Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 25)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

KỲ 25.

  Sau bữa cơm tối, Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng đang ngồi uống trà trong phủ đệ của mình thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Phúc Lương Hầu, nhà đang có đại tang Thái Quốc Công mà bên phủ đệ của quan Tiết chế Trịnh Cối ngày đêm yến tiệc, say mê tửu sắc, nói là mừng việc được thay cha nắm toàn bộ quyền bính.

chuytrin1-1644684625.jpg
Tranh minh họa:Trịnh Tùng là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, bởi vì cha ông Trịnh Kiểm chưa từng xưng Chúa khi còn tại vị. Ông quê ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Mẹ là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, con gái của Nguyễn Kim và là vợ thứ của Trịnh Kiểm. Nguồn: NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh

  Trịnh Tùng nói:

-Kẻ bất tài mà nắm quyền bính thường kiêu ngạo ngông cuồng, đã bất tài lại bất hiếu. Nam Triều sẽ bị huynh ấy phá nát mất thôi. Thân mẫu Lại Thị Ngọc Trân không dạy bảo sao? Ông ngoại Lại Thế Vinh không dạy bảo sao?

-Dạ, mạt tướng không rõ ạ.

  Lại một đêm khác, Trịnh Tùng đang ngồi uống trà thì một tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm Phúc Lương Hầu, có Đoan Vũ Hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong Hầu Trịnh Vĩnh Thiệu dẫn đầu nhiều đại thần xin vào gặp.

Trịnh Tùng nói:

-Mời vào.

-Dạ.

  Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu dẫn đầu 8 đại thần bước vào. Trịnh Tùng vội đứng dậy hành lễ:

-Kính chào, kính chào, xin mời các đại nhân vào.

-Đa tạ, thất lễ, thất lễ, chúng tôi vào mà không báo trước cho Phúc Lương Hầu.

Sau khi chia ngôi chủ khách an tọa và uống một lượt trà, Trịnh Tùng đưa mắt nhìn. Ngoài Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu còn có Vệ Dương Hầu Trịnh Bách, Lại Quận Công Phan Công Tích và mấy vị nữa mà Trịnh Tùng không biết. Sau một lượt trà Trịnh Tùng hỏi:

-Hôm nay sao các đại nhân rỗi rãi mà hạ cố tới lều tranh của tại hạ vậy?

  Lê Cập Đệ nói:

-Dạ bẩm Phúc Lương Hầu, hôm nay chúng tôi tới đây là vì sự an nguy của nhà Lê Trung Hưng.

  Trịnh Tùng hỏi:

-Có sự biến gì mà nghiêm trọng vậy? Quân Mạc tấn công à?

  Trịnh Vĩnh Thiệu đáp:

-Dạ bẩm Phúc Lương Hầu, Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối là con trưởng của Thái Quốc Công nên được trao quyền Tiết chế nhưng không lo  việc quân, việc nước, lại còn ngày đêm ham mê tửu sắc. Trong khi đó bên quân Mạc, Mạc Kính Điển là tay thao lược, dùng binh như thần, xưa chỉ có Thái Quốc Công mới cân tài cân sức với ông ta. Nay nếu Mạc Kính Điển vào đánh thì Trịnh Cối làm sao địch nổi. Nam Triều ta nguy to rồi.

  Trịnh Tùng hỏi:

-Vậy các đại nhân có kế sách gì để cứu Nam Triều không?

  Phan Công Tích nói:

-Chúng tôi cho rằng đương đầu với Mạc Kính Điển hiện nay không ai khác ngoài Phúc Lương Hầu.

  Trịnh Tùng đáp:

-Đa tạ, đa tạ, không dám, không dám. Ta không phải là Tiết chế nắm binh quyền.

  Lê Cập Đệ nài nỉ:

-Phúc Lương Hầu hãy vì giang sơn xã tắc nhà Lê Trung Hưng mà hành động, nếu không chúng ta chết không có đất mà chôn, hối cũng không kịp.

  Trịnh Tùng hỏi:

-Vậy phải làm thế nào?

Lê Cập Đệ đáp:

-Ngày mai chúng ta vào gặp hoàng thượng xin phong Phúc Lương Hầu làm Tiết chế. Sau đó đem vua về Vạn Lại phòng thủ, đề phòng Trịnh Cối tấn công.

  Hôm sau Trịnh Tùng cùng bọn Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách…bí mật vào hành cung gặp vua Lê Anh Tông. Vua Lê Anh Tông đang ngồi uống trà thì có nội giám vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có Lương Phúc Hầu Trịnh Tùng và nhiều đại thần muốn vào gặp.

-Cho vào.

  Bọn Trịnh Tùng bước vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

  Vua Lê Anh Tông nói:

-Miễn lễ, các khanh bình thân.

-Đa tạ hoàng thượng.

-Các ái khanh vào có việc gì chăng?

  Trịnh Tùng liếc mắt vào những người hầu cận. Vua Lê Anh Tông biết ý nói:

-Các ngươi lui hết ra ngoài.

-Dạ.

  Khi trong cung chỉ còn lại vua và bọn Trịnh Tùng, Lê Cập Đệ nói:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, chúng thần vào đây là vì việc còn mất của Nam Triều ta.

-Ái khanh cứ nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối là con trưởng của Thái Quốc Công nên được phong Tiết chế nắm binh quyền. Thực ra Trịnh Cối là người tri thức quân sự rất tầm thường, không có tài thao lược, không có tài cầm quân. Trong khi đó bên quân Mạc có lão tướng tài thao lược lừng danh là Mạc Kính Điển, ngày xưa, chỉ có Thái Quốc Công mới chống chọi lại được. Nay mai Mạc Kính Điển tiến đánh, Trịnh Cối thua là chắc chắn. Nam Triều ta sẽ nguy to. Mong hoàng thượng sớm định liệu kẻo sau này quá muộn.

Trịnh Vĩnh Thiệu nói tiếp:

-Từ khi được phong Tiết chế đến nay, Trịnh Cối ngày đêm say sưa trong tửu sắc, không lo gì đến việc quân.

  Lê Anh Tông nói:

-Vậy thì nguy to rồi. Các khanh có kế sách gì không?

  Phan Công Tích nói:

-Mong hoàng thượng ra chỉ dụ phong Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng làm Tiết chế. Phúc Lương Hầu dù còn trẻ nhưng tài thao lược có thể chống lại được Mạc Kính Điển.

  Lê Anh Tông nói:

-Thôi cũng đành như vậy để cứu Nam Triều. Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng nghe chỉ:

-Nay phong Phúc Lương Hầu làm Tiết chế, nắm mọi quyền quân sự, dân sự của Nam Triều.

  Trịnh Tùng khấu đầu đáp:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

  Lê Cập Đệ nói:

-Một quân đội không thể có hai Tiết chế. Mong hoàng thượng thu hồi chức Tiết chế của Trịnh Cối.

  Lê Anh Tông đáp:

-Chuẩn tấu, nay thu hồi chức Tiết chế của Trịnh Cối.

  Trịnh Tùng nói:

-Tâu hoàng thượng, hiện nay Trịnh Cối có trong tay 1,5 vạn quân bản bộ, mong hoàng thượng cùng chúng thần xa giá về Vạn Lại đề phòng Trịnh Cối tấn công.

-Chuẩn tấu.

  Ngay đêm đó Trịnh Tùng đem quân bản bộ hộ giá vua Lê Anh Tông cùng bọn Lê Cập Đệ và triều đình bí mật về kinh đô Vạn Lại.

  Trong tư dinh ở An Trường, Trịnh Cối đang ôm mỹ nhân say sưa uống rượu và đàn hát. Chợt thám mã về báo:

-Dạ bẩm Tiết chế, có bố cáo của hoàng thượng.

  Trịnh Cối đọc. Bố cáo viết: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nay Trịnh Cối nhận trọng trách Tiết chế mà không có tài thao lược, lại suốt ngày say sưa tửu sắc không đoái hoài đến quân đội. Nay mai quân Mạc tiến đánh thì Nam Triều lâm nguy. Nay theo nguyện vọng của Triều đình và các tướng lĩnh và để cứu Lê Trung Hưng khi còn chưa muộn, thu hồi ấn tín Tiết chế của Trịnh Cối, bổ nhiệm Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng làm Tiết chế quân thủy bộ Nam Triều, nắm quyền về quân sự, dân sự và hành chính của Nam Triều. Khâm thử. Niên hiệu Chính Trị năm thứ 3”.
(Còn nữa)

CVL