Hà Nội: Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh di sản văn hóa

Hà Nội có những thế mạnh về văn hóa mà không phải địa phương nào cũng có được. Trong quá trình phát triển, Hà Nội luôn xác định tăng cường bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; qua đó tạo cơ hội cho việc phát triển du lịch Thủ đô.

Tạo dựng thành sản phẩm

Với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, những điểm đến du lịch văn hóa trọng điểm của Thủ đô như: Khu di tích Phủ Chủ tịch; Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch văn hóa di sản. Cùng với đó là những di sản kiến trúc, lối sống, lễ hội, văn hóa ẩm thực… độc đáo, hấp dẫn du khách bốn phương.

Hà Nội còn tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng có nghề của toàn quốc, trong đó tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ... Từ các tiềm năng này, Hà Nội đang xây dựng thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng thu hút du khách.

Chú thích ảnh Đoan Môn là cửa chính phía Nam vào Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thời nhà Lê trung hưng được tu sửa vào thời nhà Nguyễn. Ảnh: TTXVN.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, hệ thống làng nghề và các di sản của Thủ đô cũng rất phong phú, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, nhất là việc liên kết để tạo thành sản phẩm độc đáo.

Còn bà Phạm Thị Thanh Mai, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho rằng, vẫn thiếu liên kết giữa các di sản, di tích, thiết chế văn hóa trên địa bàn như làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam... để tạo thành một chuỗi các sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, ngành Du lịch Thủ đô sẽ nghiên cứu, quy hoạch, lập trình, thiết kế những tour lữ hành tham quan các di sản văn hóa là mục tiêu hướng đến của du lịch văn hóa, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia từ du lịch văn hóa.

Du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như Thủ đô Hà Nội. Trong những năm vừa qua, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu tích cực, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2016-2019, TP tăng trưởng khách bình quân đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước, năm 2019 Hà Nội đón 28,945 triệu lượt khách bằng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, trong đó đón 7,025 triệu lượt khách quốc tế.

Tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng, đóng góp 12,54% vào GRDP của thành phố (đóng góp trực tiếp là 5,16% và đóng góp gián tiếp là 7,38%). Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc và cả nước. Hà Nội luôn trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch Thế giới cho các điểm đến hàng đầu của Châu Á và thế giới.

Gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô

Trên thực tế, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Điển hình ở Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật truyền thống như Nhà hát múa rối Thăng Long đã hoạt động kinh doanh rất tốt, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hàng năm, là điểm đến không thể thiếu của bất cứ du khách nước ngoài nào khi tham quan Thủ đô Hà Nội. Nhà hát giới thiệu tới du khách chương trình múa rối nước đặc sắc, độc đáo, du khách thêm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Chương trình nghệ thuật du lịch thực cảnh được đầu tư quy mô, ấn tượng như Tinh hoa Bắc Bộ...

 
 

Chú thích ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám được lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa.

Ngoài ra, du lịch văn hóa Hà Nội đưa nhiều khách tới các điểm di tích nổi tiếng như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (hơn 1,5 triệu lượt khách năm 2019), đền Ngọc Sơn (gần 1,2 triệu), Văn Miếu - Quốc Tử Giám (gần 400 nghìn), di tích nhà tù Hỏa Lò (hơn 450 nghìn), ngoài ra còn có Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Định hướng du lịch Thủ đô phát triển đạt tỷ lệ đóng góp tổng hợp ngành du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt trên 10%. Do đó, ngành du lịch Hà Nội xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao. "Đây là sản phẩm chủ yếu của du lịch Hà Nội", ông Hiếu cho biết.

Chú thích ảnh Nhà tù Hoả Lò, từng giam giữ các chiến sĩ cách mạng trước năm 1954, từ năm 1964-1973, cũng là nơi giam giữ những phi công Mỹ nhảy dù bị bắt, họ gọi nơi đây là “Hanoi Hilton”. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN.

Bên cạnh đó, đơn vị tập trung triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn; Nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô bền vững, có giá trị kinh tế cao; Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có bản sắc, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

"Hà Nội xây dựng lộ trình, kế hoạch, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam và Hà Nội; Tập trung quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành Hà Nội là trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo từ đó tạo cơ hội cho phát triển du lịch văn hóa", ông Hiếu nhận định.