Kỳ 12
Tiếp đó từ 27-1-1952 đến 23-7-1952, Ai Cập đã thay đổi 6 chính phủ nhưng không chính phủ nào thành công trong cuộc thương luợng với thực dân Anh giành độc lập, không chính phủ nào nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Quân Anh không rút khỏi Ai Cập mà còn tăng lên 100.000 quân ở kênh đào Suez. Phong trào cách mạng Ai Cập càng lên cao.
Trước tình hình đó, ngày 23-7-1952 một tổ chức bí mật “Các sĩ quan trẻ” do đại tá Apđel Nasse đứng đầu đó làm cuộc đảo chính lật đổ nền quân chủ của vua pharuc tay sai của Anh. Hội đồng cách mạng được thành lập do Nasser đứng đầu. Ngày 18- 6-1953 Ai Cập tuyên bố độc lập thành lập chính thể cộng hòa do Mohamed Nagip làm Tổng thống.
Nhưng trong Hội đồng cách mạng đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa nhóm tư sản tự do của Nagip và phái cách mạng dân chủ kiên quyết đưa cách mạng tiến lên của Nasse. Nasse và các đồng chí của ông đã kiên quyết đấu tranh để thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ. Đã tiến hành thanh lọc bộ máy nhà nước và quân đội, tiến hành các chính sách cải cách kinh tế xã hội, trong đó quan trọng nhất là cải cách ruộng đất tháng 9 năm 1952 đã giáng đòn chí mạng vào sở hữu phong kiến lớn, bãi bỏ hiến pháp thiếu dân chủ 1952, các đảng phái chính trị bị giải tán và bị tịch thu tài sản. Ngày 19-10-1954 hiệp định giữa Anh và Ai Cập về kênh đào Suez được ký kết. Theo đó quân Anh phải rút khỏi Ai Cập trong vòng 20 tháng kể từ ngày ký hiệp định. Ngày 13-6-1956 người lính Anh cuối cùng rút khỏi Ai Cập chấm dứt 74 năm chiếm đóng của Anh trên đất nước Bắc Phi này. Ngày 23-6-1956 hiến Pháp mới của Cộng hoà Ai Cập ra đời. Nasse trở thành Tổng thống của nước Cộng hoà.
3. Ai Cập 1956-2012.
Sau khi lên cầm quyền Nasse đã thi hành một loạt chính sách nhằm đẩy mạnh hơn nữa cách mạng dân tộc dân chủ. Nasse đưa ra 6 nguyên tắc của cách mạng nhằm thủ tiêu tàn dư của chủ nghĩa đế quốc ở Ai Cập, thủ tiêu phong kiến, xây dựng một xã hội bình đẳng dân chủ. Tháng 7-1956 quốc hữu hoá kênh đào Suez, đánh bại cuộc xâm lược của Anh, Pháp, Ixraen tháng 10-1956 [1]. Tịch thu và quốc hữu hóa cổ phần, công ti của tư bản nước ngoài như ngân hàng, bảo hiểm, công thương nghiệp, giao thông vận tải của Anh, Pháp, Bỉ, Italy. Trong những năm 1960-1964 nhà nước đã quốc hữu hoá tất cả các ngân hàng, các công ti bảo hiểm tư nhân, các công ti thương nghiệp lớn. Tháng 7 năm 1961 chính phủ đã thông qua một loạt luật cải cách nông nghiệp mới, 1960-1964 ra một loạt chính sách và biện pháp vì lợi ích của nhân dân lao động. Những chính sách đó đã đưa Ai Cập từ nước nông nghiệp thành nước công nông nghiệp phát triển với sự tồn tại ba hình thức sở hữu: Sở hữu nhà nước, tập thể và tư nhân.
Về đối ngoại chính phủ Nasse thực hiện chính sách hòa bình, không liên kết và trung lập tích cực, tham gia phong trào không liên kết, đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Tổ chức thống nhất châu Phi (OAE). Ai Cập đã đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác.
Tháng 9 năm 1970 tổng thống Nasse từ trần. Cái chết của ông đó tạo ra bước ngoặt trong chính sách đối nội, đối ngoại của Ai Cập. Tổng thống kế nhiệm Anwar Sadat đã rời bỏ chính sách đối nội và đối ngoại của Nasse. Sadat đã mở toang cửa Ai Cập cho chủ nghĩa tư bản nước ngoài xâm nhập, tham gia mọi lĩnh vực kinh tế của Ai Cập. Đến năm 1977 Ai Cập đã có 25 ngân hàng ngoại quốc và liên doanh hoạt động[2].
Đối ngoại, chính quyền Sadat ngã về phía Mỹ. Tháng 7-1972 chính quyền Sadat trục xuất các cố vấn quân sự Liên Xô khỏi Ai Cập, xoá bỏ hiệp định hữu nghị và hợp tác với Liên Xô ký năm 1971. Tháng 9-1978 Mỹ, Ai Cập, Israel ký hiệp định tại trại David (Mỹ) theo đó Israel trả lại bán đảo Sinai cho Ai Cập trong cuộc chiến tranh 1967, đổi lại Ai Cập phải thừa nhận quyền kiểm soát của Israel ở những vùng đất Arab khác bị Israel chiếm đóng bao gồm bờ Tây sông Jordan và giải Gaza thuộc vùng đất Palesine theo nghị quyết của Liên hợp quốc 1947. Tháng 3 năm 1979 Ai Cập ký hiệp định với Mỹ và ký hiệp ước với Israel, thừa nhận nhà nước Do Thái và đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Ngày 6-10-1981 Tổng thống Sadat bị ám sát chết. Tổng thống Mubarak, người của Đảng dân chủ Quốc gia lên thay vẫn theo chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Sadat, làm ngơ trước việc Israel tấn công vào miền Nam Lebanon 1982. Năm 1991 Ai Cập chiến đấu bên cạnh Mỹ trong cuộc chiến tranh vùng vịnh lần hai chống Iraq. Cùng với Israel, Ai Cập trở thành đồng minh quan trọng của Mỹ ở trong khu vực, là nước nhận viện trợ nhiều thứ hai của Mỹ ở Trung Đông.
Chính sách của chính phủ Mubarak làm cho Ai Cập phụ thuộc sâu vào nền kinh tế nước ngoài. Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Mỹ và phương Tây cắt giảm viện trợ cho các nước đồng minh ở Bắc Phi và trung Đông, trong đó có Ai Cập, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước trong khu vực: kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
(Còn nữa)
CVL
[1] . Xem Tạp chí NC châu Phi và Trung Đông. Số tháng 9 năm 2010.
[2] .Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn. Sách đó dẫn. Tr.261.