Tôi ra tù ngày 30 tháng 4

CCB Hùng Lý

17/08/2022 06:55

Theo dõi trên

(.... Để nhớ lại đất nước một thời khói lửa và những học sinh ngày đó, vừa rời ghế nhà trường đã buông bút, cầm súng ra trận).

30 tháng 4 năm 1975 quả là một ngày không bình thường. Nằm trong phòng biệt giam thuộc trung tâm thẩm vấn vùng 4 chiến thuật ở ngay sát sân bay quân sự Trà Nóc, Cần Thơ tôi vẫn cảm nhận được không khí náo động bất thường bên ngoài. Thỉnh thoảng nhiều tiếng súng đồng loạt rộ lên rồi tắt ngấm. Dường như những tiếng súng ấy bắn ra không nhằm vào đối phương. Có khi cả tràng dài xối xả như giải khuây. Có lúc lại ậm ực tắc cú như dỗi hờn. Sau này tôi mới biết đấy là những viên đạn cuối cùng được bắn ra từ họng súng của những người lính mang sắc phục Việt Nam cộng hòa. Ngoài tiếng súng, không khí bên ngoài còn náo loạn bởi tiếng động cơ lên xuống hối hả của những chiếc phi cơ. Trong những ngày nằm ở đây chưa bao giờ tôi thấy máy bay lên xuống nhiều như thế. Tôi linh cảm có một biến cố lớn đang xảy ra. Nhưng không thể đoán đấy là ngày cuối cùng của cuộc chiến tương tàn mấy chục năm.

ch1dvh1ab-1660694026.jpg
 Những người lính Hà Nội ngay sau ngày 30.04.1975. Tác giả đứng nghiêng, thứ hai hàng trước, từ trái sang. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Không có dân tộc nào khao khát hòa bình bằng những dân tộc đang đắm chìm trong khói lửa chiến tranh. Không có con người nào khao khát tự do bằng những người nằm trong lao tù. Nhất là lao tù của đối phương. Nơi luôn rập rình bên cái chết, mong manh ngày trở về. Thời đó những người lính tù binh chỉ có hai cách để đến với tự do: Một là chấp nhận chiêu hồi, tức một hình thức cung khai và đầu hàng. Hai là đợi ngày giải phóng còn chưa được định trước. Hình thức đầu chưa bao giờ tôi và những người như tôi nghĩ đến. Một phần vì tính lý tưởng được bồi đắp từ hồi còn ngồi ghế nhà trường. Phần vì danh dự gia đình mà bất cứ người ra đi nào cũng muốn gìn giữ dù có phải trả giá bằng cái chết. Cho nên mong ước ngày hòa bình là mong ước duy nhất và cháy bỏng hằng giờ, hàng phút của người lính tù. Nhưng dù trong tưởng tượng lúc thức hay trong giấc mơ khi ngủ thì ngày hòa bình đầu tiên đối với tôi cũng là ngày đầy hoa và ngập tràn tiếng cười. Dưới đất là hàng nối hàng những ô tô với cờ hoa và biểu ngữ. Trên trời là lớp lớp những máy bay nhiều màu sắc nghiêng cánh phát đi những thông báo hòa bình.

Nhưng sự thật khác hẳn với giấc mơ. Ngày hòa bình đầu tiên của tôi ngập trong bóng tối và đói khát. Mọi ngày, vì đang trong thời gian tra xét, thông thường tôi bị gọi lên phòng thẩm vấn ít nhất một lần. Ngồi bên bàn thẩm vấn hoặc là một sỹ quan cục cằn người miền Nam, hoặc là một sỹ quan nói năng mềm mại người Bắc di cư. Trên bàn cắm ngay ngắn lá cờ ba sọc. Nhưng đằng sau lưng, choán gần cả bức tường, là hình một mỹ nhân nuy 100%. Đấy là lần đầu tiên trong cuộc đời người đàn ông tôi nhìn thấy cơ thể trần trụi của người khác giới cho dù chỉ là hình ảnh. Trái với lệ thường, ngày hôm đó buồng giam của tôi và cả những buồng bên cạnh không một lần vang lên tiếng rít đến chói tai của bản lề xoay khi cửa mở. Cả bữa ăn chiều độc vị: Một môi cơm hẩm và nửa môi mắm cá đổ trong chiếc mũ sắt hoen gỉ của nhà binh, cũng không có. Ban ngày trời vẫn còn nắng.Nắng soi qua mấy lỗ thông hơi nhỏ tý thành những vệt sáng mảnh trên bức tường xám lạnh của buồng giam như hy vọng mong manh của người lao tù. Tối, trời bỗng đổ mưa như trút nước. Mưa gõ ầm ào như giận dữ trên mái tôn của buồng giam. Ban ngày đang là những âm thanh náo loạn. Sau cơn mưa, im lặng bao phủ đến rợn người.Tôi đang nằm co quắp trên nền xi măng buốt lạnh, đầu gối lên chiếc mũ lính bằng sắt thì nghe thấy tiếng đập cửa ầm ầm ngoài hành lang. Rồi tiếng xủng xoảng mở xích khóa cửa bên ngoài. Tiếng những bước chân bước gấp trước cửa các buồng giam. Lại tiếng đập cửa và tiếng gọi giật giọng:“Có ai trong này không? Có ai trong này không?“. Tôi chụp vội chiếc mũ sắt lên đầu và trườn mình vào góc chết của buồng giam. Tôi nghĩ đến khả năng bị thủ tiêu. Lại có tiếng quát hỏi. Đâu đó trong từng buồng giam có tiếng đáp lí nhí của những người tù. Rồi cửa từng buồng giam được mở tung. Vẫn tiếng người đàn ông đó giằn giọng:“Ra đi! Ra hết đi!“ Trong ánh đèn pin nhấp nhoáng, ngoài những người mặc áo tù, tôi nhìn thấy hai người đàn ông, một già, một trẻ. Người đàn ông có tuổi cánh tay bên trái bị cụt, mũi to, mặt sần trông dữ dằn như dân đao búa. Thấy chúng tôi cụm lại một góc đầy cảnh giác, ông hạ giọng nói:“Giải phóng rồi. Anh em mình ra ngoài đi!“. Chúng tôi không tin vào tai mình hay không tin vào lời nói của người đàn ông có khuôn mặt bậm trợn nên ai vẫn đứng ở vị trí đấy. Thấy vậy ông rút từ trong túi ra một mảnh giấy đã được chuẩn bị trước giúi vào tay một người lính tù già dặn nhất và nói bằng giọng ôn tồn:“Bây giờ bọn tui phải đi công chuyện tiếp. Các chú vào thành phố gặp ban quân quản để giúp họ tiếp quản thành phố này. Lúc nào rảnh qua tui. Địa chỉ đây.“ Rồi họ gấp gáp bỏ đi. Chúng tôi vẫn cảnh giác, từng người một, theo đội hình chiến đấu, thận trọng bước ra khỏi khu hành lang buồng giam. Ra đến ngoài không khí mát rượi. Đúng là không khí của tự do. Ngoài sân không một ánh điện, không một bóng người. Trên nền xi măng loang loáng những vũng nước đọng sau cơn mưa, quần áo lính, mũ nón, súng ống vứt la liệt. Chúng tôi nhặt vội những khẩu súng vứt lăn lóc trên sân để trang bị cho mình, thận trọng đi theo đội hình chiến đấu men theo các bờ ruộng tiến về thành phố. Mò mẫm trong bóng tối chừng một tiếng, bỗng dưng những người đi đầu dừng lại rồi cùng đứng hẳn lên chỉ về vùng sáng phía xa. Chúng tôi cùng nhìn theo và sửng sốt đến bàng hoàng. Trên nền trời đêm đen thẫm chỉ bảng lảng một chút ánh sáng đèn nhưng vẫn nổi bật tung bay lá cờ nửa đỏ, nửa xanh. Chúng tôi như người chết được hồi sinh, cùng nhảy cẫng lên ôm lấy nhau vừa cười, vừa khóc và đồng thanh hô to:“Sống rồi! Được sống rồi!” Rồi cùng ùa chạy về nơi có lá cờ như những đứa con thất lạc lâu ngày trở về với mẹ. Từ đêm đó chúng tôi và những tù binh trong trại giam khác cùng với bộ đội từ bên ngoài vào trở thành những đơn vị đầu tiên tiếp quản TP Cần Thơ.

Sau chiến tranh một năm tôi về lại trường đại học. Ra trường, tôi được nhận về một viện nghiên cứu. Trong lễ kỷ niệm ngày 30.04 năm đó, vì là bộ đội đã trải qua chiến trường, tôi được giáo sư viện trưởng mời lên bục sân khấu để trả lời trước toàn thể CBCNV trong cơ quan một câu hỏi: Ngày 30 tháng 4 năm1975 anh ở đâu và làm gì? Tôi đã thuật lại cho mọi người toàn bộ câu chuyện trên. Kể xong, cả hội trường lặng im. Chẳng ai vỗ tay như thường làm khi vừa nghe xong một báo cáo khoa học. Tôi quay sang giáo sư viện trưởng. Mắt ông đỏ hoe. Rồi ông đứng dậy tiến về phía tôi, cầm lấy tay tôi giơ cao và nói to, đầy xúc động:“Chúng ta chào mừng ngày kết thúc chiến tranh! Chúng ta chào mừng ngày thống nhất đất nước!” Ông lặng đi một chút rồi xoay người ôm lấy tôi nói tiếp, giọng nghẹn ngào:“Vì có ngày đó chúng ta mới có thêm một đồng nghiệp là chiến sỹ này“. Cả hội trường khi đó mới bừng lên những tiếng vỗ tay.

Mới đấy mà đã mấy chục năm trôi qua. Vị giáo sư khả kính của chúng tôi nay đã thành người thiên cổ. Người đàn ông cụt tay đã mở cửa tù cho chúng tôi năm nào chắc cũng đã đi xa. Chúng tôi chỉ gặp ông trong năm đầu sau khi đất nước thống nhất. Rồi chúng tôi ra Bắc. Ông đi khu kinh tế mới. Từ đó bặt tin nhau. Thời đó ông đã ngoài ngũ tuần. Chúng tôi, những thằng lính trẻ Hà Nội, tuổi còn chưa đủ đôi mươi. Mà nay cũng đã ngoài sáu mươi cả rồi. Hồi gặp ông mới biết ngoài khuôn mặt dữ dằn ông là người hiền lành và khiêm nhường. Chỉ duy nhất một lần ông kể cho chúng tôi nghe về cái đêm lịch sử ấy. Số là ông quen người lính coi tù tại trung tâm thẩm vấn. Trước khi rút chạy anh ta đưa cho ông toàn bộ chìa khóa khu biệt giam. Ngay trong đêm đó, dù tình hình chiến sự vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, ông vẫn bảo cậu con trai dùng xe Hon đa chở ông đến giải cứu những người lính đang bị giam cầm.

Hằng năm cứ vào dịp 30 tháng 4 tôi lại bồi hồi nhớ về những năm tháng mình đã trải qua thời binh lửa, nhớ đồng đội cùng vào sinh ra tử và không thể quên kỷ niệm những ngày lao tù. Đôi khi trong dòng hồi tưởng tôi tự hỏi: nguyên nhân nào đã khiến cho tôi và thế hệ thanh niên ngày đó có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua từng ấy khó khăn và thử thách? Tôi đã từng chứng kiến biết bao đồng đội sống bên tôi vốn hiền hòa, bình dị. Nhưng khi xung trận hiên ngang, dũng mãnh ưỡn ngực lao về phía cái chết không hề run sợ. Cũng như tôi nằm trong xà lim xem như chờ chết mà sao ngày ấy tôi chỉ nghĩ tới sự sống. Chỉ mơ tới những bữa ăn, mơ đến ngày được giải phóng và thi thoảng, hình ảnh người đàn bà khỏa thân treo trong phòng thẩm vấn bất chợt lặn vào làm vẩn đục những giấc mơ trong veo của thằng đàn ông mới lớn trong tôi. Phải chăng đó là nhờ bản năng sinh tồn, nhờ tinh thần lạc quan vốn có của sức trẻ? Chứ hồi đó không ai trong chúng tôi khi lao mình trước hòn tên, mũi đạn lại nghĩ mình đang làm những hành động anh hùng, để trở thành những người anh hùng. Cũng không ai dám nghĩ rồi mình sẽ có ngày trở về để có thể phô trương những chiến công. Cũng không hẳn những người lính chúng tôi năm xưa lao lên phía trước là vì lòng thù hận. Đơn giản chỉ vì bản năng sống còn và vì muốn hoàn thành sứ mệnh của người lính trong chiến tranh.

Rồi chiến tranh qua đi, cuộc sống thời bình định giá con người theo những chuẩn mực khác. Chẳng mấy ai còn nhớ đến những giá trị thời chiến tranh và những người đã từng sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để làm nên hòa bình. Có chăng chỉ còn những người lính. Ngay cả những người lính, vì tận mắt nhìn thấy những mất mát trong chiến tranh và cả những di họa thời hậu chiến nên cũng chẳng ai nỡ nói đến chiến tranh như một thời vàng son đáng tự hào. Cũng như với tôi, chiến tranh luôn là nỗi ám ảnh của quá khứ. Cho dù tôi luôn nguyện cầu: những hành động như bản năng sinh tồn của tôi thời đó, dẫu có lỗi lầm, đã không làm tổn thương đến linh hồn của những đồng đội đã khuất. Cả những viên đạn tôi đã bắn ra ngày ấy, dù có chủ đích, nhưng chưa từng bắn trúng một con người. Để hằng đêm tôi có thể thanh thản ngủ như thuở còn là thằng học sinh 13, 14 tung tăng cắp sách tới trường.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Tôi ra tù ngày 30 tháng 4" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn