Vai trò của các thanh đồng trong tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” và những cách nhìn trong xu thế hiện đại

Trần Văn Hải

27/04/2022 10:13

Theo dõi trên

Phát huy hơn nữa vai trò của các Thanh đồng trong tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt”, cùng một số góc nhìn ở xu thế hiện đại, việc đưa ra những giải pháp nhằm nêu cao trách nhiệm của cộng đồng, là điều cần thiết. Các Thanh đồng cần kết hợp cùng các cơ quan chủ quản văn hoá, các tổ chức hội, cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” trong tình hình hiện nay.

img-5096-1651028394.JPG

NN. Trần Văn Hải - Chi hội phó Chi Hội  Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu huyện Giao Thủy  - Nam Định

Yếu tố lịch sử tạo nên các giá trị văn hoá – tâm linh của tín ngưỡng “thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” 

Tín ngưỡng “thờ Mẫu tam Tứ Phủ của người Việt” là tín ngưỡng bản địa được cộng đồng người Việt sáng tạo, phát triển và truyền trao, đồng hành với dân tộc Việt Nam ta qua các thời kì dựng nước và giữ nước, với biết bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử.

Tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” là tín ngưỡng nội sinh của dân tộc, chứa đựng trong đó các giá trị đạo đức văn hoá và giá trị nhân văn. Thông qua đó khơi dậy niềm tin, niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc, sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ Quốc khi đất nước bị xâm lược.

Những vị Thánh được phụng thờ trong tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt” có thể là những Thiên Thần là huyền thoại được cộng đồng tôn vinh nhằm đáp ứng khát vọng làm chủ thiên nhiên, được hoà mình vào thiên nhiên để mong ước có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nhưng trong đó cũng có những vị là Nhân Thần hiện thân của các nhân vật có thật trong lịch sử, là những vị anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Di sản tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” mang yếu tố tâm linh, hình thành, phát triển và truyền tao qua các thế hệ đã thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, tinh hoa của nghệ thuật văn hoá. Nhưng cha ông ta cũng khéo léo cởi mở tích hợp, tiếp thu và bản địa hoá các yếu tố tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo khác như thờ cúng tổ tiên, Phật giáo, Nho giáo và dung hoà các giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số khác. Đó là biểu tượng cho sự đa dạng văn hoá, gắn kết trong cộng đồng và tôn trọng các tôn giáo khác đồng hành cùng phát triển.

Vai trò của các Thanh đồng, cộng đồng trong việc bảo tồn phát huy – truyền trao tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt”

Bất kì một tín ngưỡng nào cũng đều bao hàm và mang yếu tố tâm linh, và tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” cũng vậy, vai trò của tâm linh luôn xuyên suốt trong cả quá trình hình thành và phát triển. Yếu tố tâm linh được thể hiện một cách rõ nét nhất là các “Nghi thức thực hành tín ngưỡng” (dân gian còn gọi là hầu đồng).

Để kế thừa và phát huy được những giá trị văn hoá, những yếu tố tâm linh đặc sắc mang đậm hồn cốt của dân tộc, không thể thiếu những người đã và đang bảo vệ thực hành, truyền trao là những chủ thể của di sản, bao gồm các Thanh đồng, pháp sư, cung văn, thủ nhang đồng Đền. Đặc biệt các vị Đồng trưởng, Thanh đồng chính là những người trực tiếp thực hiện những thực hành, những nghi thức đó. Thông qua đó cũng có định hướng, hướng dẫn cộng đồng những người có niềm tin với tín ngưỡng đi đến sự phát triển tốt đẹp cả về thể chất, tinh thần phù hợp với giá trị văn hoá của dân tộc.

Các vị Đồng trưởng, Thanh đồng chính là chủ thể đóng vai trò then chốt, là yếu tố quyết định trong việc hình thành và phát triển của tín ngưỡng. Các vai trò đó được thể hiện một cách rõ nét trong các buổi lễ, trong các nghi thức thực hành tín ngưỡng. Việc tiếp thu học tập từ các thế hệ di trước và trao truyền cho các thế hệ kế cận để đảm bảo việc duy trì và phát triển của tín ngưỡng tránh làm mai một mất đi giá trị văn hoá của di sản.

Ngoài việc phụng sự tâm linh, truyền trao định hướng kiến thức cho cộng đồng, các vị Đồng Trưởng, Thanh Đồng, thủ nhang Đồng Đền còn có những đóng góp tích cực trong các hoạt động từ thiện, ủng hộ cứu trợ đồng bào bij thiên tai lũ lụt, công việc đền ơn đáp nghĩa, để phục vụ mục đích an sinh xã hội, thể hiện sự tương thân tương ái với tôn chỉ “Tốt đời đẹp đạo” nhằm mục đích hoằng dương Thánh Đạo.

Một số biểu hiện sai lệch, thiếu hiểu biết gây nên các cách nhìn trái chiều, đi ngược lại các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng “thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” và các thách thức đặt ra trong công việc bảo tồn các giá trị văn hoá

Thực hành Tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” với hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá tâm linh đặc thù, gắn liền với không ít những yếu tố nhạy cảm trừu tượng mang tính dân gian nhưng vẫn thấm nhuần tư tưởng triết học. Trong thực tế, bên cạnh những hoạt động tích cực của các vị Thanh Đồng vì mục đích bảo vệ, phát huy và trao truyền các giá trị văn hoá của tín ngưỡng thì đâu đó vẫn có những cá nhân có những tư tưởng, hành vi lệch lạc, thiếu hiểu biết, làm ảnh hưởng đế giá trị tâm linh, giá trị văn hoá của tín ngưỡng. Gây nên những hiểu nhầm, cái nhìn trái chiều một phía trong cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận không những trong cộng đồng tín ngưỡng mà cả trong xã hội (Như việc thực hành tín ngưỡng tâm linh ở những nơi công cộng, làm mất đi bản chất tốt đẹp, mất "tính thiêng" của di sản mà cha ông để lại).

Một số bộ phận nhỏ các thanh đồng chưa có sự tiếp thu kiến thức của các bậc trưởng thượng đi trước, thiếu đi yếu tố truyền trao, thực hành tín ngưỡng theo tự phát, không theo lề lối quy củ làm sai lệch đi giá trị văn hoá tốt đẹp mà các thế hệ tiền nhân đã dầy công vun đắp để lại.  

Đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” trong tình hình hiện nay

Cần nâng cao vai trò, nhận thức của các vị Thanh Đồng, thủ nhang, đồng Đền và cộng đồng trong việc tôn trọng bảo vệ phát huy giá trị văn hoá tâm linh của tín ngưỡng; Kiên quyết phát hiện - đấu tranh, phê phán, lên án những cá nhân cũng như các tổ chức hội tín ngưỡng tôn giáo khác lợi dụng tự do ngôn luận có những phát ngôn và hành vi sai trái nhằm bôi nhọ xuyên tạc, đi ngược lại với với giá trị văn hoá tâm linh của tín ngưỡng.

Trong công việc thực hành, truyền trao của các vị Đồng Trưởng, Thanh Đồng cần có những thống nhất đi đến sự nhất quán, như nghi thức, sắc phục, phục sức, khí cụ và lời văn. Tạo nên hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng, sự chuẩn mực tránh những việc làm tự phát làm biến dạng, mai một, dần mất đi cái gốc của tín ngưỡng.

Đẩy mạnh công việc xã hội hoá các hoạt động trong việc bảo vệ phát huy các giá trị của tín ngưỡng trong cộng đồng nhằm phát huy nguồn lực, vai trò của cộng đồng xã hội trong công tác bảo tồn, tu bổ, phục dựng các di tích lịch sử, cũng như công tác từ thiện, an sinh xã hội.

Kết hợp với các cơ quan hữu quan như văn hoá tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, qua đó lồng ghép tuyên truyền phổ biến kiến thức văn hoá pháp luật, nhất là luật di sản, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ phát huy tín ngưỡng tâm linh trên tinh thần hiểu biết và thượng tôn pháp luật.

Cần thiết có sự đoàn kết chung tay trong cộng đồng tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt” tham gia, thành lập các tổ chức hội có tư cách pháp nhân có sự tham mưu lãnh đạo của các cơ quản lí về văn hoá, để hoạt động thực hành tín ngưỡng cũng như những ý kiến những phát biểu của cộng đồng được chính thống, được tôn trọng và có giá trị.

Tổ chức hoặc kết hợp tổ chức, tham gia các liên hoan diễn xướng thực hành tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt, tổ chức các buổi hội thảo, buổi toạ đàm mang tính chất khoa học nhằm tuyên truyền phổ biến trong cộng đồng nhằm nâng cao giá trị văn hoá tâm linh của tín ngưỡng.

Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt”, trải qua bao biến cố của lịch sử, vai trò then chốt, chủ thể của các Thanh Đồng luôn không đổi. Đặc biệt trong tình hình hiện nay trong xu thế phát triển của thời đại, tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh trong danh sách Di Sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cho nên trách nhiệm các vị Thanh đồng, thủ nhang đồng đền càng lớn lao hơn bao giờ hết. Ngoài việc thực hành duy trì bảo tồn và phát huy các giá trị tâm linh văn hoá của tín ngưỡng, còn phải kết hợp dung hoà với các yếu tố thời cuộc, nâng cao hiểu biết xây dựng hình ảnh của tín ngưỡng thờ mẫu trở thành một hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế và cũng như trong cộng đồng xã hội. Và thông qua đây, cũng mong muốn các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý văn hoá quan tâm đến “Cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu”, kết hợp cùng cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy, tránh mai một giá trị của tín ngưỡng và cũng rất mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường triển khai hoạt động tìm hiểu, ghi nhận nhằm tôn vinh, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc duy trì bảo vệ và phát huy các giá trị của các di sản nói chung và “Tín ngưỡng thờ Mẫu” nói riêng.

____________________  

Tham khảo tài liệu:

Tập huấn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá, đã dược ghi danh trong danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại trên địa bàn tỉnh Nam Định.