Thím tôi Phạm Ngân Hà (Kỳ 6)

Trịnh Xuân Tiến

14/02/2022 10:56

Theo dõi trên

Dưới đây là phần cuối câu chuyện về cuộc đời cô dân công hỏa tuyến Quảng Bình, lớp người còn hiểm nguy, vất vả hơn cả Thanh niên xung phong sau này, trong chống Pháp cũng như chống Mĩ. Cũng là câu chuyện một người dám yêu người lính, bộ đội Cụ Hồ, với tất cả những nhọc nhằn của cuộc đời làm vợ và làm mẹ.

o-thuoc-1644810925.jpg
Ảnh sưu tầm mạng

 

Rồi bà ra đi vào một ngày trở lạnh. Gió bấc về. Không phải là cái rét nàng Bân, khi bà lần đầu gặp ông, chàng lính chiến dũng mãnh mà hào hoa. Hà Nội, trong một năm gần như không có rét của mùa đông lạ lùng năm 2016, thì đó là đợt rét đậm, đậm nhất, dẫu chưa cắt ruột, khi ông Táo lên chầu trời.

Tính tổng cộng, đợt ấy riêng tôi đã đưa tiễn đến bốn người về thế giới bên kia. Một ông bác bên mẹ ra đi khi đã gần trăm tuổi. Một cô em bạn góa chồng mắc bệnh, chết trẻ vì không thèm chữa. Và bà mẹ của bạn vợ tôi, chồng mất đã lâu, tuổi cao lại đau ốm dài ngày. Song chỉ riêng bà, riêng cô Hà của tôi, khi mất đi mới khiến tôi chợt ngộ ra nhiều điều.

Nhìn những dòng sơ yếu để viết điếu văn cho bà, lần đầu tôi biết những điều mà mình vô tâm quá, nào đã bao giờ để ý. Vẫn biết, bà sinh ra tại Đồng Hới, thủ phủ của tỉnh Quảng Bình, một vùng đất đầy nắng gió và những cồn cát khổng lồ. Núi rừng dường như nhao ra, bám chặt lấy biển xanh cát trắng. Nơi ấy nào xa lạ gì với lính chúng tôi.

Quảng Bình là nơi được chọn làm cửa rừng, đưa đón nhiều lắm những đoàn quân vào Nam ra Bắc. Nơi đó bao giờ cũng được các đơn vị, như đơn vị tôi và nhiều đoàn quân thuộc diện Cơm Bắc Giặc Nam khác chọn làm chốn xả hơi. Sau những tháng ngày lăn lộn suốt đêm ngày với sắc lính cổ da, cách gọi đầy kiêu hãnh của lính thủy đánh bộ Mĩ. Cũng là để cho hết ù tai, do vô số những máy bay và bom pháo ầm ĩ bên kia dòng Bến Hải.

Vẫn biết, bà là một người vợ bộ đội, một người mẹ chiến sĩ. Song có nhẽ, tôi sẽ không vô tâm đùa dỡn về cái ngố của bà như thế khi biết bà là con gái út. Cô út được nâng như nâng trứng trong một gia đình có đến tám người con. Mà tám người con ấy đều được sinh ra từ một bà mẹ Việt Nam anh hùng, đều nối gót nhau theo Đảng từ những năm trứng nước.

Bà không chỉ là “cô Hà” xinh đẹp, dịu hiền, dễ bị “trẻ con bắt nạt” của riêng lũ chúng tôi. Trước đấy, bà từng hăng hái tham gia công tác thanh niên, y tế, rồi đi dân công hỏa tuyến. Thậm chí trước khi đến với lũ nhóc chúng tôi, “cô Hà” từng dự chiến tận Thượng Lào. Câu hát, “Nhớ sao các mẹ các chị dành gạo nuôi quân” mà bác Giáp, người anh cả của toàn quân yêu thích, dường như trong đó có cả hình bóng “cô Hà” của chúng tôi.

Khi lần đầu tiên nhìn bức hình bà héo rũ, không còn nghe gì thấy gì trong tang lễ ông, tôi lờ mờ nhận ra tình yêu bà dành cho ông lớn biết nhường nào. Ngỡ ngàng, hóa ra chú Kỷ cô Hà của tôi đều là út. Người đời bảo, giàu con út khó con út. Giàu đâu chả thấy, chứ cái khó thì dường như suốt đời ông bà vẫn đeo. Nhất là khi bà chỉ còn trơ trọi một mình.

Cũng chợt hiểu giữa muôn hồng ngàn tía tại khu tập thể hồi đó, tại sao mẹ lại quyết chọn, quyết giành giật cho được “cô Hà” về cho ông em chồng. Không phải mẹ tôi đã mát tay đưa ông đến với bà, mà ông bà, cô dân công hỏa tuyến kiên cường và anh bộ đội dạn dày bom đạn, vốn đã là lửa với rơm. Gặp nhau không thể không bùng cháy.

Và chẳng hiểu sao, gợn lại trong tôi cái không khí, cái không gian và thời gian lạ lùng đến liêu trai của những ngày sơ tán vắng lặng ấy, khi ông bà nương vào nhau, từ từ thả bước đi tìm một thú vui quá bình dị, ăn bát phở giữa Hà thành. Chợt hiểu, sao con người mà lũ trẻ chúng tôi coi là vụng về, chậm chạp như bà mà lại nấu được nồi phở đáng ăn đến nỗi, từ đấy không bao giờ ông thèm ra phố ăn món phở nức tiếng thơm ngon của Hà Nội nữa.

Khi viết điếu văn cho bà, có một đoạn tôi ngẫm nghĩ mãi mới dám đưa vào, cảm thấy dường như nó không hợp lắm với không khí trang trọng và buồn đau của đám tang khi đó. Song nghĩ lại, tôi vẫn viết, và vẫn đọc. Thực tế, tôi đã đọc vo, tức là đọc thuộc lòng không nhìn vào văn bản.

Và nghĩ chắc, chú Kỷ và cô Hà của tôi sẽ hài lòng với lời tiễn biệt của cháu con. “Bà mang tên Ngân Hà, nghĩa là dòng sông Ngân. Chỉ cầu mong, dòng sông Ngân cổ tích trên cao xanh kia sẽ đưa cô dân công hỏa tuyến can trường năm nao đến xum vầy cùng anh Giải phóng quân Hà thành hào hoa mà dũng cảm.”

10/03/2017 – 28/01/2022

 

GÓC BÀN LUẬN

Đọc xong truyện của em anh ngồi lặng yên và chìm dần vào quá khứ, hình dung về bà cô của em mà sao nó gần gũi thân thương đến thế. Nhiều nét hình ảnh của bà rất đặc trưng cho những phụ nữ của những năm giữa thế kỷ trước. Mà mẹ anh cũng vậy, vừa sang trọng vừa vụng về một cách dễ cảm thông và đặc biệt rất chân thành tận tụy vì chồng con, không hé lộ thân phận hoặc đòi hỏi gì cho mình. Khi họ mất đi mình mới thấy hụt hẫng, không gì bù đắp được.

Nguyễn Ngọc Châu

Không hiểu sao cứ mỗi lần đọc những bài viết của TTX tôi cứ thấy thấp thoáng bóng hình mình, người thân mình trong đó!? Mặc dù anh viết về những người thân của mình và sự giống nhau giữa chúng tôi và gia đình chúng tôi không nhiều lắm. Hình như có một cái gì đó rất mạnh mẽ, kiên cường, thậm chí là vĩ đại ẩn sau những con người mảnh mai, giản dị tưởng như yếu đuối kia...

Son Buiminh

Trong mắt cháu thì luôn nghĩ là bà nội cháu hoàn hảo về mọi mặt. Xinh đẹp, đảm đang... đặc biệt là lấy được ông, vừa đẹp trai như tài tử lại tài giỏi, yêu vợ hết mực. Cháu đính chính là bà nấu ăn cực kì ngon ạ. Còn món bánh bột lọc thần thánh nữa chứ bác.

Khue Nguyen

Rất cảm ơn anh đã ghi lại những ký ức xưa đẹp về Mẹ. Dẫu vẫn biết rằng đời là vô thường sinh, lão, bệnh tử mà chứng kiến những ngày đau yếu, bệnh tật của Mẹ sao chúng con mãi nghẹn ngào... Cuối cùng chúng con và những người thân yêu nhất của Mẹ LUÔN MONG RẰNG, TIN RẰNG, CẦU CHÚC RẰNG (như lời điếu văn anh Tiến đã viết) MẸ vẫn mãi là dòng sông Ngân cổ tích để cùng Bố yên nghỉ trong bình yên MẸ NHÉ...

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Thím tôi Phạm Ngân Hà (Kỳ 6)" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn