Một phần tuổi thơ

Trần Ngọc Hiếu

17/08/2021 11:05

Theo dõi trên

Hồi đó ra giêng khoảng tháng 2 AL cả đám con nít thường ra đám ruộng dính liền con rạch nhỏ ở phía sau chùa Hưng Minh Tự để bắt cá Lia Thia. Hay trong cái nắng hầm hập vào hạ cây phượng già trong sân trường bắt đầu mọc lá non, hoa Phượng trổ lát đát trên cành thì đám nhỏ bắt đầu chuyển sang chơi trò đá Dế.

  239300651-927649591297957-3866114644664542065-n-1629170964.jpg

    Cá Lia Thia thường sống ở vùng đất có cây năng và nước thì không sâu lắm, chỉ qua khỏi mắt cá chân một chút. Đồ nghề là một hũ đựng chao bằng thuỷ tinh loại tròn dung tích khoảng từ 1 lít trở xuống và một cái rổ đan bằng tre, thời đó hình như chưa có hoặc hiếm có rổ bằng nhựa như bây giờ. Muốn bắt cá Lia Thia thì đặt cái rổ xuống chỗ đất ruộng hơi thấp 1 chút xong cúi xuống dùng bàn chân dẫm lên cỏ năng cho cá trốn trong bụi năng chạy ra. Trời nắng chan chan dậm mấy tiếng đồng hồ, hôm nào hên lắm được vài con. Nếu bắt được con nào mà màu xanh dương lặt lè nghĩa là xanh lè, xanh lét thì tụi tôi gọi là Lia Thia. Còn nếu con nào hai màu xanh đỏ lộn xộn thì gọi là Bãi Trầu. Bãi Trầu đá dỡ ưa bỏ chạy nên đám con nít tụi tôi không khoái lắm.     

    Thời đó con nít nhà nghèo, sống ở vùng ven đô làm gì có chậu kiếng để nuôi cá, chỉ nuôi bằng hủ chao đủ loại, đủ cỡ. Mà hủ chao chắc làm bằng thuỷ tinh dởm hay sao mà bọt không màu lại không trong đôi khi có màu xanh ve nhạt nên nhìn con cá không được nỗi trội về mà sắc. Thỉnh thoảng xin hoặc lượm được hũ đựng xúc xích của Mỹ thì mừng lắm quý như nhặt được vàng, vì hũ thuỷ tinh của Mỹ dầy mà lại trong veo, rộng nuôi cá lia thia đã lắm.

     Cá nuôi nhiều hũ, để liền kề sát nhau, giữa các hủ lấy một tờ giấy tập ngăn lại cho tụi nó không nhìn thấy nhau. Chớ nếu mà nhìn thấy, thì nó sẽ đá bóng đến rách đuôi, toách mỏ chớ không đơn giản. Cá Lia Thia nuôi bằng rong vớt ở những hồ có nước mưa ứ đọng. Khi nào có tiền để dành thì cả đám lội bộ đi qua Phú Lâm, qua Xóm Giá để mua cá lia thia xịn về chơi. Cá xịn là cá phùng 2 mang ra khá to, cá màu xanh dương đều, không có một tí đỏ xen kẻ, đám nhỏ tụi tôi gọi là Cá Xiêm (chữ Xiêm này hình như có liên quan đến mãng cầu xiêm, chuối xiêm và dừa xiêm). Xiêm là tên gọi nước Thái thời nhà Nguyễn. Khi nào muốn đá, thì vớt hai con sang hũ to. Hoặc tô, tộ ăn cơm hay thau nhôm loại vừa cho tụi nó đá. Nhiều con nhát mới đá là bỏ chạy. Nhiều con lì lợm đá mình mẫy trầy trụa đuôi rách tả tơi nhưng quyết tâm không chạy .

239227151-927649564631293-8459728807348451149-n-1629170964.jpg

    Qua mùa đá cá Lia Thia. Khi trời bắt đầu lất phất những giọt mưa đầu mùa. Trong cái nắng hầm hập vào Hạ cây Phượng già trong sân trường bắt đầu mọc lá non, hoa Phượng trổ lát đát trên cành thì đám nhỏ bắt đầu chuyển sang chơi trò đá Dế. Trước buổi học hay vào giờ tan học. Xen lẫn với những người bán quà vặt, cóc ổi, cà rem trước cổng trường là những người bán Dế. Dế thường được phân ra thành hai loại Dế lửa và Dế than. Dế được đựng trong một cái thùng gỗ nhẹ bằng cây thông làm khung và hai phía được bọc bằng loại lưới kẻm nhuyễn 1-2 ly mà dân Saigon gọi là mành mành. Người bán phân ra thành nhiều ngăn theo kiểu lớn nhỏ, lớn bán giá cao hơn nhỏ. Đám tụi tôi cứ chăm chú nhìn vào thùng, hễ thích con nào thì chỉ cho họ bắt bỏ vào một hộc tròn bằng giấy tập cũ học trò, được vấn tròn bằng ngón tay cái xếp túm lại hai đầu. Chớ Dế hay hoặc dỡ thì chỉ có trời biết .

239334382-927649654631284-7442232765177779034-n-1629170964.jpg

     Dế xịn nhất là những con Dế to lớn, mà người bán đựng trong cái võ hộp quẹt diêm. Tụi tôi gọi là Dế hộp quẹt, chỉ tụi con nhà giàu, khá giả mới có tiền mua chơi, trước cặp mắt thèm thuồng ngưỡng mộ của đám trò nghèo chớ không hề biết ganh ghét vì thân phận.

      Có tiền thì mua Dế, không tiền thì sau khi tan học về nhà cơm nước xong, ước chừng 2-3 giờ chiều là cả đám ơi ới rủ nhau lên đám ruộng phía trước hãng sơn Huê Phát để bắt Dế. Bắt dế cực hơn bắt cá Lia Thia nhiều. Đi lom khom, rón rén, nhẹ nhàng mắt thì chăm chú nhìn xuống khe nức của đám ruộng xem có Dế hay không. Tai thì lắng nghe xem chổ nào có tiếng Dế gáy te te. Khi phát hiện thì lấy cây chèn khe nức rồi lấy dao phay đào đất ruộng để bắt. Dế bắt khoẻ và dễ nhất là đến những chổ mà người ta chất lá dừa nước lợp nhà. Lá cũ còn nhiều Dế hơn chổ chất lá mới, mỗi khi mưa xuống xong trời về chiều, mát mẻ, nước mưa còn đọng trên tàu lá, cứ lấy tay bươi dỡ tàu lá lên là chụp. Hay khoảng đến tháng 10-11AL, khoảng 8-9 giờ tối đèn đường sáng trưng cũng có Dế, không biết từ đâu ra, nhiều khi cả đám tụi tôi bắt được mỗi đứa 5-7 con là bình thường.

      Dế hồi đó tụi tôi nuôi trong nồi nhôm nấu đồ ăn. Thùng carton đựng bánh tây, nghe mấy anh lớn tuổi bày vẽ nên lấy đất sét nặn ra làm hầm, làm nhà cho Dế ở, lén lấy hột đậu xanh bỏ vô chừng vài ngày là nó thành giá cho Dế ăn, bằng không thì lên chợ lượm cải nồi vụn về bỏ vô nuôi Dế. Dế mà muốn đá thì phải lấy tóc xỏ vô chân Dế. Còn mình thì tay quay miệng thì thổi phù phù chừng vài ba phút xong mới thả xuống không đá thì bắt lên quay lại. Xong lấy cây chưn nhang có gắn một cái đầu Dế se se chọc cho 2 con dế xáp vô đá. Con nào bỏ chạy thì gọi là ê càng. Con nào rót không chịu đá thì gọi là chịch. Sớm muộn gì cũng bị ngắt đầu xỏ vô cây nhang làm đồ ráy. Mà phải lấy tóc con trai mới được. Tóc con gái thì con Dế nó chịch đá không lại. Hồi đó nội tôi bắt tôi hớt tóc dài, nghĩa là hớt kéo chớ không cho thợ hớt tóc tôi bằng tông đơ như con nít trang lứa. Nên bị tụi nó nhổ tóc hoài luôn .

239344390-927649644631285-9146737392131736994-n-1629170964.jpg

     Con nít hồi đó thật thà và quá khờ khạo dễ tin. Nên bị người lớn chơi trác hoài. Cá mà muốn đá hay thì chế vô một chút nước sôi !!! Hay cá đá bị thương muốn mau lành thì bỏ vô chút chút muối bọt. Nước sôi, thì cá chín mẹ nó rồi. Còn Lia Thia sống vùng nước ngọt bỏ muối vô thành nước mặn khác môi trường cá nào sống nổi ?

     Rồi đá Dế cũng vậy muốn Dế sung thì khi cột tóc quay, ngậm rượu phun nó mới sung. Vậy mà cũng tin làm theo ngọt sớt ......

 

Theo Chuyện quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Một phần tuổi thơ" tại chuyên mục Đời sống và phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn