Theo quy hoạch báo chí, từ ngày 7/5/2021, Tạp chí điện tử “Văn hiến Việt Nam” chuyển đổi thành Tạp chí điện tử "Văn hóa và Phát triển". Vì dữ liệu trên Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam khó tra cứu trên google, thể theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc và đề xuất được tòa soạn nhất trí, ông cho đăng tải lại 8 tập “Việt Nam Diễn nghĩa" trên Tạp chí Văn hóa và Phát triển suốt từ 16-8-2021 đến 15-8-2022 với hơn 3000 trang và kéo dài tới hơn 300 kỳ do NXB Hồng Đức xuất bản. Ảnh minh họa cho từng kỳ đăng tải đều do ông tuyển chọn trên google phù hợp với nội dung kỳ đó, góp phần tăng tính hấp dẫn bạn đọc truy cập. Từ khi đăng tải trở lại trên vanhoavaphattrien.vn thì việc tra cứu bộ tiểu thuyết "Việt Nam diễn nghĩa" từng kỳ trên google trở nên dễ dàng, tiện ích cho bạn đọc.
Khi “Việt Nam diễn Nghĩa” được đăng tải lại đầy đủ, không chỉ được đông đảo đọc giả chào đón mà có những nhà phê bình văn học đã viết bài bình luận. Cụ thể như bài "“Cảm thức lịch sử trong “Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên” của Nhà lý luận phê bình văn học, PGSTS Trần Hoài Anh, Đại Học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; bài “Việt Nam diễn nghĩa” từ góc độ văn học và lịch sử"”của tác giả Mã Thanh Sơn. Tiếp đến là bài của Nhà báo Vũ Xuân Bân là đồng môn cùng lớp sử 13 (1968-1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), là người từng viết tiểu thuyết Tơ Vò, tương đối am tường công việc “bếp núc” về viết tiểu thuyết, đã công phu viết bài mang tính nghiên cứu “Đôi điều cảm thức về bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam diễn nghĩa” mà tôi rất ưng ý.
Báo mới cùng một số báo, tạp chí điện tử ở trung ương, địa phương cũng trích đăng “Việt Nam diễn nghĩa” theo nguồn của vanhoava phatrien.vn. Các báo và tạp chí khác như báo văn học, văn nghệ ở Miền Nam, báo “Văn nghệ Thái Nguyên”, Tạp chí “Diễn đàn văn nghệ Việt Nam” cũng đã đăng lời bình và trích đoạn Việt Nam diễn nghĩa…Việc bình luận, đăng tải của các tạp chí, các báo văn học nghệ thuật, đặc biệt là Tạp chí điện tử “Văn hóa và hóa phát triển” phát cả 8 tập bộ tiểu thuyết lịch sử của tôi, góp phần đưa “Việt Nam diễn nghĩa” lan tỏa sâu rộng đến bạn đọc và công chúng.
Tôi xin có Lời cảm ơn bài viết sâu sắc của bạn đồng môn, Nhà báo Vũ Xuân Bân “Đôi điều cảm thức về bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam diễn nghĩa”.
Nhà báo Vũ Xuân Bân sinh 1950 tại xã Định Tiến, nơi có núi Quan Yên (còn gọi là núi Yên Thôn), huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, là quê hương của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) khởi binh năm 247 - 248 cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt chống giặc Đông Ngô khi đó đang thống trị nước ta.
Nhà báo Vũ Xuân Bân hiện trú quán tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Cử nhân sử học, Cử nhân luật học, trình độ lý luận chính trị cao cấp. Năm 1972, ông tốt nghiệp Đại học, khoa lịch sử Đại học Tổng Hợp Hà Nội, khóa 13 (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc Gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, ông và nhiều đồng môn được điều động làm phóng viên chiến trường, khóa GP10 Thông tấn xã Việt Nam chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Ông đã trải qua các chiến trường ở Nam Bộ (B2), chiến trường Cam pu chia và đoạn cuối của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Gần một thập niên đầu của thế kỷ 21, Vũ Xuân Bân làm Phó, rồi Trưởng Ban biên tập Tin trong nước TTXVN, hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử “Văn hóa phát triển” (Vanhoavaphattrien.vn) mà tiền thân là Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.
Nhà Báo Vũ Xuân Bân được biết đến với nhiều tin, bài phóng sự, từng đoạt Giải A Giải báo chí toàn quốc năm 2004 (nay là Giải báo chí quốc gia) với chùm tin, bài về Tây Nguyên. Sau khi nghỉ hưu gần chục năm, năm 2018, với bút danh Xuân Vũ, ông cho ra đời tác phẩm văn học, tiểu thuyết đầu tay “TƠ VÒ” do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản, dầy 342 trang. Tiểu thuyết này nằm trong xu hướng văn học đương thời, hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm của ông đã tiểu thuyết hóa những câu chuyện có thực trong đời sống xã hội, những âm mưu, thủ đoạn tham nhũng quyền lực của không ít cán bộ bị tha hóa trong bộ máy chính quyền cấp tỉnh, được bạn đọc mến mộ. “TƠ VÒ"”đã góp phần vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực. Vì Thế "“TƠ VÒ"”ra đời đã nhận được sự hoan nghênh chào đón của bạn đọc và công chúng. Là tác phẩm văn học đầu tay, Vũ Xuân Bân bước đầu được ghi nhận trên văn đàn, được các bạn đồng môn, đồng nghiệp gắn thêm danh hiệu “Nhà văn” đi cùng với Nhà báo chính hiệu.
Bài viết của Nhà báo Vũ Xuân Bân đã nhắc lại lời căn dặn tâm huyết của Bác Hồ:
“Dân ta phải biết sử ta,
Phải tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Đúng vậy, sau cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay, các nhà khoa học, các nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động nghệ thuật, nhà giáo, nhà sử học…đã và đang ra sức hoạt động để mang lại hiệu quả, phổ biến, giáo dục, đưa lịch sử xâm nhập vào đời sống nhân dân. Một trong những phương tiện đó là dùng hình thức nghệ thuật văn học để chuyển tải lịch sử tới bạn đọc và công chúng Bộ Tiểu Thuyết Lịch sử.
8 tâp “Việt Nam diễn nghĩa” xuyên suốt lịch sử cổ -trung- cận đại Việt Nam đã được tác giả sử dụng nghệ thuật văn học thể hiện chuyển tải cũng nhằm thực hiện sứ mệnh “Dân ta phải biết sử ta”. Bằng hiểu biết lịch sử, Nhà báo Vũ Xuân Bân đã tiếp nhận, phân tích sâu sắc nội dung của tác phẩm Việt Nam diễn nghĩa, tác dụng của tác phẩm đến bạn đọc và công chúng. Sau khi đăng tải “Việt Nam diễn nghĩa” suốt 1 năm trời, qua tương tác với bạn đọc, Nhà báo Vũ Xuân Bân cảm thức được kết quả to lớn của tác phẩm, tạo diễn đàn say mê hiểu biết có hệ thống lịch sử nước nhà. Cảm ơn nhà báo Vũ Xuân Bân đã cho biết hiệu quả của tác phẩm Việt Nam diễn nghĩa, một trong những hình thức đưa lịch sử đến bạn đọc và công chúng nhanh, lan tỏa rộng rãi trên mạng internet.
Lịch sử là khách quan. Thắng lợi cũng cho ta những bài học quan trọng, thất bại bi thảm cũng cho ta những bài học quý giá trong công cuộc dựng nước và giữ nước hiện tại và mai sau. Nhà báo Vũ Xuân Bân đã có đôi điều rút ra từ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam diễn nghĩa là: Thắng lợi và trường tồn của dân tộc Việt là do biết phát huy sức mạnh vô địch từ khối đại đoàn kết toàn dân “trên dưới đồng lòng” chống chọi với thiên tai khắc nghiệt và kiên cường chống giặc ngoại xâm; do tài năng lãnh đạo của người đứng đầu. Thất bại là do “đặt việc nhà lên trên việc nước, không đoàn kết được nhân dân” như bài học chủ quan, khinh địch, mất cảnh giác, bị mất nước như Thục An Dương Vương “Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...” (Tố Hữu)
Qua Việt Nam diễn nghĩa, Nhà báo Vũ Xuân Bân còn nêu bật những tấm gương phụ nữ hy sinh vì nước, tiêu biểu như công chúa An Tư, người đã góp công lớn vào chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần 2: 1285 mà Nhà báo Vũ Xuân Bân cho là “Tình báo viên” cao cấp đầu tiên trong lịch sử tình báo Việt Nam. Tuy vậy, lịch sử và cuộc đời, công lao của công chúa An Tư còn ít được biết đến.
Nhà báo Vũ Xuân Bân đã nêu những bài học lịch sử mà Việt Nam diễn nghĩa đã đề cập đến xuyên suốt chiều dài và làm nên chiến thắng của lịch sử dân tộc. Đó là bài học “Lấy dân làm gốc”. Bài học này sớm được các nhà lãnh đạo Việt Nam thời cổ trung đại như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… đúc kết thành tư tưởng gần như triết học. Ngoài các nhân tố khác thì nhân tố lấy dân làm gốc được coi như then chốt nhất bảo đảm thắng lợi chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Trong bài viết, Nhà báo Vũ Xuân Bân có nêu lên khiếm khuyết của Việt Nam diễn nghĩa là miêu tả các trận đánh gần như giống nhau và trùng lặp, như “gươm giáo vung lên chạm nhau tóe lửa”, cảnh “đầu rơi, máu cháy thành sông”... Thực ra đó là cảm tưởng bề ngoài với vũ khí thời cổ trung đại đánh nhau chủ yếu bằng gươm giáo, cung tên, giáp chiến thường là hỗn chiến thì có vẻ giống nhau. Nhưng nếu đọc kỹ trong Việt Nam diễn nghĩa thì mỗi trận đánh của một thời kỳ lịch sử mang sắc thái chiến lược, chiến thuật khác nhau, địa điểm khác nhau, do đó diễn biến khác nhau.
Dựa vào thế mạnh của thể loại tiểu thuyết, Việt Nam diễn nghĩa đã giải mã được diễn biến các trận đánh từ nhỏ đến lớn mà cho đến nay việc mô tả kiểu hàn lâm chưa làm được bao nhiêu. Đó là thế mạnh của Việt Nam diễn nghĩa. Đọc “Tam quốc diễn nghĩa”, với vũ khí thời Tam Quốc, chúng ta cũng cảm thấy các trận đánh na ná giống nhau, lặp lại nhưng nó mang những yếu tố chiến thuật và chiến lược khác nhau.
Về vua cuối cùng của nhà Mạc, Mạc Kính Vũ sau khi bị tiêu diệt hết thế lực ở Cao Bằng thì việc chạy sang Trung Quốc lánh nạn hay chạy về Vĩnh Phúc mai danh ẩn tích, qua đời ở đồi Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là phát hiện gần đây, cần phải nghiên cứu thêm trên cơ sở những sử liệu, khám phá mới qua hội thảo về dấu tích Nhà Mạc ở Vĩnh Phúc.
Xin một lần nữa cảm ơn bạn đồng môn, Nhà báo Vũ Xuân Bân và Tạp chí điện tử “Văn Hóa và Phát Triển” đã hợp tác đăng tải 8 tập tiểu thuyết lịch sử Việt Nam diễn nghĩa chuyển tải đến với bạn đọc và có bài viết bước đầu đánh giá về bộ tiểu thuyết lịch sử này, góp phần lan tỏa sâu rộng, có hệ thống những nét cơ bản về lịch sử cổ trung, cận đại Việt Nam đến với công chúng.
Hà Nội 5-9-2022
CVL