Thừa Thiên Huế: Hổ Quyền - Độc đáo trường đấu duy nhất ở Việt Nam

    Lê Minh Nhân

28/05/2022 22:27

Theo dõi trên

Đến hiện tại, có lẽ Hổ Quyền – một đấu trường sinh tử giữa voi và hổ - đã tồn tại gần 200 năm ở Việt Nam là đấu trường duy nhất hiện còn ở Châu Á và cả thế giới.

anh-1-phia-ngoai-cua-ho-quyen-1653751988.JPG
Hình ảnh phía ngoài của Hổ Quyền, ảnh: LHN

 

Tọa lạc tại thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, cách trung tâm thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) khoảng 4 km về phía Tây. Hổ Quyền hay còn gọi là Hổ Khuyên - Trường đấu dành cho voi và hổ thời nhà Nguyễn không chỉ là một di tích đặc biệt có kiến trúc độc đáo của Việt Nam, mà còn mang giá trị lịch sử to lớn.

Đấu trường Độc đáo

Theo sử sách triều Nguyễn, tổ chức quân đội triều Nguyễn có một quân đội rất đặc biệt đó là Tượng binh, đây là quân đội dùng các con voi để chiến đấu ở các trận chiến như các cổ xe tăng hiện nay, khi các trận chiến diễn ra thì những chú voi luôn đi đầu. Để huấn luyện cho những “Voi chiến” này, triều Nguyễn cho tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ, thông thường các trận đấu này được tổ chức ở những nơi khác nhau và thường đem lại sự nguy hiểm cho người xem đặc biệt là vua, quan triều đình nhà Nguyễn, cho nên năm 1830 vua Minh Mạng cho xây dựng Hổ Quyền tại vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều nằm ở phía Tây cách Kinh thành 4 km. Nơi đây là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân.

Hổ quyền là một đấu trường lộ thiên có dáng hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,8m, vòng thành ngoài 4,75m, chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng chảo là 44m. Hệ thống tường thành được xây vững chắc bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, đảm bảo an toàn cho mọi người khi xem các trận đấu. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế.

Đối diện với khán đài là 5 cái chuồng nhốt hổ. Một cửa vòm lớn dành cho voi ra chiến đấu, cửa voi rộng gần 2m, cao gần 4m, có hai cánh bằng gỗ lớn, bản lề bằng đá. Sân đấu là một thảm cỏ hình tròn.

Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và đình thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ. Mặt trong cao hơn mặt ngoài, dày trung bình 4,5m.

Việc tổ chức các cuộc đấu giữa voi và hổ ban đầu có mục đích rèn luyện tính chiến đấu cho voi, về sau như là một loại hình giải trí tiêu khiển. Trong ngày thi đấu, dân chúng và hương chức quanh vùng đặt hương án, lễ vật trên đoạn đường vua đi qua. Đấu trường được trang trí bởi nghi trượng, cờ, lọng. Có một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bến sông.

Đúng giờ Ngọ, vua ngự thuyền rồng từ Nghênh Lương Đình, dọc theo sông Hương để lên bến Long Thọ. Vua lên kiệu che bốn lọng và bốn tàn vàng, đi trước là Ngự lâm quân, Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần, tiếp theo là đội nhạc cung đình.

Những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Trong mọi trận đấu hổ luôn là kẻ thua cuộc vì trước khi vào trận, hổ đều bị cắt nanh, bẻ vuốt. Hổ ở triều Nguyễn là một “quốc nạn” đối với xã hội, hàng năm việc hổ về quấy phá, giết hại dân lành diễn ra rất nhiều, một năm trung bình khoảng 200 người chết vì nạn hổ. Theo quan niệm, hổ là hiện thân của cái ác, voi đại diện cho cái thiện, ác thì không bao giờ thắng được thiện. Việc dùng hổ, một con vật dũng mãnh là chúa sơn lâm giao chiến với một con vật có bản tính hiền lành là voi để sau một trận đấu tử chiến ấy voi sẽ dần quen với không khí trận mạc.

anh-2-ho-quyen-o-tren-cao-1653751813.jpg

Hình ảnh Hổ Quyền ở trên cao, ảnh: LHN

Phát huy giá trị Hổ Quyền

Trải qua nhiều năm, tháng, Hổ Quyền dần đi vào hoang phế. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Nhiều năm trở lại đây, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã bắt đầu trùng tu di tích Hổ Quyền. Nhưng vấn đề khai thác Hổ Quyền như thế nào cho hiệu quả là bài toán khó, đang được tháo gỡ dần dần. Đặc biết, không thể tổ chức những trận đấu voi - hổ vì nó rất phi thực tế, không đủ ngân sách để tổ chức, vi phạm các bộ luật về bảo vệ động vật hoang dã theo công ước Quốc tế.

“Chúng tôi đang nghiên cứu để phục dựng một trận đấu voi - hổ, diễn giải công trình kiến trúc hổ quyền bằng công nghệ. Hai bên trên vòng thành, chúng tôi sẽ xây dựng chổ ngồi để người dân và du khách có thể lên tham quan và theo dõi các trận đấu voi - hổ bằng công nghệ 4.0. Tái hiện các cuộc đấu bằng kỹ thuật ánh sáng kết hợp với âm thanh lễ hội như: trống, kèn, âm thanh thúc quân, quản tượng… Diễn trình xây dựng hình ảnh bằng 3D để tái hiện lại cấu trúc Hổ Quyền vào ban đêm. Nhiều năm qua chúng tôi đã làm xong, đã có báo cáo. Tuy nhiên, phải có nhà đầu tư, phải có vốn đầu tư, dự án mới có thể thực hiện được”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung chia sẻ.

Hạ tầng và kỹ thuật của khu vực xung quanh Hổ Quyền dùng để phục vụ cho việc khai thác còn tương đối yếu. Những năm gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra chủ trương chỉnh trang, cải tạo, đầu tư hạ tầng cho khu vực xung quanh Hổ Quyền nhằm phát huy giá trị di sản một cách tốt nhất. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư khoảng gần 100 tỷ đồng để di dời dân cư, giải phóng mặt bằng, mở rộng tuyến đường từ Bùi Thị Xuân vào Hổ Quyền. “Để thực hiện được chủ trương do UBND tỉnh đề ra, trong năm 2022, UBND thành phố Huế đã đẩy mạnh công tác, thực hiện dự án. Đến nay đã tiến hành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng khu tái định cư để phục vụ cho người dân đến nơi ở mới. Đối với dự án này, chúng tôi quyết tâm trong năm 2023 sẽ hoàn thành việc di dời và bố trí nơi ở mới cho người dân, giải phóng mặt bằng. Xây dựng làn đường, vỉa hè, đầu tư hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng khu vực Hổ Quyền – Voi Ré. Kết hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế trùng tu Điện Voi Ré”. Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế nói.

Tổ trưởng tổ dân phố Long Thọ Nguyễn Sửu cho biết, bà con ở gần khu di tích Hổ Quyền – Voi Ré rất phấn khởi khi thấy được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, thành phố về di tích Hổ Quyền. Người dân ở xung quanh luôn giữ gìn, bảo vệ di tích một cách cẩn thận. Theo ông Sửu, Di tích Hổ Quyền cần phải chỉnh trang, mở rộng về những khu vực xung quanh để có một diện tích phù hợp thu hút được khách tham quan du lịch.

                                               

anh-3-chuong-ho-phia-trong-di-tich-ho-quyen-1653751999.JPG

Hình ảnh chuồng hổ của Hổ Quyền, ảnh: LHN

                                                    

Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên Huế: Hổ Quyền - Độc đáo trường đấu duy nhất ở Việt Nam" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn