Nặn tò he, khoe bản sắc

Với mục đích góp phần vào việc lưu giữ truyền thống văn hoá dân tộc, tạo sân chơi cho các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm thứ đồ chơi chim cò – từng là món đồ chơi tuổi thơ của biết bao thế hệ, gánh Tò He - nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị truyền thông tổ chức workshop “Nặn tò he – khoe bản sắc”.
ve-ngo-nghinh-cua-to-he-1669098511.jpg
Vẻ ngộ nghĩnh của tò he

Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Từ bàn tay khéo léo và tâm huyết, những người nặn tò he làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã “biến” thứ bột nặn thành những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, đa sắc màu. 

  Nặn tò he có nguồn gốc lâu đời nhưng do tư liệu chép đã bị cháy nên không tìm ra được ông tổ nghề. Hơn nữa, trong làng có rất nhiều dòng họ: Ðặng, Nguyễn, Vũ, Lê, Chu, Trịnh... mà họ nào cũng biết nặn tò he. Vì thế, chức danh ông tổ nghề được phong cho dòng họ nào cũng xứng đáng cả.

    Ðể nặn ra tò he chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống nông dân. Ðó là những sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay họ làm ra: bột gạo, phẩm mầu, que tre. Giai đoạn làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ theo tỷ lệ 1 kg gạo tẻ với 1 lạng gạo nếp. Nhào bột với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, vê thành cục. Cho cục bột vào nồi nước đang sôi để một giờ đồng hồ đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội bột, và nhuộm màu cho bột.

     Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ cây nhà lá vườn: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc, màu đen thì dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá riềng hoặc lá trầu không; các màu sắc trung gian khác đều được phối từ bốn màu cơ bản trên. Ðiều đáng nói ở đây là màu rất bền, không bị loang ra, màu nào vẫn giữ nguyên màu đó khi ta đem trộn lẫn chúng vào nhau.

nghe-nhan-tre-dang-van-hau-1669098511.jpg
Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu

Thế nhưng, nghề nặn tò he nói chung và các làng nghề truyền thống nặn tò he nói riêng đã và đang dần bị mai một do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Nguồn thu từ nghề nặn tò he không đủ để nuôi sống gia đình nên nhiều người lựa chọn bỏ nghề để làm công việc khác. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ: “Ngày xưa đi các lễ hội ở các làng thì nghệ nhân sẽ đem các sản phẩm tò he đến nặn trực tiếp, bán cho mọi người và nó dần trở thành thứ đồ chơi phổ biến của trẻ em. Thế nhưng do xuất hiện ngày càng nhiều đồ chơi hiện đại, tò he dần không bán được dẫn đến nhiều người chán nản muốn bỏ nghề. Chính vì vậy mà người theo nghề nặn tò he càng ngày càng giảm và món đồ chơi này cũng dần trở nên thiếu vắng trên thị trường. Đó cũng là lý do vì sao thế hệ trẻ ngày nay ít ai biết đến tò he”. 

Workshop “Nặn tò he – khoe bản sắc” chính là cầu nối đưa các bạn trẻ đến gần hơn với loại hình đồ chơi truyền thống này. Không chỉ giúp khán giả hiểu hơn về một loại hình nghệ thuật đặc sắc, các bạn trẻ còn được trải nghiệm nặn tò he theo sáng tạo của riêng mình. 

Workshop “Nặn tò he – khoe bản sắc” được tổ chức tại B59 Coffee (59 Khương Trung – Thanh Xuân – Hà Nội) vào lúc 14h00, thứ 7, ngày 26/11/2022. Chương trình có sự góp mặt của các khách mời: TS. Trịnh Lê Anh – MC/BTV của VTV, nghệ nhân Đặng Văn Hậu – một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất đạt danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” và TS Nguyễn Thanh Mai – giảng viên khoa Văn hoá học của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. 

Workshop hứa hẹn sẽ đem đến cho các bạn một trải nghiệm khó quên, không chỉ đơn giản là nặn tò he mà khán giả đến với chương trình còn được đắm chìm trong không gian văn hoá, đậm chất làng quê Việt.