Bắc Giang: Thương binh Nguyễn Xuân Dậu 30 năm gắn bó với công tác xã hội

Thân Văn Phương

25/07/2022 22:07

Theo dõi trên

Về hưu tháng 2/1992 đến nay tròn 30 năm, cũng từng ấy thời gian ông Nguyễn Xuân Dậu 81 tuổi, thương binh nặng (mất 80% sức khỏe) ở thôn An Long (Yên Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang) gắn bó với công tác xã hội.

thuong-binh-bac-giang1-1658761258.JPG
Thương binh 1/4 Nguyễn Xuân Dậu ở thôn An Long, xã Yên Mỹ, Lạng Giang

Ngoài 13 năm làm Bí thư chi bộ thôn (1992-2005), thì từ năm 1993 đến nay ông làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng và người có công huyện Lạng Giang, 20 năm (2001-2020) làm Chủ tịch Hội sinh vật cảnh, 27 năm (1995 đến tháng 4/2022) là Ủy viên BCH Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào của huyện và 14 năm (1997 -2021) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cơ khí Thống nhất của gia đình. 30 năm "vác tù và hàng tổng", có lúc ông Dậu làm Chủ tịch của 4 Hội xã hội cấp huyện hoàn toàn không có lương, phụ cấp nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tích nổi bật. Thông qua các hoạt động xã hội khi về hưu, ông được gặp lại nhiều đồng đội gần xa và liên tục tham dự 6 kỳ Đại hội Hội hữu nghị Việt -Lào, 5 kỳ Đại hội Hội sinh vật cảnh toàn quốc và 01 lần dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc do Bộ lao động thương binh xã hội tổ chức. Ông là một trong 9 thương binh nặng trong cả nước được ghi danh có hành động dũng cảm. Với những gì đã cống hiến, ông Nguyễn Xuân

Một thưở hào hùng

thuong-binh-bac-giang2-1658761258.jpg
Ông Nguyễn Xuân Dậu, Trưởng Ban liên lạc quân tỉnh nguyện Việt Nam tại Lào (người đứng đầu tiên từ phải sang) và Tùy viên quân sự đại sứ quán Lào (người đứng thứ 3 từ phải sang) và các đồng chí lãnh đạo huyện Lạng Giang và Tỉnh Hà Bắc trong buổi lễ họp mặt truyền thống bộ đội tình nguyện Việt-Lào lần thứ nhất năm 1990


Ông Nguyễn Xuân Dậu nhập ngũ tháng 9/1965 khi đang là cán bộ địa chất. Sau huấn luyện, ông được biên chế vào binh chủng đặc công sang giúp cách mạng Lào. Đúng ngày sinh nhật Bác 19/5/1966, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cuộc đời quân ngũ với nhiều kỷ niệm, nhưng ông nhớ nhất là trận đánh Trạm Ra đa Pa Thí vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Kể về trận đánh do mình chỉ huy cách đây 54 năm, ông bồi hồi nhớ lại: Những ngày cuối năm 1967 âm lịch, khi núi rừng miền Thượng Lào chìm trong cái rét thấu xương thì các chiến sỹ của Đoàn đặc công 250B do thiếu úy Nguyễn Xuân Dậu chỉ huy lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ. Họ bí mật vượt suối, băng rừng đại ngàn để tiếp cận cứ điểm Pa Thí ở đỉnh núi cao trên 2000 mét, nơi Mỹ đặt trạm ra đa viễn thám lớn nhất Đông Dương dẫn đường cho máy bay đánh phá miền Bắc và vùng giải phóng của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Lúc đó, thiếu uý Nguyễn Xuân Dậu vừa bước sang tuổi 27, đang làm cố vấn cho quân giải phóng Pa thét Lào thì được cử làm mũi trưởng. Anh cùng 30 chiến sỹ đi điều nghiên, xây dựng phương án đánh trạm Rađa Pa Thí nơi có trên 100 lính Mỹ vận hành, có một Trung đoàn lính tinh nhuệ của Nguỵ bảo vệ vòng trong và lực lượng phỉ Vàng Pao kiểm soát vòng ngoài. Đỉnh núi Pa Thí được coi là thủ đô của người Mèo vùng Thượng Lào cũng là điểm cao chiến lược quân sự. Khi địch đặt trạm Ra đa ở đây, ta nhiều lần tổ chức đánh nhưng chưa diệt được. Hàng ngày chúng ngang nhiên dẫn đường cho máy bay ra bắn phá miền Bắc và vùng giải phóng, gây nhiều tội ác. 

Với quyết tâm chọc mù mắt thần của địch, sau 17 ngày đêm điều nghiên, Nguyễn Xuân Dậu và đồng đội hoàn thành phương án tác chiến rất táo bạo và bất ngờ của chiến thuật đặc công. Buổi xuất quân, toàn đội chia thành các tổ vận động tiếp cận căn cứ bằng leo theo vách đá dựng đứng của ngọn núi hướng ra sông Nậm Éc. Ở hướng này địch không có bố trí phòng ngự, vì cho rằng không thể xâm nhập bởi vách đá dựng đứng cao hàng ngàn mét. Sau 5 ngày kiên trì bám vách núi leo lên, khi cách mục tiêu khoảng 200 mét thì nước uống và lương khô cạn kiệt. Cả mũi họp bàn dồn nước và lương khô cho những người khoẻ tiếp tục leo lên để đánh địch. Số còn lại là lực lượng tiếp ứng lên sau. Tổ xung kích 15 người lại chia thành 2 mũi đánh vỗ mặt và vu hồi. Họ lặng lẽ hạ quyết tâm chiến đấu.

Nửa đêm 29 tết, ta nổ súng tiến công trạm Ra đa. Địch hoàn toàn bị bất ngờ. Trận đánh diễn ra rất ác liệt và hơn một giờ sau trạm Ra đa bị phá huỷ hoàn toàn. Ta làm chủ trận địa. Phần lớn sinh lực địch bị tiêu diệt. Số còn lại tháo chạy xuống chân núi. Chúng tập hợp lực lượng phản công nhằm chiếm lại căn cứ. Các chiến sỹ đặc công chiến đấu rất ngoan cường, nhưng lực lượng quá chênh lệch đã lần lượt hy sinh hoặc bị thương nặng. Căn cứ có nguy cơ bị mất. 4 giờ sáng ngày 30 tết, đơn vị 148 và lực lượng Pa thét Lào đến chi viện bảo vệ thành công trận địa. Nhưng các chiến sỹ của mũi xung kích hầu hết đã hy sinh, chỉ còn 5 người bị thương nặng, trong đó mũi trưởng Nguyễn Xuân Dậu mất một cánh tay. Khi điều trị vết thương ở Lào, đồng chí Dậu được Hoàng thân Xu pha-nu-vông và Chủ tịch Cay-xỏn-phôm-vi-hản đến thăm và tặng thưởng Huân chương Ít-xa-la, là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Lào. Năm 1971 đồng chí Dậu về trại an dưỡng Thanh Hà, sau đó về công tác ở Ty Thương binh-xã hội, rồi được cử làm Bí thư Đảng uỷ trại Thương binh số 1 - Hà Bắc. Sau khi đi học xong ở trường Đảng, ông về công tác tại quê hương Lạng Giang. Từ năm 1976 đến 1992, ông trải qua các cương vị từ cán bộ cho đến Thư ký Công đoàn (nay là Chủ tịch công đoàn) đến lúc nghỉ hưu. Ở cương vị nào, ông cũng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tâm huyết với công tác xã hội

thuong-binh-bac-giang3-1658761258.jpg
Ông Nguyễn Xuân Dậu (người đứng thứ 5 từ trái sang) tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2008

Ngay khi nghỉ hưu, ông được bầu làm Bí thư chi bộ thôn An Long trong điều kiện có nhiều trì trệ, phải bắt tay vực dậy phong trào từ trong chi bộ cho đến cộng đồng và đã tạo ra những chuyển biến sâu sắc. Ông cùng chi bộ vận động Nhân dân trong thôn xây dựng nhà văn hóa to đẹp, rồi tổ chức cứng hóa giao thông nội thôn và các công trình phúc lợi cộng đồng khác được nhiều cấp ghi nhận. 13 năm làm Bí thư chi bộ, ông cùng tập thể đưa chi bộ từ trung bình trở thành cơ sở vững mạnh và thôn liên tục được công nhận là "Làng văn hoá" các cấp. Từ năm 1993 đến nay, ông Dậu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng và người có công của huyện. Chừng đó thời gian, ông luôn tâm huyết và chủ động tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng hội viên, đề xuất giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho đối tượng, tổ chức các hoạt động tặng quà, tham quan du lịch cho hội viên được các đối tượng và tổ chức đỡ đầu ghi nhận. 

Vốn là người chiến đấu nhiều năm ở chiến trường Lào, xuất phát từ nguyện vọng của nhiều đồng đội, được cấp ủy, chính quyền đồng ý, ông Dậu vận động thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Ông được đồng đội nhất trí cử làm Trưởng Ban liên lạc. Qua hoạt động của tổ chức, biết tin Tùy viên quân sự đại sứ quán Lào đã về gặp gỡ và thống nhất với huyện và tỉnh nâng tầm tổ chức quần chúng mới mẻ này. Năm 1995, Lạng Giang là huyện đầu tiên trong cả nước thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện Việt-Lào và ông Dậu được cử làm Trưởng Ban. Sự ra đời của tổ chức quần chúng mới này ở huyện Lạng Giang công đầu thuộc về ông Dậu.

Năm 2008, Hội hữu nghị Việt-Lào được thành lập, ông được bầu làm Chủ tịch Hội và đảm nhiệm cho đến tháng 4/2022 thì nghỉ công tác. Những năm làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào, ông luôn tâm huyết xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, kết nối đưa đồng đội về thăm chiến trường xưa, giúp đỡ hội viên nghèo, tham gia giải quyết chế độ chính sách cho quân tình nguyện người chiến đấu tại Lào, được đồng đội và các bạn Lào quý mến.

Với vai trò là Chủ tịch hội sinh Vật cảnh huyện, ông cùng BCH tìm hiểu thực tế, đánh giá tiềm năng đề xuất với chính quyền các cấp phát triển tổ chức, phát triển hội viên, tạo hướng đi mới cho tổ chức quần chúng này gắn liền với nhiệm vụ bảo tồn tự nhiên, phát triển kinh tế gia đình phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Từ những chủ trương đúng, phong trào làm cây cảnh, phát triển tổ chức hội ở huyện Lạng Giang phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều vườn cây cảnh đẹp, có những hội viên được công nhận là nghệ nhân và hiệu quả kinh tế của cây cảnh ngày càng cao, là hướng làm giàu của nhiều hội viên. Bằng công sức và trí tuệ của mình, ông Dậu cùng Ban chấp hành Hội đã đưa phong trào của huyện Lạng Giang từ trung bình trở thành đơn vị mạnh của các tỉnh phía bắc, được Trung ương Hội tặng cờ thi đua.

Về phát triển kinh tế gia đình, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông chèo lái đưa Công ty gia đình vượt qua mọi khó khăn để phát triển. Với các sản phẩm cơ khí, trong đó cửa cuốn lõi thép là sản phẩm chủ lực vươn ra chiếm lĩnh thị trường ở miền Bắc và có điều kiện xây dựng nhà máy sản xuất thứ 2 ở thành phố Vinh (Nghệ An) phục vụ khu vực bắc miền Trung. Một số sản phẩm của Công ty được Bộ Công thương vinh danh. Công ty hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và có điều kiện làm từ thiện giúp đỡ những người khó khăn, xây dựng các công trình phục lợi cộng đồng như cổng làng, nhà văn hóa, đình làng.v.v... góp phần xây dựng nông thôn mới.

Với 10 năm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, ông Nguyễn Xuân Dậu được tặng 4 Huân chương chiến công, 5 bằng dũng sỹ diệt Mỹ và 1 Huân chương của nước bạn Lào. 21 năm công tác tại quê hương, ông đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Và tròn 30 năm sau ngày nghỉ hưu, ông vẫn tâm huyết với công tác xã hội. Nhận thấy tuổi tác đã cao, ông từng bước chuyển giao công việc cho thế hệ sau gánh vác, làm tròn nhiệm vụ của người đi trước. Người Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Dậu với 81 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng luôn thể hiện rõ khí chất của người cộng sản trên trận tuyến mới, nêu gương sáng về phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ" cho lớp trẻ học tập và noi theo. 

Bạn đang đọc bài viết "Bắc Giang: Thương binh Nguyễn Xuân Dậu 30 năm gắn bó với công tác xã hội" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn