Nâng cao nhận thức
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam là một trong những nước có chỉ số xếp hạng tiến nhanh về bình đẳng giới (trên 4 khía cạnh chính bao gồm kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị) thông qua sự gia tăng chỉ số Trao quyền Chính trị từ ngưỡng 13,5% của năm 2022 lên 16,6% trong năm 2023 nhờ có sự xuất hiện của các bộ trưởng là nữ. Đặc biệt, Việt Nam được ghi nhận là bình đẳng hoàn toàn về tỷ lệ phụ nữ làm công nhân kỹ thuật và phụ nữ kiếm được 81,4% thu nhập.
Có được kết quả này là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bình đẳng giới, sự vào cuộc thực chất của hệ thống chính trị và các đoàn thể xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Các Chương trình, dự án về bình đẳng giới được ban hành và thực hiện, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi, góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Trong những ngày qua, hầu hết các địa phương, ban ngành đều tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, đã tổ chức Lễ phát động, diễu hành, mít tinh, các cuộc tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại, giao lưu, hội thi, tập huấn... tạo nên những điểm nhấn đặc biệt, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới nhằm chuyển đổi hành vi. Đây thực sự là ngày hội của những người làm công tác bình đẳng giới và những người khao khát hướng tới một xã hội nam nữ bình đẳng.
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, Tháng hành động còn là dịp tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sáng tác, sân khấu hóa về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới. Cùng với đó là nhiều hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng được tổ chức.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong công tác bình đẳng giới. Với tỷ số giới tính khi sinh như số bé trai trên 100 bé gái trong tổng số trẻ sinh ra đang ở mức thấp, thể hiện sự mất cân bằng giới tính, bất bình đẳng giới khi sinh, từ đó dẫn đến tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và nhiều quan niệm khác về nữ giới, khiến cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng giới vẫn còn khá khó khăn. Điều đó cũng khiến tiến độ đạt tới bình đẳng giới trên thế giới, cũng như của Việt Nam bị chậm lại so với dự đoán “131 năm nữa để đạt được tình trạng bình đẳng với đàn ông”.
“Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái", Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhận xét.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp
Đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu về bình đẳng giới đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần, 2 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
Tuy nhiên, 4 chỉ tiêu còn khoảng cách nhất định với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Đặc biệt là tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng. Việc thí điểm triển khai cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới còn gặp những khó khăn.
Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn duy trì động lực thúc đẩy bình đẳng giới và đạt được 4 thành tựu nổi bật trong thời gian qua. Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra những tồn tại như bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn hạn chế. Đội ngũ cán bộ luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác này.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thường xuyên cho công tác bình đẳng giới nói chung và cho việc thực hiện Chiến lược và các chương trình riêng về bình đẳng giới vẫn còn khiêm tốn, nhiều bộ ngành, địa phương chưa bố trí được dòng ngân sách riêng...
Trước thực tiễn trên, theo Bộ trưởng, Chính phủ đề ra 9 giải pháp gồm: Thứ nhất, tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới; nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi); phối hợp hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, nâng cao năng lực lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ.
Bốn là tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia.
Năm là rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đối với các mục tiêu, chỉ tiêu nếu cần. Nhận diện vấn đề giới mới nổi để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Sáu là xây dựng, lồng ghép Cơ sở dữ liệu thống kê về giới trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; nâng cao chất lượng công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới.
Bảy là chú trọng công tác truyền thông, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền thông về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.
Tám là tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Chín là tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về bình đẳng giới; thực hiện tốt vai trò Thành viên Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025 - 2027.