Lại chữ và nghĩa: Nguyễn Trãi với cửa Bạch Đằng

Việc cũ, việc xưa (vãng sự), tức những trận chiến ác liệt trên sông Bạch Đằng, những chiến công làm xoay chuyển trời đất, mở ra vận hội mới cho đất nước.
vbl1z-1629430472.jpg
Tác giả Vũ Bình Lục.

Dịch nghĩa:

CỬA BIỂN BẠCH ĐẰNG

(Ở huyện Thủy Đường, là nơi danh thắng, núi sông đẹp vào bậc nhất. Sông Bạch Đằng thuộc vào địa phận ba huyện Hoa Phong, Yên Hưng, Hoành Bồ, bên tả sông sóng nước cuốn lên ngất trời, núi non đứng sừng sững, phía đông cửa biển là đất Khâm Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, cách vài trăm dặm thì đến núi Phân Mao. Đời Trần, quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta, Hưng Đạo Vương cho cắm cọc ở đấy, bắt được tướng giặc là Toa Đô).

Gió bấc thổi trên biển, khí thế bừng bừng,

Nhẹ kéo buồm thơ qua cửa Bạch Đằng.

Như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia từng khúc một,

Như cây giáo bị chìm, cây kích gãy, bên bờ lớp lớp chồng lởm chởm.

Quan hà hiểm yếu, hai người địch được trăm người, do trời sắp đặt,

Hào kiệt lập công danh, nơi đất ấy.

Quay đầu xem việc cũ, ôi qua rồi!

Cúi xuống dòng sông mò bóng, ý không sao nói xiết…

DỊCH THƠ:

Gió bấc lên, biển bừng bừng,

Buồm thơ qua cửa Bạch Đằng nhẹ tênh.

Núi như sấu chặt kình băm,

Giáo chìm kích gẫy chất nằm bên sông.

Trời cho đất hiểm vô cùng,

Công danh hào kiệt vẫy vùng nơi đây.

Việc xưa qua đã bao ngày,

Cúi sông mò bóng, vơi đầy nỗi riêng...

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Trước hết, hãy nói đôi điều về văn bản. Ở phần phụ đề có câu... “Hưng Đạo Vương cho cắm cọc ở đấy, đánh bắt được tướng giặc là Toa Đô”. Sách NGUYỄN TRÃI TOÀN TẬP TÂN BIÊN chú thêm là .... “bắt được tướng giặc là Toa Đô và Ô Mã Nhi”. Theo ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, thì ở trận Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương bắt được Ô Mã Nhi, còn Toa Đô thì bị chặt đầu ở trận Tây Kết, do Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải chỉ huy. Tuy nhiên, Theo NGUYÊN SỬ (Sử sách bên nhà Nguyên ghi), thì thực ra, ở trận Tây Kết, Toa Đô thua trận. Ông ta bỏ thuyền lên bờ chạy trốn về nước, nhưng lại bị tướng Vũ Hải của Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chặn đánh và chém đầu ở đoạn Thị Cầu tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Một điểm quan trọng nữa về văn bản, sách do Trung tâm nghiên cứu Quốc học (TTNCQH) chép câu “Lâm lưu phủ ẢNH ý nan thăng” (bàn Đào Duy Anh) thành ra là “Lâm lưu phủ CẢNH ý nan thăng”, nghĩa là “trên sông ngắm cảnh”. Cụ Đào Duy Anh ghi là “Lâm lưu phủ ẢNH ý nan thăng”, nghĩa là “cúi xuống dòng sông mò bóng, cảm xúc khó nói thành lời”. Chưa thể biết được bản gốc Nguyễn Trãi viết là “phủ ảnh” hay “phủ cảnh”, nhưng chúng tôi tán thành quan điểm của cụ Đào Duy Anh. Phải là “Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng” mới là câu thơ đặc sắc, là sản phẩm mang đặc trưng thương hiệu Nguyễn Trãi. Hai bản chép khác nhau chỉ có một chữ thôi, nhưng chất lượng của cả bài thơ thì theo đó, cũng khác nhau rất nhiều. Nếu câu thơ viết là “Lâm lưu phủ cảnh…”, thì có lẽ thi nhân mới chỉ ở mức “sạch nước cản” thôi, cũng có thể viết được. Vả chăng, việc sưu tầm thơ Nguyễn Trãi có việc “tam sao thất bản” cũng là chuyện thường thấy, cho nên khó có thể khẳng định được đâu là bản gốc, khả tín hơn ! Do vậy, chúng tôi tin vào bản của Đào Duy Anh, chứ không tin vào bản của TTNCQH. Cũng do vậy, chúng tôi dịch thơ và bình giải theo chữ “phủ ảnh” (Cúi sông mò bóng)...

Nguyễn Trãi viết BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU ở thời điểm nào? Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, thì cửa biển Bạch Đằng xưa bao gồm cả cửa sông Chanh (Chứ không phải là sông Thanh như lời chú của sách NGUYỄN TRÃI TOÀN TẬP TÂN BIÊN), ở phía đông Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ngày nay, tất nhiên cũng không phải cửa Nam Triệu. Tuy nhiên, sông Chanh cũng chỉ là một nhánh của hệ thống sông Bạch Đằng, mà nơi diễn ra các trận đánh của Ngô Quyền (chống quân Nam Hán) , của Lê Hoàn (chống quân Tống), của Trần Hưng Đạo (chống giặc Nguyên Mông), lại bao chứa một khoảng không gian khá rộng, gồm cả hai bờ của dòng sông Bạch Đằng, phía bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, phía nam thuộc Hải Phòng bây giờ, thời Hậu Lê, cũng thuộc hai đạo Đông Bắc cả. Chỉ có thể ước đoán rằng Nguyễn Trãi đã từng ngồi trên chiếc thuyền buồm mà qua cửa Bạch Đằng, trong mùa gió Bắc, mà chắc là từ bờ Bắc sang bờ Nam, ví như ở quãng bến phà Rừng bây giờ, mà nương theo gió, để “Nhẹ kéo buồm thơ qua cửa Bạch Đằng”…

Chính sử còn ghi việc Nguyễn Trãi có thời gian được vua Lê Thái Tông tín nhiệm, giao thêm việc quản lý quân dân hai đạo vùng Đông Bắc, trong khi vẫn giữ các chức vụ lớn ở triều đình, theo tôi là vào quãng từ khoảng 1439-1442, trước khi xảy ra cái gọi là “Vụ án Lệ Chi viên”, nên Tiên sinh cũng thường phải đi kiểm tra công việc ở vùng đất mà ông quản lý, ấy cũng là việc thường, không có gì lạ. Có thể thấy đây là thời điểm mà tâm trạng Nguyễn Trãi có phần phấn khích.

Gió bấc thổi trên biển, mang theo “khí lạnh”, nhưng chưa phải là gió lạnh cắt da cắt thịt. “Khí lăng lăng”, cũng mới chỉ là săn se lành lạnh, cuối thu, chưa ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại, nên mới có thể “Nhẹ kéo buồm thơ qua cửa Bạch Đằng”, cùng với một tâm trạng lâng lâng của một thi nhân đang làm chủ chính mình, làm chủ hoàn cảnh, tâm hồn có vẻ tiêu sái.

Hai câu 3 và 4, tả thực. Tả cảnh núi non và quang cảnh hai bờ sông Bạch Đằng:

Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,

Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.

Núi non lớp lớp nối tiếp nhau, chen vai thích cánh như luỹ như thành, như cá sấu bị chặt (ngạc đoạn), như cá kình bị mổ (kình khoa). Hình ảnh dãy núi Tràng Kênh đấy chăng? Rồi lại còn ngổn ngang chồng chất gò đống, ngòi lạch, hiện lên như thể những mũi qua chìm (qua trầm), những ngọn kích gãy (kích chiết) bên bờ sông…Tả cảnh, liệt kê, liên tưởng so sánh khoa trương, nhưng là một sự liên tưởng khoa trương rất chính xác và hấp dẫn, cũng ít thấy, thậm chí là chưa hề thấy trong thơ thời Trung đại Việt Nam. Hơn thế, tả cảnh vật mà tác giả như đang dựng lại, đang tái hiện lịch sử oai hùng của những trận chiến ác liệt như vừa mới diễn ra ở chính nơi này, với một cảm hứng vô cùng hào sảng. Người đọc có thể hình dung như thấy khúc sông này đang sôi lên tiếng hò reo dậy đất, tinh kỳ phấp phới, “Trận đánh thư hùng chửa phân / Chiến luỹ bắc nam chống đối / Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ / Bầu trời đất chừ sắp đổi” (Trương Hán Siêu-Phú sông Bạch Đằng)… Phải có một tâm hồn khoáng đạt, một trí tuệ siêu việt, sâu rộng và khả năng liên tưởng nhạy bén, tài hoa, mới có thể sáng tạo được những câu thơ tràn đầy hào khí anh hùng lẫm liệt như vậy!

Hai câu tiếp theo, luận về địa lợi. Bởi đang đối diện với núi non cảnh vật bên sông Bạch đằng, nên mới “luận” về địa lợi, tức là sự lợi hại của hình thế núi non sông nước Bạch Đằng, xét về mặt quân sự. Tác giả viết:

Quan hà bách nhị do thiên thiết,

Hào kiệt công danh thử địa tằng.

“Bách nhị” (hai trăm), đấy là mượn điển tích của SỬ KÝ bên Tàu, nói rằng hai vạn quân Tần, có thể đánh thắng được hai trăm vạn quân các nước chư hầu, tức hai người lính chốt giữ nơi hiểm yếu (cửa ải Hàm Cốc), có thể địch nổi vài trăm quân đối phương. Cũng vậy, địa thế hiểm trở của Bạch Đằng, có thể làm tiêu vong cuồng vọng của bất kỳ đội quân xâm lược nào, cho dù chúng có thể rất hùng hậu và thiện chiến đến đâu chăng nữa. Lịch sử đã chứng minh điều ấy.

Trời đất đã sắp đặt cho ta quan hà hiểm yếu, ở chính nơi đây (thử địa tằng) để chống kẻ cuồng ngông và tàn bạo là giặc dữ phuơng Bắc. Đấy cũng chính là nơi anh hùng hào kiệt có thể lập nên công danh rạng rỡ, như Ngô Quyền, như Lê Hoàn, như trần Hưng Đạo và biết bao anh hùng hữu danh và vô danh khác, nối tiếp nhau trong lịch sử chống xâm lăng, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập của dân tộc Đại Việt...

Hai câu kết, cảm thán, suy tư về lịch sử.

Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,

Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

Việc cũ, việc xưa (vãng sự), tức những trận chiến ác liệt trên sông Bạch Đằng, những chiến công làm xoay chuyển trời đất, mở ra vận hội mới cho đất nước. Quay đầu nhìn lại, than ôi, tất cả những việc xưa đã trôi vào dĩ vãng cả rồi. Bọn xâm lược đã tiêu vong, anh hùng còn lưu danh muôn thủa. Giờ đây, muôn lớp anh hùng đã theo mây khói về thiên cổ, chỉ còn dòng sông vẫn chảy hoài, mà nhục quân thù khôn rửa nổi! Trong lòng thi nhân trào lên bao nỗi cảm hoài mà “Cúi xuống dòng sông mò bóng, bao ý tình không sao nói hết ra được”…

Không nói, nhưng thật ra tình thơ ý thơ đã hiển lộ cả rồi. Chỉ là để cảm thán đấy thôi, cho ngân nga mãi tiếng lòng thi nhân đang thăng hoa dạt dào cảm thức về lịch sử oai hùng của một dân tộc quật cường, từng lập nên những chiến công hiển hách ở ngay chính dòng sông này. Cúi xuống dòng sông mò bóng là một hình ảnh thơ rất lạ và đầy gợi hình, gợi cảm. Ngồi trên chiếc thuyền nhẹ, kéo buồm thơ trên sông nước Bạch Đằng, rồi cúi xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử này mà mò bóng, mò chính cái bóng mình soi xuống mặt nước, hay là mò cái bóng hình quá khứ xa xăm? Có lẽ là cả hai vậy! Và “ý nan thăng” (ý khó nói ra), cảm xúc không nói thành lời, không thể diễn đạt thành lời. Một ý thơ hàm súc và độc đáo, nếu tôi không nhầm, thì chỉ mới thấy trong thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi mà thôi!

V.B.L