Bất đồng quan điểm - từ “bình thường” đến “bất thường”   

Lê Hải Đăng

02/06/2021 15:16

Theo dõi trên

So với nhiều lĩnh vực nghiên cứu, phê bình nghệ thuật khác, bầu không khí trao đổi học thuật trong sinh hoạt âm nhạc khá bình yên, thậm chí bình lặng. Không phải vì lĩnh vực âm nhạc không có vấn đề nổi lên mà quan trọng là nó chưa tạo thành thói quen trao đổi, tranh biện trong sinh hoạt văn hóa.

tranh-luan-1622621785.jpg
 

Liên hệ tới nhiều nền văn hóa khác trên thế giới, có thể thấy, hoạt động tranh biện xuất hiện rất sớm, trở thành truyền thống ở các quốc gia phương Tây do chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp. Ba đại diện tiêu biểu trong triết học cổ đại Hy Lạp là Sokrates, Plato, Aristotle đều có mối liên hệ thầy trò gắn bó với nhau. Nhưng, đương thời, họ thường xuyên “cãi lộn”, tranh biện về triết học. Đó là một sinh hoạt bình thường nhằm thể hiện tinh thần “yêu thích sự thông thái”. Kế thừa truyền thống văn hóa cổ Hy Lạp, các quốc gia phương Tây bước vào thời kỳ trung cổ với sự thống trị của nhà thờ. Thời kỳ này được ví như “Đêm trường trung cổ”, song trong đêm tối dài dặc ấy, bên cạnh nhà thờ đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học lần lượt ra đời. Tại đây, ánh sáng tri thức đã được thắp lên. Trong nhà thờ Cơ đốc, kinh thánh là chân lý, còn trong giảng đường đại học, tất cả đều phải được kiểm chứng bằng lý trí với sự phán xét của bộ công cụ tư tưởng. Ở phương Đông, như Trung Quốc vào thời kỳ tiên Tần (trước công nguyên), Khổng Tử và các học trò thường xuyên nổ ra các cuộc tranh luận về hiếu, lễ… Luận ngữ, Đại học, Trung Dung… là những tác phẩm ghi chép lời Khổng Tử và các cuộc đối đáp giữa ông và học trò. Ở Ấn Độ, vào thời kỳ Đức Phật tại thế (trước công nguyên), các cuộc giảng pháp luôn đi kèm với tranh biện về chánh pháp. Mười nội dung liên quan đến khái niệm Chánh pháp chính là câu trả lời của Đức Thế Tôn trước giới trí thức trong ngôi làng Kalama. Lĩnh vực tôn giáo, triết học còn đề cao tinh thần, tư duy, phương phức tranh biện như vậy, huống hồ lĩnh vực nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn?

Học và hỏi vốn là hai phương thức tìm kiếm tri thức quan trọng. Tôi thường khuyến khích học trò đặt câu hỏi, “xúi” các em “chăm sóc” thầy cô bằng câu hỏi để tìm kiếm tri thức, đồng thời khiến cho mỗi buổi lên lớp đối với thầy cô giáo là một thách thức! Lịch sử nước ta không ghi chép nhiều các cuộc tranh luận. Do truyền thống ngàn năm phong kiến không tạo cơ hội cho con người được tư do tư tưởng, bày tỏ chính kiến, đặc biệt là ý kiến bất đồng. Tuy nhiên, bất đồng ý kiến vẫn tồn tại khắp nơi. Quan sát các hiện tượng xã hội, bất đồng ý kiến là một hiện tượng phổ biến. Dù ý kiến bất đồng có được bày tỏ trực tiếp, công khai hay không thì đâu đó vẫn tồn tại những ý kiến bất đồng, trái chiều với nhau. Trong thời đại mà các hệ giá trị cũ - mới cộng tồn, đan xen, việc tranh luận giúp cho con người tìm kiếm hệ giá trị mới, phù hợp hơn, giống như phương thức đối thoại, thỏa thuận với nhau nhằm đạt tới sự đồng thuận.

Trước kia có người từng nói: “Thông tấn xã vỉa hè” là “cơ quan ngôn luận” phát triển nhất ở nước ta. Trên thực tế, khi những ý kiến bất đồng, trái chiều không có cơ hội bày tỏ hoặc không dám bày tỏ ở những nơi dễ xảy ra rủi ro cho người phát ngôn, người ta dễ dàng tìm kiếm một môi trường vô thưởng vô phạt để phát biểu. Nhờ công nghệ thông tin, đặc biệt là sự xuất hiện mạng xã hội Face book, nhiều người chuyển địa điểm tranh luận lên Face book. Vì vậy, qua lăng kính Face book cũng có thể nhìn thấy một Việt Nam vừa ảo, vừa thực.

Gần đây nổi lên cuộc tranh luận giữa hai nhà nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Thụy Loan và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu xoay quanh chủ đề di sản âm nhạc truyền thống: một người đề cập tới những biểu hiện “lệch chuẩn”; một người tiếp cận từ quan điểm “đúng chuẩn” chính thống. Quan điểm, phương pháp, dữ liệu tiếp cận của hai tác giả khác nhau, nên kết quả đưa ra cũng khác nhau. Tìm hiểu quá khứ, chúng ta có thể tiếp cận từ nhiều hướng, nhưng, cuối cùng phải hướng tới giải quyết vấn đề “điều gì đã xảy ra”? Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là truy lùng dấu vết “F.0”. Trong đa số trường hợp, chúng ta đều bị mất dấu vết “F.0”, nên đành chấp nhận “F.1, F.2, F.3…” Bởi vậy, ngành Nhân học quan niệm, “Chân lý chỉ có một, còn sự thật thì có nhiều”. Chân lý ở đây nhằm chỉ sự thật lịch sử với những sự kiện từng xảy ra, nhưng đã biến mất khỏi không gian văn hóa, thời gian lịch sử. Công việc của nhà nghiên cứu là phục hiện hiện trường lịch sử để khôi phục những giá trị mà thời gian cướp mất. Công việc ấy không phải lúc nào cũng cho ra kết quả chung, đạt tới sự đồng thuận. Trong nhiều tình huống, chúng ta phải huy động năng lực phán đoán, nhất là về giá trị. Quan niệm giá trị lại quyết định bởi sự lựa chọn. Đối với nhà dân tộc học, tư liệu điền dã là quan trọng; nhà xã hội học lại tin vào phương pháp điều tra, phỏng vấn; nhà khảo cổ học coi trọng hiện vật… Tất cả góp phần tạo nên cơ sở dữ liệu phong phú, xuất phát bởi quan niệm giá trị, trong đó có sự lựa chọn. Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu minh định lại nội hàm khái niệm liên quan, thiết kế đơn vị đo lường (tiêu chuẩn), tổng hợp kết quả, đồng thời xây dựng hệ thống của mình. Sở dĩ có sự bất đồng quan điểm giữa người này và người khác đối với cùng một đối tượng là vì tư duy, phương pháp, cách tiếp cận… khác nhau. Từ bất đồng quan điểm có thể dẫn tới bất đồng chính kiến, tạo tiền đề cho các cuộc tranh luận. Đây là điều hết sức cần thiết, bình thường. Điều không bình thường ở chỗ, cuộc tranh luận giữa  hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan và Nguyễn Thị Minh Châu, đã bị đẩy lên thành hiện tượng bất thường!

Bất kỳ quan điểm nào vượt qua sự thử thách của thời gian đều trải qua sự thử thách của những quan điểm trái chiều. Chỉ có một số quốc gia ở vào thời điểm đặc thù nào đó mới xuất hiện những quan điểm không chịu sự phản biện, kiểm chứng. Đối với quốc gia và thời điểm lịch sử xuất hiện một quan điểm duy nhất đúng thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự cố gây sai lầm. Vì, tính chất phức hợp của các vấn đề đòi hỏi người nghiên cứu phải xem xét từ nhiều góc độ, trong đó có những góc nhìn trái ngược nhau. Người có tư duy phản biện dám xoay chuyển góc nhìn, sẵn sàng truy vấn đến cùng vấn đề để tìm ra chân lý. Như chúng ta biết, phản biện là nghệ thuật sử dụng phương pháp phân tích, đánh giá nhằm cải thiện tình hình. Phản biện nói chung đều mang tính chất xây dựng, chứ không hướng tới mục đích giành chiến thắng trong cuộc tranh biện.

Xem xét cuộc tranh luận về di sản âm nhạc truyền thống, một lần nữa tôi tái khẳng định, đây là một hiện tượng bình thường. Xuất phát bởi bối cảnh văn hóa đất nước, nó đã bị đẩy lên thành bất thường. Khi biến điều bình thường thành bất thường, rất có thể điều bất thường đã trở thành bình thường. Nếu coi đây như một hiện tượng bình thường, hy vọng nó sẽ mở ra một sự chuyển biến tích cực để điều bình thường vẫn là bình thường và điều bất thường chỉ dừng lại ở bất thường. Nói tóm lại, trong lĩnh vực khoa học xã hội & nhân văn, cùng một câu hỏi không bao giờ có một câu trả lời dứt khoát. Đó là lý do tại sao, chúng ta phải lắng nghe nhau nhằm bổ sung những suy nghĩ, tư tưởng, ý kiến, quan niệm... khác biệt.  

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Bất đồng quan điểm - từ “bình thường” đến “bất thường”   " tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn