Kịch cưỡng

Lê Kiều

16/02/2023 11:26

Theo dõi trên

Vào cuối những năm 50 thế kỷ trước, tôi đã có dịp may được tiếp xúc với Nhà thơ, nhà Văn, Đạo diễn, Biên kịch kiêm diễn viên Thế Lữ.

kich-1676521490.jpg

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Đó là buổi gặp gỡ bên cánh gà Nhà Hát Lớn Hà Nội, trong những phút nghỉ để thay cảnh. Ngày đó, ông tham dự một khóa nâng cao nghiệp vụ Đạo diễn (do Đạo diễn Liên xô Vasylepsky cho dàn dựng một số vở kịch hiện đại: Lu Ba, Iếcscut, Vòng phấn Capcase…)
Ông người hom hem, mắt rất sáng, tóc thưa chải lật ra sau, quần áo Đại cán, dép Lốp ngồi bên trong Cánh gà Nhà Hát, bên cạnh cái điếu Cày, một ca nước chè Hồng Đào. Tôi và chị Thúy Thúy ( còn rất trẻ độ mười tám, đôi mươi - vợ nhà thơ Lê Đạt ) ngồi chếch bên, lân la muốn bắt chuyên, nhưng chưa bíết làm thế nào. Thấy ông đang trầm tư như Hổ nhớ rừng, tôi thuận miệng ngâm nga:
“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ/ Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa / Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già…” ( Nhớ rừng , Thế Lữ ).
Thúy Thúy cười rúc rích.
Nghe thấy vậy, nhà thơ nheo mắt nhìn sang. Dường như ông đang nói thầm “Lũ ranh này…!”, và “ rit” điếu cầy.
Tôi vội “chuyển gam“:
“Tiên nga tóc xõa bên nguồn / Hàng Tùng rủ rỉ bên cồn đìu hiu“. ( Tiếng sáo Thiên thai, Thế Lữ)
Nhà thơ bỏ điếu cày xuống, nhả  một làn khói mờ mit…, hóm hỉnh gật gù: “Thơ Xuân Diệu à?“
Tôi biết là ông có vẻ ưng ý, nên được thể:
Dạ không ạ . Xuân Diệu chỉ có “Hỡi Xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi“, chứ đâu mà mượt mà ”Đẹp như ngọc nữ uốn mình trên không “ trong Tiếng Sáo Thiên Thai được ạ. Đâu có hào hùng như “Trong hang tối mắt thần khi đã quắc / Là khiến cho mọi vật đều im hơi / Ta biết ta chúa tể của muôn loài… “, và thần tiên với cảnh “Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối / Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”…Rồi bi tráng cảm hoài “Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng / Ta đợi chết, mảnh mặt trời gay gắt / Đế ta chiếm lấy riêng phần bí mật / Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?” (Nhớ rừng , Thế Lữ)
Nhà thơ nao nao có phần xúc động…
Lân la, tôi lại tiếp:
Thưa Bác, truyện của Bác thì cháu đã xem “Vàng và Máu“. Tiểu thuyêt trinh thám đã đọc “Lê Phong phóng viên“. Thơ đã thuộc lòng “ Tiếng sáo Thiên thai“, “Nhớ rừng“. Kịch đã xem “Kinh Kha “…
Thúy Thúy chêm vào:
Cháu có nghe Bộ đội nói về “Kịch Cưỡng“ của Bác buồn cười lắm, vậy nó ra sao?
Ông mủm mỉm hiền từ “rít“ tiếp một mồi điếu Cầy,  nheo  mắt  nhả khói tưng bừng, thả hồn về quá khứ, nhặt khoan nhả từng chữ:
Khi diễn kịch, có lúc đột nhiên diễn viên phân tâm, thoáng chút lơ mơ không nhớ rằng mình đang đứng trên sân khấu và quên mất lời thoại. Cũng có lúc cao hứng “Hữu cảnh sinh tình“ bịa ra lời thoại không có trong kịch bản. Vì vậy bạn diễn ngớ ra và  phải nhanh chóng chữa cháy bằng cách cũng “Bịa“ lời thoại. Những cảnh như thế gọi là “Kịch Cưỡng“, thường đột biến thành khôi hài làm khán giả bất ngờ và cười vui vẻ thả phanh…
Trong kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, môt lần diễn kịch thủ vai “Việt gian“ bị du kích bắt giải về Trụ sở để giam lại và theo kịch bản thế là kết thúc vai diễn. Nhưng đến Ủy ban, anh bạn du kích đột nhiên vẽ trò gằn giọng quát : “Thằng Việt gian kia tên là gì, khai mau?”. Chưa kịp phản ứng thì bạn diễn lại quát “Đả đảo Việt gian ngoan cố, ngoan cố. Tên gì thằng kia?”
Trời ạ, sao “Nó“ dám gọi mình là Việt gian thằng kia, lại còn ngoan cố nữa chứ, mình là Thế  Lữ (vang bóng một thời với Nhớ Rừng), quên biến mất đang đóng vai Việt gian, nên CÁU sườn trả lời:
“Tên…tên.. cái  đầu…”
Nhìn xuống, thoáng thấy khán giả chăm chú im phăng phắc như nín thở…và may thay “Sinh ư nghiệp, Tử ư nghiệp“, mình đã bật ngay ra được tiếng GỐI, thành ra câu trả lời quá hoàn chỉnh  “Tên …tên… cái  đầu… Gối“…
Khán giả vỗ tay như Sấm, cười nghiêng ngả ngỡ rằng đó là lời thoại khôi hài chính cống. Còn mình thì hú vía, chạy mau ra khỏi sân khấu, toát hết mồ hôi hạt vì suýt nữa thì… văng tục!
***
THẾ LỮ, một ngôi sao sáng với nhiều thể lọa Văn học, còn rực rỡ mãi trong văn đàn của nước nhà.
… Và cũng từ “Kịch Cưỡng“ mà thấy thấm thía  hơn với câu Ngạn ngữ: “Hãy uốn lưỡi 9 lần trước khi Nói”!
*Kịch Cưỡng và kịch Cương đều nhằm mục đích khai thác tối đa yếu tố Hài trong lời thoại. Tuy nhiên khác nhau ở Kịch Cương thì tất cả lời thoại đều có trong kịch bản, còn Kịch Cưỡng thì có bất ngờ như bài viết trên.

Chuyện làng quê
 

Bạn đang đọc bài viết "Kịch cưỡng" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn