Vuông tròn vị bánh xưa

Vân Thảo

19/08/2021 06:55

Theo dõi trên

Mùng 10/6 âm lịch, xưởng bánh trung thu Hương Thơm (Bát Xát) bắt đầu đỏ lửa. Anh Mai Văn Thơm cùng các thành viên trong gia đình sẵn sàng cho một vụ bánh trung thu được dự báo là khó khăn do Covid-19. Thương hiệu bánh Hương Thơm chính thức có mặt tại Lào Cai từ năm 2009, thương hiệu là tên ghép của anh Thơm và em gái Hương.

vi-banh-xua-1629330792.jpg
Xưởng bánh trung thu của gia đình anh Mai Văn Thơm

Quyện hòa hương vị truyền thống

Gia đình anh Mai Văn Thơm quê gốc ở Vụ Bản, Nam Định, có truyền thống làm bánh trung thu từ thời ông nội. Năm ông nội anh Thơm 40 tuổi, ông bắt đầu làm bánh sau khi học nghề từ một người họ hàng. Khi đó, vẫn là những thành phần nguyên liệu như hiện nay nhưng được nướng bằng bếp lò, than củi. Nghề làm bánh trung thu của ông nội đã truyền cho bố anh Thơm, rồi từ khi nào, anh Thơm cũng yêu nghề làm bánh ấy.

Anh Mai Văn Thơm nhớ lại, ngày còn nhỏ, cứ đến tháng 6 âm lịch là lại được cùng ông nội, bố và các thành viên trong gia đình nặn bánh. Anh luôn được ăn chiếc bánh đầu tiên ra lò. Cắn miếng bánh, cảm nhận vị ngọt thanh, béo ngậy của các loại hạt, lạp xường, xá xíu, lá chanh quyện hòa khiến anh không thể nào quên.

Năm 2009, gia đình anh từ Nam Định chuyển đến Bát Xát, bố anh mở một tiệm bánh sinh nhật, đến trung thu thì làm bánh nướng, bánh dẻo, còn anh Thơm tiếp quản nghề làm bánh trung thu truyền thống.

Giữa biến động của thị trường với nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng, người tiêu dùng được tiếp cận với các hương vị biến hóa không ngừng, thì gia đình anh Mai Văn Thơm vẫn giữ cách làm bánh truyền thống.

Dẫn chúng tôi tham quan gian phòng nơi mỗi năm có hàng vạn chiếc bánh trung thu ra lò, anh Thơm chỉ vào vị trí xếp những tải bột mỳ ngăn nắp. Đó là nguyên liệu làm nên vỏ bánh. Bao mùa bánh trung thu, gia đình anh chỉ chọn duy nhất loại bột mỳ Kim Ngưu bởi loại này chất lượng tốt, cho ra vỏ bánh hoàn hảo nhất.

Anh Mai Văn Thơm chia sẻ: Để tạo được vỏ bánh mềm, có độ xốp vừa phải, không bị cứng, khô, phải đun sôi nước đường rồi để nguội, sau đó cho trứng, sữa vào nước đường để nguội đó khuấy tan, lúc này mới cho bột mỳ Kim Ngưu vào đánh tới khi đôi tay cảm nhận được bột mịn mới thôi. Sau khi tạo ra được lớp bột làm vỏ bánh, chúng tôi dùng cân để chia các phần bột chuẩn trọng lượng. Với trọng lượng bánh Hương Thơm thì cần 50 gram bột như trên.

Tạo vỏ bánh đã cầu kỳ, làm nhân bánh lại càng công phu. Anh Thơm kể sơ qua tới hơn chục nguyên liệu để tạo thành nhân bánh, trong đó thành phần không thể thiếu là hạt bí, hạt dưa, hạt vừng, xá xíu, lạp xường, mỡ khổ, mứt bí… và lá chanh. Các thành phần nhân bánh được thái nhỏ, trộn đều, thêm chút nước đường đun sôi để nguội đến khi chúng quyện lại với nhau.

Bánh Hương Thơm bao năm nay chỉ tạo hình vuông đơn giản, mặt bánh hình những cánh hoa mẫu đơn, giữa bánh có chữ TH là chữ cái đầu tiên của tên anh Thơm và em gái Hương. Quy trình làm bánh dẻo cũng giống bánh nướng, chỉ khác là nguyên liệu đã chín trước khi tạo bánh.

Sức sống của thương hiệu bánh xưa

vi-banh-xua-1-1629330792.jpg
Những chiếc bánh nướng mới ra lò

Thời điểm này, trên mạng xã hội đã bắt đầu rao bán bánh trung thu, loại bánh vị truyền thống Hương Thơm được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Khi đọc những phản hồi của người tiêu dùng trên mạng xã hội về bánh trung thu Hương Thơm của gia đình, anh Mai Văn Thơm cười rất tươi. Không ít lời khen như “bánh Hương Thơm Bát Xát là ngon nhất”, “nhà tôi là fan ruột của bánh Hương Thơm”, “bánh vừa ngon vừa rẻ” khiến anh xúc động khi nhớ lại khoảng thời gian đầu tiên gia đình anh vất vả phát triển thị trường.

Trung thu năm 2009, anh Thơm tự mình đến các xã vùng cao của Bát Xát giao hàng. Giữa hàng chục loại bánh trung thu bắt mắt, bánh Hương Thơm nép mình trong góc nhỏ nhưng anh tin rằng với tình yêu từ nghề làm bánh truyền thống, thương hiệu của gia đình sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Cả mùa trung thu năm đó, gia đình anh chỉ bán được 300 chiếc bánh.

Rồi sự phát triển mạnh mẽ của những thương hiệu nổi tiếng Kinh Đô, Hữu Nghị, các nhà hàng, khách sạn cũng đua nhau sản xuất bánh trung thu, thậm chí người tiêu dùng cũng tự tạo ra phong trào bánh “handmade”. Làm thế nào để thương hiệu bánh trung thu Hương Thơm tồn tại giữa sự cạnh tranh gay gắt đó? Anh Mai Văn Thơm chia sẻ rằng: Gia đình tôi quyết không chạy theo cuộc đua đổi mới nhân bánh, mà giữ nguyên vị truyền thống. Vị bánh ấy dân dã, gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Gia đình anh Thơm luôn quan tâm đến nâng cao chất lượng từng loại nguyên liệu trong chiếc bánh, chính vì sự cầu kỳ ấy mà dần dần bánh Hương Thơm trở thành thương hiệu nổi tiếng tại Lào Cai. Số lượng bánh tiêu thụ mùa trung thu năm sau cao hơn năm trước.

Những tháng ngày vất vả đã cho quả ngọt. Trung thu năm 2020, thương hiệu Hương Thơm đã bán được 2 vạn chiếc bánh, cao gần gấp đôi so với trung thu năm 2019. Thời gian này, xưởng bánh đang bận rộn, tập trung nhân lực sản xuất cho mùa trung thu 2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng gia đình anh Mai Văn Thơm vẫn giữ nguyên giá bánh 25.000 đồng/chiếc tại xưởng. Thương hiệu bánh trung thu truyền thống có chỗ đứng trên thị trường một phần cũng bởi giá bình dân. Người tiêu dùng Lào Cai có thể dễ dàng mua bánh trung thu vị truyền thống Hương Thơm ở hầu hết cửa hàng tạp hóa, siêu thị trên địa bàn.

Tuy không đến mức xếp hàng để chờ được mua bánh trung thu truyền thống như ở Hà Nội nhưng vị bánh thơm ngon, khác biệt Hương Thơm khiến nhiều người Lào Cai háo hức. Mỗi mùa bánh lại thêm một trăn trở làm sao phát triển thị trường bánh trung thu của gia đình lớn mạnh hơn? Anh Mai Văn Thơm cũng đã tính đến chuyện sau này truyền nghề cho con, còn hiện tại anh đang vun đắp tình yêu nghề bằng việc để các con cùng tham gia các khâu làm bánh.

Bạn đang đọc bài viết "Vuông tròn vị bánh xưa" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn