Thừa Thiên Huế: Triển khai dự án bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao

Song Quỳnh

10/06/2021 22:53

Theo dõi trên

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán để hoàn thiện các bước chuẩn bị cho quá trình trùng tu di tích đàn Nam Giao giai đoạn 1 sắp tới.

Trước đó, dự án đầu tư “Bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao” (giai đoạn 1) đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 10/2018. Dự án có tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư và thực hiện trong vòng 5 năm.

bao-ton-di-san-hue-2354325-1623340267.jpg
Giữ gìn các yếu tố gốc trong trùng tu Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặt biệt, di sản văn hóa thế giới - Đàn Nam Giao. Ảnh: Song Quỳnh

Theo quyết định được phê duyệt, trong giai đoạn 1, dự án sẽ tập trung tu bổ, bảo tồn công trình Trai Cung chính điện; hệ thống tường thành, cổng, sân nền khuôn viên Trai Cung và la thành hai mặt Đông, Tây; thiết kế mới hệ thống điện chiếu sáng và tôn tạo cảnh quan sân vườn. Tổng phạm vi dự án là 6.922m2. 

Cụ thể, với công trình Trai Cung chính điện, dự án sẽ tháo dỡ toàn bộ nền lát gạch hiện trạng; cân chỉnh, gia cường toàn bộ chân đá tảng, lát lại nền gạch Bát Tràng, trát vữa xi măng, tu bổ hệ thống bậc cấp; chống ẩm, chống mối cho công trình... Với phần hệ khung gỗ, hạ giải toàn phần, tu bổ gia cố toàn bộ hệ khung gỗ, thay thế các cấu kiện bị mục nát không đảm bảo kết cấu, thay thế hệ mái không đảm bảo chất lượng kết cấu; phục hồi mái lợp ngói liệt Hoàng lưu ly, phục hồi các con giống gắn sành sứ, ô hộc bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm bằng gạch chỉ, bả màu hoàn thiện.

Đối với Tường thành, tiến hành vệ sinh rêu mốc toàn bộ tường thành bên ngoài bao quanh khu vực Trai Cung; gia cường, gia cố đoạn tường bị nứt; phục hồi màu sắc tường; phục hồi tường thành bên trong khu vực Trai Cung Chính Điện bằng gạch vồ vữa tam hợp, bả màu hoàn thiện. 

Phần cổng Tiền (Cung môn), cổng Hậu, vệ sinh rêu mốc toàn bộ cổng Tiền; tu bổ, phục hồi các chi tiết trang trí phần mái; phục hồi màu sắc cổng; tu bổ nền lát gạch Bát Tràng; tu bổ bậc cấp lát đá Thanh, con giống bậc cấp; tu bổ phục hồi 3 cánh cổng thượng song hạ bản bằng gỗ nhóm II, hoàn thiện sơn son.

Cổng Tả Nội và cổng Hữu Nội, xây phục hồi bằng gạch vồ, vữa tam hợp; phục hồi các chi tiết trang trí phần mái; phục hồi màu sắc cổng; phục hồi cánh cửa cổng thượng song hạ bản bằng gỗ nhóm II, sơn son hoàn thiện.

Sân nền khuôn viên Trai Cung, hệ thống rãnh thoát nước trong khu vực; tháo dỡ toàn bộ sân nền khuôn viên Trai Cung, gia cố lớp bê tông lót M100, vữa lót tam hợp, phục hồi sân lát gạch Bát Tràng. Xây bó vỉa bằng gạch vồ. Trồng cây xanh tạo cảnh quan trong khuôn viên Trai Cung.

Với hệ thống La thành, thực hiện tôn tạo, phục hồi La thành hướng Tây. Còn La thành hướng Đông, tiếp tục nghiên cứu và sưu tập tư liệu, sẽ triển khai thực hiện sau khi có đầy đủ cơ sở cho việc tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế nhằm đảm bảo yêu cầu về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định.

bao-ton-di-san-hue-23452354-1623340333.jpg
Phối cảnh tổng thể Trai cung, đàn Nam Giao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đàn Nam Giao là công trình kiến trúc độc đáo, quan trọng của hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế, là đàn tế duy nhất còn tồn tại tương đối nguyên vẹn và có quy mô lớn nhất so với các đàn tế cổ ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. "Trải qua hơn 200 năm, đàn Nam Giao đã bị hủy hoại khá nghiêm trọng. Dù đã được trùng tu một số hạng mục nhưng công trình vẫn chưa được bảo tồn, trùng tu hoàn chỉnh. Mục tiêu của dự án “Bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao” nhằm gìn giữ các yếu tố gốc, gia tăng tuổi thọ, tính bền vững công trình; phát huy giá trị di tích và đảm bảo an toàn theo Luật Di sản", ông Nhật nói.

Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, riêng từ năm 1890 trở về sau thì cứ 3 năm cử hành một lần, được đặt tại làng An Ninh vào năm 1803, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía Nam của Kinh Thành, nay là địa phận phường Trường An, TP.Huế.

Đây là đàn tế trời duy nhất ở Việt Nam còn khá nguyên vẹn, với rừng thông xanh bao bọc quanh đàn. Trong thời phong kiến, đích thân vua cùng các quan trong triều phải trồng và chăm sóc những cây thông này. Đối với họ, đây là chốn thiêng liêng bậc nhất cần phải gìn giữ. Đàn gồm 3 tầng, xây chồng lên nhau, tượng trung cho “tam tài“: Thiên, địa, nhân. Kiến trúc độc đáo của Đàn tế và nghi thức của Lễ tế Giao triều Nguyễn là một nét văn hóa cung đình độc đáo và đặc sắc dưới thời kỳ phong kiến, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa cùng giá trị nhân văn độc đáo và đặc biệt có giá trị về mặt tâm linh rất lớn trong lòng người dân Huế./.

Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên Huế: Triển khai dự án bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao" tại chuyên mục Di sản. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn