Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 11)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 11

Tháng 4 năm 1923 một Hiến pháp mới của Ai Cập được công bố. Theo đó thiết chế của nhà nước Ai Cập là quân chủ nghị viện với quốc hội 2 viện. Hiến pháp nêu lên một số quyền tự do dân chủ, khẳng định những quyền lợi và những ưu đãi cho người ngoại quốc, chủ yếu là với người Anh ở Ai Cập. Theo thiết chế này quyền cai trị thuộc nhà vua. Nhà vua bổ nhiệm nội các và ấn định lịch trình bầu cử. Nhiều năm sau, nhà vua thường lạm dụng quyền này để để giải tán chính phủ dân cử. Trong hậu trường, Anh luôn khuyến khích nhà vua dùng thủ đoạn trên để ngăn cản những chương trình của Đảng Wafd.

    Ngày 27-9-1923 diễn ra cuộc bầu cử đầu tiên của Ai Cập theo hiến pháp mới. Đảng Wafd thu được thắng lợi lớn, chiếm 188/215 ở Hạ viện, Sad Zaghlui trở thành Thủ tướng đầu tiên của Ai Cập. Tháng 9 năm 1924 chính phủ Ai Cập đàm phán với Anh để giành độc lập hoàn toàn, đòi rút quân đội Anh khỏi Ai Cập, Sudan. Vì thế tháng 11 năm 1924 Anh bãi bỏ chính phủ này, thay bằng một chính phủ phản động. Nhưng chính phủ này tồn tại không lâu. Do sự ủng hộ của nhân dân, Đảng Wafd thắng lợi trong cuộc bầu cử hạ viện và lại thành lập chính phủ. Tháng 8 năm 1928 Anh lại bãi bỏ chính phủ của Đảng Wafd, trực tiếp thống trị Ai Cập theo kiểu cũ.

     Ai Cập chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Hàng vạn nông dân phá sản lâm vào nghèo đói, thất nghiệp. Chính phủ Anh không có sự giúp đỡ nông dân nhưng lại giúp đỡ bọn địa chủ, tư sản nước ngoài. Phong trào đấu tranh của nhân dân lại lên cao. Năm 1930 một chính phủ của Đảng Wafd được thành lập nhưng đây là chính phủ cánh hữu. Chính phủ đã đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân. Đối ngoại, chính phủ đã thoả hiệp với Anh. Nhân dân đã gây áp lực với chính phủ buộc phải thủ tiêu những hiệp định với Anh. Anh đã lật đổ chính phủ cánh hữu Đảng Wafd, thay bằng một chính phủ của đại địa chủ tư sản. Chính phủ mới đã thủ tiêu Hiến pháp 1923, đưa ra hiến pháp mới theo đó quyền lập pháp của hạ viện, quyền bầu cử của nhân dân bị hạn chế. Hành động của chính phủ đã tạo nên một cao trào cách mạng mới của nhân dân. Từ bãi công, vô sản tiến lên tổng đình công chính trị. Quần chúng tham gia ủng hộ phong trào của công nhân. Chính phủ dùng quân đội đàn áp, phong trào càng phát triển mạnh. Cuối năm 1934 thực dân Anh buộc phải giải tán chính phủ phản động, khôi phục lại hiến pháp 1923. Tháng 5 năm 1936, Đảng Wafd thắng lợi trong bầu cử đứng ra lập chính phủ. Ngày 26-8-1936 Anh phải ký một hiệp ước trao trả độc lập cho Ai Cập. Hiệp định này có thời hạn 20 năm theo đó Anh tuyên bố chấm dứt chiếm đóng Ai Cập nhưng dưới danh nghĩa liên minh quân sự. Quân đội Anh vẫn được duy trì ở nhiều vùng trên đất Ai Cập. Bộ binh và không quân Anh được đóng ở vùng kênh đào Suez và Cairo, hải quân Anh vẫn chiếm đóng Alechxandria. Phía Ai Cập có trách nhiệm xây dựng đường sá, cầu cống, trại lính và những công trình khác mà người Anh cần. Trong trường hợp có chiến tranh hay tình hình quốc tế khẩn cấp, Ai Cập phải cho Anh sử dụng lãnh thổ và tài nguyên. Hiệp định cũng buộc Ai Cập phải bàn bạc với Anh về những vấn đề đối ngoại, cấm Ai Cập ký hiệp định liên minh chính trị, quân sự với nước khác. Phía Anh có một vài nhượng bộ nhỏ nhặt cho giai cấp tư sản Ai Cập. Cao uỷ Anh ở Ai Cập đổi là Đại sứ. Anh có trách nhiệm thúc đẩy để Ai Cập sớm gia nhập Hội quốc liên [1]. Ai Cập được quyền đưa quân sang Sudan nhưng số lượng quân và nơi đóng quân do Đại sứ Anh quyết định.

Hiệp định 1936 vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Ai Cập. Tháng 12-1937 chính phủ của Đảng Wafd bị nhà vua giải tán và thay thế bằng một chính phủ phản động khác.

Năm 1939 đại chiến thế giới thứ II bùng nổ do ba nước phát xít Đức , Italy, Nhật phát động để thực hiện mưu đồ làm bá chủ thế giới, Ai Cập trở thành căn cứ quân sự của Anh ở Bắc Phi để chống phát xít Đức-Italy. Anh ra sức vơ vét sức người sức của của Ai Cập phục vụ cho chiến tranh. Vì thế Ai Cập trở thành mục tiêu tấn công của quân đội phát xít. Tháng 2 năm 1945, Ai Cập tuyên chiến với các nước phát xít. Đoàn đại biểu chính phủ Ai Cập đựơc tham dự Hội nghị San Frasisco, ký vào bản Hiến chương thành lập Liên hợp quốc.

II. Phong trào giải phóng dân tộc 1945-1956: Sau đại chiến thế giới thứ II phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Ai Cập bùng lên mạnh mẽ đòi huỷ bỏ hiệp ước bất bình đẳng năm 1936 và đòi quân đội Anh rút khỏi Ai Cập. Chính quyền bù nhìn phản động một mặt đàn áp phong trào nhân dân, mặt khác tiến hành thương thuyết với Chính phủ Anh nhưng đều thất bại. Vấn đề Anh và Ai Cập đã đưa ra Liên hợp quốc nhưng không thành công. Cuối năm 1947 phong trào đấu tranh lên cao không chỉ chống đế quốc mà còn chống chế độ quân chủ thân Anh phản động. Tháng 5-1948 Ai Cập cùng 6 nước Arập tiến hành cuộc chiến tranh với Ixraen. Lợi dụng chiến tranh, chính quyền Ai Cập đã giới nghiêm trong toàn quốc, bắt bớ những nhà hoạt động đối lập như những người cộng sản, lãnh tụ công đoàn, những người cánh tả Đảng Wafd. Cuộc chiến tranh chống Ixraen 1948-1949 đã phơi bày sự thối nát của chế độ quân chủ nửa thuộc địa Ai Cập. Tháng 1-1950 Đảng Wafd giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hạ viện và lập chính phủ mới.

(Còn nữa)

CVL

-------------

[1] . Một tổ chức quốc tế do các nước chiến thắng trong đại chiến thế giới I thành lập năm 1919 để duy trì trật tự  thế giới versailles-Oasinton.