lối chính trị đúng đắn, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, biết xác định kẻ thù chính  để tập trung lực lượng đối phó với Pháp. Tất cả đường lối này là phải dựa vào sức mạnh của nhân dân để thực hiện. Chỉ có sức mạnh của nhân dân mới đưa đất nước, chính quyền vượt qua được tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” hiểm nghèo, củng cố và bảo vệ được chính quyền cách mạng .

II-Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954)

1-Những cuộc chiến đấu ở đô thị (19-12-1946 đến17-2-1947)

 Sau khi đưa quân ra miền Bắc, thực dân Pháp liên tục gây ra các vụ khiêu khích và đánh chiếm. Ngày 20-4-1946, Pháp gây ra xung đột ở Hải Phòng, đánh chiếm Lạng Sơn. Ngày 17-12-1946, quân Pháp thảm sát đồng bào ta ở phố Hàng Bún (khu Yên Ninh-Hà Nội) . Ngày 18-12-1946, chúng chiếm Sở Tài chính, Bộ Giao thông. Đêm 18-12, Moóc lie hạ tối hậu thư buộc Chính phủ ta phải tước vũ khí các đội tự vệ, đòi để chúng quyền kiểm soát trật tự ở thủ đô. Hành động của Pháp đặt Chính phủ ta vào tình thế không thể nhân nhượng hơn được nữa. Vì nhân nhượng hơn là dẫn tới đầu hàng mất nước. Đêm 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định phát động cuộc kháng chiến trên qui mô toàn quốc. Cùng đêm đó, Hồ Chủ Tịch ra “ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ngày 22 -12-1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến”, đồng thời Tổng chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu: “Tổ quốc lâm nguy, giờ chiến đấu đã đến!” .

Vì quân Pháp chiếm đóng các đô thị nên cuộc kháng chiến của ta cũng bắt đầu từ đô thị . 20 giờ đêm 19-12-1946, điện ở nhà máy điện Yên Phụ tắt làm hiệu lệnh chiến đấu cho toàn quốc. Pháo của ta ở pháo đài Láng nã đạn vào khu quân Pháp ở nội thành. Tại Hà Nội, lực lượng Pháp có 6.500 tên cùng 13.000 Pháp kiều. Phía ta có 28.500 quân. Các trận đánh dữ dội diễn ra ở từng ô chợ Đồng Xuân, Nhà Bưu điện, Bắc Bộ Phủ. Ta tiêu diệt 500 tên địch, phá huỷ 30 xe cơ giới. Ngày 17 -2-1947, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao và giam chân địch để ta triển khai kháng chiến về nông thôn, rừng núi, quân ta rút khỏi thành phố, chuyển sang kháng chiến lâu dài. Cuộc kháng chiến ở Hà Nội là cuộc kháng chiến tiêu biểu nhất cho kháng chiến ở các đô thị. Các đô thị khác trên toàn quốc cũng bước vào kháng chiến. Ngày 20-12-1946,  Hải Dương, Hải Phòng kháng chiến. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Pháp bị ta đánh dữ dội phải rút về Hà Nội. Ở Nam Định, ta tiêu diệt hàng trăm tên. Tháng 3-1947, quân ta ở thành phố Nam Định rút ra ngoài. Tại cố đô Huế, ta đánh địch 50 ngày đêm tiêu diệt 200 tên. Ngày 8-2-1947, quân ta rút ra ngoài thành Huế. Ở Đà Nẵng, ta tấn công đánh 6.500 tên địch,  sau đó ta rút ra ngoài và bao vây lại quân Pháp .

Cuộc kháng chiến ở các đô thị của ta thu được những thắng lợi to lớn, làm thất bại âm mưu của Pháp nhằm đánh úp cơ quan đầu não của ta ở Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta ở đô thị. Ta đã giam chân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang kháng chiến lâu dài. Trên chiến trường Việt Nam khi đó, Pháp có khoảng 10 vạn quân tập trung phản công lớn trên các chiến trường Bắc Bộ, Trung Bộ nhưng bị thiệt hại lớn mà không đạt được mục đích chiến tranh. Âm mưu quân sự và chính trị bước dầu của chúng đều hoàn toàn thất bại.

2-Đường lối kháng chiến của Đảng: Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thể hiện trong nhiều văn kiện, tiêu biểu là “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch ngày 19-12-1946, “Chỉ thị toàn quốc kháng chiến” của Trung ương Đảng ngày 22-12-1946 và tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng bí thư Trường Chinh viết năm 1947.

Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến qua các văn kiện và tác phẩm trên trước hết nêu lên mục đích của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, vì giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập dân tộc là nhiệm vụ cấp bách nhất. Thực hiện cách mạng dân tộc gắn liền với nhiệm vụ dân chủ, trong quá trình kháng chiến phải thực hiện cải cách dân chủ, thực hiện người cày có ruộng. Phương châm của cuộc kháng chiến là kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính . Kháng chiến toàn dân là chiến tranh  nhân dân, , toàn dân đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí và ở bất kỳ nơi nào chúng tới . Kháng chiến toàn dân là xuất phát từ so sánh lực lượng giữa ta và Pháp . Quân viễn chinh Pháp  mạnh, trang bị hiện đại nên ta phải huy động toàn dân đánh giặc. Như vậy, Pháp không chỉ đương đầu với lực lượng vũ trang của ta mà phải đương đầu với toàn thể dân tộc Việt Nam và Pháp nhất định thất bại. Cũng do tương quan so sánh lực lượng mà ta phải kháng chiến lâu dài để phá tan âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, buộc địch phải đánh lâu dài và như vậy Pháp ngày càng khó khăn, suy yếu, ta càng đánh  càng mạnh. Khi đối sánh lực lượng thay đổi có lợi cho ta thì ta phản công tiêu diệt địch. Đánh lâu dài không có nghĩa là kéo dài chiến tranh vô hạn độ mà khi ta đã mạnh, thời cơ đến ta phải tranh thủ kết thúc chiến tranh. Kháng chiến toàn dân bao hàm cả kháng chiến toàn diện, đánh địch trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hoá, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, tấn công địch trên khắp các mặt trận để chiến thắng quân thù. Kháng chiến là sự nghiệp của nhân dân, nhân dân quyết định vận mệnh của mình  nên phải dựa vào sức mình là chính. Dựa vào sức mình là chính có nghĩa là giữ độc lập về đường lối chính trị, phát triển lực lượng kháng chiến của ta về mọi mặt nhưng coi trọng sự giúp đỡ từ bên ngoài .

Đường lối kháng chiến của Đảng là sự áp dụng sáng tạo lý luận cách mạng và lý luận quân sự Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, là kế thừa truyền thống quân sự của ông cha ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thời kỳ trung đại, là áp dụng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Đường lối kháng chiến là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân ta tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ bằng hình thức đấu tranh vũ trang, đánh bại cuộc xâm lược của thực dân Pháp .

Để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng phải ra hoạt động công khai. Đại Hội đại biểu toàn quấc lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2 năm 1951 tại Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang để đáp ứng những nhu cầu của cuộc kháng chiến. Đại hội  II đã quyết định, ba nước Việt Nam, Lào , Campu chia thành lập mỗi nước một Đảng riêng và có chương trình riêng phù hợp với điềù kiện phát triển của từng dân tộc. Đảng bộ Việt Nam của Đảng cộng sản Đông Dương tách ra lập một Đảng riêng, lấy tên là Đảng lao động Việt Nam và ra hoạt động công khai. Đại hội thông qua văn kiện quan trọng “Chính cương Đảng lao động Việt Nam”, xác định đối tượng chính của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, bọn phong kiến phản động. Kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam là bọn đế quốc xâm lược .

Về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam “Chính cương Đảng lao động Việt Nam “khẳng định đánh đuổi đế quốc xâm lược” giành độc lập dân tộc”, xoá bỏ tàn tích phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tạo cơ sở cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này. Các nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến có mối quan hệ khăng khít với nhau, nhưng nhiệm vụ chính trứơc mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Động lực của cách mạng là công nhân và nông dân, lực lượng cách mạng là tiểu tư sản, tư sản dân tộc, nhân sĩ yêu nước tiến bộ. Nền tảng của khối đoàn kết dân tộc là liên minh công nông. Lãnh đạo cách mạng là Đảng cộng sản. Cách mạng Việt Nam vẫn là cách mạng dân tộc dân chủ , cách mạng tư sản kiểu mới vì cách mạng là do giai cấp vô sẳn lãnh đạo, kết thúc cách mạng dân tộc dân chủ thì tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đại hội II là một sự kiện chính trị trọng đại , đánh dấu bước trưởng thành của Đảng. Đảng ra hoạt động công khai với cương lĩnh chính trị đúng đắn. Đại hội Đảng đã thúc đẩy kháng chiến đi đến thắng lợi .

Sau Đại hội II, Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng phát triển thực lực cho cuộc kháng chiến , củng cố chính quyền, củng cố mặt trận đoàn kết dân tộc , tức là củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nền kinh tế, phát triển nền văn hoá, giáo dục kháng chiến. Tháng 7-1948, Hội nghị văn hoá toàn quốc được triệu tập. Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày bản báo cáo “Chủ nghĩa Mác với vấn đề văn hoá Việt Nam”, vạch rõ phương châm xây dung một nền văn hoá mới. Năm 1950, Đảng đề ra chính sách cải cách giáo dục, phát triển bình dân học vụ. Thực hiện cải cách ruộng đất, từng bước đem lại quyền lợi cho giai cấp nông dân để tăng cường thực lực kháng chiến. Từ năm 1947 đến đầu năm 1953, ta buộc địa chủ thực hiện giảm tô cho nông dân 25%, tịch thu ruộng đất của thực dân , của Việt gian chia cho nông dân không có ruộng cày cấy. Năm 1953, Hội nghị lần V của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Hội nghị toàn quốc tháng 11 năm 1953 quyết định thực hiện cải cách ruộng đất ở vùng tự do, xoá bỏ quyền sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh kháng chiến. Kết quả lực lượng tinh thần vật chất của hàng chục triêu nhân dân được tăng cường, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, vào thắng lợi của chiến cuộc đông xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Để lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi  cần phải  củng cố  Đảng vững mạnh. Từ năm 1948 đến năm 1949, Đảng kết nạp thêm 50 vạn đảng viên mới. Đến đầu năm 1951, Đảng có 46 vạn đảng viên, các chi bộ được củng cố ở hầu hết các xí nghiệp, cơ quan, làng xã và các lực lượng vũ trang làm nòng cốt lãnh đạo kháng chiến . Ta đã ra sức xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho cuộc chiến tranh nhân dân. Thời gian này, ta có 33 vạn quân chính qui (bộ đội chủ lực), hàng triệu bộ đội địa phương, dân quân du kích. Theo biên chế quân chính qui, ta có 6 Đại đoàn bộ binh, một Đại đoàn công binh, nhiều Trung đoàn độc lập. Sự lớn mạnh trưởng thành của bộ đội chủ lực, chính qui đáp ứng được đòi hỏi của cuộc kháng chiến là phải đánh tiêu diệt địch để đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù, để kết thúc chiến tranh. Còn bộ đội địa phương, dân quân du kịch là lực lựơng tiêu hao quân địch , hỗ trợ cho quân chủ lực. Tóm lại, Đảng đã lãnh đạo nhân dân xây dựng, phát triển thực lực kháng chiến về mọi mặt kinh tế, văn hoá quân sự, chính trị, triển khai sức mạnh chiến tranh nhân dân .

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 33)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn