Lục bát Đặng Vương Hưng vừa rất quê lại vừa rất lính

Nhà giáo Đỗ Xuân Sơn

13/11/2021 11:22

Theo dõi trên

Trân trọng cảm ơn Nhà giáo Đỗ Xuân Sơn (Trường Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội) đã có một bài viết rất tình cảm cho Tuyển tập "Lục bát mỗi ngày" !

chuy-dvh1b-1636777159.jpg
Bìa 1 của tuyển tập “Lục bát mỗi ngày" của Đặng Vương Hưng.

 

Là một là một ấn phẩm hơn ngàn trang, với gần ngàn bài thơ lục bát được sáng tác trong thời gian 40 năm (1980-2020), "Lục bát mỗi ngày" của nhà thơ Đặng Vương Hưng như là một tổng kết sáng tạo về một thời gian cố gắng không mệt mỏi, của một tác giả có tình yêu lớn với thơ ca truyền thống dân tộc.

Trên phương diện là một người yêu thơ, đọc thơ,với năng lực hạn chế về chuyên môn thơ ca, chỉ xin phép nói lên những cảm nhận của mình với thơ của Đặng Vương Hưng về cái hay, cái được, cái đáng ghi nhận và một số cái có thể là chưa được, chưa tới theo ý chủ quan của tôi. Cho dù đây mới là cảm tính, nhưng là ý nghĩ rất thật của một người từng nhiều năm đứng trên bục giảng.

Tất nhiên, những công chúng yêu văn chương, thơ ca, đặc biệt là thơ lục bát như những người dân bình thường chúng tôi, nhiều người cũng rất muốn nhân cơ hội này được bày tỏ những tình cảm yêu mến của riêng mình đối với văn chương, thơ ca nước nhà. Đặc biệt là đối với một số tác giả mà chúng tôi yêu thích, trong đó có nhà thơ Đặng Vương Hưng. Nếu như một tác phẩm của một tác giả nào đó có tính chất phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân mà người ta yêu thích, nhớ đến, thậm chí rất thuộc là tác phẩm, tác giả đó đã thành công rồi.

Người dân Việt Nam thích, nhớ, thuộc làu làu Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đâu có phải chỉ là các nhà trí thức, người giàu sang, mà đại đa số là những người dân bình thường, không biết đọc biết viết. Đánh giá tác phẩm, tác giả là đánh giá khách quan của công chúng, của thời gian lịch sử.

Tôi chỉ xin nói về tuyển tập LỤC BÁT MỖI NGÀY trong phạm vi cảm nhận của mình qua các phần sau đây: Đặng Vương Hưng - Đời và Thơ; Các giá trị trong thơ lục bát của Đặng Vương Hưng; Giá trị truyền thống và giá trị hiên đại. Cụ thể là "chất dân gian", "chất hiện đại" và "chất lính"; Tính kế thừa, phát huy, nghệ thuật và phong cách thơ Đặng Vương Hưng.

Đặng Vương Hưng - Đời và Thơ là một

Khi tìm hiểu về Đời và Thơ của tác giả Đặng Vương Hưng có thể nhận thấy được rằng: Đối với Đặng Vương Hưng Đời và Thơ gắn liền với nhau, có thể coi là một. Cuộc đời phản ánh trong Thơ và Thơ phản ánh đời sống vật chất với những sinh hoạt đời thường và đặc biệt phản ánh đời sống tinh thần, tình cảm nội tâm của tác giả.

Là người con sinh ra và lớn lên ở một vùng quê đồi núi trung du, mang đậm nét đời sống và văn hóa nông thôn Việt Nam; từ lúc còn nhỏ, đến khi lớn lên, tham gia quân đội, chiến đấu bảo vệ biên giới, công tác làm báo, biên tập sách rồi về hưu…Đặng Vương Hưng vẫn là "người nhà quê". "Chất quê" và "chất lính" thể hiện rõ nét trong thơ của Đặng Vương Hưng.

Hãy xem tác giả tự nói về mình, quê hương, đồng đội trong các bài thơ: Tự họa, Tự thấy, Lời tự ngắm mình, Đi tìm, Thời gian, Màu tranh quê, Cơm quê, Về quê, Thu quê, Tạ ơn quê nghèo, Về quê tìm lại, Váy đụp áo nâu, Về quê nhặt cỏ hái rau, Gọi chiều rơm rạ, Trở về, Nghe chim gáy trên trận địa pháo cao xạ, Viết cho em từ biên giới, Mãi mãi tuổi 20, Thắp nến tri ân...

Chẳng hạn như bài “Tự hoạ” sau đây: Không còn trẻ cũng chưa già/ Người ta bảo hắn đang là...đàn ông/ Người hắn yêu đã lấy chồng/ Còn người yêu hắn sống cùng có con// Mộng mơ ngày tháng mỏi mòn/ Chưa vuông nhà cửa, chưa tròn công danh.../ Bỏ làng xóm, ra thị thành/ Từ rừng về phố, vẫn anh quê mùa// Kệ cho trời nắng với mưa!/ Hắn đâu chịu hiểu mình chưa biết gì/ Dù khôn hay dở...thôi thì.../ Hắn vẫn là... hắn...có gì khác đâu!// Dẫu chưa bạc tóc, dài râu/ Hắn đã tưởng tượng...kiếp sau đời mình/ Rằng yêu thì thật đa tình/ Và khi giận dữ lăng thinh cửa nhà...// Hắn như vậy đó em à/ Đừng quen biết hắn mẹ cha buồn rầu...

Và đây là bài “Màu tranh quê”: Lúa xanh mơ hạt thóc vàng/ Mạ non mới cấy mơ chàng nông phu/ Rạ rơm rải khắp đêm thu/ Nghe trong câu hát lời ru ngày mùa// Mấy cô thôn nữ hay đùa/ Lá đa rụng khắp sân chùa không hay/ Đồng xa trắng cánh cò bay/ Ruộng gần hối hả trâu cày sớm trưa/ Trời cao trong nắng có mưa/ Bão giông lũ lụt gánh vừa hai vai/ Lưng ong khoe mái tóc dài/ Em đi ngơ ngẩn mắt ai thòm thèm...

Trong suốt 40 năm sáng tác thơ lục bát hình ảnh con người, quê hương Việt Nam, đặc biệt là nông thôn, "chất quê", "chất lính" được Đặng Vương Hưng khắc họa trong hầu hết các bài thơ của tác giả. Qua đó người đọc có thể hình dung ra chân dung một con người "rất quê", "rất lính", "chất quê" của nông thôn Việt Nam, "chất lính" của anh bộ đội Cụ Hồ. Đây là một con người chân tình, coi trọng cái nội dung hơn cái hình thức(mặc dù cũng rất thích cái đẹp bên ngoài), nói cách khác là coi trọng cái hồn hơn cái vỏ bọc, dù đi đâu, ở đâu, làm gì, cho dù sống ở thành phố, công tác ở Quân đội và sau này là Công an hay Nhà báo đi chăng nữa, thì trong tình yêu, trong cuộc sống, trong công việc vẫn giữ vẹn nguyên được gốc gác của người con yêu quê hương xóm làng tha thiết, sống tình nghĩa với vợ con, cha mẹ,làng xóm và đồng đội.

Tôi cho rằng Đặng Vương Hưng là người thành công trong cuộc đời và sự nghiệp, mặc dù tác giả rất khiêm tốn khi nói về mình. Sinh ra, lớn lên từ một vùng nông thôn Miền Bắc, tham gia quân đội, chiến đấu dũng cảm nơi biên cương Tổ quốc. Nhờ có năng khiếu làm thơ, viết văn mà được điều động làm công tác Tuyên huấn và viết báo trong Quân đội, trong lực lượng Công an, được nhiều độc giả quan tâm theo dõi, đó chẳng phải là thành công(chưa nói là thành đạt) là gì?

Đấy là chưa kể Đặng Vương Hưng là người đề xướng, sáng lập ra Quỹ "Mãi mãi tuổi 20", sáng lập và làm Chủ tịch câu lac bộ "Trái tim người lính". Trước khi cho xuất bản tuyển tập LỤC BÁT MỖI NGÀY, anh đã là tác giả của hơn 50 cuốn sách với nhiều thể loại, trong đó có 7 tập thơ. Đặc biệt, hàng chục năm nay, Đặng Vương Hưng là người làm việc không mệt mỏi, vận động để Lục Bát trở thành Quốc thi và tiến tới là di dản phi vật thể của nhân loại.

Giá trị truyền thống song hành với giá trị hiện đại

Có thể thấy ngay được "chất dân gian" và "chất hiện đại" trong thơ của tác giả. Việc Đặng Vương Hưng sử dụng thơ Lục Bát đã có tính truyền thống dân tộc rồi, mặc dù trước đây tác giả cũng đã sáng tác nhiều bài thơ ở thể loại thơ tự do được nhiều bạn đọc đánh giá là hay và yêu thích. Thậm chí, chùm thơ viết tại biên giới Lạng Sơn đầu thập niên 80 còn được giải A cuộc vận động sáng tác “Văn – Thơ và Ca khúc cho Thanh niên”.

Lục Bát là loại hình thơ dân gian, có tính chất truyền thống rất lâu đời của dân tộc Việt.Với hai câu 6/8 đi liền nhau có vần với nhau ở âm tiết thứ 6 của mỗi câu làm cho thơ Lục Bát có âm điệu nhịp nhàng, dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc, phản ánh được nhiều sự vật, hiện tượng,cũng như mọi sắc thái tình cảm của con người.

Mặc dù tuân theo luật bằng(chữ cỏ dấu huyền hoặc không có dấu)- trắc (chữ có dấu nặng,sắc,hỏi, ngã) nhưng không bắt buộc phải tuân theo đúng như vậy mà có thể biến đổi linh hoạt thứ tự bằng – trắc, miễn sao câu thơ vẫn nhẹ nhàng, uyển chuyển, dễ nghe, dễ đọc, thậm chí có thể biến tấu ngắt nhịp thành những câu ngắn hơn từ câu 6 câu 8 để phù hợp với thời hiện đại và diễn tả được sắc thái khác nhau.

Trước Truyện Kiều của Nguyễn Du thơ Lục Bát được bắt nguồn từ ca dao. Mà ca dao thì đã có từ ngàn đời trước. Lục Bát ca dao sáng tác theo khuôn mẫu định sẵn và được xem là nền móng cho Lục Bát phát triển mạnh mẽ hơn ở những giai đoạn sau. Đó là sự xuất hiện hàng loạt truyện thơ Lục Bát như:Truyện Thạch Sanh, Phạm Tải Cúc Hoa v...v… được viết theo qui mô hàng trăm, hàng ngàn câu với những qui định nghiêm ngặt vể niêm luật, về vần và nhịp điệu. Qua thời gian, lục bát có những bước tiến mới, có sự thay đổi trong cách ngắt nhịp và gieo vần. Điều này thể hiện rõ nhất qua tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Lục Bát có một giá trị cao quý cho đến ngày nay và nâng lên tầm vóc cao hơn qua các cây bút hiện đại. Tiêu biểu có các nhà thơ Tản Đà, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyễn Duy. Các nhà thơ ở các mức độ khác nhau đã tỏ ra hấp thụ được những cảm xúc và phô diễn lại bằng thể lục bát, cố gắng tìm đến cách xử lý thích hợp để đạt tới hiệu quả nghệ thuật trong sáng tác thơ ca của mình.

Thơ Lục Bát không giống với bất kỳ thể thơ nào khác, bởi ở Lục Bát người ta vừa có thể cảm nhận được tính truyền thông dân dã, vừa cảm nhận được những nét hiện đại. Câu thơ 6/8 mượt mà, êm ái như lời ru cùng với niêm luật chặt chẽ, phối thanh hài hòa, vần vè nhịp nhàng v...v.. là tất cả những nét riêng độc đáo mà qua lao động, qua sáng tác người Việt Nam đã tạo dựng được. Bên cạnh đó, bản thân thơ Lục Bát là thơ cách luật, nhưng nó lại cho phép linh hoạt chấp nhận mọi sự tìm tòi sáng tạo và âm luật trong hoạt động sáng tạo nên các bài thơ cụ thể. Mặt khác, khả năng biểu đạt nội dung của nó khá linh hoạt, vừa trung tính, vừa có thể chuyên biệt hóa tùy thuộc vào những trường hợp vận dụng cụ thể.

Đọc thơ Lục Bát của Đặng Vương Hưng bạn đọc đều có thể nhận thấy được tác giả đã sử dụng thể thơ độc đáo của dân tộc một cách nhuần nhuyễn, kế thừa và phát huy được giá trị truyền thống, giá trị hiện đại của thể thơ này.

Nói về các giá trị trong thơ Lục Bát của Đặng Vương Hưng là chúng ta nói về giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Hay nói một cách khác là "chất dân gian" và "chất hiện đại" song hành. Thơ Lục Bát của Đặng Vương Hưng vừa truyền thống vừa hiện đại thể hiện ở âm hưởng ca dao, chủ đề và cách nói hiện đại. Có thể cảm nhận được điều đó qua các bài thơ "Trăng", "Nỗi nhớ", "Sớm nay vác cuốc ra đồng", "Vay và trả", "Viết cho em từ biên giới", "Nghe chim gáy trên trận địa pháo cao xạ","Phố nhà quê" và ở nhiều bài thơ khác.

Nói trực diện với những cặp đối lập chẳng giống ai

Trong tuyển tập này, Đặng Vương Hưng hầu như không né tránh bất cứ đề tài nhạy cảm nào, mà luôn trực diện, không vòng vo để nói thẳng quan điểm, tình cảm của mình. Ví dụ như các bài tả về cái đẹp của đồng quê: "Tạ ơn quê nghèo", "Thu quê", "Màu tranh quê "...

Thơ của Đặng Vương Hưng phải đọc cả bài thơ ta mới thấy được điều mà tác giả muốn nói, muốn gửi gắm, muốn chia sẻ, muốn nhắn nhủ. Tôi đồng ý với một bạn đọc đã nói là: Đọc thơ của Đặng Vương Hưng không nên chia cắt, trích dẫn một vài câu để nói về cái ý mà tác giả muốn nói, mà phải đọc kỹ cả bài. Mặc dù từng câu chữ, từng từ mà tác giả sử dụng rất cân nhắc, chọn lọc, nhưng nó chỉ là cái vỏ xù xì bên ngoài để nói lên được cái tính chất cốt lõi, cái điều bên trong của bài thơ. Nhiều bài Lục Bát của Đặng Vương Hưng thường mang tính ẩn dụ. Thơ của tác giả không dùng câu từ to tát mà bình dị, nhẹ nhàng nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc. Chẳng hạn bài "Viết cho mình" thực ra lại nói về người vợ của tác giả. Các bài "Một mình", "Gửi người trong mơ", "Thắp đèn", “Ở trọ",... đều có tính ẩn dụ để nói vể cái điều thực chất mà tác giả muốn nói.Tôi nghĩ đây chính là phong cách làm thơ rất riêng của Đặng Vương Hưng.

Trong thơ của Đặng Vương Hưng thường sử dụng các cặp từ đối lập, hoặc các trạng thái, các điều đối lập để làm nổi bật vấn đề, để người đọc phải suy nghĩ. Ví dụ: Vui– buồn, vay– trả, gần– xa, có– không, khóc– cười, được– mất,ngày– đêm v...v... Anh cũng thường sử dụng cái khó diễn tả thật trong thực tế bằng các giấc mơ như trong các bài: "Tan chảy", "Một đêm mơ", "Không đề", "Nụ cười bỏ quên". Hoặc đặt ra các giả thiết "Nếu", “Có thể”, "Giá mà" để mượn cớ nói về cái điều cần nói. Tác giả cũng thường đặt ra điều giả tưởng (không có trong thực tế) như trong các bài: “Này em có dám mơ", "Có ai muốn mượn", "Mượn"…

Trong một số bài thơ Đặng Vương Hưng đã sử dụng linh hoạt cách ngắt nhịp ở các câu 6/8 để thay đổi tiết tấu, nhịp điệu của bài thơ làm cho ý của bài được diễn tả rõ nét hơn. Ví dụ: "Tan chảy", "Tuổi", "Đêm Hạ Long", "Tóc dài ơi", "Tạ ơn quê nghèo", “Lỗi hẹn", "Nghe chim gáy trên trận địa pháo cao xạ",...

Đọc thơ lục bát của Đặng Vương Hưng tôi thực sự thấy thú vị và cảm phục về cách sáng tác của tác giả. Có thể nói hầu như tất cả các hoạt động sinh hoạt trong đời sống, sản xuất, chiến đấu, những điều xảy ra trong xã hội,trong gia đình,trong mỗi con người, ở đàn ông, ở đàn bà, ở thời trước, ở thời nay,v...v... đều có thể trở thành đề tài để tác giả sáng tác thơ.

Làm mới, với cái nhìn nhân văn và nâng tầm các nhân vật bước ra từ tác phẩm kinh điển vào đời sống

Tôi thực sự ngỡ ngàng khi Đặng Vương Hưng có cái nhìn rất mới về những nhân vật văn học đã cũ, nhiều người đã biết, đã phân tích trong nhiều năm, cả trong nhà trường cũng như từ các nhà phê bình văn học nghệ thuật. Đấy là các nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong truyện của nhà văn Nam Cao, hay Thị Mầu và Mẹ Đốp trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính". Đấy là những con người lương thiện, khốn khổ, nghèo hèn, xấu xa, lẳng lơ, bị coi khinh,...Nhưng dưới con mắt của Đặng Vương Hưng lại là những con người bình đẳng và cần được tôn trọng. Bởi vì, họ cũng là những con người, dù nghèo hay giầu thì họ cũng vẫn khát khao yêu thương, khát khao tình người. Họ có sự lầm lỗi là do hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình, những ràng buộc khắt khe của giáo lý phong kiến.

Cũng cần phải nói sự yêu thương, thông cảm, sẻ chia, làm dịu đi nỗi đau đau số phận cuộc đời của các nhân vật, trân trọng hơn là lên án, coi khinh, chà đạp lên họ một cách tàn nhẫn. Đấy chính là tính nhân văn trong thơ của Đặng Vương Hưng. Xin các bạn hãy đọc kỹ các bài thơ: "Chí phèo vẫn chửi", "Thanh minh cho Chí Phèo", "Nói thay lời Thị Nở", "Mầu em có mấy lời", “Thay lời Mẹ Đốp”… để thấy được cái hay của các bài thơ này.

Hồn quê và chất lính đậm đặc trong nhiều bài thơ

Mỗi một người đọc có thể có những cảm nhận khác nhau về từng bài thơ cụ thể của tác giả. Tuy nhiên, chúng ta đều ghi nhận quá trình sáng tác không mệt mỏi, cũng như các hoạt động có tính chất cộng đồng, xã hội của Đặng Vương Hưng - một nhà thơ mang đậm "chất quê" và "chất lính".Và đặc biệt khi anh viết về người lính, về các anh hùng liệt sỹ, về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc: “Mãi mãi tuổi 20”, "Hãy yêu thương nhau khi còn sống", “Tháng Bảy vào Quảng Trị”, "Mười năm", "Gọi hồn lính trận"…

Tác giả đã thể hiện trong thơ cái hồn quê của dân tộc Việt Nam, cũng như các phẩm chất tốt đẹp của người lính "bộ đội Cụ Hồ". Họ mang trong mình "Trái tim người lính", nhưng trước hết họ là những người dân Việt Nam yêu nước nồng nàn, có tình yêu thiết tha với quê hương, cha mẹ và vợ con. Họ có tình yêu đôi lứa đẹp, có sự thông cảm, chia sẻ với những con người, những số phận đen đủi, không may mắn trong cuộc đời.

Nhà thơ đã hòa mình với đời sống của nhân dân, của dân tộc mình, vui, buồn cùng mọi người: Có thể nêu ra ở đây các bài "Thảo dân", "Viết ở Côn Sơn", “Tổ quốc điểm danh”… Chính con người đậm "chất quê", “chất lính" của nhà thơ Đặng Vương Hưng với tình yêu thơ lục bát, thể thơ độc đáo của dân tộc, cùng với tài năng sáng tạo của mình đã làm cho Lục Bát của anh in dấu đậm nét trong mỗi người yêu thơ.

Trong LỤC BÁT MỖI NGÀY của Đặng Vương Hưng có nhiều bài thơ hay, mà trong khuôn khổ bài viết này tôi không có điều kiện thống kê và dẫn chứng được hết. Các bạn hãy đọc để cảm nhận được cái hay của từng bài và chắc chắn sẽ có những phát hiện bất ngờ.Tôi thích bài thơ có tính khái quát cao về con người nhà thơ Đặng Vương Hưng: Tôi đi về phía gió sương/ Nửa đời dằng dặc con đường vẫn xa// Tôi đi về phía phồn hoa/ Nửa đời mới thấy hóa ra mình nhầm// Tôi đi về phía âm thầm/ Nửa đời nước mắt ướt đầm trang thơ// Tôi đi về phía mộng mơ/ Nửa đời như vẫn như đang chờ đợi ai// Tôi đi về phía ban mai/ Nửa đời mới biết đêm dài bao nhiêu… (Đi tìm).

Tập thơ hàng ngàn bài sẽ không tránh khỏi có một số từ bị lặp, Nếu tác giả sử dụng nhiều từ láy thì sẽ tuyệt vời hơn. ,... Dĩ nhiên, đòi hỏi Lục Bát của Đặng Vương Hưng giống Nguyễn Du, như Nguyễn Bính hay cần học theo ai đó, thì thành ra lẩn thẩn và áp đặt.

Nhưng bù lại, có lẽ thơ Đặng Vương Hưng không thể hiện ngay ở từng từ mà nó nằm ở bên trong của toàn bài như tôi đã nói ở trên. Điều thứ hai là thơ của Đặng Vương Hưng chủ yếu nói về nông thôn, nông dân, người lính, mà ít nói đến thành thị và các tầng lớp khác trong xã hội. Phải chăng nhà thơ thấm đẫm hồn quê Việt từ nhỏ đến khi trưởng thành. Cho nên dù sống ở thành phố nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về quê hương xóm làng thân yêu!

Chúc cho nhà thơ Đặng Vương Hưng có sức khỏe, giữ mãi ngọn lửa yêu đời, yêu thơ, tiếp tục có những đóng góp hơn nữa cho cộng đồng xã hội, đặc biệt là Thơ Lục Bát – Hồn vía của văn hoá Việt Nam.

N.X.S

______

Tuyển tập “Lục bát mỗi ngày”, dày 1.248 trang khổ lớn, giá chỉ có 300K/c (cả cước phí). Ai muốn đọc, xin để lại tin nhắn, tác giả sẽ ghi lưu bút, chữ ký bằng mực tươi và gửi sách tới nhà theo yêu cầu. Liên hệ trực tiếp với số ĐT: 0913210520 (có Zalo) của Đặng Vương Hưng.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Lục bát Đặng Vương Hưng vừa rất quê lại vừa rất lính" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn