Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 35)

PGS TS Cao Văn Liên

22/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 35.

Đặng Dung nói:

-Không thống nhất nhau về sách lược thì có thể bàn bạc, sao lại giết đại thần, lấy ai mà hoàng thượng dựa vào để tiếp tục kháng chiến đây?

  Nguyễn Cảnh Dị nói:

-Chắc là Giản Định Đế sẽ cho người bắt chúng ta và giết. Không lý gì giết cha mà lại để con lại, sai với nguyên tắc : “Nhổ cỏ nhổ tận gốc”.

  Đặng Dung hỏi:

-Bây giờ làm sao đây? Lệnh và quân bắt chúng ta chắc sắp đến rồi.

ch-trung-quang-1653144613.jpg
Trùng Quang Đế – Trần Quý Khoáng (chữ Hán: 重光帝, ? – 1414) là vị hoàng đế thứ hai được nhà Hậu Trần lập ra để chống cự sự đô hộ của nhà Minh sau năm 1407. Ông là con của Trang Định Vương Trần Ngạc, và là cháu nội vua Trần Nghệ Tông. Nguồn: Internet.

 

  Hai người lao lung suy nghĩ. Chợt Nguyễn Cảnh Dị nói:

 -Có cách này, hiện nay trấn thủ Hà Tĩnh là Nhập nội Thị trung Trần Quý Khoáng, cháu của Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, con của Trang Định Vương Trần Ngạc bị Hồ Quý Ly giết trong vụ huyết án Trần Phế Đế. Ta hay đem quân vào đó tôn ngài ta lên làm vua, lập ra một nhà Hậu Trần mới để chống giặc.

  Đặng Dung nói:

-Không biết ngài ta có đồng ý không?

-Việc rất gấp, cứ đến, nếu ngài ta không đồng ý thì tính cách khác, chứ đứng đây chậm là chết chắc, lấy ai mà rửa hận cho hai cha.

  Đặng Dung thở dài nói:

-Thôi cũng đành như vậy thôi.

  Rồi ngay hôm đó, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị nhổ trại, bỏ mặt trận Bình Than và Hàm Tử, kéo quân về Hà Tĩnh.

  Tháng 3, nắng đã chan hòa khắp miền Trung và Hà Tĩnh. Núi Giăng Màn, núi Quạt nhô lên xanh ngát, sông La nước vẫn cuồn cuộn màu xanh gợn sóng tuôn về đông. Một vài chiếc thuyền xuôi ngược vô định giang hồ lướt nhẹ trên sông.

  Nhập nội Thị trung Trần Quý khoáng, cháu gọi Giản Định Đế là chú đang ngồi trong hành dinh uống trà thì có gia nhân vào báo:

-Dạ, bẩm Nhập nội thị trung, có hai tướng quân là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đem quân từ ngoài Bắc vào xin được gặp.

-Cho mời vào ngay.

-Dạ.

Trần Quý Khoáng biết Đặng Dung là con của Quốc công Đặng Tất, còn Nguyễn Cảnh Dị là con Quân sư Nguyễn Cảnh Chân, hai người đang cùng cha của mình phò tá Giản Định Đế đánh quân Minh, giải phóng miền Bắc, sao lại kéo quân vào đây?

  Trần Quý Khoáng đang suy nghĩ thì Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bước vào. Hai người thấy Trần Quý Khoáng còn trẻ, Khoảng hơn 20 tuổi nhưng có phong độ đế vương, mắt sáng, tai dài, mặt đẹp. Hai người chắp tay hành lễ:

-Kính chào quan Nhập nội thị Trung.

  Trần Quý Khoáng cũng chắp tay đáp lễ:

-Kính chào nhị vị tướng quân. Mời hai tướng quân ngồi.

-Đa tạ Nhập nội thị trung.

  Sau một lượt trà, Trần Quý Khoáng hỏi:

-Nhị vị tướng quân đang cùng Đặng Quốc công và Nguyễn Quân sư phò tá Giản Định Đế đánh giặc ở miền Bắc, sao lại đem quân ngược trở lại Hà Tĩnh? Có đại sự gì chăng? Mà sao trông hai tướng quân buồn thảm như vậy?

  Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị cùng quỳ xuống và nói:

-Xin vương gia cứu mạng.

-Đứng dậy đi, sao lại cứu mạng? Ai đe dọa hai tướng quân?

  Đặng Dung nói:

-Kính thưa Nhập nội Thị Trung, ngài đã nghe nói đến trận Cô Bô ở cửa sông Đáy, Nam Định, quân ta đã thắng lợi oanh liệt, tiêu diệt gần 10 vạn quận Minh và nhiều tướng lĩnh cao cấp của chúng rồi phải không?

  Trần Qúy Khoáng đáp:

-Ta đã nghe nói, thật là một trận thư hùng hiếm có.

  Đặng Dung nói tiếp:

-Sau trận thắng lớn đó, hoàng thượng muốn Đặng Quốc công và Nguyễn Quân sư đem quân đánh thẳng vào Đông Đô, nhưng hai đại thần lại muốn chia quân ra đánh các thành trước rồi mới đánh Đông Đô. Vì bất đồng về sách lược, Giản Định Đế nghe lời của hoạn quan Nguyễn Quỹ và Nguyễn Mộng Trang đã mai phục võ sĩ, gọi hai đại thần đến và giết chết vào ngày hôm qua và ném xác xuống sông Hoàng Giang. Khi đó hai chúng tôi đang ở mặt trận Bình Than và Hàm Tử Quan* sợ hoàng thượng truy sát giết hại mới chạy vào đây nhờ vương gia cứu mạng.

  Trần Quý Khoáng cả kinh:

-Hả, chỉ vì bất đồng một chút mà hoàng thượng giết đại thần trung nghĩa thì lấy ai mà mưu đại sự. Chú của ta đã làm hỏng việc lớn rồi. Than ôi! bao nhiêu xương máu của hàng vạn binh sĩ bị bọn hoạn quan phá hỏng hết rồi. Thôi được, hai tướng quân hãy ở lại đây.

  Nguyễn Cảnh Dị nói:

-Nhưng Giản Định Đế sẽ sai sứ vào đây đòi vương gia bắt hai chúng tôi, ngài tính thế nào?

-Hai tướng quân yên tâm. Dù có chiếu chỉ của hoàng thượng ta cũng nhất quyết không trao hai tướng quân cho ngài ta. Nếu ta trái lời thì thân xác ta như mũi tên này.

  Nói rồi Trần Quý Khoáng đi lại, rút mũi tên trong túi treo với cây cung ở tường ra và bẻ gãy làm đôi. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị nói:

-Đa tạ vương gia đã cứu mạng.

  Trần Quý Khoáng gọi:

-Bay đâu.

-Dạ, vương gia.

-Làm cơm rượu ngon đem lên đây ta tiếp hai tướng quân. Còn nữa, 2 vạn lính của hai tướng quân nhập với quân ta và cho họ ăn uống tử tế. Cho cả ngựa mới vào ăn nữa.

-Dạ, tuân lệnh vương gia.

-Còn nữa, đi báo cho tướng quân Nguyễn Súy vào ăn cơm với ta.

-Dạ.

  Một lát sau thì nhà bếp đem cơm rượu đến. Đi theo vào còn có tướng Nguyễn Súy. Trần Quý Khoáng nói với Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị:

-Đây là tướng quân Nguyễn Súy, cánh tay đắc lực của ta.

-Còn đây là hai tướng Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị, con trai của Quốc Công Đặng Tất và Quân sư Nguyễn Cảnh Chân.

-Xin chào hai tướng quân.

-Không dám, xin chào tướng quân.

  Trần Quý Khoáng nâng chén:

-Xin cạn ly mừng cuộc hội ngộ.

-Đa tạ, đa tạ, kính mời vương gia, kính mời tướng quân.

-Xin mời hai tướng quân.

  Đêm đó về phòng riêng, Đặng Dung nói với Nguyễn Cảnh Dị:

-Thế nào Giản Định Đế cũng cho người vào lệnh cho Trần Quý Khoáng bắt chúng ta. Trần Quý Khoáng nếu không bắt chúng ta thì phạm tội kháng chỉ, sẽ bị Giản Định Đế giết hại và giết cả hai chúng ta. Làm thế nào bây giờ.

  Nguyễn Cảnh Dị nói:

-Chỉ có một lối thoát cho Trần Quý Khoáng và cho cả hai chúng ta.

-Lối thoát như thế nào?

-Ở Bình Than đệ đã nói với huynh rồi, tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi, lập ra một triều Hậu Trần mới, làm như vậy Giản Định Đế không thể giết được Trần Quý khoáng, cũng không thể giết được hai chúng ta. Chúng ta lại có thể thu hút nhân lực chống Minh thắng lợi.

  Đặng Dung nói:

-Thật là diệu kế, diệu kế. Ngày mai gặp chúng ta cố dùng lời lẽ thuyết phục Trần Quý Khoáng lên ngôi.

  Nguyễn Cảnh Dị nói:

-Đã kháng chỉ, ngài ta không lên ngôi cũng chết.

  Hôm sau, sau bữa cơm sáng, bốn người ngồi uống trà, Trần Quý Khoáng nói:

-Hôm qua hoàng thượng phái người đưa khẩu dụ vào đây ra lệnh ta bắt hai tướng quân giải ra ngoài Bắc. Ta đã từ chối.

  Đặng Dung nói:

-Đa tạ vương gia đã cứu mạng nhưng như vậy ngài đã mang tội kháng chỉ, tính mạng ngài bị đe dọa nghiêm trọng rồi. Ngài định ứng phó như thế nào để thoát khỏi sự nguy hiểm này?

  Trần Quý Khoáng nói:

-Ta cũng chưa nghĩ ra được cách gì, cùng lắm thì chết thôi, có câu “Vua bảo thần chết thì thần phải chết”.

  Nguyễn Cảnh Dị nói:

-Chúng ta còn trẻ, còn phải chống giặc Minh đền nợ nước, không thể chết uổng phí vì sự u mê của một hoàng thượng được. Tôi có kế sách này, vừa thoát chết, lại vừa lo được việc cứu nước, cứu dân.

-Kế gì?

-Xem ra Giản Định Đế cũng không phải là một minh quân tài giỏi gì có thể đưa cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, lại hay đa nghi giết hại trung thần. Nay mai nghe bọn gian thần, có thể quay lại giết hại cả vương gia nữa. Theo mạt tướng, chúng ta nên lập một nhà Hậu Trần mới. Vương gia hãy lên ngôi hoàng đế. Làm như vậy có hai điều lợi, một là chúng ta không bị sát hại, thứ hai là quyền lãnh đạo kháng chiến sẽ vào tay ngài, sáng suốt thu dụng nhân tài và phát triển lực lượng may ra mới thành công được.

  Trần Quý Khoáng nói:

-Như vậy sẽ có hai triều đình Hậu Trần, lực lượng sẽ chia rẽ.

  Tướng Nguyễn Súy nói:

-Cứ lập triều đình mới rồi mời hoàng thượng Giản Định Đế về làm Thái thượng hoàng, như vậy thống nhất thành một triều đình mà  Giản Định Đế vẫn là người ngồi cao nhất.

Đặng Dung nói:

-Hay, ý kiến tướng quân Nguyễn Súy thực chu toàn.

  Trần Quý Khoáng nói:

-Như vậy cũng được.

  Ngày 17 tháng 3 năm 1409, tại hành dinh ở Chi La (Đức Thọ, Hà Tĩnh), Trần Quý Khoáng đội vương miện, mặc áo hoàng bào ngồi lên ngai vàng. Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy và các tướng hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

  Trần Quý Khoáng nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Trần Quý Khoáng nói tiếp:

-Ta nay đăng quang hoàng đế lập ra nhà Hậu Trần, đế hiệu Trùng Quang hoàng đế. Năm 1409 là năm Trùng Quang thứ nhất. Tôn Giản Định Đế làm Thái thượng hoàng, lấy lại quốc hiệu Đại Việt. Nay phong Nguyễn Súy làm Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã. Quan nội thị:

-Có hạ thần.

-Khanh hãy viết bố cáo, nội dung như ta vừa nói cho khắp nơi thiên hạ biết.

-Thần tuân chỉ.

(Còn nữa

CVL

                                                                       

                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 35)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn