Tình anh em kết nghĩa

 “…Trong tình yêu giai cấp, hết lòng thương yêu đồng đội, lúc thường cũng như lúc chiến đấu…” . Đây là một trong số lời thề mà mỗi tân binh chúng tôi phải thuộc lòng. 
tinh-anh-em-ket-nghia-1657944133.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Để ngày nào vào sáng thứ Hai hàng tuần chỉ định ai lên đứng dưới quốc kỳ cũng phải đọc suôn sẻ. Ngoại tình cảm nghĩa vụ ấy, tôi còn có một mối tình anh em kết nghĩa cũng thiêng liêng để giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày, trong chiến trận. Hai từ anh em chúng tôi chỉ gọi nhau khi chỉ có hai người. Còn trong mọi sinh hoạt đều không quên gọi nhau bằng đồng chí. Đó là tôi với anh Nguyễn Văn Minh, quê anh ở Phú Xuyên - Hà Tây cũ. Bố mẹ anh chỉ sinh được một mình anh. Học hết lớp 10 phổ thông, anh thi và được vào học lớp trung cấp cơ điện Hà Nội khóa 1962. Mới vào học năm thứ ba của chương trình thì cuộc chiến tranh chống Mỹ bùng nổ. Ở miền Nam Mỹ đổ quân áo ạt, ở miền Bắc Mỹ đưa lực lượng không quân, hải quân khổng lồ đánh phá. Anh xung phong nhập ngũ, chuyển sang học lớp thợ pháo X5, quân khu 3 – 1965.
Để đánh trả kịp thời ngày càng gia tăng của lũ giặc trời. Ngày 18/02/1965 tiểu đoàn 15 pháo cao xạ được thành lập. Anh Minh được điều động về làm thợ pháo cho Tiểu đoàn này. Rồi cùng đơn vị cơ động vào địa bàn Quân khu 4 đánh trả máy bay Mỹ quyết liệt ngày đêm.
Tôi kém anh 5 tuổi đời, 2 tuổi quân. Sau 2 năm làm quân giải phóng miền Nam tôi bị thương. Được về đoàn 200 quân khu 4 điều dưỡng. Đang suy nghĩ phải về với mẹ khi tổ quốc chưa hết bóng xâm lược. Bổng quân lực bộ đội phòng không không quân nhận tôi về làm pháo thủ cho C10 - D15 đơn vị anh. Với tôi là binh chủng mới, tôi phải cố gắng học nhiều để thao tác hòa mình trùng khớp với các số trên mâm pháo. Tôi cảm thấy thích thú, chăm lo khi được cán bộ chiến sĩ vui lòng hướng dẫn tôi tận tình. Anh Minh thấy tôi hiền lành, vui vẻ, tích cực nên cũng rất quý tôi. Ngoài những giờ phút học chung với tập thể. Tôi còn được anh chỉ vẽ riêng về tính năng, tác dụng của binh khí phòng không này. Qua tâm sự anh biết tôi mồ côi bố từ nhỏ, ở quê chưa có vợ, chỉ có mẹ và một em gái nhỏ nên anh luôn gần gũi động viên. Anh rất vui khi thấy tôi thao tác thuần thục đủ các số trên mâm pháo.

Cán bộ chỉ huy điều tôi vào làm chiến sĩ nuôi quân rồi tiểu đội trưởng hậu cần. Việc gì được giao tôi củng cố gắng hoàn thành. Khi tôi được phong quân hàm lên trung sĩ ngang với quân hàm của anh. Tôi lại được giao làm quản lý đại đội. Mà quản lý và quân khí đều ở chung trong bộ phận hậu cần. Anh vẫn luôn giúp đỡ tôi nhiều việc như: trong công tác nội vụ tôi hay bị phê bình luộm thuộm, chậm chạp… anh đã nhắc nhở và làm thay. Tôi đi nhận hàng về mệt nhọc anh cũng sắp xếp kho lương giúp. Có đêm tôi phải thức suốt để cân bằng sổ sách nợ có, kịp báo cáo. Anh nhắc tôi cần giữ gìn sức khỏe. Có nhiều đêm, tôi cũng được phân công gác bảo vệ. Thấy tôi mệt mỏi, anh cũng đã gác thay. Tôi thấy anh đã dành cho tôi sự yêu thương giúp đỡ thật long. Một hôm, nằm bên anh tôi thủ thỉ:- Anh em mình kết nghĩa anh em đi?
Anh vui vẻ trả lời: - Nhưng không được bướng bỉnh. Rồi anh đưa ngón tay trỏ ngoắc vào ngón tay tôi hứa hẹn như trẻ con.
Từ 1965 - 1968 trận địa luôn nổ súng đánh trả máy bay Mỹ đến xâm phạm vùng trời quân khu. D15 phải cơ động liên tục từ Hoàng Mai, Cửa Lò, Cửa Hội, nhà ga, bến xe, sân bay Vinh ở Nghệ An qua Hà Tĩnh vào Nam, Bắc Sông Gianh rồi sân bay Đồng Hới, Quảng Bình. Có những trận đánh rơi máy bay Mỹ ngay từ loạt đạn đầu như ở trận địa dốc Bò Lăn, hay các trận địa Cầu Giát, Hoàng Mai, Cửa Hội nhưng cũng nhiều trận đầy căng thẳng hi sinh.
Cuối năm 1968, D15 được điều động lên phía Tây Trường Sơn bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược 559. Có khi còn phải nổ súng ngay trên đường hành quân. Các trang bị vũ khí cũng bị tổn thất hư hỏng nhiều. Nhưng về súng đạn anh Minh vẫn cùng cấp trên luôn đảm bảo đầy đủ cho đơn vị chiến đấu. Là đảng viên tôi thấy anh luôn hoàn thành nhiệm vụ, tích cực những hoạt động tập thể. Anh còn có năng khiếu về họa nhạc, luôn vui vẻ với mọi người. Được đơn vị yêu quý nên trong sinh hoạt chi bộ tôi đã đề xuất ý kiến xem xét giúp đỡ anh vào Đảng. Song một số Đảng viên chưa đồng ý vì anh có tính tự do trong nghề nghiệp của mình. Anh thường lặng lẽ đi tháo những quả bom từ trường hoặc tìm những cây nhiệt đới của địch về cắt tháo lấy bóng bắn dẫn lắp radio khi chưa có lệnh…
Có hôm tôi vận động anh nói rõ những khuyết điểm. Anh cũng cảm ơn nhưng anh đã trả lời:
- Mình làm quần chúng tốt cho Đảng là được rồi.
Cảm thấy anh thường giỏi hùng biện. Tôi không dám cãi lại.
Đến năm 1969, tôi được đi phép lần đầu trong đời bộ đội. Từ biên giới Việt – Lào. Ý nguyện của anh cũng như cán bộ chiến sĩ đơn vị đều mong tôi được cưới vợ trong dịp này. Nhưng về đến quê cô người yêu tôi đã có chồng. Tôi chỉ biết động viên mẹ và em gái rồi quay về đơn vị. Còn thừa ba ngày phép. Từ đó anh luôn nghĩ đến việc làm mối cho tôi. Đóng quân ở đâu anh cũng tìm hiểu các cô gái rồi giới thiệu mặt tốt của tôi cho họ. Anh đi đổi pháo ở Hà Nội anh làm quen cô Thanh Thảo ở Phúc Thọ. Rồi lấy ảnh về giới thiệu với tôi nào là bố mẹ làm nông nghiệp hiền lành, nào là có trình độ văn hóa, nào là cô xinh đẹp, béo, khỏe, tóc dài, thùy mị… Một lần khác anh về quân khu nhận kế hoạch vũ khí. Anh làm quen một cô sinh viên đại học Sư Phạm Vinh có tên là Phương, quê ở xã Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh về giới thiệu. Cả hai cô tôi chỉ thấy trên ảnh chưa hề gặp mặt. Nhưng tôi cũng đang ở tuổi 22, tôi vẫn thèm một hơi thở ấm áp của các cô phả vào mặt mình nên cũng ước mơ thầm lặng. Thư đi từ lại nói đùa thì ít tỏ tình thì nhiều nên cả hai cô đã đồng ý làm vợ, chỉ mong sớm được gặp nhau khi thống nhất tổ quốc. 
Tháng 9 – 1971, D15 được lệnh về nước để củng cố, bổ sung. Ngày 01/10/1971, đại đội 10 của tôi được Nhà nước tuyên dương tập thể anh hùng vì hoàn thành mọi nhiệm vụ. Bắn rơi được 32 máy bay Mỹ. Đang cùng các đơn vị lân cận và nhân dân địa phương chia vui, đón nhận danh hiệu cao quý.
Một lần tôi đi công tác dân vận trở về, thấy vẻ mặt của anh có sự buồn lo. Tôi hỏi anh: - Có việc gì vậy?
Anh nói: - Mình không được ở với Ngọc nữa rồi. Buồn lắm!
Tôi nói: - Sao? Anh có lệnh ra quân về quê hương à?
- Không? Anh nghe tin từ trung đoàn. Họ điều ngọc ra chỉ huy đơn vị.
Tôi không tin nhưng vẫn nói với anh: - Vậy thì vẫn ở cùng đại đội với nhau chứ.
Rồi tin ấy là có thật. Công việc của tôi càng nặng nề, dồn dập hơn. Làm đại đội phó của một đại đội anh hùng phải lo nghĩ và làm nhiều việc. Nhất là sau đó đơn vị có lệnh cùng các quân binh chủng hợp đồng quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị 1972. Tôi phải đi trinh sát địa hình liên miên để tổ chức cơ động hành tiến cùng mặt trận. Mỗi lần được về đơn vị nghỉ, là đã có hầm anh làm giúp để tôi phòng tránh.
Ngày 06/05/1972, trong một trận đánh trả máy bay đến phản ứng trận địa ở gần cầu Đông Hà. Trời Quảng Trị lúc này nắng trong vắt, máy bay địch đến rất đông, cao thấp xa gần đủ hướng ầm ầm. Các pháo thủ theo dõi bắt mục tiêu chảy cả nước mắt. Bom trút chùm xuống trận địa. Chiến sĩ Thúy quê Hà Tĩnh hi sinh. Hầm tôi bị đất vui chừng 2m. Tất cả đại đội đã tập trung bới đào lôi tôi lên trong lúc địch còn bắn phá. Thấy mặt mũi tôi đầy máu và còn thở, đơn vị tổ chức cho tôi khẩn trương đi cấp cứu. Anh Minh vừa khóc vừa loay hoay chuẩn bị các thứ vào ba lô, đầy đủ tư trang. Rồi anh rút trong túi ra chiếc ảnh. Anh nói:
 - Đây là vợ con anh. Chị Phương và cháu Bình hiện ở mỏ đá Mạo Khê, Thanh Liêm, Nam Hà. Ra Bắc điều trị cho lành rồi tìm chị và cháu nhé.
Nhưng tôi không ra Bắc, chỉ điều trị tại Bệnh bệnh xá trung đoàn ở Vĩnh Chấp chừng nửa tháng. Tôi thấy bình thường và xin bác sĩ trở về đơn vị. Đang giải quyết giấy tờ bỗng chỉ huy trạm xá cho biết Đại đội 10 của tôi đã cùng một số đơn vị đánh chiếm sân bay Ái Tử thành công. Anh Minh đã dũng cảm hi sinh. Giây phút lặng đi vì buồn thương anh, rồi tìm cách trở về đơn vị càng nhanh càng tốt.  Tôi thầm nghĩ chị Phương và cháu mình biết tin này sẽ ra sao?
Ngày hôm sau tôi đã có mặt ở trận địa sân bay Ái Tử với chức danh cũ. Một đồng đội đã chỉ cho tôi mộ đất mới đắp lên và nói rằng đó là mộ anh Minh đấy. Tôi vội bẻ mấy cành sim, móc nhuộm đầy khói bom cắm lên mộ rồi về tranh thủ ghi vào nhật ký mấy dòng. Những giây phút ở đây vô cùng căng thẳng. Quân Mỹ hình như muốn phá nát sân bay cùng các thứ, kho tàng doanh trại không kịp hốt đi bằng việc sử dụng tất cả các loại bom đạn to nhỏ để triệt phá không lúc nào ngớt. Ở thời gian này tôi còn thấy Mỹ đã dùng một loại bom mới to về chiều ngang được máy bay thả cách mặt đất khoảng 100m là bom nổ từ trên không. Tiếng nổ lớn vang đầu, điếc tai tất cả cả những người trong khu vực. Mảnh bom chụp xuống mặt đất dày đặc nguy hiểm. Cũng tại các trận địa quanh đây cả tiểu đoàn tôi đã hy sinh hàng chục cán bộ, chiến sĩ. Sau này tôi kể về ngôi mộ anh Minh có người không tin cho là tôi bịa. Tôi kiểm tra lại chính những người đó, thời kỳ đó không ra khỏi hầm. Trong lúc nhật ký tôi ghi là trung thực nhất.
Tháng 7/1972, tôi bị thương nặng tại ngã ba Long Hưng nơi cửa vào thành cổ Quảng Trị. Từ đó tôi phải rời vị trí chiến đấu, may mắn sống sót đến ngày nay. Trong quá trình điều trị dài, tôi vẫn tìm cách liên lạc theo dõi từng bước hành quân của đơn vị. Vào thời kỳ này chủ tịch nước Cu Ba Phi Đen Cát xít Tờ rô đến thăm đồng bào chiến sĩ Miền Nam tại Cam Lộ. Đồng thời có một người nhận là bố vào gặp cán bộ D15 tìm mộ con là anh Nguyễn Văn Minh nhưng không thành. Vắng đi thời gian dài do vết thương của tôi nặng phải điều dưỡng liên tục. Lại phải khắc phục nền kinh tế sau chống Mỹ bị kiệt quệ, và trải qua cuộc sống bao cấp đầy khó khan.

Tôi vẫn luôn nhớ đến đồng đội, nhớ đến đơn vị và người anh kết nghĩa của mình. Tôi đã dùng chiếc ảnh vợ con anh lên báo chí, phát thanh truyền hình nhờ họ thông tin thăm hỏi, nhưng mãi không có hồi âm. Tôi cũng đã bien thư liên hệ tới các đồng chí làm chính sách ở quân chủng và trung đoàn 284 còn tồn tại. Nơi có tên Liệt sĩ Nguyễn Văn Minh của C10 - D15 - E284 và các địa phương nơi tôi từng nghe anh giới thiệu. Tôi còn liên lạc với chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly” do cô Thu Uyên đảm nhận. Nhờ họ tuyên truyền, tìm kiếm. Mặt khác, cùng thời gian trên sau hàng chục năm khi tổ quốc ta đã được đổi mới. Tôi có được một số hội truyền thống cho đi thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị. Mỗi lần như vậy thế nào đoàn cũng đến Đông Hà, Thành Cổ…

Tôi lại xin phép đoàn đến Nghĩa trang xã Triệu Ái nơi đơn vị tôi thường tác chiến tại sân bay để quan sát, tìm kiếm. Ở đây tôi thấy rất nhiều mộ chưa có tên. Nhưng tôi cũng đã tìm được ba ngôi mộ của chiến sĩ Đại đội 10 D15 của tôi chính xác. 
Đặc biệt ở đây người quản lý nghĩa trang địa phương có anh Đối là Đảng Ủy viên rất nhiệt tình giúp đỡ. Tôi đã liên lạc được với thân nhân cùng đồng đội, đã đưa cả ba bộ hài cốt về nơi chôn rau cắt rốn của các liệt sĩ. Riêng có một ngôi mộ số …chỉ đề tên (Minh). Tôi đã nghi ngờ và cả mấy lần đến thắp hương, tôi đều yêu cầu địa phương lưu ý giúp đỡ để liên lạc trao đổi. Về cán bộ chính sách các cấp cùng phía đài truyền hình Việt Nam đã cho tôi biết tìm được địa chỉ hậu phương của người anh kết nghĩa. Chị Phương từng nuôi dạy cháu Bình trong gian khó. 
Rồi chị giao Bình cho bà nội (tức mẹ đẻ anh Minh) để chị đi bước nữa. Bố anh Minh qua đời, mẹ anh Minh được nhà nước công nhận là mẹ Việt Nam anh hung. Nhưng cháu Bình còn non dại, bà đã gửi Bình vào trại trẻ mồ côi của tỉnh Hà Tây. Rồi bà cũng qua đời. Người mẹ từng chăm sóc cháu Bình trong trại sau này đã gả con gái tên là Trần Thị Hà cho Bình làm vợ. Trợ lý của chương trình truyền hình cũng cho tôi biết đã cử một tốp nhân viên đến gia đình mới của Bình tìm hiểu. Nhưng thấy Bình có bệnh lý thiếu minh mẫn, không quan tâm gì đến bố là liệt sĩ mặc dù vẫn hưởng chế độ chính sách.
 Một ngày giữa năm 2015 bỗng dưng chị Phương đã dẫn Bình đến nhà tôi ở Vinh. Tôi rất đỗi vui mừng, xúc động. Chiếc ảnh tôi gửi lên báo chí được chị Phương phóng to, chính xác. Tôi đã hướng dẫn mẹ con vào thắp hương phần mộ anh Minh ở Khu B, nghĩa trang xã Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị.
Được vài năm thì dịch covid-19 tràn lan. Cho đến hôm nay, tôi có vài lần điện thoại cho anh Đối nhưng không được hồi âm. Tôi cũng không vào được Quảng Trị một phần vì sức khỏe. Thăm hỏi tình hình ở địa phương Triệu Ái được biết anh Đối đã bị bệnh tai biến não. Không rõ ngôi mộ của anh Minh bây giờ ra sao?

Trái tim người lính