Phạm Hoa ơi!

Phạm Quang Long

24/05/2021 15:41

Theo dõi trên

​​​​​​​Biết Hoa ốm nặng, tôi gọi hỏi thăm. Hoa bảo “có thể gay” và dặn “tôi ở chỗ khác, nhà con gái. Tôi dặn bạn bè đừng đến để khỏi phiền con, phiền tôi. Khoẻ, tôi sẽ gọi lại. Còn không thì... thôi nhé” rồi tắt máy. Chúng tôi xao xác hỏi nhau về bệnh tình anh. Biết đại khái là lần này vừa nặng, vừa nguy cơ hơn nên buồn.

nha-van-pham-hoa-1621781170.jpg
 

Tôi gặp và trò chuyện với Phạm Hoa muộn hơn rất nhiều so với thời đọc truyện của anh. Tôi thích những truyện ngắn của anh duyên nhưng không điệu đà, khéo léo cài các chi tiết nhưng vẫn giữ được những cái mộc của cuộc đời. Gặp rồi trở thành bạn, hiểu nhau rồi tôi thấy văn anh cũng như con người anh vậy.

Khi tôi làm việc ở Sở Văn hoá Thông tin ( sau này đổi thành Văn hoá Thể thao và Du lịch) anh là thành viên Hội đồng Nghệ thuật Thành phố. Lúc ấy anh là Phó Cục trưởng Cục TH thuộc Tổng cục chính trị. Lần đầu tiên diện kiến, tôi thấy anh mặc quân phục, lon Đại tá, đến sớm hơn giờ họp vài phút, ngồi nghe và góp ý cho các vấn đề đặt ra rất chừng mực, sắc và ôn tồn, có chính kiến. Tôi có thiện cảm với anh, rồi chơi với anh lúc nào không biết. Nhìn gương mặt anh cứ thấy gợi cho tôi một cái gì đó gần gũi, thôn dã, mộc mạc mà tôi đã thấy ở một người nào. Đem chuyện ấy ra nói với anh, anh bảo “ Cụ nói đúng đấy. Tôi giống ông Hảo nhà tôi ấy mà”. Thì ra anh là em trai anh Phạm Văn Hảo, bậc đàn anh đồng môn của tôi.

Dần dần qua công việc, chúng tôi từ chỗ trọng nhau rồi thân nhau lúc nào không biết. Anh quan tâm đến chuyện gia đình, sức khoẻ của vợ tôi, tình hình các cháu. Tôi càng ngày càng thấy ông bạn đồng tuế này có nhiều điều gần mình. Sau nhiều cuộc làm chung, tranh luận, một lần anh bảo tôi” Phạm Quang Long làm lãnh đạo văn nghệ được”. Tôi giẫy nảy lên “ tôi là anh đồ, lãnh đạo cứ nhầm lẫn nên bắt tôi làm chuyện này chứ tôi có biết gì đâu”. Anh bảo “ Nói thế đ. phải. Nhiều thằng tài hơn, lắm thằng biết hơn nhưng có dám nói ra và nói thẳng nói thật đâu. Đó mới là quan trọng. Cụ biết lãnh đạo văn nghệ đ. phải vì cụ tài hơn chúng nó. Cụ hiểu được chúng nó, chơi được với chúng nó rồi nhờ chúng nó làm cái mình muốn. Chứ lãnh đạo chúng nó bằng cách bắt làm cái này, cái nọ, đ. được đâu”. Tôi cười “ cụ lãnh đạo bằng cách ấy à?”. Anh quả quyết “ Chỉ có cách ấy thôi. Văn nghệ sĩ cá tính lắm. Áp đặt là hỏng nhưng nếu biết cách họ sẽ tự nguyện làm như mình muốn mà lại hiệu quả hơn”.

Xem kịch của tôi, anh bảo “cụ viết được đấy. Viết thêm nữa đi”. Tôi đáp “tôi rong chơi lạc vào chốn cao sang của các cụ tí thôi. Chả dám dấn sâu hơn đâu. Nghề của tôi là ở nhà trường”. Anh bảo “còn muốn viết thì cứ viết, đừng định trước cái gì mới viết được. Nhất là đừng lười nghĩ và đừng thoả mãn”.

Một hôm anh ghé vào sở tôi chơi, có vẻ khó chịu lắm. Hỏi, có rượu không? Tôi bảo có thứ này uống tạm thôi. Anh cầm chén rượu uống rồi buồn bã “Hôm trước tôi gặp L. ở 51 Trần Hưng Đạo. L. hỏi ngay “ thằng Long trở cờ à?”. Tôi hỏi chuyện gì, lão bảo “Nợ non sông” của nó ca ngợi Phan Thanh Giản, xuyên tạc lịch sử”. Tôi mới bảo lão “chưa đọc phải không? Đọc đi đã. Cái ấy viết về bi kịch của trí thức, sâu đấy. Chả dính dáng đến những thứ ông nói đâu”.  Uống xong đứng dậy, bảo tôi “nói cụ biết vậy nhưng đừng nản lòng. Bây giờ cuộc sống nó thế đấy”. Rồi “tôi về đây” và đi thẳng.

Anh vài lần khuyên tôi làm đơn vào Hội và nói sẽ đứng ra làm người bảo lãnh. Tôi cám ơn anh và xin cứ được giữ ý mình. Thỉnh thoảng nhớ nhau lại gọi cho nhau hoặc đến nhà. Chuyện cũng không có gì ngoài văn chương, gia đình, con cái. Anh ốm nặng lần trước, tôi đến thăm, anh cười “sống rồi cụ ạ. Tưởng chả còn quay về nhâm nhi với cụ được nữa”. Khoẻ lên một chút, anh lại gọi tôi “sang đây ăn sáng. Rủ cả bà ấy đi nữa. Chỗ tôi có quán phở bò ngon lắm. Tôi mời”. Vẫn giản dị và thân tình như thế.

Một hôm đã khá muộn, anh gọi cho tôi “Ngủ chưa cụ? Có chuyện này không nói không được nhưng đừng giận tôi đấy nhé”. Tôi hỏi chuyện gì, anh bảo “cụ viết được nhưng vẫn cứ thiếu một cái gì. Như “Cuộc cờ” chẳng hạn. Mới đọc thì thấy rất được. Nhưng sau đó lại thấy nó đi đâu cả. Thì ra cụ chưa cấp cho nhân vật của mình một cái mùi của riêng nó. Phải thế mới được. Thơm hay thối mặc mẹ nó nhưng cứ phải có mùi riêng”. Trời ơi, bạn bè thành thật đến thế, trách nhiệm đến thế còn mong gì hơn? Bây giờ người ta vuốt ve nhau, làm đẹp lòng nhau là chính. Chỉ có Hoa vẫn là Hoa thủa nào với tôi thôi.

Biết Hoa ốm nặng, tôi gọi hỏi thăm. Hoa bảo “có thể gay” và dặn “tôi ở chỗ khác, nhà con gái. Tôi dặn bạn bè đừng đến để khỏi phiền con, phiền tôi. Khoẻ, tôi sẽ gọi lại. Còn không thì... thôi nhé” rồi tắt máy. Chúng tôi xao xác hỏi nhau về bệnh tình anh. Biết đại khái là lần này vừa nặng, vừa nguy cơ hơn nên buồn.

Hoa đã vẽ râu cho tôi trong hai bài báo. Sinh viên của tôi đọc được đã mua mấy chục tờ gửi cho nhau. Anh Từ Đễ nhắn cho tôi từ Sài Gòn “trúng phóc anh ạ”. Tôi cười nhưng nghĩ trong lòng Hoa viết cho tôi vừa trân trọng, vừa nâng đỡ nhưng vẫn giữ được cái cốt thực, không đánh bóng làm người được khen phải ngượng. Thế mới là trọng nhau”.

Sáng nay Bùi Việt Thắng nhắn tin và giục kiểm tra xem tin về Hoa có đúng không? Tôi đã phấp phỏng về chuyện này nhưng được tin vẫn thấy hẫng nhiều. Rồi Lý Hoài Thu gọi. Tôi nói ngay chuyện Hoa chắc đúng rồi. Thu dặn việc thế nào nhớ tin cho Thu biết vì Thu ở xa.

Buồn, chả muốn viết thêm nữa. Chuyện vui không ít, chuyện buồn cũng nhiều nhưng càng viết, càng buồn thêm. Phạm Hoa ơi, điều bạn nói với tôi “hai thằng đồng phạm ngồi ở những chỗ có thể tý toáy được  nhưng đ. bao giờ làm gì để thành phạm nhân cả” tôi vẫn nhớ. Yên nghỉ nhé, bạn tôi ơi!

 

Bạn đang đọc bài viết "Phạm Hoa ơi!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn