Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 46)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 46.

Thủy quân Tây Sơn đã thành một quân chủng chiến lược, giữ một vai trò lớn lao, có khi là lực lượng chủ yếu quyết định trong các chiến dịch. Nguyễn Huệ đã sử dụng lực lượng thủy quân hùng mạnh đó để làm các cánh vu hồi chiến dịch sâu vào sau lưng địch, làm nhiệm vụ tiên phong của một chiến dịch, hoặc dùng thủy quân là lực lượng chủ yếu để thực hiện chiến dịch. Nguyễn Huệ đã thấy rõ vai trò lớn lao của thủy quân và thực tế các trận chiến đấu oanh liệt đã chứng tỏ vai trò đó. Cho nên từ sau chiến dịch Phú Xuân cho đến cuối đời, Nguyễn Huệ đã ra sức xây dựng thủy quân thành một quân chủng lớn mang đầy đủ yếu tố của một quân chủng chiến lược.

bach-dang-2-1666512386.jpg

Bãi cọc tại Khu di tích Bạch Đằng Giang mô phỏng trận địa cọc cha ông ta sử dụng đánh giặc ngoại xâm. Ảnh: Cổng tin tức TP Hải Phòng

 

Nguyễn Huệ đã thành công trong việc xây dựng thủy quân có nhiều binh chủng. Đưa thủy quân lên hàng quân chủng, đưa quân đội từ một quân chủng thành hai quân chủng, Nguyễn Huệ là một nhà quân sự đầu tiên  đã thực hiện một bước tiến lớn lao, một bước nhảy vọt trong tổ chức quân đội. Đúng như Ăngghen đã nói: quân đội thay đổi đưa đến sự thay đổi về chiến thuật tác chiến. Trên cơ sở xây dựng và phát triển quân đội, Nguyễn Huệ đã đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên một giai đoạn mới.

*

*        *

Lịch sử đấu tranh vũ trang hàng nghìn năm của thủy quân Việt Nam gắn liền với lịch sử anh hùng của dân tộc, là lịch sử bách chiến bách thắng, là một thiên anh hùng ca bất diệt. Sức mạnh vô địch của thủy quân Việt Nam chính là bắt nguồn từ sức mạnh vô địch của dân tộc được rèn đúc từ hơn 3000 năm. Quá trình tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống kẻ thù, thủy quân Việt Nam đã hình thành nhiều truyền thống, nhiều kinh nghiệm quý báu, tốt đẹp tiêu biểu cho nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, rực rỡ huy hoàng.

Trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược, nước ta là một nước đất không rộng, người không đông nhưng liên tục phải đương đầu với bọn xâm lăng lớn gấp bội, thậm chí còn là đế quốc mạnh nhất thế giới bấy giờ như giặc Nguyên -Mông. Cho nên nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật quân sự lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ đánh lớn và đó cũng là một trong những truyền thống của thủy quân Việt Nam. Thủy quân Việt Nam trong các trận chiến đấu với giặc bao giờ cũng lấy chất lượng cao đánh với số lượng đông của địch về binh thuyền, quân đội. Đặc biệt thủy quân Tây Sơn đã phải chống nhau với những chiến hạm Âu Châu được trang bị vũ khí vật chất kỹ thuật tối tân hiện đại nhất lúc bấy giờ của chủ nghĩa tư bản mà khi đó thủy quân Tây Sơn hầu như chưa có đại bác hoặc có rất ít. Trong cuộc đọ sức mà lực lượng so sánh bao giờ cũng bất lợi cho ta, kể cả vũ khí tối tân nhưng bao giờ thủy quân Tây Sơn cũng chiến thắng oanh liệt. Đó là sự chiến thắng của tinh thần chiến đấu dũng cảm, chiến đấu vì chính nghĩa, là sự chiến thắng của sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, phát huy cao độ yếu tố con người, thiên nhiên vào việc tiêu diệt địch. Đó còn là chiến thắng của trí thông minh, tài thao lược, linh hoạt và đầy mưu trí sáng tạo. Đúng như nhà chiến lược vĩ đại Quang Trung đã tổng kết: "Người khó thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít"[1]. Những tư tưởng quân sự bậc thầy đó cũng đồng nhất với những tư tưởng bậc thầy của các nhà chiến lược Nga lỗi lạc. Ru mi an xép cũng đã nói: "Phải cố gắng đánh địch nhiều bằng mưu trí hơn là thực lực và dùng biện pháp tiến công để bù vào sự thiếu sót về lực lượng"[2].

Sức mạnh của thủy quân Việt Nam là bắt nguồn từ sức mạnh của dân tộc, bắt nguồn từ sức mạnh của cuộc đấu tranh toàn dân. Một trong những truyền thống cơ bản, hầu như thành quy luật của thủy quân Việt Nam là toàn dân đều tham gia thủy chiến và lấy lực lượng thủy quân  làm nòng cốt. Hàng triệu nhân dân đã phát huy sức lực, trí thông minh sáng tạo để xây dựng nên thành Cổ Loa, một căn cứ bộ binh và căn cứ thủy quân. Nhân dân đã hăng hái tham gia lấy gỗ, lao động dũng cảm quên mình tạo nên những trận địa ngầm, những bãi cọc bịt sắt nhọn để phá vỡ chiến thuyền địch thời Ngô Quyền, thời Tiền Lê, thời Trần Hưng Đạo. Trên chiến trường sông biển, mọi tầng lớp nhân dân đều đóng góp công sức đánh giặc cứu nước tùy theo điều kiện lao động, sinh sống, sức lực, lứa tuổi. Bà hàng nước bến đò Rừng đã tận tình mách bảo cho Trần Hưng Đạo biết rõ địa thế, con nước của dòng sông Bạch Đằng để vị tướng tổng tư lệnh bố trí trận địa tiêu diệt thủy quân Nguyên-Mông. Phong trào Tây Sơn là cơn bão táp cách mạng thể hiện cao độ sức mạnh, thao lược trí tuệ của giai cấp nông dân đòi giải phóng. Thủy quân Tây Sơn có một sức mạnh vô địch vượt xa hẳn thủy quân của các quân đội đương thời chính là bắt nguồn từ sức mạnh của phong trào quần chúng nhân dân, đặc biệt là nông dân.

Do tính chất của cuộc chiến tranh là chiến đấu để bảo vệ tổ quốc nên thủy quân Việt Nam thường chiến đấu ngay trên sông biển của đất nước mình. Để tạo thêm sức mạnh, ưu thế, thủy quân ta đã triệt để lợi dụng những điều kiện địa lý, thiên nhiên sẵn có để tiêu diệt địch, phát huy cao độ những yếu tố thiên thời địa lợi để chiến thắng địch là một trong những truyền thống tốt đẹp, kinh nghiệm quý báu của thủy quân Việt Nam. Công lao to lớn của Ngô Quyền là ông đã tạo ra bãi chướng ngại vật góp phần phá tan thủy quân địch. Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo đã tiếp thu và áp dụng kinh nghiệm đó. Trần Hưng Đạo đã kế thừa và phát huy ở mức cao hơn là kết hợp bãi cọc tự tạo với những chướng ngại sẵn có của thiên nhiên để bố trí trận địa. Người triệt để lợi dụng yếu tố địa lý vào việc tiêu diệt địch ở mức hoàn thiện là Nguyễn Huệ với trận thủy chiến oanh liệt Rạch Gầm-Xoài Mút. Trong thủy chiến, việc bố trí trận địa kết hợp với việc lợi dụng điều kiện thời tiết, sự lên xuống của thủy triều, chiều thổi của gió là rất quan trọng. Có như vậy mới tạo được sức mạnh và thời cơ tiêu diệt địch. Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung là những bậc thầy trong lĩnh vực chiến thuật đó. Người sau kế thừa người trước với một mức độ hoàn thiện hơn, cao hơn, cho nên thắng lợi cũng ngày càng lớn hơn. Những trận thủy chiến Bạch Đằng 938, 1288, Gia Định, Rạch Gầm Xoài- Mút là những trận chiến đấu mẫu mực của việc lợi dụng thiên thời địa lợi để tiêu diệt địch. Những trận chiến đấu đó thể hiện trí thông minh, tài thao lược của dân tộc ta trong lĩnh vực chọn trận địa, chọn thời cơ để chôn vùi quân xâm lược.

(Còn nữa)

CVL

 ----------------------                                                        

[1] Thư của Nguyễn Huệ gửi Thang Hùng Nghiệp trong Tây Sơn bang giao tạp dân theo THTTQSNH trang 344.

[2] Ru mi an xép - Lênin pu nhin: Cu tu zốp QĐND 1963, tập I, tr. 20.