“Trận chiến” giữ núi Phượng hoàng và kỷ niệm không quên với thầy Vượng

Bùi Xuân Đính

07/11/2021 10:46

Theo dõi trên

Những ngày này, mỗi khi mạch viết bị “tắc”, tôi thường bỏ máy, quay về với việc thu dọn, sắp xếp lại các đống tài liệu điền dã, các ảnh và các bài viết, bài báo. Chiều qua, lục lại mấy trăm bài báo đã đăng còn giữ được, thấy có ba bài về một ngọn núi ở quê, cùng đăng trong tháng 10/1993, những kỷ niệm về một “trận chiến” bảo vệ núi cùng Thầy Trần Quốc Vượng ùa về.

tran-chien-nui-phuong-hoang-1636256423.jpg

Hôm ấy, đầu giờ chiều một ngày gần cuối tháng 9/1993, tôi đang ngồi viết ở nhà thì một cụ già chừng 70 tuổi bước vào cửa hỏi với đặc giọng Phủ Quốc – Sơn Tây mà tôi dễ dàng nhận ra:” Có phải nhà ông Bùi Xuân Đính đây không ạ?”. Tôi ngạc nhiên vì có giọng quê hỏi đích danh mình. Càng ngạc nhiên hơn là phía ngoài có 7 cụ với 7 xe đạp đang đứng đợi, cụ “trẻ” nhất, tôi đoán cũng gần 60, còn cụ già nhất (người hỏi tôi đầu tiên) phải trên 70. Tôi mời các cụ vào nhà (nhà tôi khi đó rất chật, các cụ cũng ngạc nhiên). Pha trà, rót nước mời các cụ, tôi hỏi luôn: ”Tôi hân hạnh được đón các cụ ở đâu ra ạ, nếu tôi không nhầm thì tiếng các cụ như tiếng Phủ Quốc?”. Các cụ cùng tỏ vẻ ngạc nhiên. Rồi vẫn cụ đầu tiên thay mặt các cụ nói với tôi : “Chẳng giấu gì bác, chúng tôi ở thôn Khánh Tân, xã Sài Sơn, Quốc Oai, đến kêu với bác, nhờ bác giúp cho một việc mà cả làng đang lo”. Tôi đáp : “Tôi chưa rõ việc gì, nhưng sao các cụ lại đến kêu một người dân quèn như tôi?”. Một cụ khác chen vào: “Thưa bác, chúng tôi vừa ở chỗ Giáo sư Trần Quốc Vượng đến đây, Giáo sư bảo đến gặp bác, nhờ bác giúp” (hóa ra, không hiểu sao, Thầy Vượng đã ấn định việc cho tôi rồi). Rồi một cụ khác nói vắn tắt tình hình về việc ngọn núi Phượng Hoàng quê các cụ đang có nguy cơ bị phá vì dự án liên doanh với Đài Loan để nâng cấp Nhà máy xi măng Sài Sơn, tiền bán núi nghe nói lên đến 150 tỷ đồng. Một cụ khác đưa cho tôi một tập giấy tờ, toàn là đơn thư của dân làng kêu đến các lãnh đạo, cơ quan Đảng, Nhà nước từ huyện lên cấp cao nhất, cùng các cơ quan báo chí. Tôi đọc qua một văn bản, biết là “sự đã rồi”, bèn nói các cụ: ”Chuyện đến như thế này thì khó đấy các cụ ạ, tôi không thể hứa với các cụ điều gì, nhưng các cụ đã ra đến đây thì còn nước còn tát”. Rồi tôi nói với các cụ, chỉ cần ba cụ đi theo tôi, không cần thiết phải đi nhiều, các cụ khác hoặc chờ đến chiều đi lo việc xong sẽ về cùng, hoặc có thể về trước. Rồi tôi đưa ba cụ đến Ban tiếp dân trung ương ở phố Mai Xuân Thưởng. Có anh bạn cùng lớp đại học tiếp. Anh xem xong đơn, lắc đầu ngay : “Họ đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi, tôi nhận đơn của các cụ cho có thủ tục thôi, các cụ phải đi đường khác mới có thể cứu được”. Tôi vẫn phải nói với anh bạn để các cụ thấy “Thôi, anh cứ giúp được chừng nào tốt chừng đó, còn tôi cùng các cụ vẫn phải tính kế khác”. Sau đó, tôi đưa các cụ ra Ban Bạn đọc báo Nhân dân. Các biên tập viên tôi quen ở đây cũng chỉ nhận đơn và hứa sẽ xem xét đăng hoặc chuyển đơn sau.

tran-chien-nui-phuong-hoang-1-1636256668.jpg

 

Sau đó, tôi cùng các cụ về nhà tôi, rồi các cụ trở về làng. Tối hôm đó, Hà Hữu Nga - bạn cùng lớp đại học sang bảo tôi: “Thầy Vượng nhắn Đính mai về Sài Sơn cùng Thầy ”xem xét vụ việc phá núi chùa Thày”. Sáng hôm sau, quãng 8h, tôi và Hà Hữu Nga đến nhà thầy, đã có Lâm Mỹ Dung (cán bộ giảng dạy khoa Sử) và một người trạc tuổi tôi từ Sài Gòn ra (tôi quên mất tên). Phải hơn 10 giờ, mấy thầy trò mới về đến làng, được các cụ tiếp ở chùa. Một mâm cỗ thịnh soạn đã được bày ở nhà khách và các cụ mời mấy thầy trò “xơi tạm lưng cơm sáng”. Thầy Vượng lập tức xua tay:”Các cụ dẹp hộ mâm cơm đi, mang thần phả và sắc phong ra đây”. Thế rồi, thầy gọi mấy đứa trò ra đọc cùng thầy (thú thật hồi đó, vốn tiếng Hán của tôi có được mấy đâu). Ở nhiều đoạn, thầy hỏi các cụ về địa danh, sông ngòi, núi, xứ đồng ghi trong thần phả, khiến các cụ kinh ngạc. Một số đoạn thầy giảng cho mấy học trò cách sử dụng, phân tích tư liệu thần phả. Đọc xong các văn bản Hán Nôm đã hơn một giờ chiều. Mâm cỗ các cụ dọn ra ban sáng ăn ngon lành. Cơm xong, nói chuyện khoảng 20 phút, Thầy Vượng bảo :”Giờ các cụ cho chúng tôi lên núi”. Quanh co mấy bờ ruộng, mấy thầy trò đến núi Phượng Hoàng. Đêm hôm trước trời mưa to, dưới chân núi la liệt các mảnh gốm thô. Thầy Vượng reo to “Phùng Nguyên, Phùng Nguyên”. Quả là thầy trò gặp may. Thu một vốc mảnh gốm, mảnh tước về, kết hợp với mấy chiếc rìu đá mài mà các cụ đã nhặt trước đó, Thầy Vượng nói qua về giá trị của di chỉ, rồi giao nhiệm vụ cho tôi luôn: trong tuần tới, phải đăng cho được một bài về di chỉ này trên các tờ báo lớn”. Tối hôm đó về nhà, tôi thức đến gần một giờ sáng để viết xong bài. Sáng hôm sau, ra báo Quân đội nhân dân, đưa bài viết (kèm đơn thư của các cụ) cho anh bạn ở báo. Anh lắc đầu: “Tuần tới báo kín trang hết cả rồi, bài ông viết lại dài”. Tôi nói khó :”Vậy thì cố gắng cho một tin ngắn cũng được”. Anh bảo, sẽ cố. Hôm đó là thứ Sáu.

Ba ngày sau, sáng thứ Hai (4/10/1993), vừa lên đến cổng cơ quan, một anh bạn ở Viện khác gặp tôi, vừa nói vừa hỏi: ”Ông chửi quê ông gì mà khiếp thế?”. Tôi hiểu ngay là anh bạn ở báo QĐND đã đăng bài, nhưng chưa rõ có bị sửa, cắt gì không mà người bạn kia lại nói vậy. Tôi chạy ngay vào thư viện tìm báo. Thì ra, bạn tôi đã đăng bài hôm Chủ nhật (3/10//1993). Bài vẫn giữ gần như nguyên văn, nhưng anh bạn tôi đã giật tít thành “Đừng để tái diễn cảnh núi Nàng Tô Thị tại cụm di tích thắng cảnh Chùa Thày” để tôn bài báo lên; hơn nữa lại đăng ở chân trang nhất nên càng gây chú ý. Vậy là tôi đã mãn nguyện một phần. Càng vui hơn khi chiều hôm đó, tin tức về tác động của bài báo đối các ban ngành của tỉnh Hà Tây và dư luận dân chúng từ thị xã Hà Đông đến với tôi.

tran-chien-nui-phuong-hoang-2-1636256668.jpg

Mấy ngày sau (12/10), báo Nhân dân (Ban Bạn đọc) lại đăng giúp tôi một bài ngắn, như thêm “đòn” giáng vào dự án mà tỉnh Hà Tây đang triển khai. Song phải đến bài thứ ba (đăng ngày 23/10/1993 trên trang của Ban Khoa giáo báo Nhân Dân) mới là “đòn” quyết định. Tôi được nghe kể lại (không rõ mức độ chính xác là bao nhiêu), vị lãnh đạo cao nhất của đất nước đã đọc bài này và ông đã cho gọi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp lên để hỏi có đúng có dự án như bài báo tôi viết hay không. Ông Bộ trưởng trả lời đúng, Vị lãnh đạo đã nói: “Cho dừng ngay nhé!”. Thế là dự án “Lấy núi Phượng Hoàng để nâng cấp Nhà máy Xi măng Sài Sơn” - niềm hy vọng “đi lên” của huyện Quốc Oai và tỉnh Hà Tây “đổ bể”. Tôi rất vui, vì mình đã tham gia “cuộc chiến” bảo vệ núi Phượng Hoàng - một trong số ngọn núi ít ỏi còn sót lại trong “Vịnh Hạ Long trên cạn” của huyện Quốc Oai, dưới sự chỉ đạo của Thầy Trần Quốc Vượng, dù sau đó, tôi bị lãnh đạo tỉnh Hà Tây, huyện Quốc Oai coi là “kẻ nghịch tặc”, vì “con em địa phương lại phá địa phương” (!?). Sau này, trong một buổi uống bia, Thầy Vượng kể lại, hôm Thầy về làng Bùng (huyện Thạch Thất) dự Hội thảo về Phùng Khắc Khoan, giờ giải lao, Thầy ra nhà thờ Trạng Bùng đọc bia. Đang đọc thì ông Chủ tịch huyện Quốc Oai (người này không biết Thầy, song Thầy thì biết rõ ông ta) đến hỏi Thầy: “Ông có phải là ông Bùi Xuân Đính không?”. Thầy Vượng nhìn thẳng vào ông ta và nói giọng đầy hài hước :”Thưa ông chủ tịch huyện, tôi không có vinh dự được là ông Bùi Xuân Đính, mặc dù ông ấy là học trò không biết thứ bao nhiêu của tôi”. Ông chủ tịch nghe thế, “hốt” luôn, vì (nghĩ rằng) học trò mà “kinh” như thễ, thì ông thầy này “kinh” đến mức nào. Ông chủ tịch phân trần: “Huyện nghèo, hy vọng dự án ở núi Phượng Hoàng được thực hiện thì huyện bớt khó khăn, tạo cho huyện thế đi lên. Nay ông Đính phá hỏng cả”. Thầy Vượng hỏi luôn :” Bán xong núi Phượng Hoàng có bán tiếp núi chùa Thày không ông?”. Vị chủ tịch huyện không tra lời và lui ra.

28 năm đã trôi qua, đọc lại ba bài báo về một ngọn núi liên quan đến một dự án kinh tế của huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, tôi càng nhớ một trong nhiều kỷ niệm khó quên với Thầy Vượng, kính phục Thầy về trình độ và cách làm việc. Thú thật, đời làm khoa học của tôi “lên” được nhờ làm báo một phần và tôi đã “thủ” được rất nhiều thủ thuật viết của Thầy.

 

Bạn đang đọc bài viết "“Trận chiến” giữ núi Phượng hoàng và kỷ niệm không quên với thầy Vượng" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn