Miền gái ngoan (Tạp bút Xuân)

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

17/01/2022 16:19

Theo dõi trên

Nếu bảo Tuyên Quang, Cao Bằng, hay Thái Nguyên là “Miền gái đẹp”, thì Thái Bình cũng có thể được gọi là “Miền gái ngoan” đấy! Thực ra, miền đất nào trên nước Việt rộng dài tươi đẹp của chúng ta, đâu đâu cũng là miền gái xinh, gái ngoan, gái giỏi cả. Nhưng mà tôi “ưu tiên” nói về quê lúa Thái Bình trước, là bởi ở đây cũng có đôi chút đặc thù. Hư thực thế nào?

Xin điểm qua đôi ba ví dụ, để bạn đọc có thể suy ngẫm, kiểm chứng cho vui…

Thứ nhất, căn cứ vào lịch sử cả ngàn năm, Thái Bình vốn là vùng đất ven biển. Cư dân không thuần túy như một số vùng đất cổ lâu đời. Họ từ nhiều vùng miền, vì nhiều lý do khác nhau, hội tụ về đây sinh sống, định cư, rồi an cư lạc nghiệp. Một vùng đất đai màu mỡ phù sa, phì nhiêu trầm tích, mà không có lấy một tẹo núi đồi nào trang điểm cho thêm phần sinh động, lại nằm bên bờ biển Đông sóng gió dạt dào, thừa thãi hương đồng gió nội. Trải bao biến thiên lịch sử, hưng phế thăng trầm, đất Thái Bình tạo nên tính cách người Thái Bình khá đặc thù. Trai, chẳng thiếu anh hùng hào kiệt. Tài năng, có chí tiến thủ, khí phách cứng cỏi. Nhưng cũng thường có cái sự ương bướng dở hơi nhiều kiểu, lại còn dở hơi “đa phong cách” nữa. Gái thì khá hơn trai ở chỗ chịu thương chịu khó, khỏe mạnh, xinh xẻo mà ngoan hiền. Chả thế mà các anh hùng hào kiệt, danh nhân thi sĩ “nô nức” đổ về đây, nhiều người đã cả quyết chọn các cô gái miền đất phù sa nồng nàn tươi thắm này làm bạn đời chí cốt.

chuyvbl1-1642410971.jpg
Ảnh do tác giả tuyển chọn.

 

Chỉ xin đơn cử dăm bảy trường hợp tiêu biểu:

Triệu Vũ Đế (207 TCN-111 TCN), tức Triệu Đà, vị Hoàng Đế có công lập ra nước Nam Việt, đã chọn người con gái họ Trình ở làng Đồng Xâm, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình ngày nay làm Hoàng hậu. Đền thờ hai cụ vẫn còn kia, nhân dân vẫn hằng năm khói hương tưởng nhớ. Lễ hội thường được tổ chức long trọng vào ngày mùng Một tháng Tư âm lịch. Triệu Vũ Đế được chính sử nước ta vinh danh là vị “vua anh hùng tài lược”, nối tiếp sự nghiệp dựng nước của các vua Hùng. Cho dù, mấy chục năm qua cũng có đôi ba tiếng nói tỏ ra khác lạ, thể hiện cách nhìn cách nghĩ riêng tư, nhưng cũng không thể nào che lấp được sự thật lịch sử!

Ở thời kỳ thuộc Đường (Bắc thuộc), Phùng Hưng (? - 803), còn gọi là Bố Cái Đại Vương, hay là Phùng Vương, quê đất Đường Lâm (Sơn Tây), nhân nhà Đường suy yếu, đã khởi binh chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Phùng Hưng đánh chiếm được thành Tống Bình (tức thành Đại La, Thăng Long, Hà Nội ngày nay), nhưng ngài vẫn phải chú ý đến vùng đất phên giậu chiến lược miền ven biển. Để bảo vệ thành Tống Bình, Phùng Vương cho quân đóng đồn ở một số nơi, để phòng khi giặc Bắc giặc Nam, giặc Đông tiến công theo đường biển, rồi ngược sông Cái lên bao vây, đánh phá thành Tống Bình. Trong số đồn lũy tiền tiêu ấy, có cái đồn lớn đặt trên đất làng Roi, tức làng Phú Chử, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư ngày nay. Đồn lũy ở làng Roi có nhiệm vụ án ngữ miền hạ lưu sông Cái (sông Hồng). Thời gian ở lại chỉ đạo xây đắp đồn lũy ở Vũ Thư (Chu Diên), Phùng Hưng đã “tranh thủ” cưới cả hai chị em nhà họ Nguyễn ở làng Lộc Điền làm vợ. Dân gian có câu “mía ngọt đánh cả cụm” là thế. Cô chị tên Hồng Loan Nương, được phong là Hoàng hậu. Cô em Nhị Nương được phong làm Nhị Nương Phi. Trở về thành Tống Bình, Bố Cái Đại Vương giao trách nhiệm giữ đồn cho tướng Phùng Lã Tu.

Đồn Roi gần cửa Tuần Vường (cửa Vàng), tức vùng ngã ba Đại Hoàng Giang (sông Cái) và chi lưu Tiểu Hoàng Giang (sông Trà Lý). Đây là cửa ngõ rất quan trọng có thể tiến vào Long Biên, vào thành Tống Bình, Đại La, tức Thăng Long kể từ đời Hậu Lý. Dân gian ở vùng biển Thái Bình vẫn còn truyền câu ca: “Một trăm cửa bể phải nể cửa Vường”, (còn gọi là cửa TuầnVàng). Phùng Hưng mất, con ông là Phùng An bị tướng nhà Đường là Triệu Xương đem quân bao vây, uy hiếp, buộc phải đầu hàng. Tướng Phùng Lã Tu chiến đấu giữ thành và hy sinh tại đây. Hiện còn khá nhiều đền thờ ở vùng này, để tưởng nhớ tướng Lã Tu, Bố Cái Đại Vương và hai bà vợ hiền thục của ngài. Khu di tích đồn làng Roi trước đây vẫn còn. Nhưng đến khoảng năm 1960 thì bị người ta san phẳng. Thật đáng buồn cho những di tích lịch sử quan trọng của đất nước một thời bị tàn phá không thương tiếc. Kể cả Thành Kén Mê Linh thời Hai Bà Trưng và nhiều thành lũy cổ xưa khác cũng không thoát khỏi số phận đáng thương này.

Ngài Đinh Bộ Lĩnh (924-979) quê Ninh Bình, hồi còn trẻ đến làm con nuôi tướng quân Trần Lãm ở Kỳ Bố (Kỳ Bá), nay là thành phố Thái Bình. Sứ quân Trần Lãm trao binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Từ đây, Bộ Lĩnh tiến đánh các sứ quân khác, thống nhất thiên hạ, xưng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng Đế có bà vợ họ Đàm ở đây, nay vẫn còn đền miếu, lăng mộ, quanh năm không ngớt khói hương.

Vua Lý Cao Tông (1117-1210) triều Hậu Lý, ăn chơi hưởng lạc, bỏ bê việc triều chính. Dân tình đói khổ. Hào kiệt nổi lên khắp nơi. Nạn trộm cướp theo đó cũng thành “quốc nạn”. Phật giáo bị tha hóa nghiêm trọng. Chùa chiền thành nơi tụ bạ của những kẻ đội nốt nhà sư. Thái tử Lý Hạo Sảm phải chạy về vùng Hải Ấp, nay là Hưng Hà, nương nhờ thế lực họ Trần ở đây. Cô gái Trần Thị Dung xinh đẹp, con cụ Trần Lý lọt vào mắt xanh chàng Thái tử nhà Lý lưu lạc. Sau nhiều biến cố, nàng “Cá Ngừ” Trần Thị Dung trở thành Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông (1194-1226). Huệ Tông mất, Hoàng hậu cuối cùng của nhà Hậu Lý được gả cho Thái sư Phụ chính Trần Thủ Độ. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, bà Trần Thị Dung đưa cả hậu cung nhà Trần về Long Hưng (Hưng Hà, Thái Bình) tránh giặc. Ở đây, bà cho người thu thập binh khí và lương thảo, đồng thời tuyển binh sĩ cho quân đội, vừa sản xuất, vừa bảo vệ an toàn cho “thê đội 2” của nhà Trần. Khi mất, bà Trần Thị Dung (?-1259) được tôn vinh là LINH TỪ QUỐC MẪU. Hoàng hậu nhà Lý Trần Thị Dung là mẹ của vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lý (1009-1225), tức Lý Chiêu Hoàng. Công chúa Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) trở thành Hoàng hậu đầu tiên của nhà Trần, rồi bị phế truất do không sinh hạ được hoàng tử nối dõi. Công chúa Thuận Thiên (chị gái Chiêu Thánh), vợ Trần Liễu, sau bị ép gả cho Trần Cảnh (em Trần Liễu), trở thành Hoàng hậu của Thái Tông (Trần Cảnh), tức vị Hoàng hậu thứ 2 của nhà Trần…

Thái Bình còn là nơi nhiều danh nhân thi sĩ về đây lánh nạn khi chính sự đất nước có nhiều biến cố. Vị anh hùng dân tộc, thiên tài Nguyễn Trãi (1380-1442) tuy không về Thái Bình lánh nạn, nhưng Tiên sinh lại có duyên gặp gỡ cô gái bán chiếu làng Hới, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà) lên Thăng Long bán chiếu. Nàng Nguyễn Thị Lộ nhan sắc, tài hoa, có mối lương duyên trời định cùng Nguyễn Trãi. Dù là vợ thứ, nhưng bà Lộ lại là người luôn sát cánh cùng chồng, trong nhiều biến cố thăng trầm của cuộc đời dâu bể. Bà Nguyễn Thị Lộ (1400- 1442) chính là người đã giúp sức cùng Nguyễn Trãi soạn BÌNH NGÔ SÁCH (Kế sách đánh dẹp giặc Ngô) ở Khuyến Lương, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay. Đấy là thời kỳ Nguyễn Trãi bị giặc Minh giam lỏng ở “Góc thành Nam lều một gian” trong cảnh “No nước uống, thiếu cơm ăn”… Sau đó không lâu, Nguyễn Trãi vào Lam Sơn dâng kiệt tác này cho Bình Định Vương Lê Lợi. Chỉ có điều đáng buồn là sau chiến thắng chống giặc Minh, vợ chồng đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi bỗng dưng lại phải rơi đầu trong một sớm, do chính cái triều đình mà Tiên sinh đã góp công lớn nhất dựng nên.

Ở thời vua Lê chúa Trịnh, danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) bị nghi ngờ tham gia cuộc đảo chính phế trưởng (Tông) lập thứ (Cán). Tiên sinh phải trốn về quê vợ ở Vũ Thư, gần 6 năm trời. Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà “phù Lê diệt Trịnh”. Ngô Thì Nhậm vui mừng cùng Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ Nguyễn Du), Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích và khá đông trí thức Bắc Hà ra giúp nhà Tây Sơn. Ngô tiên sinh vừa là quân sư, vừa là nhà ngoại giao kiệt xuất, một thi sĩ tài danh, đồng thời là một nhà nghiên cứu Phật học xuất sắc. Ngô Thì Nhậm chính là một thiên tài ở thời Tây Sơn.

Phạm Thái (1777-1813), quê làng Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Phạm Thái xuất thân trong một gia đình quan lại đời Cảnh Hưng. Cha ông là Thạch Trung hầu Phạm Đạt, một tướng lĩnh cao cấp, cựu thần thời Lê Mạt. Phạm Thái nổi tiếng tài hoa ngay từ khi còn trẻ, như một trang nam tử phong lưu tuấn tú. Phạm Thái cũng mưu chống Tây Sơn như cha, nhưng thất bại. Chàng phải trốn vào chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) giả làm sư, lấy đạo hiệu là Phổ Chiếu Thiền sư.

Được mấy năm thì người bạn của Phạm Thái là Thanh Xuyên Hầu Trương Đăng Thụ (con trai ngài Trương Đăng Quỹ) cho người đón chàng lên Lạng Sơn, nơi Trương Đăng Thụ đang làm quan ở đó. Mục đích cơ bản là bàn kế chống Tây Sơn. Biết được thông tin này, Đại Đô đốc Vũ Văn Dũng nhà Tây Sơn sai người đầu độc giết chết Trương Đăng Thụ. Phạm Thái về quê bạn tại làng Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình ngày nay, để viếng Trương Đăng Thụ. Việc xong, nhận thấy Phạm Thái là người có tài, ông Trương Đăng Quỹ mời Phạm Thái ở lại làm gia sư dạy trẻ. Từ đây, chàng công tử hào hoa phong nhã bén duyên với cô em gái của bạn là nàng Trương Quỳnh Như tài sắc vẹn toàn. Họ cùng nhau xướng họa như đôi người tri âm tri kỷ. Rồi thì hẹn non thề biển. Đôi trai tài gái sắc đã thuộc về nhau, dâng hiến cho nhau như một đôi loan phượng tâm đầu ý hợp. Ông Trương Đăng Quỹ muốn cho đôi trẻ chính thức thành thân, nhưng mẹ nàng Quỳnh Như kiên quyết cự tuyệt. Là vì bà đã nhận lời gả Quỳnh Như cho một người khác. Đơn giản thế thôi. Uất ức và bế tắc, Trương Quỳnh Như phải chọn giải pháp tự tử. Đau xót tiếc thương vô hạn, Phạm Thái viết bài VĂN TẾ TRƯƠNG QUỲNH NHƯ, thể hiện nỗi đau đến tột đỉnh của chàng, có đoạn:

“Ôi chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sã, nhưng như thân già ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, như tình duyên ấy, cũng là một chút cương thường; dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự. Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên, mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận nên buông xuôi tính mạng. Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng , ngọc nát châu chìm, chua xót cũng vì đâu”…

Mối tình Phạm Thái Trương Quỳnh Như thật sự là một mối tình lãng mạn, bi phẫn xót xa đến tận cùng bi phẫn. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu cho con người bản thể ở thời kỳ cái đẹp chân chính muốn vùng lên đòi được giải phóng, muốn được là chính mình, muốn khẳng định bản ngã của mình trong cái mớ hỗn mang lễ giáo “cương thường” phong kiến giả dối trói buộc con người.

Phạm Thái sống cùng thời với Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích, Ninh Tốn…Tuy nhiên, Phạm Thái lại lại là kẻ sĩ có nhãn quan chính trị rất cực đoan, không khác gì Nguyễn Du, Phạm Quý Thích, Trần Danh Án và khá đông kẻ sĩ đương thời. Sau vụ tình duyên lỡ dở, thất bại trong ý đồ chống Tây Sơn, Phạm Thái rơi vào bế tắc, rượu chè bê tha và mất ở Thanh Hóa, khi chàng công tử tài hoa mới 36 tuổi (1813).

Tác phẩm của Phạm Thái chủ yếu được sáng tác bằng chữ Nôm, còn thấy để lại SƠ KÍNH TÂN TRANG (Câu chuyện mới về lược và gương), CHIẾN TỤNG TÂY HỒ PHÚ (Họa lại bài “Tụng Tây Hồ phú” của Nguyên Huy Lượng), kiệt tác VĂN TẾ TRƯƠNG QUỲNH NHƯ và khoảng 12 bài thơ họa với Trương Quỳnh Như…

Nguyễn Du (1766-1820), hiệu là Thanh Hiên, tên chữ là Tố Như, thuộc dòng dõi Trạng nguyên Nguyễn Thiến ở đời nhà Mạc, quê gốc làng Canh Hoạch, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc Hà Nội. Nhà Mạc thất thủ, Nguyễn Nhiệm, con Nguyễn Miễn, cháu Nguyễn Thiến chạy trốn vào Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nguyễn Du là đời thứ 7 theo phả hệ họ Nguyễn Tiên Điền. Ông là con trai quan Tham Tụng Xuân Quận Công Nghiễm Nghiễm, do bà Trần Thị Tần quê Bắc Ninh sinh ra. Nguyễn Nghiễm có tám bà vợ, hơn hai chục người con. Nguyễn Du sinh trưởng ở Thăng Long. Quang Trung ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” (1786), Nguyễn Du chạy theo Lê Chiêu Thống sang Tàu, nhưng không kịp. Ông chạy trốn về quê vợ ở trang Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Côi (nay là Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình. Vợ Nguyễn Du là em gái Đoàn Nguyễn Tuấn, một danh sĩ Bắc Hà đã ra làm quan cho nhà Tây Sơn. Có lẽ vì có sự bảo trợ của anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn, cùng danh tiếng của cha vợ là quan Thượng thư Đoàn Nguyễn Thục, cho nên Nguyễn Du được an toàn. Tác giả TRUYỆN KIỀU, của VĂN CHIÊU HỒN (thơ Nôm) và mấy tập thơ chữ Hán NAM TRUNG TẠP NGÂM, BẮC HÀNH TẠP LỤC…ẩn thân ở quê vợ khoảng 10 năm, chờ cơ hội dấy binh chống lại Tây Sơn, chả khác gì Phạm Thái. Năm 1802, Gia Long ra Bắc, Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn, thăng dần lên tới chức Tham Tri, Chánh sứ đoàn sứ thần nước Đại Nam đem cống phẩm sang nhà Thanh. Chuyến đi này, Nguyễn Du để lại tập thơ chữ Hán BẮC HÀNH TẠP LỤC, (ghi chép những chuyện linh tinh trong chuyến đi sứ lên phương Bắc)…

Nguyễn Công Trứ (1778-1858)), tên chữ là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn. Quê cha Hà Tĩnh. Mẹ Nguyễn Công Trứ là người huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Uy Viễn Tướng công được sinh ra ở quê mẹ. Cha Công Trứ là Đức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tuấn, giữ chức Tri phủ Tiên Hưng. Mẹ Công Trứ là bà Nguyễn Thị Phan, con gái của ngài Quan Nội thị triều Lê-Trịnh, tước Cảnh Nhạc Bá.

Nguyễn Công Trứ nhiều lần tham gia thi cử, nhưng mãi đến khi 41 tuổi ông mới đỗ Giải nguyên (đứng đầu kỳ thi Hương), học vị Cử nhân. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, Tổng Đốc. Có công với triều đình trong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Phan Bá Vành và Nông Văn Vân, nhưng Nguyễn Công Trứ lại có tội với nhân dân trong “thành tích” này. Ở chiến trường biên viễn Tây Nam, Nguyễn Công Trứ không có thành tích gì đáng kể. Thậm chí, có lúc ông bị vua Minh Mạng xử tội “Trảm giam hậu” (Chém, nhưng để xử lý sau). Năm 1843, Nguyễn Công Trứ bị cách tuột xuống làm lính thú, lính biên phòng tại Quảng Ngãi, giáp Campuchia. Có người viết rằng Nguyễn Công Trứ có nhiều chiến công ở chiến trường Tây Nam là viết theo cảm tính, không chính xác.

Nguyễn Công Trứ là một nhà chính trị khôn khéo, một thi sĩ tài hoa. Sáng tác của ông chủ yếu viết bằng chữ Nôm, câu chữ giản dị. Một số tác phẩm của Nguyễn Công Trứ được người đương thời sử dụng làm ca từ cho làn điệu ca trù hoặc hát dặm. Cần nói thêm rằng Nguyễn Công Trứ là một nhà Nho “phá cách”. Ông sống phóng túng, lấy làm đắc chí về cách sống của riêng mình. Tướng công có 14 bà vợ được ghi trong gia phả. Bà vợ cuối cùng kém chồng 50 tuổi. Trong số 14 bà vợ “chính danh” của Nguyễn Tướng công, có 3 người quê Thái Bình. Có lẽ khi làm chức “Doanh điền sứ” ở quê mẹ, ông lấy 3 cô gái ở đây làm vợ. Có tiền, có quyền cao chức lớn, sống buông thả ngoài kỷ cương Nho giáo, chuyện nhiều vợ như Nguyễn Tướng công, kể ra cũng không lấy gì làm lạ. Dẫu sao, người đọc vẫn thấy thích thú với những câu thơ Nôm “Giang sơn một gánh giữa đồng / Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng”. Hoặc như câu “Kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”… Thiết tưởng, một kiếp làm người như Nguyễn Công Trứ, đã quá lãi rồi còn gì!...

Lại trộm nghĩ, thiên hạ phần nhiều đều thích được làm con người được sống hết mình, sống thực với bản tính vốn có của mình, dầu hay dầu dở, chứ có lẽ chả mấy ai muốn làm cây thông đứng giữa trời mà reo, mà chịu cảnh sương gió bão táp, cô đơn cô độc cả đâu. Danh hư, họa thực, biết đâu mà lường, biết đâu mà cân đo nặng nhẹ?

Bạn đang đọc bài viết "Miền gái ngoan (Tạp bút Xuân)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn