Đua ngựa Bắc Hà – Từ trò chơi dân gian đến sản phẩm du lịch thương hiệu của xứ sở cao nguyên trắng

Lan Phương

26/12/2022 10:43

Theo dõi trên

Đã thành thông lệ, cứ khi mận chín đỏ khắp vùng cao nguyên Bắc Hà là lúc người Bắc Hà mở hội đua ngựa. Đua ngựa từ một trò chơi dân gian gắn liền với đời sống, văn hóa của người Mông đã trở thành một sản phẩm du lịch thương hiệu của Bắc Hà.

1-ngua-min-1672025441.jpgĐua ngựa Bắc Hà – Từ trò chơi dân gian đến sản phẩm du lịch thương hiệu của xứ sở cao nguyên trắng

Ngựa trong đời sống của người Mông ở Bắc Hà

Người Mông sinh ra và gắn liền với mây mù, núi, đá. Trên các rẻo cao ấy, ngựa tham gia vào hoạt động của người Mông và văn hóa ngựa là một phần không thể thiếu trong văn hóa Mông – văn hóa núi. Cho dù no, đói, cuộc sống đủ đầy hay khốn khó, con ngựa vẫn là người bạn tri kỷ trên mọi nẻo đường của người Mông. Ngựa đã cùng người Mông vượt núi, băng đồi, lên nương, xuống suối, ra chợ, về bản. Người Mông tự hào với những chú ngựa tuy nhỏ nhưng dẻo dai, khéo léo, đi cày ruộng trên các thửa ruộng bậc thang, thồ ngô, lúa về nhà, rong ruổi đến chợ phiên. Nếu nói “tự do”, “kiên cường”, “phóng khoáng” là “cá tính Mông” thì ngựa chính là hiện thân của cá tính ấy.

4-min-1-1672025598.jpg
Ngựa và văn hóa ngựa đã trở thành một phần trong đời sống của người Mông

Có thể nói, ngựa và văn hóa ngựa đã trở thành một phần trong đời sống của người Mông. Ngựa đã đi vào tâm thức của người Mông, hình thành nên những đặc điểm riêng có của người Mông và vì thế, lễ hội đua ngựa của người Mông ở Bắc Hà đã đươc Bộ Văn hóa, thể Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là  di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1732/QĐ-BVHTTDL ngày 17/5/2021.

Đua ngựa – trò chơi dân gian hấp dẫn của người Mông

Vào mùa xuân, khi hoa mận nở trắng núi rừng, người Mông náo nức bước vào mùa tình yêu, dập dìu trong những ngày hội chơi xuân nối nhau không ngớt với các hội chơi múa khèn, ném pao, đánh yến, bắn nỏ,... nhưng hấp dẫn nhất là đua ngựa.

 Người già Mông kể lại rằng: bãi tổ chức đua ngựa và đường đua thường là nơi đồi núi thoai thoải, không quá hiểm trở, gập ghềnh. Giám khảo cuộc đua là những người cao tuổi, được cả làng kính nể. Vào năm tổ chức hội thi, các chàng trai tập trung chăm sóc, vỗ về cho các chú ngựa chiến. Không chỉ được ăn cỏ tươi, ngon được phun nước muối mà những chú ngựa còn được ăn thêm cám, ngô hạt, thậm chí, có con còn được uống nước sâm đất hoặc uống thêm một loại thuốc nam bí truyền để gia tăng sức khỏe. Đến ngày đua, mọi người tập hợp tại điểm đã định. Khi phát súng lệnh (là loại súng kíp do chính người Mông chế ra) vừa vang lên, tốp đua đã phi như tên bắn về phía trước. Chẳng mấy chốc, những con ngựa đua chỉ còn là những chấm nhỏ xa tít bên sườn núi, rồi dần dần từng chàng trai ngạo nghễ trên lưng ngựa tiến về đích. Thời ấy, người ta không có đồng hồ để bấm giờ mà cứ ai về trước, cả người và ngựa còn nguyên vẹn thì là người thắng cuộc. Đường đua đã được quy định sẵn. Ai chơi gian sẽ hổ thẹn suốt đời...... Người chiến thắng chỉ nhận được chén rượu và những lời khen ngợi nhưng cũng đủ làm họ hãnh diện và tự hào. Ngày đua ngựa là ngày hội của cả một làng. Sau cuộc đua, cả làng cùng tổ chức ăn uống “cộng cảm” chúc mừng cho chàng trai đã giành chiến thắng và động viên những chàng trai khác cố gắng trong hội đua năm sau.

3-xuong-cho-min-1672025749.jpg

Xuống chợ

Vó ngựa cao nguyên trắng – sản phẩm du lịch thương hiệu của xứ sở cao nguyên trắng Bắc Hà

          Kể từ sau chiến tranh biên giới 1979, do ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế, hội đua ngựa không được tổ chức lại. Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX, hội đua ngựa bước đầu được phục hồi, đường đua được đưa vào sân vận động của huyện Bắc Hà. Đặc biệt từ năm 2004, Lễ hội đua ngựa Bắc Hà đã được tổ chức với quy mô rộng với sự tham gia của các nài ngựa đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai và các tỉnh khác. Từ năm 2007, lễ hội đua ngựa Bắc Hà đã trở thành một hoạt động thường niên và là một sản phẩm du lịch riêng có của xứ sở cao nguyên trắng. Quy mô của lễ hội cũng ngày càng được mở rộng, từ cấp huyện đến cấp tỉnh, rồi mở rộng đến các tỉnh khu vực tây Bắc. Nét đặc biệt của  giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà là kỵ sĩ tham gia đều là những người nông dân, thường ngày gắn bó với con ngựa nên họ đến với giải đấu vẫn với tinh thần phóng khoáng, dũng cảm của các chàng trai Mông xưa. Sự chất phác, hồn hậu mà không kém phần mãnh liệt ấy đã khiến  giải đua ngựa năm nào cũng hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt khách đến với Bắc Hà. Nếu như năm 2009 chỉ có có  15.000 lượt du khách thì năm năm 2012 đã có gần 30.000 đến với giải đua và năm 2019, tổng số lượt khách đến Bắc Hà là 70.000 lượt người, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Giải đua ngựa năm 2020 đã trở thành sự kiện kích cầu du lịch cho Bắc Hà nói riêng và du lịch Lào Cai nói chung sau đại dịch Covid 19. Năm 2022, Giải đua Vó ngựa cao nguyên trắng lần thứ 15 được tổ chức vào trung tuần tháng 6 năm 2022 với chuỗi các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc.

2-mua-xuan-bac-ha-min-1672025918.jpg

Mùa xuân Bắc Hà

    Có thể nói, lễ hội đua ngựa cùng với hình tượng “cao nguyên trắng” đã trở thành thương hiệu cho vùng đất Bắc Hà. Hình ảnh những chú ngựa bền bỉ, dẻo dai mà dũng mãnh, kiên cường hòa trong sắc trắng hoa mận giữa núi cao, mây phủ là một hình ảnh mê hoặc lòng người. Cho đến nay, sản phẩm du lịch “Vó ngựa cao nguyên trắng” và “Festival cao nguyên trắng” đã trở thành thương hiệu du lịch cho vùng đất Bắc Hà. Thành công của Bắc Hà trong việc kết nối các giá trị di sản truyền thống với hiện tại, khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã cho thấy hướng đi đúng đắn phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương.