Trần Tiến một thủa Trường Sơn

Trần Tiến là người Hà Nội. Nhiều lúc nhìn anh rất lãng tử, có chút bụi bặm. Nhưng những năm chiến tranh, anh lại mang đậm dáng dấp một người lính Trường Sơn.
dvh6ba1-1665563600.jpg
 Nhạc sĩ Trần Tiến thời trẻ. Ảnh: qdnd.vn do tác giả cung cấp.

 

Hai năm nay, Trần Tiến phải kiên cường chiến đấu với bệnh tật, dũng cảm như một người lính Trường Sơn năm xưa. Tôi đã viết nhiều về anh và vẫn muốn viết về anh - người lính Trường Sơn ấy...

Hồi học lớp 9, có lần đi tiễn mẹ tôi sang Lào biểu diễn, tôi thấy anh - gương mặt trẻ măng trong đoàn nghệ sĩ gạo cội ra mặt trận. Sau này, tôi lại được tiễn anh đi Trường Sơn, rồi đón anh về cũng từ Trường Sơn trong bộ quân phục bạc màu, trong tư thế hào hùng của một người lính. Anh đã trở thành người lính Trường Sơn, có tiếng hát cùng những bài ca về Trường Sơn tuyệt vời. Trong căn phòng nhỏ của anh ở 94 Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn, Hà Nội), những bạn bè áo lính từng bên nhau uống rượu, đàn hát thâu đêm những ca từ: “Bạn thanh niên ớ ơi, ta cùng nhau lên đường...”.

Có bận, tôi được nghe anh Trần Tiến tâm sự: “Mình có mấy thằng bạn thơ thân lắm, như: Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật... nhiều lắm, nhớ chẳng hết. Chúng nó thuở hàn vi thương mình ca sĩ quèn chưa nổi tiếng, thế là hùa vào động viên mình làm nhạc. Đến khi mình nổi tiếng (anh cười), lại chẳng thấy thằng nào nhờ mình phổ thơ. Cho nên đến giờ, mình chưa từng phổ thơ ai...”. Nghe ông nhạc sĩ nổi tiếng này dăm câu ba điều như thế, tôi có phần ngờ ngợ, nghĩ không có nhẽ anh quên, hoặc là tôi “mụ mị” rồi! Là bởi chính tôi đây, có nhẽ cũng đã gần nửa thế kỷ trước, khi ấy còn là một người lính ở Trường Sơn, chẳng đã nghe bài hát “Zil ba cầu” của anh phổ thơ anh Phạm Tiến Duật đó sao? Cũng lại do chính anh Trần Tiến ôm guitar trình diễn với những lời hát mộc mạc, khỏe khoắn: “Tớ là zil ba cầu/ Ấy, khỏe là zil ba cầu/ Đại đội có mình tớ/ Nên quý như con đầu...”.

Bộ đội ta nghe anh hát, khoái lắm, vỗ tay cứ vang rừng. Những người lính Hà Nội nhìn anh cứ mê man, bởi khi ấy, anh là ca sĩ trẻ của Đoàn Ca múa Hà Nội vào mặt trận phục vụ, người còn “thơm lừng” mùi hoa sữa. Anh xung phong cùng đoàn vào tuyến đường Trường Sơn ác liệt, nơi có nhà thơ Phạm Tiến Duật đang làm ngất ngây bao người yêu thơ. Hai anh này gặp là mê nhau ngay, cái giống người tài vốn vậy, họ nhận ra nhau nhanh lắm, chỉ một buổi là thành tri âm, tri kỷ. Thế là suốt đêm ấy đọc thơ, đàn hát, tâm đắc đến nỗi anh Tiến nhập tâm ngay bài thơ “Zil ba cầu” của anh Duật và ôm đàn hát ngay thành lời. Anh em chúng tôi cứ là lác mắt.

Còn anh Duật cũng xúc động lắm, cứ ngơ ngẩn nhìn anh Tiến còn hơn cả nhìn nữ ca sĩ Huyền Châu xinh đẹp ngồi bên. Từ đấy, cặp này cứ nắm tay nhau đi diễn khắp các đơn vị, hát vang cả rừng Trường Sơn trong tiếng vỗ tay rào rào của anh em bộ đội. Đến sau này, anh Phạm Tiến Duật về Hà Nội lấy vợ, tổ chức đám cưới ngay tại nhà anh Trần Tiến. Đám cưới cũng tùng tiệm, nhưng vui vẻ lắm. Bạn bè, anh em lính tráng, rồi văn nghệ sĩ đến tấp nập, chẳng có chỗ mà ngồi. Trong đám cưới ấy, khi men rượu làng Vân và bia hơi Hà Nội đã tây tây, thì lại chính là anh Trần Tiến chứ chẳng ai khác ôm guitar hát đến khản cổ bài “Zil ba cầu” để mừng cô dâu, chú rể, làm tất thảy người dự cứ vỗ tay hát theo rầm rầm

Tôi nhớ Hà Nội những năm đầu chiến tranh chống máy bay Mỹ. Có một đêm, Đoàn Ca múa Hà Nội biểu diễn ở rạp Đống Đa, tăng cường thêm nghệ sĩ Mạnh Hà đang nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ. Sau tiết mục của Mạnh Hà, khán giả đứng dậy vỗ tay tán thưởng hồi lâu, rồi khi anh Mạnh Hà cúi đầu chào và bước vào bên trong, dòng người cũng bắt đầu... nối nhau ra về. Chàng trai trẻ Trần Tiến khi ấy đang làm nhiệm vụ chính là bốc vác trong đoàn, nhưng đêm ấy lại được ra hát. Thấy cảnh ấy, Trần Tiến liền tiến ngay ra sân khấu, cùng nhạc công Sỹ Năng hòa vang: “Bạn thanh niên ơi, ta cùng nhau lên đường”. Tiếng hát sôi nổi và nhiệt tình lạ thường của chàng trai trẻ ấy như thỏi nam châm hút mọi người đứng lại, rồi yên vị ngồi xuống, cùng ngước lên sân khấu.

Sáng tác thứ hai của Trần Tiến được viết trên đất Lào, nhân vật trung tâm cũng là một người chiến sĩ. Ấy là năm Trần Tiến 20 tuổi, được chọn vào một đoàn nghệ thuật quốc gia bao gồm những nghệ sĩ gạo cội, như: Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý, Tân Nhân, Phương Thảo... sang biểu diễn phục vụ tại Sầm Nưa. Trần Tiến run run đề đạt với nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tổng thư ký Hội Âm nhạc Việt Nam, cũng là đoàn trưởng: “Anh ơi, đợt này anh cho em hát một bài em mới sáng tác tặng các bạn Lào nhé”. Tin ở nhiệt tình và tài năng người nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận gật gù chấp thuận, dù nhiệm vụ đối ngoại cần nghiêm khắc lắm. Đêm ấy, dưới ngọn nến tù mù trong một hang đá ở Sầm Nưa, Trần Tiến hóa thân thành một chiến sĩ Giải phóng quân Lào: “Ồ lê... Này em gái trên nương ơi chịu khó nuôi chiến sĩ/ Người diệt thù vì dân (ơ) chưa về/ Ồ lê... Rồi mai đây đất nước vắng bóng thù/ Đợi chờ anh lại về bên em/ Người đẹp ơi anh chờ!/ Ơ này cô cô gái, ơ này cô gái Lào!/ Mình anh hát, mình anh lăm tơi/ Múa một mình sao (nó) không đẹp/ Không đẹp, không đẹp, không đẹp...”.

Đêm sau, được đoàn trưởng cho phép, Trần Tiến ôm guitar hát sáng tác mới của mình. Mẹ tôi cũng có mặt ở đêm diễn ấy kể lại rằng: “Trần Tiến được hoan nghênh ghê lắm. Dứt bài hát là tất cả ta và bạn đều vỗ tay nồng nhiệt, ôm hoa lên tặng Trần Tiến”. Nhưng dù rất yêu quý Trần Tiến, cũng không thấy mẹ tôi kể về chuyện “có một nàng công chúa Lào đã thầm yêu Trần Tiến ngay sau bài hát ấy”, như anh sau này hay “nháy mắt” khoe với bạn bè.

Đến giờ, nhắc đến Trần Tiến, người ta nghĩ đến cây đại thụ của âm nhạc Việt với sự nghiệp sáng tác đồ sộ. Với Trần Tiến, “Chỉ cần vài ca khúc để lại trên đời rồi bay đi... Những ca khúc như dấu chim thiêng không phải ai cũng có, rồi sẽ lẫn lộn và bay đi cả đàn rợp trời nhiều thế kỷ... Nhưng ai cũng biết đó là loài chim của thiên đường, của người nhà trời. Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng mấy ai biết sống sao cho tử tế...

Với tôi, sống hay chết không quan trọng bằng, bạn có hạnh phúc không”. Anh cứ thầm thì với sóng biển như thế, cho tận tới lúc hoàng hôn. Và rồi anh lại hát. Hát “Mẹ tôi, “Chị tôi”. Hát về xứ Đoài mây trắng của tôi ơi. Hát về Tổ quốc và những đôi mắt người lính mang hình viên đạn. Hát về cô gái Sầm Nưa năm xưa anh lỗi hẹn. Hát về "Zil ba cầu" mà anh đã đưa anh Phạm Tiến Duật từ Trường Sơn về nhà mình tổ chức đám cưới... Với anh, tôi hiểu, không âm nhạc, không hát mới là chết, chứ bom đạn, bệnh tật cũng chả bén mùi gì, cũng không thể khuất phục được người lính Trường Sơn này!