Kỳ 55
2. CẢI CÁCH THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ
Cải tổ Đảng Cộng sản Liên Xô: Cải cách là một sự đổi mới, cho nên có cán bộ chống lại, bám lấy cơ chế cũ để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của mình. Đó là một quy luật. Để thúc đẩy sự nghiệp cải cách, đầu tiên phải sắp xếp, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ các cấp. Sau khi lên chức Tổng bí thư, Goocbachốp đặt công việc chỉnh đốn các bộ lên vị trí hàng đầu. Hội nghị 1-1987 Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tập trung vào nhiệm vụ này. Ngay từ khi bắt đầu cải cách, hạt nhân lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô bắt đầu có biến động, để hình thành một ban lãnh đạo mới phù hợp với cải tổ.
Việc Goocbachốp lên đảm nhận chức vụ cao nhất, đánh dấu bước chuyển tiếp hai thế hệ lãnh đạo của Liên Xô. Nhưng trong ban lãnh đạo Trung ương không phải tất cả đều nhất trí, nhiều người tuổi tác đã cao, cần phải điều chỉnh. Tháng 4 và tháng 7-1985 hai lần biến đổi nhân sự quan trọng và tháng 10-1985 đã thay đổi những người lãnh đạo chủ yếu của nhà nước, chính phủ và Đảng. Biến động nhân sự khi Goocbachốp mới lên cầm quyền chỉ là thử nghiệm bước đầu, từng bước chuẩn bị cho sự gạt bỏ phái chống đối ông ta.
Hội nghị Trung ương tháng 4-1985 bổ sung ngay 5 người vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Hội nghị Ủy ban Trung ương tháng 7 đã gạt Rômanốp, đối thủ chủ yếu của Goocbachốp, bầu Sevatnatde vào Bộ Chính trị để làm Bộ trưởng ngoại giao. Hội nghị bầu bổ sung hai ủy viên ban Bí thư như Dai cốp, nắm công nghiệp quốc phòng.
Nửa năm 1985 đã tiến hành ba đợt điều chỉnh, liên quan đến 12 người. Song, Ban lãnh đạo Trung ương khi đó chưa hoàn toàn phù hợp với mong muốn của Goocbachốp và Ban Bí thư, vẫn còn những người cao tuổi như Grisin, Cunaep.
Các ủy viên Bộ chính trị và Ban Bí thư được bầu đều ủng hộ đường lối của Goocbachốp, có trình độ chuyên môn và trẻ. Nguyên nhân làm cho Goocbachốp thay đổi nhân sự dễ dàng vì đáp ứng nguyện vọng tâm lý muốn đổi mới của nhân dân.
Sau khi cải tổ kinh tế thất bại, Ban Lãnh đạo Liên Xô chuyển sang cải cách thể chế chính trị. Goocbachốp cho rằng: những cuộc cải cách trước đây giữa những năm 50 và đầu những năm 60 của Khơ rút sốp thất bại vì không cải tổ hệ thống chính trị. Vấn đề cải tổ hệ thống chính trị xã hội Xô Viết thành điều kiện quyết định cuộc cải tổ. Vì quan niệm như vậy mà các nhà lãnh đạo Liên Xô đã chuyển hướng từ cải cách kinh tế sang cải cách thể chế chính trị, lấy cải cách chính trị làm then chốt cho toàn bộ cuộc cải cách.
Ngay từ tháng 1-1987, Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô họp bàn về chính sách cán bộ và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lấy cơ sở ủng hộ cải tổ để làm tiêu chuẩn đánh giá loại trừ hay cất nhắc cán bộ. Tháng 5-1987 Goocbachốp trong bài nói chuyện ở thành phố Cratxnôđa, cải tổ là cuộc cách mạng chính trị. Từ đây ban lãnh đạo Liên Xô tuyên bố “dân chủ không có vùng cấm” đẩy mạnh phê phán truyền thống quá khứ, phê phán sai lầm thời Stalin, trấn áp các lãnh tụ Đảng thời Đại hội lần thứ 17. Tháng 5-1987, theo báo cáo của Goocbachốp, Liên Xô đã thay thế 60% cán bộ cấp trưởng, 61% cấp thứ trưởng và Chủ tịch, 63% cấp Bí thư thành ủy, quận ủy[1].
Trong sự đảo lộn đó, nhiều phần tử xét lại, cơ hội đội lốt “ủng hộ cải tổ” đã chui sâu, leo cao vào bộ máy lãnh đạo các cấp Đảng và nhà nước.
Hội nghị toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô (28-6 đến 1-7-1988) xác định phương án tổng thể trong cải cách thể chế chính trị. Một nhiệm vụ quan trọng của phương án là cải tổ cơ cấu Đảng dưới khẩu hiệu tách chức năng Đảng ra khỏi chính quyền. Tháng 7-1988 Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ra “Nghị quyết: về phương châm cơ bản cải cách cơ cấu Đảng”.
Cải tổ cơ cấu Đảng Cộng sản Liên Xô được thực hiện từ trên xuống, trước hết ở Ban Bí thư và các ban chức năng. Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây có 20 ban, tinh giảm còn lại 9 ban, loại bỏ 7 ban chức năng kinh tế trùng lặp với các cơ quan chính phủ: như Ban công nghiệp hóa chất, Ban công nghiệp nặng và năng lượng, Ban xây dựng, Ban công nghiệp nhẹ và tiêu dùng, Ban chế tạo máy, Ban thương nghiệp và dịch vụ đời sống, Ban vận tải và bưu điện. Từ 9 ban sau đó rút lại còn 6 ban: Ban xây dựng Đảng Chính sách cán bộ trước là 3 ban), Ban tư tưởng (trước là 4 ban), Ban chính sách quốc tế (trước là 2 ban), Ban chính sách pháp luật, văn phòng và Ban quản trị, Ban công nghiệp quốc phòng. Ngoài 6 ban còn có các ủy ban tương ứng nhưng các ủy ban dần đến tê liệt.
Dưới ủy ban Trung ương có 6 ban thường trực là các ban chuyên môn của Trung ương: Ban xây dựng Đảng và Chính sách cán bộ, Ban tư tưởng, Ban chính sách kinh tế xã hội, Ban chính sách nông nghiệp, Ban chính sách quốc tế, Ban chính sách pháp luật. Trưởng các ban này do Ủy viên Bộ chính trị hoặc Ủy viên dự khuyết bộ Chính trị kiêm Bí thư Trung ương phụ trách.
(Còn nữa)
CVL
[1] Nguyễn Đỗ Hoàng, Bàn về diễn biến hòa bình, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1992, trang 58.