Ti vi ký sự

Bây giờ chuyện mua một cái ti vi đối với nhiều gia đình có thu nhập  bình thường là một việc cũng  "bình thường". Với những nhà khá giả thì mỗi phòng một cái tivi xịn là chuyện cũng rất bình thường, xem chán cái này lại đổi cái khác to hơn, đời mới hơn, nhiều tính năng hơn, xịn hơn. Tóm lại cái tivi là một vật dụng rất bình thường trong mỗi gia đình tùy theo túi tiền của mỗi nhà.
ti-vi-1635821791.jpg
Ảnh do tác giả sưu tầm

 

Nhưng bốn mươi, năm mươi năm trước thì không phải là như vậy. Cái tivi lúc bấy giờ gọi là vô tuyến không những  là một món đồ xa xỉ mà trong mắt lũ trẻ con chúng tôi thì đó đích thị là một kỳ quan.

  Ngày 7/9/1970 là ngày phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam nhưng phải đến bốn năm sau tôi mới được xem vô tuyến trên cái Neptune của nhà ông hàng xóm vào loại khá giả lúc bấy giờ. Bọn trẻ con chúng tôi cứ thắc mắc tại sao cô phát thanh viên lại nói được trong cái hộp ấy, người lớn đùa rằng cô ấy chui vào đó và chúng tôi vòng ra sau xem có phải là vậy không, chẳng thấy cái gì cả và cứ ôm nỗi niềm thắc mắc ấy, coi nó như một kỳ quan thực sự.

 Khỏi phải nói nhiều về sự thích thú vô cùng với cái vô tuyến và các chương trình hàng ngày trên đó nhất là chương trình "những bông hoa nhỏ". Tối thứ tư, chủ nhật chiếu phim truyện, tối thứ bẩy có sân khấu truyền hình nhất là kịch cải lương thì cả xóm kéo đến xem, cái vô tuyến hôm ấy chủ nhà phải quay ra ngoài sân phục vụ như bãi chiếu bóng.

 Kể về chuyện cái vô tuyến thời đó quý hiếm thế nào, sự háo hức, đói chương trình giải trí của mọi người ra sao thì có lẽ hơi thừa vì ai đã sống qua thời ấy đều nhớ cả. Tôi chỉ muốn kể về những gì đặc biệt với tôi thôi.

 Năm 1974 World Cup bóng đá được tổ chức tại Tây Đức ( CHLB Đức) sau đó khoảng một tháng nhà Đài có băng và phát lại vào buổi sáng. Mê bóng đá từ bé nhưng đây là lần đầu tiên được xem bóng đá trên truyền hình , lại là giải vô địch bóng đá thế giới chất lượng cực kỳ cao ( vòng chung kết bấy giờ chỉ có 16 đội) . Cho đến bây giờ World Cup 1974 với những đội bóng Tây Đức, Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Brazil ...với những cầu thủ xuất chúng như: Beckenbauer, Johan Cruyff, Gerd Muller, Lato , Sarmak, Tomasepxki, Seep Meier vẫn là một trong những World Cup cảm xúc nhất trong những giải đã được tổ chức.

 Tiếp theo là World Cup 1978 ở Argentina với siêu sao Mario Kempes ,lần đầu tiên được chứng kiến quang cảnh một trận chung kết theo phong cách Nam Mỹ cuồng nhiệt, khán giả ném hoa giấy suốt trận đấu khiến cho khung cảnh sân vận động có cái gì đó rất siêu thực.

  Rồi đến kỷ nguyên của truyền hình trực tiếp. Đầu tiên là được xem trực tiếp Olimpic Moskva 1980. Lễ khai mạc năm đó thật là ấn tượng. Nói chung tất cả những gì diễn ra đều nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi từ tính nghệ thuật, độ hoành tráng và công nghệ trình diễn. Lúc ấy nước ta vô cùng khó khăn và nghèo đói lạc hậu thì nhìn thấy những cảnh ấy thật choáng ngợp và tự hỏi không biết là đến bao giờ nước ta mới được như họ.

  Cuối năm 1981 Thầy tôi qua đời, cảnh nhà buồn lắm. Anh cả tôi quyết định bán con lợn để mua một chiếc tivi chạy ắc quy màn hình 9 inches, những năm ấy điện rất phập phù, tivi ắc quy mới dùng được chứ tivi điện tử chỉ để trang trí cho đẹp. Và thế là đã có thể ngồi xem tại nhà và phục vụ bà con vào cuối tuần.

 World Cup Espana 1982 là World Cup đầu tiên được truyền hình trực tiếp, khi đó tôi đang học ôn thi đại học ở Hà Nội nhưng vẫn xem không sót trận nào. May mà vẫn đỗ. Đấy là lần đầu tiên Maradona thiên tài đá ở World Cup , bị Gentile đánh cho lên bờ xuống ruộng  và đội tuyển quốc gia Italy 🇮🇹 của Beazzot cáo già đã đoạt chức vô địch lần thứ ba.

   Sau này đã xem  những Olimpic mùa hè, mùa đông  World Cup, Seagame...tiếp theo nhưng tất cả chỉ mang tính giải trí , những cảm xúc tuyệt vời đến nổi da gà chỉ có ở  lần đầu tiên mà thôi.

   Quy luật sinh diệt có lẽ cũng không ngoại lệ với cái tivi. Con tôi nó vừa nói với tôi :

- Bố chuyển cái tivi ra khỏi phòng con đi!

- Sao vậy? Con không xem nữa à?

- Vâng! Bây giờ con xem tin tức ở trên mạng, xem ca nhạc và phim qua tài khoản nên không cần tivi nữa.

- Thôi cứ để đấy cho đẹp, chuyển ra bây giờ cũng không biết cất vào đâu.

  Nếu các nhà Đài không chịu khó đổi mới thì ngành truyền hình rồi sẽ đến lúc chết hoặc thoi thóp như báo giấy và cái tivi sẽ bị xếp vào hoài niệm như bao đồ dùng của thời 1.0 ; 2.0 mới cách đây chưa xa.

Theo Chuyện làng quê