Cà phê sách và giao lưu "Những trang viết từ chiến trường"

Ban Tổ Chức

05/05/2023 09:56

Theo dõi trên

Cà phê sách và giao lưu “Những trang viết từ chiến trường” là hoạt động nối dài những Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023; do Trung tâm Sách Quốc gia - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (chủ trì) phối hợp với CLB "Trái tim Người lính" và CLB "Mãi mãi tuổi 20" tổ chức; diễn ra từ 9:00, Thứ Bẩy, 6/5/2023, tại 24 Quang Trung, Hà Nội.

Buổi giao lưu quy tụ được 3 diễn giả: Đặng Vương Hưng, Trần Hồng Dung và Trần Trọng Giá và sự chứng kiến của nhiều cơ quan báo chí - truyền thông.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đã 69 năm đã trôi qua (1954 – 2023), nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.

b3vh3as-1683255187.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bởi sau chiến thắng Điện Biên Phủ là cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 20 năm và Chiến tranh bảo vệ Biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liên của Tổ quốc kéo hàng chục năm... Hàng triệu những người con ưu tú nhất của Tổ quốc đã ngã xuống để chúng ta mới thực sự có cuộc sống hoà bình ngày nay…

Tại buổi giao lưu với chủ đề “Những trang viết từ chiến trường”, bạn đọc sẽ được nghe các diễn giả chia sẻ những thông tin quý, xúc động, thú vị về nguồn gốc cùng nội dung những lá thư của những người lính (tập hợp qua cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”), qua đó bạn đọc sẽ có thêm góc nhìn mới đa dạng, nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong hàng triệu lá thư của những người lính gửi đi từ chiến trường, nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng đã lựa chọn 200 lá thư tiêu biểu để đưa vào cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Sách vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành vào tháng 4/2023 và lễ giới thiệu sách đã được tổ chức tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15/4.

Không phải từ những con số, số liệu khô khan, mà toàn cảnh các cuộc chiến được tái hiện từ chính những con người trong cuộc, đang ở giữa mưa bom bão đạn chiến đấu hết mình với niềm tin vào sự toàn thắng. Điều đặc biệt ở chỗ, những trang thư được những người lính viết cho những người thân yêu nhất và cả cho chính mình, chứ không phải viết với tâm thế dành cho công chúng đọc, như nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã chia sẻ: “Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành những tác giả…”. Những dòng thư có thể được viết vội trong lúc dừng nghỉ chân giữa những chặng hành quân, trước khi vào trận chiến, có những lá thư viết bằng thơ, có những lá thư được viết hộ vì người đứng tên không biết chữ... nhưng đó là những cảm xúc, nỗi lòng được bộc lộ trong những khoảnh khắc và bối cảnh tự nhiên nhất, chân thật nhất, bởi vậy mà nó rất thật, rất “đời”, rất sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ.

“Hơn hai tháng trời hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình từ 34-45 cây số (có ngày tới 62 cây số), leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người, khát khô cổ không có lấy một giọt nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng. Sáng hôm sau trông anh nào cũng như thương binh và con đường đi thấm máu hồng tươi của mọi người. Đó là chưa kể những ngày ăn bữa cháo, bữa cơm hoặc là bụng rỗng không, cán bộ chiến sĩ nhìn nhau hẹn một ngày mai no đủ. Gian khổ lần này mới thật là gian khổ. Trong đời lính có lẽ chưa lần nào thấm thía bằng lần này. Có thế mới đuổi kịp được giặc, mới diệt được hết chúng nó. Và có thế anh mới có phút ngồi đây, được phép nghĩ đến em giây lát mà lương tâm không nghẹn ngùng, hổ thẹn…”. Đó là những dòng thư của Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), nguyên Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt, viết cho vợ trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 do Vũ Lăng chỉ huy đã giành chiến thắng trong trận đánh đồi C1 nổi tiếng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch. Lá thư này đã được đưa vào cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.

Hàng trăm lá thư được lựa chọn từ hàng triệu lá thư người lính trong khói lửa chiến tranh của hai cuộc kháng chiến, mà tác giả Đặng Vương Hưng giới thiệu tới bạn đọc thông qua cuốn sách, đã cho chúng ta những cứ liệu lịch sử quý báu về một thời khói lửa đạn bom nhưng cũng đầy hào hùng trong lịch sử dân tộc. “Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao…”. Đúng như nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng đã viết: “Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hoá của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn...”.

Hầu hết tác giả của các lá thư thời chiến đến nay đã không còn, song, từng cánh thư tay mong manh, nhỏ bé với những dòng chữ viết vội trên trang giấy ố vàng bởi dấu vết thời gian đã trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ. Do vậy, việc tổ chức hoạt động giao lưu hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những điều thật ý nghĩa, thông qua đó mỗi người trong chúng ta sẽ được bồi đắp, dung dưỡng lý tưởng sống cao đẹp, nhân văn, luôn biết ơn và tri ân đối với các thế hệ cha anh đã đánh đổi máu xương, đã ngã xuống vì non sông, vì nền độc lập của dân tộc.

Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” ra đời từ năm 2005 (tiền thân là “Quỹ Mãi mãi tuổi 20”) và Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” ra đời năm 2020 là những tổ chức tự nguyện, phi lợi nhuận của các Cựu chiến binh và những người đã đi qua chiến tranh; nhằm kết nối tất cả những ai đang mang trong mình “Trái tim người lính”, cùng tri ân thân nhân những gia đình Liệt sĩ, Thương binh, những người lính đã hi sinh tuổi xuân và thầm lặng cống hiến cho quê hương đất nước. Đồng thời, tiếp lửa truyền thống chống ngoại xâm của ông cha mình cho thế hệ trẻ hôm nay cho tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài việc giao lưu với Nhà văn Đặng Vương Hưng, bạn đọc còn được nghe bà Trần Hồng Dung (Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” kể về những kỷ niệm xúc động của hàng trăm chuyến đi về chiến trường xưa và tình cảm của các CCB đến với vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, là việc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các sự kiện “Linh thiêng Việt Nam”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Vinh quang Việt Nam”, “Tự hào Việt Nam”, Kiên cường Việt Nam” và “Nối liền Việt Nam” được tổ chức cho sinh viên các Trường Đại học ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua…

Bạn đọc cũng được nghe Đại tá, Nhà văn Trần Trọng Giá (Thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ “Trái tim Người lính”) tâm sự về những kỷ niệm xúc tại chiến trường và những hoạt động của CLB “Trái tim người lính”, phát hiện những tấm gương thầm lặng hi sinh và cống hiến của người lính, những người không mặc áo lính, họ đang “vô danh” ở khắp các vùng miền trên cả nước. Họ sẽ được ghi nhận và vinh danh thông qua tủ sách cùng tên “Trái tim người lính”.

Nhân buổi cà phê sách giao lưu “Những trang viết từ chiến trường”, nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng - tác giả cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ ký tặng lưu bút vào sách cho bạn đọc tại sự kiện. Trân trọng kính mời quý bạn đọc (cả bạn đọc đã mua sách nhưng chưa sở hữu chữ ký của tác giả) đến tham dự buổi giao lưu, cùng lắng nghe, cảm nhận và trải nghiệm, tham gia hoạt động ký tặng sách cùng tác giả.

Kính mời các cựu chiến binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ - Thương binh; các thành viên của CLB "Trái tim người lính", CLB "Mãi mãi tuổi 20" và bạn đọc cùng tham dự!

B.T.C

_____

Lưu ý: Các anh chị Phóng viên Báo chí quan tâm đến sự kiện, có thể liên hệ với chị Nguyễn Hương Giang, Trưởng phòng Trung tâm Sách Quốc gia - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (ĐT: 0904 894 456) để biết thêm thông tin chi tiết.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Cà phê sách và giao lưu "Những trang viết từ chiến trường"" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn