Chợ Bắc Hà – Hương sắc vùng cao nguyên trắng

Bắc Hà không chỉ được biết đến với danh xưng “cao nguyên trắng” mà còn là nơi chợ phiên lớn và đặc biệt của khu vực miền núi phía Bắc. Chợ phiên Bắc Hà đã từng được giới truyền thông quốc tế bình chọn là chợ phiên hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
1-1682600428.jpg
 

Chợ được họp vào Chủ nhật hàng tuần. Cho đến nay, chưa có tư liệu nào ghi chép sự kiện ra đời chợ Bắc Hà và người dân trong vùng cũng không ai biết chợ này ra đời từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cuối XVIII, đầu thế kỉ XIX, khi người Mông, người Dao, người Hoa ồ ạt di cư vào vùng Bắc Hà thì cũng là lúc chợ Bắc Hà được nhắc đến trong một số ghi chép. Đến đầu thế kỉ XX, chợ Pa Kha (Bắc Hà) đã được ghi là một trong 6 chợ lớn nhất ở Lào Cai.

2-1682600451.jpg
 

Trong suốt thế kỉ XX, chợ Bắc Hà đã trở thành một trung tâm mua bán, trao đổi, giao lưu văn hóa có quy mô lớn, quy tụ đông đảo người dân của của Bắc Hà, các huyện phía Đông tỉnh Lào Cai, các huyện của Hà Giang tiếp giáp với Bắc Hà, dân cư khu vực biên giới Trung Quốc, dân cư từ vùng xuôi lên.

3-1682600469.jpg
 

Chợ phiên Bắc Hà gói trọn cả một không gian sinh thái nông nghiệp của Bắc Hà. Trên vỉa hè dọc đường xuống, bà con bày bán nông sản của địa phương: rau cải, gừng, rau củ khởi, ớt, su hào, đậu hà lan, cơm lam, củ cải, gạo khẩu hang, các loại hạt đậu, hạt giống rau, lạc... Ớt không chỉ có ớt tươi mà còn có ớt xâu thành dây dài phơi khô, ớt bột. Đi vào bên trong, đủ các loại rau, cây thuốc nam như tam thất, đương quy, ấu tàu, rồi các loại gia vị,… cho đến các đồ dùng trong gia đình do chính người dân trong vùng làm ra; những vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

9-1682600814.jpg
 

Nhộn nhịp nhất là khu hàng ăn uống. Những chiếc chảo thắng cố bốc khói nghi ngút. Hàng thắng cố, phở chua, không chỉ có bà con đi chợ mà còn thu hút rất đông khách du lịch đến thưởng thức. Khu vực bán xôi màu cũng đông không kém, mới đến 9h sáng mà hỏi hàng xôi nào cũng đã hết.

10-1682600835.jpg
 

Cao nguyên Bắc Hà khí hậu quanh năm mát mẻ, phù hợp để canh tác, phát triển các loại cây trồng ôn đới. Lê, mận được trồng nhiều nhất ở đây. Các loại lúa cấy trên chân ruộng bậc thang cũng là những loại gạo ngon, nổi tiếng nhất là Khẩu Nậm Xít. Chè cùng là một sản phẩm nổi tiếng ở đây với các vùng chè lớn như Bản Liền.

4-1682600528.jpg
 

Người Mông, người Dao, người Tày ở Bắc Hà đã có hệ thống tri thức ứng xử với tự nhiên một cách ôn hòa và được tự nhiên hào phóng ban cho những sản vật nức tiếng. Khách du lịch đến chợ, ai cũng mua vài chiếc bánh dày hay cân phở, chút ớt khô, mác khén, rau rừng,…. như  là để mang theo hương vị của Bắc Hà về trong gian bếp của nhà mình.

5-1682600559.jpg
 

Chợ Bắc Hà còn là nơi chứa đựng kho tàng tri thức dân gian phong phú, đa dạng của các tộc người. Đó là rượu ngô mà chỉ người Mông ở Bản Phố mới có được bí quyết lựa chọn hạt ngô, ủ men, chưng cất rượu ra được loại rượu uống thơm nồng, hơi nặng nhưng ngọt, say la đà từ sáng đến chiều.

8-1682600776.jpg
 

Là những bộ quần áo được thuật trang trí hoa văn bằng kỹ thuật thêu sáp ong có màu sắc rực rỡ và thể hiện thế giới quan, vũ trụ quan cũng như mĩ quan của người Mông, những bộ trang sức đa dạng, phong phú, công phu và tinh xảo được ra từ bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Những chiếc lưỡi cày – một sáng tạo của người Mông trong canh tác trên các  nương hốc đá.

6-1682600604.jpg
 

Với những tộc người cư trú hình da báo như người Mông, chợ là một điểm nhấn trong đời sống của họ. Chỉ có chợ mới là nơi để người Mông được gặp gỡ, được giao lưu, kết thân. Người ta đi chợ để chơi, để tìm kiếm niềm vui, để gặp gỡ người thương, để vấn trong nỗi nhớ khi mà “Chợ đã tan nhưng nỗi nhớ chưa tan”. Từ những phiên chợ, bao chàng trai, cô gái đã nên vợ thành chồng.

7-1682600718.jpg
 

Ngày nay, dẫu cho không còn nhiều như cầu thiết thân về gặp gỡ, về giao lưu như trước đây nhưng ngày chợ vẫn là ngày vui của bà con, vẫn là một phần trong cấu trúc đời sống của người Mông

Nhiều người đã từng nói: muốn biết đời sống của dân vùng đó như thế nào hay đến chợ. Đến với chợ phiên Bắc Hà, để thấy được cả một hệ sinh thái của vùng cao nguyên đá vôi, thấy đời sống văn hóa, tri thức dân gian của cộng đồng các dân tộc ở Bắc Hà, thấy hồn đất, tình người trong sắc, trong hương tỏa lan cả không gian của chợ. Điều này đã làm nên sức hấp dẫn vượt thời gian của Chợ phiên Bắc Hà.