Khó khăn chung cũng ập tới các đoàn làm phim. Kinh phí làm phim bị cắt xén. Đạo diễn, quay phim, phục trang, đạo cụ - Ai cũng phải nhao ra đường kiếm sống. Diễn viên nổi tiếng như Chí Trung có ông bố là danh ca lừng lẫy cũng phải đi buôn. Ông này đẳng cấp nên buôn xe máy, mặt hàng đòi hỏi vốn nhiều và phải có kiến thức về xe, nhất là dạng xe bãi do các thủy thủ tàu viễn dương mang từ Nhật về..
Hệ thống rạp chiếu phim tại Hà Nội cũng xập xệ, nhiều rạp tự cứu bằng cách mở thêm các loại hình dịch vụ khác hoặc cho thuê làm sàn nhảy, bán đồ điện máy.
Tôi có anh bạn quen từ thủa thiếu niên. Anh này là thương binh về làm công tác Đoàn rồi chuyển sang Trưởng rạp Dân Chủ ở số nhà 211 Khâm Thiên.
Rạp Dân Chủ khi đấy cũng lâm vào tình cảnh khó khăn thời bao cấp. Các buổi chiếu phập phù và CBCNV của rạp cũng “Chân ngoài dài hơn chân trong”.
Vậy là mấy anh em bàn với nhau, quyết định rạp Dân Chủ sẽ có thêm các suất chiếu VIDEO ngoài giờ chiếu phim nhựa. Tôi cùng ông anh vợ chung vốn mua một bộ VIDEO của Nhật. Chiếc đầu đọc băng đời bãi rác và chiếc ti vi điện tử JVC 49 in, to đùng, đặt vừa thùng xe com-măng-ca mỗi khi di chuyển.
Hai anh em thay phiên nhau trực chiếu VIDEO tại rạp Dân Chủ.
Chiếc ti vi JVC điện tử đặt trên sân khấu. Người xem ngồi ở hàng ghế của rạp phim, từ xa vẫn nom rõ. Tín hiệu âm thanh được khuếch đại qua hệ thống tăng âm cũng loại hàng bãi. Tiếng nghe chát chúa, sống động hơn hệ thống âm thanh của rạp.
Chiếc đầu video đời bãi rác của Nhật. Mâm từ đã mòn, băng video lại cũ nên thỉnh thoảng bị bẩn đầu từ, máy không phát ra hình. Vì vậy vào buổi chiếu bao giờ chúng tôi cũng phải mở sẵn nắp để khi màn hình tắt ngấm là nhao lên lau đầu từ cho máy. Mâm từ sáng choang không thấy bám bẩn. Đối xứng ở mâm từ là 2 khe nhỏ lắp đầu từ (thiết bị đọc tín hiệu khi băng chạy qua mâm từ). Nhớ hồi đầu chưa có kinh nghiệm, chúng tôi lấy bông thấm cồn lau. Có hôm vì ẩu để sợi bông dính vào đầu từ khiến đầu video có chạy mà không lên hình. Loay hoay mãi. Sau phải mang ra ngoài soi kỹ mới thấy một sợi bông đang phất phơ cùng cái mâm từ. Về sau, mỗi lần đầu từ bị bần, chúng tôi lấy đầu lọc thuocs lá kê sát mâm từ rồi bật máy. Mâm từ quay, cặn bẩn dính vào khe từ cũng văng theo.
Cũng may dân Khâm Thiên dễ tính nên họ nhẫn nại chờ. Bây giờ chắc khác. Nhẹ thì nghe chửi, nặng thì “các vật thể lạ” sẽ thi nhau bay lên sân khấu.
Băng để chiếu chúng tôi vào chỗ anh Tịnh, Trưởng phòng Phát hành của FAFIM thuê. Băng đã được duyệt và dán tem phát hành. Chiếu ở rạp, không được phép tuồn loại băng trôi nổi ngoài thị trường vào.
Chúng tôi sau đấy cũng đặt bộ video tại Nhà văn hóa Thanh thiếu niên của quận. Anh Thành “vẩu” giám đốc và sau là chị Thúy Lan lên thay cũng hết lòng giúp đỡ việc chiếu video. Nhà văn hóa hàng đêm đều có phim mới phục vụ nhân dân, hơn hẳn hệ thống rạp chỉ quanh đi quẩn lại một số phim do FAFIM phát hành.
Thầy Quang “lủ” – Võ sư Lê Ngọc Quang, Tổng thư ký Hội võ thuật cổ truyền Hà Nội – vừa ở bộ đội về, khởi nghiệp ở võ đường đặt tại Nhà văn hóa. Thầy Quang và các võ sinh trợ giúp việc giữ dìn trật tự cho các buổi chiếu video. Không có lực lượng này thì không thể ngăn được những cô cậu choai choai muốn vào xem ké.
Sợ nhất là các cụ bô lão ở Quân khu Nam Đồng. Có hôm buổi chiếu bị dừng vì các cụ thấy đầu đề bộ phim là “1001 kiểu giết vợ”. Đây là bộ phim hài của Hồng Kông, chẳng có vụ giết người nào trong bộ phim nhưng người dịch muốn câu khách nên đặt cái tiêu đề cho nó giật gân. Bài học xương máu đấy cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ để cẩn trọng hơn trong cuộc sống.
Làm gì để mưu sinh trong khó khăn cũng được, nhưng không được để mất mình, không được làm trái những quy tắc, quy định trong cuộc sống.
Theo Chuyện làng quê