Sống trọn với đạo, thác vẹn nghĩa đời

Nguyễn Văn Luyện

15/03/2023 12:25

Theo dõi trên

Từ thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam, đi về phía nam xuôi theo trục đường huyện lộ 495 khoảng gần 10km, tới ngã ba cầu Nga, địa điểm giáp danh thị trấn Tân Thanh và xã Liêm Thuận của huyện Thanh Liêm là nơi tọa lạc của ngôi chùa thôn Nga xã Liêm Thuận.

t1-1678848775.jpg
Phần mộ Sư ông Thích Trí Hợi trong khuôn viên chùa Nga

      Từ cổng phụ đi vào, bên cạnh bức tượng Phật màu vàng là đài tưởng niệm hình chóp vươn cao ghi bốn chữ thiêng liêng “Tổ quốc ghi công” – là nơi an nghỉ của Liệt sỹ - Sư ông Thích Chí Hợi người đã ngã xuống ngay trước sân chùa trong một trận càn của Pháp vào ngày mùng 2 tháng 8 năm 1952, để bảo vệ lực lượng du kích địa phương đang ẩn nấp trong hầm bí mật xây dựng nơi hậu cung chùa.

Nằm trong khuôn viên rộng khoảng một mẫu đất, ba mặt chùa tiếp giáp với ba trục giao thông liên xã. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây án ngữ con đường liên lạc giữa hai đồn bốt quan trọng nhất của Pháp tại khu vực này, là bốt Non và bốt Cõi. Do vị trí đắc địa đó, ngay từ đầu những năm 1951 chùa đã được chọn làm nơi hoạt động bí mật, trung chuyển thông tin của các đơn vị du kích địa phương. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ xã giao cho nhà sư Thích Trí Hợi đảm nhiệm.

Để tìm hiểu cặn kẽ hơn về câu chuyện này, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Quang Thu (Tên thường gọi là Trụ) lúc bấy giờ là Xã đội trưởng, kiêm Trưởng ban địch vận, kiêm tổ trưởng Đảng – Đoàn xã đội Liêm Thuận… người trực tiếp bắt liên lạc, giao nhiệm vụ cho sư ông Thích Trí Hợi. Lục trong tủ tập tài liệu mấy trăm trang giấy đã ngả vàng được cất giữ cẩn thận, đó là những hồ sơ liên quan của sư ông Thích Trí Hợi, cũng như các giấy tờ xác nhận của các cơ quan hành chính, đơn vị quân đội đã từng nhờ đất chùa làm nơi hoạt động. Ông kể lại: “Đầu năm 1951, cơ sở thôn Nga vẫn là cơ sở “trắng”. Lúc bấy giờ, ông Mai Văn Thấu là bí thư Đảng bộ Liêm Thuận giao nhiệm vụ cho tôi về gây dựng cơ sở thôn Nga, phá tề lập chính quyền. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi về bắt liên lạc với cụ sư Hợi xây dựng hầm làm cơ sở. Hầm bí mật đào xong, tôi cùng Cụ với ông Lê Duy Trinh và bà Nguyễn Thị Vẽ… đã liên lạc gây cơ sở thôn Nga mới phá được tề”. Vừa nói, ông vừa lật từng trang sơ yếu lý lịch và bản xác nhận viết tay của từng người được nhắc đến (Những hồ sơ này ông còn giữ lại trong thời gian làm hồ sơ công nhận Liệt sỹ cho sư ông Thích Trí Hợi sau ngày đất nước thống nhất).

t2-1678848814.jpg
Ông Lê Quang Thu bên phần mộ của Sư ông Thích Trí Hợi

Qua các bản xác nhận của nhiều người, cùng với lời kể của ông Lê Quang Thu cuộc đời sư ông Thích Trí Hợi dần được tái hiện rõ ràng: Sư ông Thích Trí Hợi được nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Nga từ trước cách mạng tháng Tám. Năm 1945, sư làm trụ trì của chùa. Với lòng yêu nước và tấm lòng từ bi của người xuất gia, thêm vào việc phải chứng kiến những tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào, đã khiến sư dần có ý thức rõ ràng về việc tham gia cách mạng. Từ khi bắt được liên lạc với cách mạng qua ông Lê Quang Thu, với thân phận một người xuất gia, sư đã đảm đương nhiều công việc mang tính chất bí mật mà những người khác không làm được. Như dải truyền đơn, nhận súng đạn từ người nằm vùng của ta lấy từ bốt địch chuyển ra, nhận tin tức từ trong lòng địch, ngụy trang hầm bí mật và nuôi dưỡng cán bộ… Để theo dõi, nắm chắc thông tin bên trong bốt Non lúc đó, lực lượng du kích địa phương đã bắt được liên lạc với ông Đỗ Văn Miễn là người của ta, lúc này đang làm lính cho Pháp ngay trong bốt Non. Mọi liên lạc với quân du kích bên ngoài lúc này đều thông qua sư ông Thích Trí Hợi. Với thân phận của mình sư thường ra ngoài mang theo đồ phục vụ lễ lạt cho các gia đình, nhưng trong đó có giấu truyền đơn đưa vào các khu vực thuộc kiểm soát trực tiếp của các bốt để dải, cũng trong các chuyến đi này sư nhận tin tức, thậm chí cả đạn dược, súng ống từ ông Miễn chuyển ra cho lực lượng du kích. Nhờ những nguồn tin chính xác đó, nhiều lần du kích của ta đã phục kích bắt sống nhiều tên Việt gian cải trang người dân mang thư từ, tiền lương liên lạc giữa hai bốt, như vụ bắt tên Nguyễn Văn Láu giả dạng người đội bèo tây mang thư từ bốt Non sang bốt Cõi. Và cũng nhờ những nguồn tin do ông Miễn chuyển ra cho sư mà biết được chính xác ngày, giờ, tuyến đường địch mang quân đi càn để các lực lượng du kích có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Mùa thu năm 1952, khi các đơn vị du kích trong khu vực đã được củng cố và ngày càng trở nên lớn mạnh, ở mỗi thôn, xã đều tổ chức được các tổ, đội du kích cơ bản. Do đó, bốt Non và bốt Cõi không thể kiểm soát tình hình của khu vực như trước. Quân Pháp đóng tại Phủ Lý quyết định thực hiện một trận càn lớn xuống các khu vực huyện Thanh Liêm hòng tiêu diệt các lực lượng du kích địa phương giành lại thế cục. 5h sáng ngày mùng 2 tháng 8 năm 1952 quân Pháp từ Phủ Lý kéo xuống hội quân với quân bốt Cõi rồi tiến xuống. Bấy giờ, ông Lê Văn Thu đang đảm nhiệm chức vụ Xã đội trưởng Liên hoàn Túc – Trực – Lưu – Bình – Thuận, sau khi bàn bạc kế hoạch tác chiến với các đồng chí khác đã cho bố trí quân mai phục ở hai vị trí chính đó là chốt phủ Chằm và chốt cầu Nga (ngay sát chùa Nga). Trong khi chốt phủ Chằm có nhiệm vụ đánh chặn quân từ Phủ Lý và bốt Cõi tràn xuống thì chốt cầu Nga có nhiệm vụ chặn trận càn của bốt Non kéo sang, không cho chúng hội quân với nhau. Lực lượng du kích ở cầu Nga khi đó chỉ có 4 đồng chí. Ông Lê Văn Thu tường thuật ngắn gọn về trận càn này như sau: “Tháng 8 mùa thu, những năm đó, khu vực chiêm trũng Thanh Liêm bị phủ trắng bởi đồng nước, các con đường hầu hết đều nằm lộ trên mặt nước gây cho địch nhiều khó khăn trên đường tiến quân. Mặc dù, với lực lượng áp đảo nhưng do sự bố trí hợp đồng chặt chẽ của quân du kích địa phương khi tiếng súng đầu tiên phát nổ, đồng loạt du kích các thôn, xã xung quanh đều ra đê, lên núi bắn hưởng ứng, bốn phía khắp vùng đều vang tiếng súng khiến cho quân Pháp hoang mang không dám liều lĩnh tiến nhanh. Đến cuối giờ chiều ngày mùng 2, Pháp bắt đầu cho máy bay ném bom khu vực thôn Vải và thôn Chằm”. Còn khi đó tại chốt chùa Nga, lực lượng du kích tại đây cũng bắt đầu hết đạn, đến chiều tối thì hết hẳn. Trong bản xác nhận của mình các ông Lê Việt (nguyên sỹ quan chống Pháp sau này), Nguyễn Văn Viên, Lê Duy Trinh, Lê Thanh Lưu (tên thường gọi là Liêu, sau này cũng tiếp trở thành sỹ quan quân đội) đều cho biết “Đến cuối giờ chiều, do thế của địch quá mạnh anh em phải rút vào trong chùa, xuống hầm bí mật do cụ sư Hợi cải trang. Khi địch tiến vào chùa, chúng nghi rằng lực lượng du kích đang ẩn náu tại đây nên đã bắt cụ Hợi tra khảo, đánh đập tàn nhẫn. Nhưng cụ vẫn kiên quyết không tiết lộ nửa lời. Lúc đó, trời bên ngoài đã tối, sợ bị phục kích, biết rằng không khai thác được gì chúng thẳng tay bắn chết cụ rồi rút đi” lúc ngã xuống sư ông vừa tròn 60 tuổi.

Ngày nay, khu vực cầu Nga của huyện Thanh Liêm đã trở thành một trong những khu vực giao thương lớn trong huyện. Chùa Nga nam cũng được tôn tạo và xây dựng mới khang trang hơn. Trong dòng người hàng ngày tấp nập qua lại, nhưng ít ai còn biết được rằng, chính tại mảnh đất ngã ba hai mặt đường rộng rãi này, ngôi chùa này đã từng là nơi hoạt động bí mật của các lực lượng du kích bí mật trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và là nơi sơ tán của nhiều cơ quan hành chính trong suốt thời gian đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Tượng đài của Liệt sỹ - Sư ông Thích Trí Hợi vẫn được những người đến chùa lễ Phật qua hương khói quanh năm. Người ta đến với ông bên cạnh lòng tín ngưỡng tôn giáo còn có lòng thành kính, biết ơn đối với một chiến sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp chung của địa phương, của dân tộc.

Bạn đang đọc bài viết "Sống trọn với đạo, thác vẹn nghĩa đời" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn