Mẹ

Đào Như Lý

12/02/2022 22:21

Theo dõi trên

Lòng tốt của Mẹ được mọi người yêu quý. Người dân quê không khách sáo nói lời cảm ơn mà họ chỉ biết thể hiện cái tình bằng những hiện vật cụ thể.

me-cua-ly-1644679252.jpg
 

 

1. Thuở ban đầu

Xưa lắm rồi, có người con gái Hà Đông, theo vợ chồng cậu mợ đi buôn lụa xuống dưới Thái Bình .

Đất lành chim đậu, vợ chồng người cậu mua nhà, xây dựng cơ đồ  ở một vùng quê chuyên trồng rau màu, cấy lúa. Cô gái ở lại cùng họ buôn bán.

 Có một người con trai, rất đẹp, cao ráo, da trắng, sống mũi dọc dừa. Chàng vừa là cháu ruột vừa là con nuôi của gia đình hàng xóm .

Cô gái người nhỏ nhắn, thắt đáy lưng ong, vẻ hoạt bát của người buôn lụa đã lọt vào mắt chàng trai. Họ yêu nhau.

Nhưng tình yêu đó bị ngăn cản bởi cô gái chỉ biết buôn bán chứ không biết làm ruộng. Bố mẹ  ra điều kiện với chàng trai:

- Muốn lấy nó thì phải lấy thêm một người biết làm ruộng để còn lo việc đồng áng.

Chàng trai đem chuyện nói với cô gái. Vì yêu nhau quá hay sao mà cô  đã đồng ý chấp nhận .

Thế là một cuộc mai mối được tiến hành.

Khi đã tìm được người cần tìm, bố mẹ chàng trai yêu cầu phải làm đám cưới với cô làm ruộng cho chắc ăn cái đã. Chàng lại nói chuyện với cô gái.  Cô nghĩ, để có được nhau thì làm CẢ hay làm LẼ cũng chẳng quan trọng gì. Và cô cũng gật đầu.

Thế là trong 2 tháng liền, có 2 đám cưới được diễn ra. Chắc chắn chỉ Vua Chúa mới có được diễm phúc ấy. Cũng chẳng hiểu, có phải vì tình làng nghĩa xóm, vì công lao đóng góp cho xã hội của chàng trai hay vì còn ở thuở sơ khai mà chàng chỉ bị kỷ luật - ngừng 6 tháng không được sinh hoạt Đảng.

Họ đã nên vợ nên chồng như thế.

Chàng trai chính là bố tôi.

Cô gái là mẹ của tôi.

Sau này khi đã lớn, tôi hỏi mẹ - sao mẹ lại đồng ý chấp nhận như thế?

Mẹ bảo, ngày còn thiếu nữ, đi xem bói, thầy bói nói số mẹ phải lấy chồng chung, nên khi sự tình như thế thì mẹ tin đó là số phận.

Mẹ tin và chấp nhận.

Mẹ kể : Khi 2 đám cưới xong xuôi  thì có một cuộc cam kết. Mẹ yêu cầu 4 điều :

Thứ nhất: Không ở chung một nhà.

Thứ hai: Xưng hô bình đẳng (bà gọi tôi thế nào thì tôi gọi bà như thế - Khi tôi bắt đầu hiểu biết thì đã thấy 2 bà đều gọi nhau là CHỊ).

Thứ ba: Con sinh ra, đứa nào nhìn thấy mặt trời trước là anh, là chị (tức là không chấp nhận kiểu con bà 2 gọi đứa bé tý con bà Cả là chị, là anh).

Thứ tư: Con bà gọi tôi thế nào thì con tôi gọi bà như thế (các con đều gọi 2 bà là Mẹ).

Đến tận bây giờ, 4 điều kiện ấy vẫn thực hiện nghiêm túc. Thế mới hay, người xưa - dù ít chữ, nhưng cũng rất văn minh và biết tôn trọng những lời đã hứa với nhau.

me-toi2-1644679252.jpg
 

2. Người phụ nữ nhân hậu

Một thời gian sau, cậu mợ của mẹ tôi bỏ nghề buôn lụa nhưng vẫn ở lại căn nhà cạnh nhà bố tôi. Căn nhà ấy mãi sau này tôi vẫn được lê la ngồi chơi với ông bà.

Sau cải cách ruộng đất, bố mẹ tôi được chia mảnh đất mà hiện nay anh chị em tôi vẫn đi về.

Mẹ tôi chuyển sang bán hàng xén.

Có lẽ mẹ tôi là người đầu tiên có gánh hàng xén ở nơi này. Khi lớn lên chút chút thì tôi thấy Mẹ có một bác bạn hàng. Hai người cùng nhau gánh hàng đi chung một chợ . Khi thì chợ Và, khi thì chợ Huyện. Ngoài việc buôn bán, mẹ tôi vẫn còn mảnh ruộng phần trăm của hợp tác xã. Đương nhiên là Mẹ phải nhờ người giúp đỡ việc ruộng vườn.

Vốn có năng khiếu buôn bán, lại nhanh nhẹn tháo vát nên mẹ tôi thuộc hàng có của ăn của để. Gia đình tôi thuộc diện sung túc. Anh em chúng tôi chưa biết thiếu miếng ăn, áo mặc bao giờ.

Trong trí nhớ của tôi, lúc ấy còn bé lắm là thỉnh thoảng có người đến vay tiền, vay thóc của Mẹ. Vào dịp tháng 3 ngày 8 (dịp giáp hạt ) thì người đến vay nhiều hơn. Người trong làng, người làng bên. Có cả các bác là anh trai của mẹ Cả ở xã bên nữa. Mẹ giúp họ mà không hề lấy lãi. Đến mùa thu hoạch mọi người mới gánh lúa đến trả. Rồi giáp hạt tới lại mang quang gánh đến vay.

Lòng tốt của Mẹ được mọi người yêu quý. Người dân quê không khách sáo nói lời cảm ơn mà họ chỉ biết thể hiện cái tình bằng những hiện vật cụ thể. Đã bao năm tháng qua đi, giờ dù đã tròn đầu 6 nhưng trong ký ức của tôi mỗi khi nhớ về những ngày ấy là hiện lên hình ảnh ông già làng Lê Xá ôm quả dưa hấu đầu mùa, hình ảnh một chú trong làng bê quả mít chín cây, một bà làng Đoàn xách nải chuối vàng ruộm... họ cứ vô tư đem đến, khi thì đưa vào nhà nếu gặp Mẹ, khi thì để ở đầu hiên...

Họ đem những sản phẩm đầu mùa, những quả gọi là chín bói (ra lần đầu tiên) để thể hiện tấm chân tình với Mẹ.

Mẹ tôi là ân nhân của họ.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Mẹ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn