Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)

PGS TS Cao Văn Liên

14/02/2022 06:18

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 26.

Trịnh Cối đọc xong vùng dậy khỏi ghế, hất mỹ nhân ngã xuống nền nhà, miệng thét:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Tập trung quân đội đến vây cung vua Lê Anh Tông.

-Dạ bẩm Tiết chế, hoàng thượng đã được Trịnh Tùng và các đại thần hộ giá về Vạn Lại rồi ạ.

-Cứ tập trung quân kéo về tấn công Vạn Lại.

-Dạ, tuân lệnh Tiết chế.

chu-trinh-tung-01-1644770188.jpg
Tranh minh họa. 

Từ khi Trịnh Tùng thực sự thay Trịnh Kiểm cầm quyền binh vào năm 1570, đến khi ông qua đời năm 1623, tổng cộng khoảng 54 năm. Trong năm 54 năm ấy, ông đã mất tới 23 năm (1570 – 1592) để hoàn thành công cuộc đánh bại vương triều Mạc, khôi phục cơ đồ của nhà Lê sơ. Nguồn: Internet

 

  Rồi Trịnh Cối cùng bọn Phúc Quận Công Lại Thế Mỹ, An Quân Công Lại Thế Khanh, Lâm Quận công Nguyễn Sư Doãn, Thạch Quận Công Vương Trân, Hùng Tra Hầu Phạm Văn Khoái, Tráng Quận Công Vũ Sư Thước kéo 1,5 vạn quân bao vây Vạn Lại đánh Trịnh Tùng.

  Tại Đông kinh, khi đó Mạc Kính Điển đang uống trà trong Tổng hành dinh, chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Khiêm Vương, Nam Triều đang loạn to .

-Loạn thế nào?

-Dạ, Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đang đánh nhau, giành giật nhau chức Tiết chế nắm binh quyền Nam Triều ạ.

  Mạc Kính Điển cười ha hả:

Ha!ha!ha! Trời cho ta thành công chuyến này rồi. Bay đâu.

-Dạ.

-Đem 700 chiến thuyền, 10 vạn quân, hành quân nhanh chóng theo đường biển vào sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày tấn công Vạn Lại-An Trường.

-Dạ, tuân lệnh.

  Trong ngày, 700 chiến thuyền chở 10 vạn quân Mạc, tinh kỳ rợp trời phấp phới xé nước sông Cấm theo cửa Nam Triệu ra biển gần và tiến vào Nam, vào cửa Lạch Trường thẳng tới sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày, tới Vạn Lại-An Trường mà không gặp một sự kháng cự nào của quân Nam Triều.

  Tại hành dinh ở Vạn Lại, Trịnh Cối đang đốc thúc Lại Thế Mỹ, Lại Thế Khanh, Vũ Sư Thước đánh thành, chợt có thám mã về báo:

  -Dạ, bẩm Tiết chế, 700 chiến thuyền và 10 vạn quân Mạc do Mạc Kính Điển chỉ huy đang tiến về Vạn Lại tấn công quân ta.

  Trịnh Cối cả sợ:

-Nguy to rồi, sau lưng là 10 vạn quân Mạc, trước mặt là 2 vạn quân của Trịnh Tùng, ta chỉ có 1,5 vạn quân làm sao mà chống lại được?

  Vũ Sư Thước nói:

-Tuấn Đức Hầu hãy về với Trịnh Tùng, dù sao cũng là người của Nam Triều, là anh em cùng cha khác mẹ, có thể dung thân mà không mang tiếng phản nghịch Lê Trung Hưng.

  Lại Thế Mỹ nói:

-Nhà Mạc đang chiến tranh với Nam Triều nên có chính sách thu hút nhân lực thiên hạ, kể cả của Nam Triều. Tuấn Đức Hầu cứ về với nhà Mạc rồi tìm cơ hội tính sau, còn về với Trịnh Tùng là không có chỗ dung thân vì cuộc đấu tranh giành quyền Tiết chế là một mất một còn.

  Trịnh Cối thở dài:

-Ta với Trịnh Tùng cùng cha khác mẹ nhưng tính cách hoàn toàn khác nhau như nước với lửa. Thôi đành về với nhà Mạc vậy.

  Bèn sai người sang hành dinh của Mạc Kính Điển xin hàng. Mạc Kính Điển nói:

-Tiết chế Nam Triều về hàng là tốt nhưng hãy đem quân cùng ta đánh Vạn Lại-An Trường lập công.

  Trịnh Cối đem 1,5 vạn quân phối hợp với quân Mạc Kính Điển ra sức tấn công Vạn Lại-An Trường. Vạn Lại-An Trường đúng là nơi hiểm địa, núi cao, sông sâu rất khó tấn công. Hàng nghìn quân Trịnh Cối và quân Mạc leo lên đều bị tên đạn, máy bắn đá dội xuống chết vô kể chồng chất trên đồi hay trôi dạt xuống dòng sông Càu Chày, sông Chu. Trong tiếng reo hò và chiêng trống vang lừng của những đợt tấn công, quân Mạc và quân Trịnh Cối chết như lá rụng. Mạc Kính Điển bảo Trịnh Cối:

-Tướng quân cứ  bao vây thành, quân Trịnh Tùng hết lương thực phải ra hàng. Ta sẽ đem quân đánh phá các nơi trong trấn Thanh Hóa để lấy lương thực, đồng thời triệt nguồn lương thực của Trịnh Tùng.

  Trịnh Cối đáp:

-Mạt tướng tuân lệnh Khiêm Vương.

  Trịnh Cối cùng 1,5 vạn quân bao vây Vạn Lại. Mạc Kính Điển cho quân tràn xuống cướp bóc ven hai bờ tả hữu ngạn sông Chu, sông Mã. Quân Mạc còn tiến xuống Nông Cống, Thụy Nguyên (Thiệu Hóa), Đường Nang (Quảng Xương), Bút Sơn (Hoằng Hóa). Chiến tranh lan tràn khắp Thanh Hóa. Dân cư hỗn loạn chết chóc đau thương trong cơn binh lửa. Trong thành Vạn Lại, Trịnh Tùng nói với Lê Anh Tông:

-Mạc Kính Điển mở rộng chiến tranh ra khắp trấn Thanh Hóa. Sự oán giận của bách tính ngút trời đất, lòng người đang nổi giận. Hoàng thượng ra chỉ dụ kêu gọi anh hùng hào kiệt, hào trưởng, bách tính nổi dậy đánh giặc khắp nơi, binh lực giặc bị phân tán để đối phó, chắc ta phá được giặc.

  Lê Anh Tông nói:

-Tiết chế nói phải lắm.

  Liền ra chỉ dụ rồi sai lính vượt vòng vây đem phân phát các nơi đang bị quân Mạc đánh phá. Chỉ dụ viết: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nay quân Mạc đang bao vây Vạn Lại-An Trường, kinh đô Nam Triều ta nguy ngập, quân giặc còn ngang nhiên cướp phá các nơi, đem đau thương chết chóc cho dân chúng vô tội. Trẫm chỉ dụ cho hào kiệt, quan lại, hào trưởng, bách tính các nơi có giặc hãy đứng dậy đánh giặc cứu lê dân bách tính và cứu kinh đô của nước nhà qua cơn nguy biến. Khâm thử. Niên hiệu Chính Trị năm thứ 3”.

  Sau chỉ dụ của Lê Anh Tông, quân Mạc bị đánh khắp nơi. Tại Đường Nang (Quảng Xương) 5000 quân Mạc bị tiêu diệt, tại Bút Sơn 1 vạn quân Mạc bỏ mạng. Trong lúc chiến trận rối bời như vậy, một sáng cuối năm 1570, trong tổng hành dinh, Mạc Kính Điển đang ngồi uống trà bỗng nhiên gục xuống. Tả hữu hoảng sợ đỡ vào giường. Mạc Đôn Nhượng gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Gọi đại phu nhanh lên.

  Đại phu vào bắt mạch, mạch của Mạc Kính Điển đập rất yếu. Đại phu nói:

-Khiêm Vương Nhiếp chính rất yếu, phải về Đông Kinh mới chạy chữa được.

  Mạc Đôn Nhượng cả sợ:

-Hả, ở đây đại phu không chữa được sao?

-Dạ, tại hạ bất tài, ở đây không đủ thuốc, không thể cứu chữa được nữa.

  Mạc Đôn Nhượng nói:

-Ai lộ tin Khiêm Vương bị ốm sẽ chém, ra lệnh bí mật rút quân về Đông Kinh.

-Dạ, tuân lệnh.

  Quân Mạc đột nhiên rút khỏi Vạn Lại-An Trường và Thanh Hóa rất nhanh. 700 chiến thuyền vội vả chạy như bay mang theo 8 vạn quân Mạc và quân Trịnh Cối ra biển và về phương Bắc. Quân Lê, Trịnh Tùng và cả vua Lê Anh Tông cũng ngạc nhiên không hiểu vì sao quân Mạc đột ngột rút nhanh như vậy. Trịnh Tùng nói với vua Lê Anh Tông:

-Chắc là Đông Kinh có biến động lớn gì chăng?

  Rồi gọi:

-Bay đâu

-Dạ, bẩm Tiết chế.

-Sai do thám ra Bắc dò xem Đông Kinh có biến động gì không? Có thì phải báo gấp rõ chưa?

-Dạ. tuân lệnh Tiết chế.

  Sau trận đó, vua Lê Anh Tông phong Trịnh Tùng làm Thái úy, Trường Quốc Công, quản lĩnh việc quân quốc của Nam Triều. Vua Lê Anh Tông còn ban thưởng cho các đại thần tướng lĩnh, quân sĩ có công trong trận chiến 1570. Lê Cập Đệ được phong làm Thái phó.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn