Tuyên Quang: Những người “bám rừng” ở Na Hang

Không kể mưa nắng hay giá rét, những người làm nhiệm vụ giữ rừng ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) vẫn âm thầm ngày đêm bảo vệ “lá phổi xanh” cho đại ngàn. Phía sau bước chân lặng lẽ ấy là những khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy luôn rình rập.
img-20230508-142533-1702287537.jpg
Cán bộ kiểm lâm huyện Na Hang tuần tra, bảo vệ rừng

Đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề bảo vệ rừng, anh Hoàng Văn Du, nhân viên tuần rừng của huyện Na Hang luôn mang trong mình tình yêu rừng tha thiết.

Anh Du cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Yên (Na Hang) nên tuổi thơ anh gắn bó với các cánh rừng nơi đây. Với anh, rừng ở đây như là ngôi nhà của mình, rừng cho anh và gia đình, làng bản một cuộc sống ấm êm.

anh-du-1702287740.jpg
Anh Hoàng Văn Du (đứng giữa) cùng đồng đội tuần tra bảo vệ rừng

Đầu năm 2023, anh Du được phân công về công tác tại Trạm kiểm lâm Bắc Vẵng. Khu rừng tại Bắc Vãng giáp ranh với nhiều khu vực dân cư đông đúc; nằm liền với khu sản xuất, đất canh tác của người dân, vì thế nhiều năm liền Bắc Vãng luôn là “điểm nóng” của tình trạng xâm hại rừng.

Là người địa phương, nắm rõ địa thế rừng, tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nên anh Du đã dành thời gian đến từng thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ rừng. Trước mỗi mùa khô, chẳng kể ngày nắng hay mưa, anh Du cùng đến từng điểm bản hướng dẫn người dân cách làm đường băng cản lửa, đốt nương chọn lúc không gió lớn để không làm cháy lan sang rừng.

dsc09693-1702287567.JPG
Trạm Kiểm lâm Phia Phoong (trạm nhà nổi) trên lòng hộ thủy điện Tuyên Quang

Cùng chung nhiệm vụ bảo vệ rừng như anh Du, anh Nguyễn Đức Long, phụ trách chốt kiểm lâm Vườn Lát, xã Năng Khả kể về những khó khăn khi đi công tác của mình.

Anh Long được giao quản lý, bảo vệ hơn 3.000 ha rừng thuộc địa bàn xã Năng Khả đây đều là nơi có nhiều núi cao, địa hình chia cắt phức tạp, việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ rừng rất vất vả, nhất là khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn bất ngờ...

Người dân sống trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cho nên công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, diện tích đất canh tác của người dân nằm xen kẽ trong rừng nhiều nên tình trạng chặt phá, lợi dụng canh tác nương rẫy để mở rộng đất rất khó kiểm soát.

“Địa bàn miền núi, trời mưa đường trơn, dốc cao, cái xe máy nó không nghe theo điều khiển của mình, toàn làm mình ngã sõng soài trên đường. May là khi ngã có nhiều cây đỡ, không bị rơi xuống vực sâu”, anh Long nói.

Ðể bảo vệ diện tích rừng được giao, hằng tháng, ông Nông Văn Nhật, Trạm Trưởng Trạm kiểm lâm Khu A (Hạt Liểm lâm Na Hang) phải lên kế hoạch chi tiết, phân công lịch tuần tra cho anh em bảo vệ rừng cụ thể đến từng ngày, từng tuần.

Có những chuyến tuần tra, ông Nhật cùng đồng nghiệp, người dân các xã phải đi cả tuần, ăn ngủ dựng lán, sinh hoạt luôn trong rừng. Về đêm, trời có mưa, lại thêm địa hình núi đá, trơn trượt nên các thành viên trong tổ luôn cẩn trọng. Tuy có nhiều kinh nghiệm đi tuần rừng nhưng việc trượt ngã chảy máu, chấn thương là điều khó tránh khỏi.

Không chỉ có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, những năm qua ở khắp các bản vùng cao ở Na Hang còn có hàng nghìn người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số âm thầm góp sức bảo vệ rừng luân phiên đi tuần tra rừng. Riêng vào mùa khô hoặc thời gian cao điểm thì ít nhất hai người trong tổ thường xuyên đi tuần tại các địa bàn giáp ranh, khu vực có thể gây ra cháy rừng của bà con để kiểm tra, nhắc nhở, phát dọn thực bì cùng mọi người.

Nhờ công sức, tâm huyết của mỗi cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng và những người dân suốt thời gian qua, cho nên mỗi năm hàng chục nghìn ha rùng ở Na Hang luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Rừng được bảo vệ tốt nên mỗi năm ở trên địa bàn huyện có thêm hàng trăm gia đình được hưởng dịch vụ môi trường rừng; người dân và chính quyền địa phương có thêm nguồn lực tuần tra, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.