Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 56)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.           

Kỳ 56

Tháng 11-1988 Ủy ban Trung ương xác định thành viên của 6 ban. Trong 131 thành viên của các ban, có 3 ủy viên trung ương, 35 ủy viên dự khuyết Trung ương, 11 người ở ủy ban kiểm tra trung ương, 5 người là Bí thư thứ nhất của Ủy ban Trung ương Đảng ở các nước Cộng hòa, không phải là ủy viên trung ương nhưng là thành viên của ủy ban kiểm tra. Thực chất của cải tổ cơ cấu trung ương là làm suy yếu Ban bí thư và các ban chức năng. Sau khi cải tổ ở Trung ương, tháng 10 năm 1988 tiến hành cải tổ cơ cấu ở các địa phương, ở Ủy ban Trung ương Đảng các nước Cộng hòa, các tỉnh ủy thuộc Liên bang Nga, các biên khu ủy. Ở địa phương cũng noi theo cách sắp xếp cơ cấu ở trung ương nhưng qui mô nhỏ hơn. Cơ cấu các tỉnh giống như ở các nước Cộng hòa.

Cải cách cơ cấu Đảng làm cho cán bộ Đảng giảm mạnh. Ở cơ quan trung ương giảm 40%, trung ương các nước Cộng hòa và thành ủy Matxcova, Lêningrat giữa các tỉnh ủy giảm 30%[1].

Cải tổ làm biến động lớn trong hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở Trung ương. Tháng 4-1985 bầu Rưgiơcốp, Ligachốp vào Bộ Chính trị. Tháng 7-1985 Ramannốp bị cách chức, Sevatnatde vào Bộ Chính trị. Tháng 10-1985, Tikhônốp bị cách chức. Tháng 2-1986, 5 người trong đó có Lacốp và Sliucốp vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tháng 9-1988, 5 người trong đó có Grômưcô, Xôcômenxép mất chức, 5 người trong đó có Métvêđép được vào Bộ Chính trị Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tháng 4-1989 Grômưcô và 110 ủy viên Trung ương Đảng đệ đơn nghỉ hưu và được chấp nhận, 24 ủy viên Trung ương dự khuyết được bầu làm ủy viên chính thức. Hạt nhân Bộ chính trị và Ban Bí thư trước cho đến lúc đó. Toàn bộ ban lãnh đạo thời Brêgiênhép bị loại gần hết, chỉ còn có Goocbachốp và Sevatnatde.

Cuối 1988 cải tổ các cơ quan Đảng xong, Đảng không mạnh lên mà lại chứa đựng nhiều yếu tố khủng hoảng. Vai trò của Ban Bí thư bị thu hẹp, 1988 đã chấm dứt Hội nghị Ban Bí thư, quyền hành của Ban Bí thư chuyển cho 6 ủy ban Trung ương, thực sự chấm dứt chính sách của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô từ thời Stalin, những người đã giúp Ban Bí thư kiểm tra hoạt động của tất cả các cơ quan khác trong bộ máy chính quyền.

Những cải cách tổ chức cơ cấu, nhân sự của Đảng Cộng sản Liên Xô đã làm thay đổi địa vị và tác dụng của Đảng. Hội nghị XIX tách riêng chức năng của Đảng và chức năng cơ quan nhà nước. Đảng trở về với sứ mệnh ban đầu của mình, tức là đội tiên phong chính trị của xã hội, có chức năng nghiên cứu, vạch ra lý luận, chiến lược, sách lược, chính sách tư tưởng, công tác cán bộ và quần chúng. Đảng thông qua đảng viên các cơ quan nhà nước và các cơ quan kinh tế, tổ chức xã hội và tập thể lao động quán triệt phương châm chính trị của Đảng.

Việc đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Liên Xô được đạo luật cơ bản - Hiến pháp năm 1977 của Liên Xô ghi nhận.

Điều 6 của Bản Hiến pháp này đã ghi: “Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và chỉ đạo xã hội Xô Viết, là hạt nhân của thể chế chính trị Xô Viết và mọi cơ quan nhà nước và các đoàn thể xã hội”.

Thế nhưng tháng 3-1990, Đại hội đại biểu nhân dân bất thường lần thứ 3 của Liên Xô đã thông qua quyết định sửa đổi: “Đảng Cộng sản Liên Xô, các chính Đảng khác và Công đoàn, đoàn thanh niên, các đoàn thể xã hội và phong trào quần chúng khác thông qua việc lựa chọn đại diện của mình vào các Xô Viết, đại biểu nhân dân dùng các hình thức khác nhau tham gia vào việc vạch ra các chính sách của nhà nước Xô Viết, quản lý nhà nước và công việc xã hội”.

Sửa đổi điều 6 Hiến pháp Liên Xô, đúng như TASS đã nhận xét “Trên thực tế Liên Xô đã đặt nền móng thực hiện chế độ đa đảng”. Trung tâm quyền lực nhà nước dần dần chuyển sang Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô và quyền thực tế quy về Đoàn Chủ tịch. Địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô dần dần suy yếu.

Sự chuyển hóa chính trị - tư tưởng của Ban lãnh đạo Đảng, sự suy giảm địa vị cầm quyền, sự đặt nền móng cho chế độ đa Đảng đã thúc đẩy qúa trình phân hóa về tư tưởng và phân liệt về tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô. Uy tín của Đảng bị giảm sút. Nhân dân hoài nghi khả năng Đảng có thể lãnh đạo thành công công cuộc cải tổ. Số Đảng viên xin ra Đảng nhiều, ngay năm 1989 có 14 vạn Đảng viên xin ra Đảng. 1-1990 Đảng có 19 triệu Đảng viên, đến tháng 6-1990 còn 18 triệu. Kèm theo đó là xu hướng muốn Liên bang hóa Đảng, Đảng ở các nước Cộng hòa muốn trở thành Đảng tự chủ, muốn phân chia Đảng theo đặc tính dân tộc.

Trong Đảng phân biệt thành ba khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất là phái truyền thống, muốn cải tổ trên cơ sở truyền thống và nguyên tắc của Đảng. Chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng tiên phong, chế độ công hữu chiếm vai trò chủ đạo, giữ vững khối liên minh với các nước Xã hội Chủ nghĩa.

Phái thứ hai muốn đưa đất nước theo con đường dân chủ tư sản, tuyên bố không theo chủ nghĩa nào, tư nhân hóa hoàn toàn tư liệu sản xuất, từ bỏ liên minh với các nước Xã hội Chủ nghĩa và lập Đảng hoạt động kiểu Đảng nghị viện.

Phái thứ ba là khuynh hướng trung dung, đi theo di sản Mác - Lênin, tiếp thu truyền thống và kinh nghiệm của Đảng Xã hội dân chủ, muốn tư nhân hóa phần lớn tư liệu sản xuất.

Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đứng đầu là Goocbachốp chủ trương thỏa hiệp, duy trì sự thống nhất của tất cả các xu hướng đối lập trong Đảng bằng cương lĩnh “Chủ nghĩa Xã hội dân chủ và nhân đạo”.

Bên cạnh đó, các xu hướng, các tổ chức, các Đảng Chính trị đối lập với Đảng Cộng sản được tư tưởng đa nguyên, đa Đảng cổ vũ mọc lên như nấm. Đảng xã hội, Đảng dân chủ Nga, Đảng độc lập Grudia, Đảng dân chủ Udơbếch Kixtan, Đảng Cộng hòa Ucraina, Đảng dân chủ lập hiến, Đảng xã hội dân chủ Grudia... Khuynh hướng tư tưởng của các Đảng phái này khác nhau nhưng họ có mục đích chung là muốn thay đổi chế độ chính trị ở Liên Xô, muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Những hoạt động của họ mang hình thức cuộc đấu tranh giành chính quyền. Chế độ đa Đảng là sản phẩm của cuộc cải tổ thất bại ở Liên Xô.

(Còn nữa)

CVL

----------------------

[1] Du Thúy: Mùa Đông và mùa Xuân Matxcova - Chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 141.