Vài nét về Câu lạc bộ thơ Tràng An

Trần Thị Trâm

03/11/2021 16:43

Theo dõi trên

Câu lạc bộ (viết tắt CLB) thơ Tràng An, một trong 5 CLB thơ trực thuộc Trung tâm Văn hóa Hà Nội, được thành lập ngày 29/1/1994. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ, vào ngày chủ nhật tuần đầu tiên trong tháng tại địa chỉ 88 Hàng Buồm (Hà Nội). Từ năm 2016, chuyển sang số 7 Phùng Hưng (Hà Đông).

clb-trang-an-9-1635932273.jpg
 

CLB THƠ TRÀNG AN đã có nhiều kỷ niệm gắn với các nhà thơ tên tuổi của Tràng An ngay từ những ngày đầu tiên cho tới nay như: Nhà thơ Bùi Kim Anh, Phi Tuyết Ba, Nghiêm Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phạm Thị Phương Thảo. Các nhà thơ nam giới có tên tuổi như Lê Kim Giao, Đức Lưu, Hoàng Gia Cương, Đoàn Thông, Lương Ngọc An...Có nhiều nhà thơ, nhà PBVH ở Hội NVVN và Hội NVHN đã được BCN  mời đến nói chuyện, giao lưu thi ca cùng thơ Tràng An như các nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Quý, Phạm Hồ Thu, Trần Thị Trâm, Tôn Phương Lan...

Luôn lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu, 25 năm qua, CLB thơ Tràng An đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của thi ca Thủ đô và đã nhận được khá nhiều giải thưởng và không ít bằng khen.

1. Câu lạc bộ thơ Tràng An thật sự là một sân chơi văn hóa sang trọng, bổ ích của những người yêu thơ và có năng khiếu thơ Thủ đô Hà Nội, là một cái nôi nuôi dưỡng nhiều tài năng thi ca.

- Trước hết CLB đã tạo môi trường để anh chị em được giao lưu, gặp gỡ, sẻ chia, kích thích khả năng sáng tạo, góp phần giảm thiểu sự cô đơn, tăng thêm niềm vui sống, giúp những người lớn tuổi yêu thơ có thể vượt qua tuổi già một cách ít khó khăn hơn.

- Qua những buổi sinh hoạt chuyên môn nghiêm túc và thiết thực, CLB đã giúp mỗi hội viên ngày một trưởng thành, trong đó không ít người đã thành danh:

+ Nhiều người đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội nhà văn Hà Nội.

+ Từ cái nôi văn hóa này đã có không ít nhà thơ đã được bạn yêu thơ cả nước biết đến: Nghiêm Thị Hằng, người có nhiều bài thơ được phổ nhạc; Kim Giao nổi tiếng với bài thơ Dịu dàng, Nguyễn Thị Ngọc Hà ngoài những giải thưởng về thơ còn có giải thưởng về tiểu thuyết. Phạm Thị Phương Thảo đoạt giải nhất Slam thơ tại Việt Nam và được đi trình diễn thơ tại Thủ đô ánh sáng Paris…

+ Nhiều hội viên CLB đã công bố tới hàng chục tập sách.

2. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của các câu lạc bộ thơ không chuyên Hà Nội và cả nước.

3. Câu lạc bộ thơ Tràng An xứng đáng là một đơn vị đứng đầu các câu lạc bộ thơ của Hà Nội về chất lượng thơ, chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt chuyên môn.

Khác với các câu lạc bộ thơ ở các địa phương, Tràng An thơ là thơ của người Tràng An, nên rất giàu chất Hà Nội.

clb-trang-an-1-1635932273.jpg
 

a. Trước hết, Thơ Tràng An nội dung rất phong phú, trong đó có nhiều bài viết hay về đề tài Hà Nội.

 Thơ về Hà Nội của CLB Tràng An rất đa dạng. Có nhiều bài trực tiếp viết về Hà Nội như: Hà Nội (Phạm Thị Phương Thảo), Em có về Hà Nội (Hoàng Gia Cương) Có một Hà Nội trong tôi (Nguyễn Thị Ngọc Hà)… Nếu Nguyễn Thị Ngọc Hà nghiêng về hướng nội:

Có một Hà Nội trong tôi

Vẫn âm thầm lặng lẽ

Thả hương thơm ngan ngát lối về

Thì trong thơ Phạm Thị Phương Thảo, Thăng Long ngàn năm văn hiến được gửi gắm vào những biểu tượng: Hồ Gươm - trái tim hồng; là những loài hoa dấu hương, lưu sắc hồn phố; là 36 phố phường thân thương và Hà Nội vô cùng:

Áo Cổ Ngư choàng khe khẽ mùa thu

Đồng Xuân đêm không ngủ

Vòng tay Long Biên ôm chặt bãi bờ

Gió sông Hồng thổi cong con đê cũ

Hồ Trúc Bạch sương thức trắng cùng đêm

(Hà Nội)

 

Hà Nội trong thơ Lam Uyên là cây cầu Long Biên hơn trăm tuổi, mỗi bước chân qua đều như chạm vào lịch sử:

Đừng khoác cho tôi chiếc áo tân kỳ

Hãy để cho tôi làm dấu hồng ký ức

(Độc thoại cầu Long Biên)

 

Còn Hà Nội trong thơ Bùi Kim Anh lại là những thân phận lam lũ dầu dãi chốn chợ người:

Chợ người chả bán người đâu

Dãi dầu chỉ bán dãi dầu mà thôi

(Trên đường Giảng Võ)

clb-trang-an-10-1635932273.jpg
 

Lại có nhiều bài không nói về Hà Nội nhưng chất Hà Nội cứ thấm sâu trong từng tứ thơ, từng con chữ: cho thấy tâm hồn phóng khoáng, chiều sâu văn hóa của kẻ sỹ Hà thành: Rock, Uống rượu ở Mộc Châu (Đặng Minh Kính), Trước mộ Vua Hùng, Làng ngoại thành (Dương Thúy Mỹ), Nhớ quê (Nguyễn Đức Bình).

b. Nhìn chung thơ Tràng An có chất lượng tương đối tốt. Trong đó có nhiều bài hay với cảm nhận tinh tế, hàm súc, sâu sắc. Mà Trăng chiều ở Tiêu Sơn Tự của Lê Kim Giao là một ví dụ:

Lồng lộng đồi tiêu ngọn gió trần

Chuông Thiền vừa đọng giọt sương xuân

Non Tây

Phật mải xem trời lặn

Ngoảnh lại

Trăng em

Đã trắng ngần

 

clb-trang-an-14-1635932273.jpg
 

Thơ Tràng An cho thấy sự tinh tế và giàu trải nghiệm của người thơ Tràng An:

Thế thôi chẳng dám vẫn vương

Trộm xin có một hạt sương đem về

(Chủ nhà đi vắng, Phi Tuyết Ba)

Sự tinh tế cũng được thể hiện rõ qua cách sử dụng ngôn từ điêu luyện: Đêm lành lạnh lành lạnh rơi/ Biết là cái lạnh từ vời vơi xa/… (Lạnh, Lan Phiến).

Nhìn chung những áng thơ hay của Tràng An không chỉ làm rung động trái tim bạn đọc mà còn hàm ngậm những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời:

Đang trưa ăn mày vào chùa/ Sư ra cho một lá bùa rồi đi Lá bùa chẳng biết làm gì/Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày (Vào chùa, Đồng Đức Bốn)

Và những triết lý về thơ, về nghề thơ:

Ước gì thơ tôi chở hết

Trăng vàng và gió đêm nay

(Cảm hứng, Nguyễn Lai)

 Những vần thơ chìm nổi với dòng sông

 Khao khát giữa đời thường giọt mặn

(Giọt mặn, Nguyễn Lai)

clb-trang-an-11-1635932273.jpg
 

c. Thơ Tràng An thể hiện sự tao nhã của người Tràng An!

Nhìn chung thơ Tràng An ít tả trực tiếp mà thường nói một cách gián tiếp: lấy cái cao để nói cái xa, lấy cái dài để chỉ cái rộng lấy cái động để chỉ cái tĩnh, lấy cái hữu hạn để nói cái vô cùng, qua thiên nhiên để nói con người. Cách nói gián tiếp này đã giúp thi nhân có thể nói những chuyện khó nói một cách tao nhã, rất hóm, rất hài: Người thương của em ơi/ Đâu rồi những câu thơ, những cú sút/ Đầy tinh lực và đầy ngẫu hứng/ Những cảm rung tới đỉnh/Một thời thủng được lưới em. (Người vợ mê bóng đá bình thơ chồng, Đoàn Thông).

Tạo nên lối thơ mực thước nhưng vẫn mang hơi thở đời sống đương đại, có tính giáo dục cao mà vẫn không bị khô cứng.

d. Thơ Tràng An truyền thống mà hiện đại.

Không dừng lại ở những đề tài truyền thống, những thể thơ truyền thống, Tràng An thơ còn có nhiều bài hướng tới những vấn đề của cuộc sống đương đại, có những bài mở rộng đến những vùng đất lạ trên thế giới (Rock - Minh Kính, Tin nhắn gửi nhầm - Hạnh Mai, Sông Seine - Phạm Thị Phương Thảo).

Xuất hiện trong Tràng An thơ, ngoài thể Lục bát, thể Đường luật quen thuộc, đã xuất hiện khá nhiều bài theo thể thơ tự do, hoặc thơ văn xuôi. Nó cho thấy khao khát đổi mới thơ những thi sỹ Tràng An. Bởi họ hiểu rằng, thơ hôm nay đang cần viết khác trước và cách đọc khác trước.

clb-trang-an-4-1635932272.jpg
 
clb-trang-an-3-1635932272.jpg
 
clb-trang-an-7-1635932272.jpg
 
clb-trang-an-13-1635932272.jpg
clb-trang-an-2-1635932272.jpg
Chú thích ảnh
clb-trang-an-8-1635932271.jpg
 
clb-trang-an-6-1635932271.jpg
clb-trang-an-12-1635932272.jpg
 

Hà Nội tháng 3/ 11/ 2019!

 

Bạn đang đọc bài viết "Vài nét về Câu lạc bộ thơ Tràng An" tại chuyên mục Phát triển. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com