Hà Nội: Kỳ công nghề làm nón tại làng Chuông

Làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai, Hà Nội) là một làng nghề nổi tiếng cả nước với truyền thống làm nón lâu đời. Không ai biết chiếc nón xuất hiện từ khi nào nhưng trong ca dao xưa đã có câu “Nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ”.

Làng nghề mang đậm tâm hồn của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ

Trải qua bao năm tháng, mặc dù nghề này không còn hưng thịnh như xưa nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn cố gắng lưu giữ hồn quê hương qua những sản phẩm nón lá... Làng nghề mang đậm tâm hồn của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Chiếc nón lá là biểu tượng mộc mạc của văn hóa Việt, làng nón Chuông mang một nét đẹp hoài cổ của một ngôi làng Việt xưa gắn với nghề làm nón lá nổi tiếng lâu đời.

b01-ky-cong-non-lang-chuong-1683217609.jpg

Chợ Chuông, nơi trao đổi hàng hóa.

Là một làng nghề ở Hà Nội lâu đời, không ai biết chính xác làng Chuông làm nón cụ thể từ năm nào.Theo lời của những bô lão trong làng, từ thế kỉ VIII, làng đã bắt đầu sản xuất nón. Thuở đó, làng Chuông có tên là Trạng Thì Trung, chuyên làm các loại nón cho hầu hết mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng.

Trong thời kỳ phát triển, làng Chuông là nơi cung cấp nhiều loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá giá ghép sống. Trong đó, quai thao sử dụng để người già đội đi chùa chiền. Còn nón lá già ghép sống phục vụ những người phụ nữ làm công việc đồng áng. Trước thế kỉ XX, những sản phẩm nón lá truyền thống của làng Chuông là nón ba vòng dành cho người nông dân làm đồng, còn loại nón thúng (quai thao) có vành rộng thường dành cho các cụ già đội đi chùa. Không chỉ vậy, còn một loại nón cổ truyền khác của làng Chuông chính là nón lá già ghép sống. Đây là loại nón có từ rất lâu đời cùng thời với chiếc nón quai thao.

b02-ky-cong-non-lang-chuong-1683217737.jpg

:Đi dọc trên con đường ở làng Chuông, ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh người dânphơi và xếp lá lụ.

Nón có ba vòng đấu, làm bằng lá hồ, khâu bằng móc đen rứa đen. Loại nón này rất chắc chắn nên có thể dãi dầu mưa nắng cùng người trên đồng với rất nhiều công dụng khác nhau.  Nghề làm nón ở làng Chuông đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm. Sau khi được đến và xem trực tiếp các công đoạn làm nón mới thấy hết được sự tỉ mỉ, khéo léo qua đôi bàn tay của người dân nơi đây. Để làm ra được chiếc nón phải trải qua 10 công đoạn: Vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá với 5 đặc điểm: chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp.

b03-ky-cong-non-lang-chuong-1683217813.jpg

Bà Nguyễn Thị Bé vẫn cần mẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn làm nên chiếc nón.

Nguyên liệu chính làm ra nón là lá lụi, được mua từ các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, ...được đảo qua đảo lại trong cát khô có sỏi. Phải lựa màu những loại lá màu sáng và xanh thì lá sẽ đẹp. Công đoạn là lá là công đoạn khó khăn và vất vả bởi được làm thủ công nên cần đảm bảo không bị dập, rách, nát thì mới tạo nên sự thành công cho những công đoạn về sau.

Mười công đoạn nhưng với người dân làm nón ở làng Chuông cho rằng, công đoạn làm khung nón là khó nhất vì nó quyết định đến độ tròn và bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông tuy đơn giản những đòi hỏi rất công phu và tỉ mỉ khi hoàn thiện.Trải qua nhiều công đoạn đi theo nỗi vất vả để làm ra một chiếc nón lá mà khi ta chỉ cần nhìn vào thấy được sự khéo léo, tỉ mẩn trong đường kim mũi khâu. Đồng thời, tạo ra nét riêng biệt trong của nón làng Chuông so với các nón lá ở nhiều làng nghề khác.

Cần gìn giữ phát triển và quảng bá

Làng Chuông nằm nghiêng mình bên dòng sông Đáy, vẫn giữ nguyên trong mình nét đẹp của một vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh những khoảng sân rộng phơi lá lụi trên đê, sân đình, nhà văn hóa. Các cụ, các ông, các bà ngồi trên hiên nhà tay đan, luồn từng sợi chỉ làm ra những chiếc nón. Mỗi nhà, mỗi người làm những công đoạn khác nhau để cùng tập trung trao đổi, mua bán tại mỗi phiên chợ Chuông. 

b04-ky-cong-non-lang-chuong-1683217887.jpg

Nghề làm nón ở làng Chuông hiện chỉ còn một số người già làm

Công đoạn làm ra được một chiếc nón mất nhiều thời gian, nhưng với một lòng muốn gắn bó và lưu giữ nghề truyền thống của làng vẫn luôn ở trong tâm trí mỗi người dân làng Chuông. Làm ra được một chiếc nón hoàn thiện mất tới 2 ngày mới xong nhưng thu nhập từ sản phẩm nón không cao. Thời gian làm lâu, công đoạn nhiều, nhưng giá bán ra được từ 40.000 – 50.000 đồng. Sau khi trừ các chi phí khác thì thu về được khoảng 30.000 đồng/ngày.

Nhớ lại thời hưng thịnh lúc làm nón của làng, bà Nguyễn Thị Bé vừa ngồi khâu nón vừa nói với chúng tôi: “Bây giờ lớp trẻ đều đi làm công ty hết rồi chỉ có mấy người già chúng tôi ở lại làm nón này, ngồi cả ngày làm phải thạo tay thì một ngày mới được một chiếc nón. Vất lắm, cực lắm mà...lỡ yêu nghề, muốn giữ cái nghề này cho mọi người biết tới chất lượng của nón Chuông mà nghề tổ để lại”.

Nghề làm nón ở làng Chuông trước kia khoảng vài chục năm thấy rõ nhà nhà người người làm nón, người già, người trẻ thi nhau đan nón. Thời gian đó, làm nón là nghề truyền thống chính của làng cũng như là thu nhập chính của mỗi người. Cứ đến mỗi sáng sớm hoặc chiều là người già tập trung ở sân đình dạy trẻ con đan nón. Ngày đó,đến mỗi phiên chợ chính ở làng Chuông đông vui, tập nập người mua, người bán. Thế nhưng, chỉ vài năm trở lại đây, nghề làm nón chỉ có vài nhà lưu giữ và đang làm. Các sản phẩm không còn được xuất khẩu đi nhiều, giá vật tư tăng cao nên khiến cho nhiều nhà bỏ nghề. Hiện tại chỉ còn một vài hộ làm nón nhưng cũng là mỗi nhà làm  một công đoạn khác nhau để đỡ thời gian và đảm bảo chất lượng của từng chiếc nón làm ra.

Hiện nay, xã Phương Trung còn khá ít hộ dân làm nón, chỉ còn một số người già trong làng ngồi lại đan nón, lớp trẻ không còn hứng thú. Làng không có tính liên kết, hầu hết các hộ gia đình đều đón khách tự phát, quy mô nhỏ, trải nghiệm du lịch còn rời rạc, không có bất cứ chương trình tham quan cụ thể nào cho khách ghé thăm. Không chỉ vậy, khi du khách tới thăm cũng chưa có khu vực làm cụ thể, phải tự tìm hỏi người dân tới những hộ gia đình làm nón trên địa bàn nếu tới những hôm không phải phiên chợ chính của làng.

Nón làng Chuông hiện chỉ thu hút một số bạn trẻ tới tham quan và tìm hiểu, chưa có các hoạt động chính thức nào trong việc phát triển du lịch, tham quan làng nghề, lưu giữ những giá trị văn hóa và gìn giữ truyền thống nghề làm nón làng Chuông. Nón làng Chuông hiện còn chỉ còn một vài hộ gia đình còn làm, đa số là những người lớn tuổi nhưng cũng đã khẳng định được thương hiện nón Chuông trên thị trường. Nhưng cũng cần có những biện pháp thích hợp nhất để quảng bá và phát triển làng nghề, giữ gìn, bảo tồn làng nghề truyền thống có từ hàng trăm năm, bởi nón làng Chuông mang nhiều nét đặc trưng không lẫn với nón nơi khác.